“Thất vọng, đau đớn bởi vì gần một trăm ngàn tỷ của dân mà giống như bọt bèo vậy không ai chịu trách nhiệm cả. Trong khi tôi ra ăn trộm một chiếc xe đạp ngoài đường là bị tống giam liền nhưng một trăm ngàn tỷ của dân thì chẳng ai chịu trách nhiệm cả. Theo tôi nghĩ thì điều đó là một tuyên bố vô trách nhiệm. Hỏi bất kỳ người nào thì sự bất mãn là đều có hết. Không ai đồng tình với quyết định đó cả nhưng xã hội này phải chấp nhận thôi bởi vì người ta khẳng định như vậy mà dân không có cơ sở thì phải thua thôi!” - Giáo sư Hà Văn Thịnh, Đại Học Huế. Mặc Lâm, biên tập viên RFA, Bangkok - Bộ Chính trị đã quyết định không xử lý kỷ luật đối với các tập thể, cá nhân trong Chính phủ có liên quan đến những sai phạm của Vinashin. Photo courtesy of Vinashin – Tàu vận tải biển do tập đoàn Vinashin đóng trước đây.Vinashin sai phạm chưa đến mức kỷ luật?
Trong phiên họp cuối cùng của quốc hội khóa 12 Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết, Bộ Chính trị đã quyết định không xử lý kỷ luật đối với các tập thể, cá nhân trong Chính phủ có liên quan đến những sai phạm của Vinashin. Dư luận trước quyết định này ra sao?
Chính phủ nâng đỡ mọi cách
Khi nhắc đến Vinashin người ta thường hình dung một tập đoàn kinh tế nhà nước khổng lồ có vốn kinh doanh hàng tỷ đô la và công nhân làm việc cho nó lên đến hàng chục ngàn người.
Tập đoàn Vinashin trên danh nghĩa là kinh doanh đóng tàu và các lĩnh vực hàng hải, tuy nhiên trong thời gian trước ngày sụp đổ, tập đoàn này đã kinh doanh tràn lan sang các ngành khác không đúng chức năng của nó. Tập đoàn Vinashin được chỉ đạo trực tiếp từ văn phòng thủ tướng chính phủ và những đơn vay vốn của nó thường được dễ dàng thông qua bất kể đồng tiền mà nó nhận có được nó xử dụng đúng mục đích hay không.
Chính phủ đã nâng đỡ tập đoàn này bằng mọi cách trong đó có bán trái phiếu ra ngoại quốc để cung cấp cho Vinashin 750 triệu đô la vào những ngày cuối cùng trước khi nó sụp đổ. Số tiền này sau đó được Ban quản trị chi vào mục đích gì, cho ai vẫn là câu hỏi nằm trên bàn giấy Thủ tướng Chính phủ. Không những thế chính phủ còn yêu cầu các ngân hàng khoanh nợ cho Vinashin, những món nợ quá hạn bị chính phủ âm thầm ra lệnh làm ngơ không công khai trước dư luận vì sợ ảnh hưởng giây chuyền. Những hành động này trái với pháp luật và đã thúc đẩy thêm hàng loạt sai phạm khác khiến con tàu Vinashin không còn phương hướng.
Vinashin được cấp đất một cách hào phóng trên mọi miền đất nước, Từ Quảng Ninh đến Cà Mau không nơi nào là không có đất của Vinashin và cứ mỗi lần tập đoàn này lên tiếng yêu cầu thì hình như không một ai có thể cản trở.
Tính từ năm 2006 cho đến cuối năm 2009 chính phủ đã chỉ thị giao cho Vinashin quản trị một nguồn vốn lên đến gần 4 tỷ Mỹ kim. Số vốn vay ưu đãi này nhằm giúp cho tập đoàn lấy lại ưu thế của một tập đoàn mũi nhọn kinh tế quốc gia nhưng sau một thời gian ngắn số tiền này đã bị chi vào những nơi không được xem là sản xuất. Với 200 công ty con ra đời và các dự án như nhiệt điện, thủy điện, xi măng, thép, bảo hiểm cùng với các khu nghỉ mát, triển lãm nói chung không dính gì tới các dự án mà tập đoàn này xin kinh doanh.
Tuy đồng vốn mà Vinashin có được không sử dụng đúng với chức năng của tập đoàn nhưng mọi sai phạm đều bị bỏ qua một cách khó hiểu.
Thật ra việc bổ nhiệm tất cả những vị trí quan trọng nhất của Vinashin đều do Thủ tướng trực tiếp chỉ định, từ Giám đốc điều hành cho tới Ban quản trị Tập đoàn đều do nhà nước chỉ định do đó nếu cấp dưới lạm quyền hay có những biểu hiện sai trái thì trách nhiệm trước nhất phải là người bổ nhiệm những vị trí này.
Ông Hà Văn Hiền chủ nhiệm ủy ban kinh tế của Quốc hội trong một lần trả lời phỏng vấn của báo chí trước câu hỏi, sự việc ở Vinashin đã được cảnh báo nhưng vẫn để kéo dài mà đến khi xử lý thì hậu quả cũng khá nặng nề, liệu có phải là do bao che hay không, ông Hà Văn Hiền cho rằng: “Vấn đề là do quản lý chưa chặt chẽ và bản thân Vinashin thì báo cáo sai sự thật, quản lý cũng chưa tốt dẫn đến tình trạng đầu tư dàn trải, quy trình ra quyết định đầu tư không chuẩn… Rồi có cả vấn đề bố trí cán bộ trong doanh nghiệp dẫn đến khó khăn của Vinashin.”
Câu trả lời của một đại biểu quốc hội không thể làm dư luận thỏa mãn vì trước đó khá lâu, Ủy ban thanh tra chính phủ đã nhiều lần tổ chức thanh tra kiểm toán tập đoàn này nhưng vẫn không làm sao có thể tiếp cận được những con số chính xác vì các quan chức của tập đoàn không cung cấp đầy đủ theo như yêu cầu.
Bà Phạm Chi Lan, nguyên cố vấn Văn phòng Thủ tướng cho biết nhận xét của bà về trách nhiệm của những viên chức có liên quan như sau:
“Những viên chức liên quan ở các bộ các ngành khác nhau mà được nhà nước giao cho việc giám sát Vinashin mặt này mặt khác cũng phải có trách nhiệm liên đới, vì ít nhất họ không thực hiện đúng trách nhiệm giám sát của họ để dẫn đến đổ vỡ như vậy. Nếu có một hệ thống giám sát tốt hơn, nghiêm ngặt hơn thì có lẽ nó cũng không đến nỗi quá tệ như đến lúc Vinashin bị phát hiện là sụp đổ và nhà nước phải thừa nhận. Cho đến bây giờ thanh tra nhà nước vẫn đang chờ Vinashin giải trình một số việc và vì vậy tơi nghĩ việc điều tra cho đến cùng để kết luận trách nhiệm những người liên quan đến Vinashin vẫn chưa xong. Phải chờ thanh tra nhà nước, kiểm toán nhà nước rối sau đó mới tính đến trách nhiệm của những người liên quan như thế nào.”
14 lần bị nhà nước thanh tra?
Ông Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cho biết từ năm 2005 đã có ít nhất 14 lần Vinashin bị nhà nước thanh tra và tìm ra rất nhiều sai phạm, thế nhưng tập đoàn này vẫn ung dung tiếp tục kinh doanh lổ lã và tiếp tục báo cáo láo là có lời lên cấp cao hơn.
Nếu nhà nước hay các cơ quan chủ quản nói rằng không biết trước sự thất bại không thể cứu vãn của Vinashin là không đúng với sự thật. Sai phạm của Vinashin không do một người mà làm ra được. Ngay cả một nhóm người của Ban quản trị tập đoàn cũng khó thể tạo sự lổ lã to lớn như vậy. Kết quả này phải được nhìn nhận là từ lỗi của cả hệ thống. Hệ thống ban phát quá nhiều đặc quyền cho một tập đoàn thiếu sự đầu tư chất xám vào kinh doanh nên sự thất bại là điều có thể tiên đoán.
Chính phủ bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình là một người chỉ có kinh nghiệm trong ngành đóng tàu nhưng lại quản lý những số tiền to tát phân phát vào những khu vực kinh doanh mà ông ta không hề có kiến thức thì sự thất bại là chắc chắn.
Vậy cuối cùng thì trách nhiệm về ai?
Thủ tướng chính phủ là người trực tiếp trách nhiệm cho những lần ông đặt bút ký vào các văn bản cho phép Vinashin được vay những món tiền kết sù. Thế nhưng khi tập đoàn này không kinh doanh đúng như mục đích thì Thủ tướng thiếu theo dõi và chỉ đạo để tập đoàn này ngày càng sa vào vũng lầy. Thay vì ra lệnh cho tập đoàn phải tuân hành mọi phán quyết của thanh tra chính phủ thì Thủ tướng lại tiếp tục cho tập đoàn này một khoản trái phiếu quá lớn mà không theo dõi số tiền này sẽ được thực hiện vào mục đích gì.
Vào kỳ họp thứ 8 cuối năm 2010, tại phiên chất vấn Thủ tướng Chính phủ trước những câu hỏi về xử lý trách nhiệm các cá nhân, tập thể liên quan đến vụ Vinashin, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định sẽ sớm xem xét và báo cáo với Quốc hội.
Cũng trong kỳ họp này, Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết đã thẳng thắng đề nghị với Quốc hội tạm ngưng chức vụ của Thủ tướng để việc điều tra Vinashin được công khai và minh bạch.
Trong bản báo cáo đọc trước quốc hội lần họp thứ 9 của khóa 12 vào ngày 21 tháng 3 vừa qua Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng xác định với chức năng là chủ sở hữu và quản lý nhà nước với tập đoàn Vinashin, thì chính phủ, Thủ tướng và một số thành viên Chính phủ đã có những thiếu sót, khuyết điểm.
Ông Hùng cũng nói rằng Bộ Chính trị đã thảo luận, và bỏ phiếu việc thi hành kỷ luật với các tập thể, cá nhân liên quan. Bộ Chính trị cuối cùng đã quyết định không xử lý kỷ luật với các tập thể, cá nhân liên quan.
Trước thông tin này, Giáo sư Hà Văn Thịnh giảng dạy tại Đại Học Huế tỏ ra hết sức thất vọng và cả đau đớn nữa ông nói:
“Thất vọng, đau đớn bởi vì gần một trăm ngàn tỷ của dân mà giống như bọt bèo vậy không ai chịu trách nhiệm cả. Trong khi tôi ra ăn trộm một chiếc xe đạp ngoài đường là bị tống giam liền nhưng một trăm ngàn tỷ của dân thì chẳng ai chịu trách nhiệm cả. Theo tôi nghĩ thì điều đó là một tuyên bố vô trách nhiệm. Hỏi bất kỳ người nào thì sự bất mãn là đều có hết. Không ai đồng tình với quyết định đó cả nhưng xã hội này phải chấp nhận thôi bởi vì người ta khẳng định như vậy mà dân không có cơ sở thì phải thua thôi!”
Dư luận đồng tình rằmg trách nhiệm của Thủ tướng dù ít hay nhiều cũng đã tiếp phần cho sự sụp đổ của Vinashin. Nếu ông cho điều tra tập đoàn này sớm hơn và cương quyết hơn thì kết quả sẽ không phải là 4 tỷ Mỹ Kim mất trắng.
Món nợ mà Vinashin còn mang chính là trách nhiệm của người ký nó.
No comments:
Post a Comment