Trở Về Trang chính

Sunday, March 13, 2011

Phóng Viên Không Biên Giới đánh giá: Việt Nam là kẻ thù của Internet


PARIS 12-3 (Người Việt) - Nhân ngày Thế Giới Chống Kiểm Duyệt Internet năm nay, ngày 12 tháng 3 năm 2011, Tổ Chức Phóng Viên Không Biên Giới (Reporters San Frontieres) trụ sở ở Paris công bố danh sách 10 nước kẻ thù của Internet như hàng năm vẫn làm.


Logo của Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) nhân ngày Thế Giới Chống Kiểm Duyệt Internet 12 tháng 3, 2011.


Cũng tương tự như những năm trước, Việt Nam năm nay vẫn là một trong 10 nước kể trên. Danh sách đó xếp theo thứ tự tồi tệ nhất gồm: Miến Ðiện, Trung Quốc, Cuba, Ba Tư, Bắc Hàn, Saudi Arabia, Syria, Turkmenistan, Uzbekistan và Việt Nam.

RSF dựa trên sự khảo cứu, điều tra thăm dò về tình hình tự do sử dụng Internet khắp thế giới để đưa “bảng phong thần” những nước đã cản sự sử dụng thông tin Internet.

“Cứ một trong ba người sử dụng Internet trên thế giới thì bị ngăn trở, chứ không được hoàn toàn truy cập tự do,” Jean-Francois Julliard, tổng thư ký RSF phát biểu. “Có 60 nước trên thế giới hiện vẫn còn đang kiểm duyệt hệ thống Internet trong các nước của họ ở những mức độ nhiều ít khác nhau và sách nhiễu các người sử dụng Internet. Ít nhất đang có 119 người đang bị bỏ tù vì đã dùng Internet để diễn đạt chính kiến một cách tự do. Các con số đó thật phiền muộn.”

Mấy năm trước, Nông Ðức Mạnh, tổng bí thư nay đã mãn nhiệm của đảng CSVN, còn được RSF gọi là “ác thú sát hại báo chí”.

Trong bản nhận định riêng về Việt Nam, RSF cho hay Việt Nam đứng thứ nhì trên thế giới trong số các nước có đông người bị bỏ tù vì dùng Internet để bầy tỏ chính kiến. Tổ chức nêu tên một số người đang bị tù như Nguyễn Văn Tính, Nguyễn Mạnh Sơn, Nguyễn Văn Túc, Ngô Quỳnh, Nguyễn Kim Nhàn, Phan Thanh Hải, Phạm Văn Trội, Vũ Văn Hùng, Trần Quốc Hiền, Trần Ðức Thạch, Trương Quốc Huy, Ðiếu Cày, Nguyễn Tiến Trung, Nguyễn Xuân Nghĩa, Vi Ðức Hồi, Lê Công Ðịnh, Phạm Minh Hoàng. Bên cạnh đó là 3 người viết báo tự do cũng bị kết án tù là Trần Khải Thanh Thủy, Trương Minh Ðức và Nguyễn Văn Lý.

Người viết báo mạng cá nhân (blogger) Ðiếu Cày đã xong án tù 2 năm rưỡi hồi tháng 10 năm 2010 với cáo buộc “trốn thuế”, nhưng đã không được trả tự do mà lại còn bị giam tiếp tục vì bị vu tiếp cho tội “xâm phạm an ninh quốc gia”. Ở trong tù thì làm sao “xâm phạm an ninh quốc gia”? Ông không được thăm viếng, tiếp xúc với gia đình, cũng không được gặp luật sư.

Trường hợp của ông Ðiếu Cày chỉ là một trong hàng chục vụ tiêu biểu về sự đàn áp của nhà cầm quyền Hà Nội đối với những người dùng Internet để đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam.

Các tổ chức thông tin ở hải ngoại nhà cầm quyền Hà Nội không bỏ tù được thì tấn công kỹ thuật. Cách đánh phá phổ biến nhất là dùng kỹ thuật “từ chối dịch vụ” (DDoS) để phá các báo điện tử, diễn đàn, blogs trên Internet khi những tổ chức hay cá nhân này phơi bày cái xấu xa, sai trái của chế độ độc tài đảng trị tại Hà Nội.

Nhà cầm quyền Hà Nội đã thường xuyên đưa ra các qui định ngày một siết chặt thông tin truyền thông nói chung và Internet nói riêng.

Trước khi mở đại hội đảng Công Sản, hồi tháng 1 đầu năm nay, nhà cầm quyền Hà Nội đã đưa ra một nghị định trừng phạt ký giả và những người viết blogs lên đến 40 triệu đồng ($2,000 USD) cho mỗi lần bị qui là “vi phạm” luật lệ báo chí, thông tin. Lương trung bình một tháng ở Việt Nam chỉ được $125 USD. Hình phạt nặng như vậy nhằm mục đích làm thui chột ý định của những ai muốn đả kích chế độ.

Sự gia tăng kiểm soát thông tin mạng của nhà cầm quyền Hà Nội cho thấy họ sợ tự do thông tin sẽ làm cho họ không còn lừa gạt được ai khi cái quyền độc quyền thông tin một chiều để che giấu hay thổi phồng sự việc không còn hiệu nghiệm.

Thời gian gần đây, kể từ khi cuộc “cách mạng hoa nhài” ở Châu Phi xảy ra, sự đàn áp những người bất đồng chính kiến ở Việt Nam lại càng gắt gao.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Hà Nội luôn luôn khoe khoang người dân Việt Nam có quyền tự do báo chí và các quyền tự do căn bản khác. Thật sự các quyền này chỉ có trên giấy tờ, còn trên thực tế thì bị giới hạn tối đa.

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/?a=128058&z=2

No comments:

Post a Comment