Trở Về Trang chính

Tuesday, March 15, 2011

Phùng Quán – Sức mạnh tất thắng của lòng trung thực và lý tưởng nhân văn

Phùng Quán đã thắng, mặc dù lúc đầu anh là một chiến sĩ tiền phong rất đơn độc. Đơn độc đến mức, khi anh cất tiếng “ghét ai cứ bảo là ghét” thì cái đáng ghét khu trú ngay ở những chốn uy nghi mà suốt bao năm ròng được cả một dàn đồng ca đại qui mô, đại hoành tráng liên tục dâng lên những lời yêu kính nồng say…

Nhà thơ Phùng Quán, 1992

Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét

Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu

Đấy là tuyên ngôn Sống, tuyên ngôn Thơ của Phùng Quán.

Đối với tôi, anh là tấm gương chiến sĩ – thi sĩ tiêu biểu hàng đầu trong cuộc chiến đấu trường kỳ cho một giá trị nhân văn cao quý nhất: con người trung thực, yêu tự do và dũng cảm chiến đấu cho tự do. Những câu thơ trên trích từ bài thơ “Lời Mẹ dặn” dung dị như đồng dao đi thẳng vào lòng người – mà theo tôi cần đưa ngay vào sách giáo khoa để giáo dục bồi dưỡng đức tính trung thực, tinh thần dũng cảm và lòng yêu tự do từ tuổi nhi đồng cho mọi con người. Chỉ với mấy câu có vẻ nôm na rất dễ hiểu dễ nhớ dễ thuộc nhưng thật thơ, Phùng Quán kiên quyết khẳng định : trung thực là một giá trị sinh tử đối với con người nếu muốn “được cho ra cái giống người”, như từ hàng trăm năm trước cụ Tú Xương đã chúc cho “vua quan sĩ thứ người muôn nước”. Và trung thực luôn phải gắn liền với tự do, đồng thời phải dũng cảm chiến đấu cho tự do, bởi vì khi đã quyết sống trung thực thì tất yếu phải đương đầu với dối trá, cũng tất yếu phải rất dũng cảm mới đương đầu nổi trong một xã hội mà dối trá đã kết thành thế lực. Và phải rất kiên trì, bởi vì cuộc chiến chống các thế lực dối trá là một cuộc chiến trường kỳ.

Trong cuộc chiến đấu trường kỳ ấy, Phùng Quán đã thắng.

Vâng, Phùng Quán đã thắng, mặc dù lúc đầu anh là một chiến sĩ tiền phong rất đơn độc. Đơn độc đến mức, khi anh cất tiếng “ghét ai cứ bảo là ghét” thì cái đáng ghét khu trú ngay ở những chốn uy nghi mà suốt bao năm ròng được cả một dàn đồng ca đại qui mô, đại hoành tráng liên tục dâng lên những lời yêu kính nồng say. Đã có rất nhiều bài viết kể rõ về giai đọan chiến đấu đơn độc ấy của anh, tôi khỏi cần nhắc lại. Nhưng tôi cũng thấy, ngay trong những năm tháng anh đơn độc nhất, đã xuất hiện sự chia sẻ tương tri tương đắc của những người mà có thể anh không biết tên : trên báo Nhân dân, nơi từng đăng cả một bài dài của tác giả Trúc Chi (bút danh của một cán bộ cao cấp về sau đã lưu vong sang Trung Quốc và bị kết án tử hình vắng mặt) thóa mạ thậm tệ bài thơ “Lời Mẹ dặn”, lại mở mục LÀM ĂN THẬT THÀ để tuyên truyền giáo dục sự trung thực, trước hết là cho cán bộ, đảng viên. Và, thật tuyệt vời, năm 1986, tôi thấy hồn thơ Phùng Quán hiển thị rạng rỡ trong một chủ trương có tính nền móng mở đầu văn kiện đại hội Đảng lần thứ 6, đại hội khởi phát công cuộc đổi mới : NHÌN THẲNG VÀO SỰ THẬT, NÓI ĐÚNG, NÓI RÕ SỰ THẬT. Và năm 1987, tổng bí thư Nguyễn Văn Linh phát biểu với văn nghệ sĩ: “Dù thế nào, các đồng chí cũng đừng uốn cong ngòi bút”. Lời phát biểu ấy chính là hiển thị hồn thơ Phùng Quán: “Tôi muốn làm nhà văn chân thật/ chân thật suốt đời (…)/Bút giấy tôi ai cướp giật đi/Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá”.

Phùng Quán viết “Lời Mẹ dặn” năm 1957.

Trước đó, năm 1956, anh viết “Chống tham ô lãng phí”. Anh chính là chiến sĩ – thi sĩ đầu tiên làm thơ chống tham ô lãng phí sau ngày hòa bình lập lại trên miền Bắc năm 1954. Bài thơ kết thúc bằng những lời kêu gọi và nguyện thề dõng dạc :

Trung ương Đảng ơi
Lũ chuột mặt người chưa hết

Đảng cần phải lập đội quân trừ diệt
Có Tôi !
Đi trong hàng ngũ tiên phong.

Tinh thần ấy, gần 40 năm sau, được Tổng bí thư Đỗ Mười khiêm tốn lắng nghe và tiếp thu, thể hiện trong bài trả lời phỏng vấn của báo Thanh Niên tại cuộc họp Quốc Hội ngày 16. 12. 1993 :

THANH NIÊN – Dạ thưa, trong thảo luận vừa qua, có một số đại biểu Quốc Hội cho rằng Nhà nước bất lực trong việc chống tham nhũng. Tổng bí thư nhận xét gì về ý kiến đó ?

TỔNG BÍ THƯ ĐỖ MƯỜI – Nhà nước bất lực, nhưng bây giờ Nhà nước chủ trương dân phải làm. Chúng ta đã chiến thắng được trên chiến trường. Bây giờ chính phủ ra lệnh và toàn dân đứng dậy thì tham nhũng không thể chạy được. Chính phủ ra lệnh mà dân không hưởng ứng thì mới khó. Bây giờ chính phủ ra lệnh thì toàn dân đứng dậy, nhất là thanh niên phải xung kích đi đầu.

Ý kiến Tổng bí thư Đỗ Mười phát biểu tại Quốc Hội cách đây 18 năm, giờ đây vẫn nóng bỏng thời sự.

Bất chấp mọi khổ nạn gây ra bởi những thế lực sợ sự thật, Phùng Quán đã sống và viết trọn đời đúng như lời thơ tuyên ngôn từ thời trẻ, thật là “nhất quán tận can trường” – như một vế trong đôi câu đối mà nhà khoa học Hà Sĩ Phu tiễn anh khi anh lên đường về cõi vĩnh hằng.

Phùng Quán tiêu biểu cho sự lựa chọn sống và viết của một bộ phận văn nghệ sĩ trí thức Việt Nam hơn nửa thế kỷ qua, song hành với một sự lựa chọn khác của một bộ phận hình như đông đảo hơn mà cách đây 130 năm nhà văn Nga An-tôn Sê-khốp đã mô tả đồng thời lay tỉnh giới trí thức Nga trong truyện ngắn “Người trong bao” : “Nhìn thấy và nghe thấy mọi người nói dối, và để cho thiên hạ bảo anh là ngu xuẩn chỉ vì anh đã nghe lời dối trá ấy, nhẫn nhục chịu đựng những sự lăng mạ khinh miệt, không dám nói thẳng rằng anh đứng về phía những người trung thực yêu tự do; và chính anh cũng nói dối, cũng nhăn nhở cười, chỉ cốt kiếm được miếng ăn, chỉ cốt được ấm vào thân với một chức tước hèn mọn nào đó chỉ đáng giá mấy đồng xu – không, không thể sống như thế mãi được !” và chiến sĩ – thi sĩ Việt Nam Thanh Thảo cách đây 3 năm đã mô tả trong bài thơ “Lại chào đất nước” viết năm 2008 : “Cứ tự dán băng keo vào miệng/Con gọi Mẹ chỉ còn nghe ú ớ/Yêu Tổ Quốc chỉ còn nghe ú ớ”.

Năm 2007, năm mươi năm sau “Lời Mẹ dặn”, Phùng Quán được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Giải thưởng này chính là sự tôn vinh của đất nước, của nhân dân đối với phẩm chất chiến sĩ – thi sĩ trung thực yêu tự do và dũng cảm chiến đấu cho tự do mà Phùng Quán là đại diện tiêu biểu. Giải thưởng này chứng tỏ hùng hồn sức mạnh tất thắng của lòng trung thực và lý tưởng nhân văn.

Đà Lạt 15. 01. 2011.

BMQ

nguyentrongtao.org

No comments:

Post a Comment