Trở Về Trang chính

Tuesday, March 22, 2011

Nổi dậy là tất yếu, nhưng bao giờ?

Chúng ta có thể khẳng định rằng bất cứ một người Việt Nam nào ngoại trừ những người cộng sản đang nắm quyền và đang trục lợi đều muốn lật đổ chế độ độc tài toàn trị phi nhân, vô đạo đức đang dày xéo nhân dân ta. Nói rộng ra hơn, ngay cả đảng viên cộng sản nào mà còn có lương tri đều không hài lòng với sự bất công quá khủng khiếp, tham nhũng quá trắng trợn cũng muốn hạ bệ tập đoàn cầm quyền này. Bởi vì, nếu tình trạng này kéo dài thì tương lai con cái của đảng viên sẽ bị tác hại.

Đứng trên phương diện quy luật mà nói, nơi nào có áp bức; nơi đó có nổi dậy. Nơi nào có căm thù, nơi đó có đấu tranh. Ngay như con giun là sinh vật mềm nhũn không có một thứ khí giới gì để tự vệ mà khi bị xéo quá cũng quằn. Sách xưa dạy: “Thuận Thiên khả tồn; nghịch thiên khả vong” (hợp với lòng Trời thì còn; nghịch với lòng Trời thì mất. Lòng Trời tức là lòng dân). Lịch sử loài người chưa hề ghi lại một triều đại suy đồi nào, một thể chế bất nhân tàn ác nào có thể muôn năm trường trị. Vì vậy, căn cứ trên quy luật, lời dạy của người xưa và sự kiện lịch sử, nếu bị áp bức, tất nhiên quần chúng sẽ nổi dậy vì bản năng sinh tồn. Việt Nam sẽ không thể đi ra ngoài định luật đó. Nổi dậy là tất yếu.

Nếu so sánh sự đàn áp, khủng bố của nền độc tài tại các quốc gia Hồi giáo vùng Trung Đông với chính sách cai trị tàn ác độc địa của cộng sản Việt Nam trong cải cách ruộng đất, trong vụ Nhân văn Giai Phẩm, Xét lại chống đảng, giết lương dân trong Tết Mậu Thân 1968, đánh tư sản mại bản sau ngày “giải phóng”, đày dân lên vùng kinh tế mới, tập trung cải tạo quân cán chính Miền Nam, lùa dân ra biển đi tìm tự do, chiếm dụng đất đai dân oan … thì sự ngược đãi của các lãnh đạo Trung Đông chưa thấm thía vào đâu. Tại sao quần chúng các nước Trung Đông nổi dậy lật đổ chế độ độc tài mà nhân dân Việt Nam lại cam chịu sống dưới ách chuyên chính ghê gớm? Tại sao một thanh niên bán hàng rong ở Tunisie phẫn uất vì bị nhân viên an ninh ngược đãi, đã tự thiêu làm bùng lên ngọn lửa đấu tranh, mà ở Việt Nam cũng đã có nhiều người bị đánh đập, bị tra tấn, bị bỏ mạng nơi lao tù, có người phẫn uất tự thiêu mà dân chúng cứ an nhiên sinh hoạt bình thường như không hề có điều gì xảy ra?

Karl Marx và Friedrich Engels là hai nhà tư tưởng lập ngôn, lập thuyết viết ra chủ nghĩa cộng sản, có lẽ vì hai ông xúc động trước cảnh cùng khổ của giới công nhân thợ thuyền bị giới chủ nhân tư bản bóc lột. Hai ông hô hào những người lao động bị bóc lột vùng lên đánh đổ bọn tư bản. Marx đánh động lương tri loài người bằng câu nói bất hủ: “Chỉ có loài cầm thú mới quay lưng lại với nỗi khốn cùng của đồng loại để chỉ biết lo chăm sóc cho bộ lông của chúng”. Nhưng nếu không có Lénine đem cái lý thuyết của hai ông tổ cộng sản ra thực hiện thì những tư tưởng cách mạng của hai ông sẽ ngủ yên trong hàng vạn trang sách được lưu trữ trong thư viện. Bằng cớ là sự tiên đoán của Marx rằng cuộc cách mạng cộng sản sẽ xảy ra tại các quốc gia kỹ nghệ tiên tiến mà giới công nhân bị bóc lột, đã không diễn ra. Nhờ tài tổ chức lắm thủ đoạn, Lénine đã cướp được thời cơ giành chính quyền về tay mình tại Nga, một quốc gia chưa phát triển kỹ nghệ, đa số quần chúng nông dân. Vì thế Lénine đã nhắc đi nhắc lại câu nói: “Tổ chức, tổ chức, tổ chức! Không có tổ chức là không có gì cả!” để dạy dỗ cán bộ của mình. Mục tiêu đấu tranh của Lénine là cướp chính quyền để dựng lên chế độ chuyên chính vô sản của Karl Marx. Câu khẩu hiệu: “Cứu cánh biện minh phương tiện” là phương châm hành động phải sử dụng bất cứ thủ đoạn nào dù tàn ác, phi nhân đến đâu để đạt mục tiêu: Cướp Chính Quyền!

Cộng sản Việt Nam là đồ đệ trung thành của Lénine, triệt để vâng theo lời dạy của Lénine để cướp chính quyền. Sở dĩ năm 1945, cộng sản cướp được chính quyền vì cán bộ của họ được rèn luyện các kỹ thuật đấu tranh học được từ Lénine; trong khi các đảng phái quốc gia như Đại Việt, Quốc Dân Đảng, Cao Đài, Hòa Hảo có đông cán bộ hơn nhưng đã bị cộng sản hớt tay trên, vì người quốc gia chỉ được trang bị tấm lòng yêu nước mà không có kỹ thuật và thủ đoạn giành chính quyền. Khi cướp được chính quyền vào trong tay, việc đầu tiên mà người cộng sản thi hành là dùng mọi phương cách triệt tiêu tất cả các tổ chức tôn giáo, văn hóa, xã hội … Tất cả các tổ chức quần chúng đều bị nhốt trong cái gọi là Mặt Trận Tổ Quốc. Bất cứ ai lên tiếng đòi hỏi công bằng, công lý, chứ chưa kể đến thành lập tổ chức, đều bị cộng sản đập tan không thương tiếc, dù người đó là một đảng viên thuần thành có thiện chí góp ý xây dựng Đảng. Trần Độ, Nguyễn Hộ, Hoàng Minh Chính … là thí dụ rõ nhất.

Lénine biết lợi dụng giáo lý của Marx để bành trướng Đế quốc Đỏ cho nước Nga bằng con đường sản xuất cách mạng dưới chiêu bài “giải phóng dân tộc” các quốc gia bị thực dân đô hộ. Mao Trạch Đông học được kỹ thuật đấu tranh của Lénine để xây dựng tổ chức. Nhờ đó, Mao trạch Đông đã thành công giống như xưa kia Tần Thủy Hoàng gồm thâu lục quốc. Mao Trạch Đông được dân Tầu ngưỡng mộ, chiêm bái là vì ông ta đã xóa cho dân Tầu cái nhục bị Tây Phương đối xử như chó. Người Anh từng treo tấm bảng “Cấm Chó và người Tầu” ở nơi dành riêng cho người Anh.

Ông Hồ Chí Minh khi đọc bản đề cương cộng sản của Lénine có chủ trương giải phóng các dân tộc bị trị thì nhảy dựng lên vì sung sướng. Ông Hồ không ý thức rằng chẳng có dân tộc nào thương dân tộc khác. “Giải phóng dân tộc” chỉ là chiêu bài để che dấu một ý đồ bành trướng bất chính, giống như xưa kia Nhà Thanh sang xâm chiếm nước ta thì giương cao khẩu hiệu “Phù Lê Diệt Trịnh” vậy. Tuyên thệ trung thành với đảng quốc tế; kết nghĩa huynh đệ “môi hở rằng lạnh” với ngoại quốc mà mình là nước vừa nhỏ, vừa yếu thì chỉ làm đàn em phục tùng Anh Hai, anh Ba mà thôi!

Ông Hồ dùng máu xương nhân dân Việt Nam để thi hành chủ trương “giải phóng dân tộc” của Lénine, đánh đuổi xong Thực Dân Pháp, liền dựng lên một bộ máy cai trị chuyên chế rập khuôn theo mô hình Nhà Nước của Liên Xô, của Trung Cộng. Dưới bàn tay cai trị của ông Hồ, người dân Việt Nam khốn khổ hơn thời kỳ bị Thực dân Pháp đô hộ gấp triệu lần. Ông Hồ khéo sử dụng những lời dạy của người xưa như: “Trung với nước, hiếu với dân” nhưng không cho ai biết trung với nước nào. “Hiếu với dân” cái kiểu gì mà “đào tận gốc, trốc tận rễ” những thành phần giai cấp đã nuôi dưỡng, cưu mang ông đưa “cách mạng” đến thành công? Cái vô nhân tính của ông Hồ, cái chủ trương diệt trí thức của ông Hồ đã đào tạo nên một đội ngũ lãnh đạo vừa ngu dốt, vừa hung ác, kiêu ngạo, tham quyền, lưu manh!

Tại sao các nước Đông Âu – chư hầu của Liên Xô – nổi dậy phá bỏ xích xiềng cộng sản, khi Tổng Bí thư Mikhail Gorbachev đưa ra chủ trương “glasnost và perestroika”, mà Đảng Cộng sản Việt Nam không noi gương làm theo? Tại vì các nước Đông Âu bị Hồng quân Liên Xô xâm chiếm sau Đệ Nhị Thế chiến và bị áp đặt chủ nghĩa cộng sản. Vì hoàn cảnh bắt buộc, các Nhà Nước Đông Âu phải miễn cưỡng rập khuôn theo mô hình Nhà Nước Liên Xô. Do đó mới có lãnh tụ dám chống lại Liên Xô như Alexander Dubcek của Tiệp, Imre Nagy của Hungary. Còn Việt Nam không bị Liên Xô xâm chiếm, các nhà cách mạng Việt Nam sang Nga, tình nguyện gia nhập đảng cộng sản Nga, rồi tuân theo mệnh lệnh của đảng trưởng núp dưới chiêu bài “giải phóng dân tộc” để có lý do rước chủ nghĩa cộng sản về thờ và và đẩy đất nước mình làm chư hầu cho Liên Xô (tức là làm đầy tớ chủ nghĩa cộng sản). Khi Liên Xô sụp đổ, người đầy tớ trung thành bỏ chủ cũ để đi làm đầy tớ cho chủ mới: Trung Cộng.

Việt Nam đã bị Trung Cộng mang đại quân sang dạy cho những bài học đích đáng: Máu chảy thành sông; xương chất thành núi! Trong cuốn bạch thư của Trung Cộng hài tội lãnh đạo cộng sản Việt Nam bằng những lời lẽ miệt thị hết sức thậm tệ. Có thể nói rằng chưa có một ông chủ nào có thái độ đối xử với tôi tớ tàn nhẫn và ngạo mạn đến như thế! Nhưng các môn đồ của ông Hồ Chí Minh đã mất hết tính tự trọng, tính liêm sỉ. Lãnh đạo cộng sản Việt Nam kế tục sự nghiệp của ông Hồ đã áp dụng triệt để phương châm: “Cứu Cánh Biện Minh Phương Tiện”. Cứu cánh của cộng sản ngày nay là giữ chính quyền. Dùng phương tiện đàn áp dưới mọi hình thức, dù tàn ác đến đâu, để giữ chính quyền. Chịu nhục bất cứ giá nào cũng là để giữ chính quyền. Vì bản chất của cộng sản Việt Nam là loài ký sinh của chủ nghĩa yêu nước (chữ của ông Hà Sĩ Phu); chứ không phải thực sự đấu tranh vì nước vì dân.

Sở dĩ người viết phải trình bày các chi tiết như trên là để nói lên ý nghĩ của mình về cuộc nổi dậy ở Bắc Phi có tạo phản ứng dây chuyền sang Việt Nam? Nguồn cảm hứng cách mạng chắc chắn là có trong nhân dân ta hiện nay. Nhưng cuộc nổi dậy có nổ ra hay không thì tùy những yếu tố sau đây:

1/ Sự uất ức, căm phẫn của quần chúng lớn đến thế nào đi nữa cũng không thể dẫn đến cách mạng. Vì như đã nói ở trên là phải có tổ chức, có người lãnh đạo để phát động cuộc cách mạng. Nhà Nước Cộng Sản đã tận diệt người nào có uy tín quần chúng và đập tan tất cả các tổ chức vừa mới manh nha. Các nhà độc tài ở Trung Đông cấm đảng đối lập hoạt động, nhưng không ngăn cấm hai tổ chức hệ phái Shiite và Sunni của Hồi Giáo. Vì thế, cuộc nổi dậy ở Bắc Phi không phải là tự phát mà thành.

2/ Giả thuyết rằng có tổ chức đã bí mật thành hình, phát động cuộc nổi dậy thì Đảng Cộng sản sẽ đàn áp thẳng tay, bất chấp biện pháp tàn ác nào, vì mục đích sinh tử của Đảng Cộng Sản là cầm quyền để vơ vét; chứ không phải vì phúc lợi cho nhân dân. Tổng Bí thư Trường Chinh Đặng Xuân Khu đã không dấu giếm khi nói: “Đảng cộng sản đã dùng bạo lực để cướp chính quyền thì đảng cộng sản sẽ dùng bạo lực để giữ chính quyền”. Cuộc nổi dậy của các đảng viên cộng sản từng lập nhiều công trạng trong kháng chiến chống Pháp (chứ không phải quần chúng) ở Thái Bình vào thế kỷ trước đã bị Đảng Cộng sản thẳng tay đàn áp kinh hồn là một bằng chứng rất rõ ràng. Chẳng biết có Công An của một nước nào lại hạ quyết tâm trung thành với chế độ một cách trơ tráo như Công An Cộng sản Việt Nam? Cái băng rôn đỏ chói ghi hàng chữ “Công an nhân dân chỉ biết còn Đảng còn mình!” treo trước Bộ Công An thì rõ ràng họ không cần che dấu nhiệm vụ sống chết với Đảng.

3/ “Nghệ thuật” cầm quyền của cộng sản tinh vi hơn Thực dân ở chỗ họ đã biến người dân bị trị trở thành tín đồ của “chủ nghĩa mặc-kệ-nó”, vô cảm trước mọi cảnh tượng bất công, miễn sao bản thân không bị quấy nhiễu phiền phức là được. Hơn nữa, có một yếu tố khác khiến cho người dân thờ ơ. Đó là người dân không tin vào những lời hứa hẹn cách mạng. Cái gọi là “Cách Mạng Mùa Thu” đánh đuổi Thực dân Pháp để mang lại độc lập tự do hạnh phúc thì cuối cùng chỉ thấy nô lệ Tầu, mất tự do, bất hạnh. Cái gọi là “Cách Mạng Tháng 11/1963” lật đổ Ngô Đình Diệm thì cuối cùng Miền Nam mất vào tay cộng sản. Lại thêm, các nhà hoạt động dân chủ hãy còn quá ít ỏi nên ít được quần chúng biết tới.

4/ Đáng lẽ những “lão thành cách mạng” oán hận ông Hồ đã đánh lừa mình hy sinh xương máu trong cuộc kháng chiến chống Pháp khiến cho hôm nay nhân dân bị khốn khổ, đất nước tan hoang còn hơn cái thời bị nô lệ ngoại bang. Ngược lại, các “Cụ cách mạng” vẫn còn ngưỡng mộ, kính yêu ông Hồ như vị cha già đáng kính thì một mình nhạc sĩ Tô Hải – một người dám công khai hài tội ông Hồ – một con én làm sao đủ sức đánh động quần chúng vùng lên? Các “Cụ cách mạng” có bao giờ mở trang sử nước nhà để tìm hiểu xem có triều đại nào của ta dùng miếng ăn (chính sách hộ khẩu) để hành hạ và làm nhục con người như chế độ cộng sản? Ngay cả hôn quân nổi danh như vua Ngọa triều Lê Long Đỉnh có dám nhẫn tâm giết hại hàng chục vạn người như Hồ Chí Minh đã giết trong cải cách ruộng đất? Tại sao các Cụ còn mãi ca ngợi sự nghiệp “giải phóng dân tộc” của Hồ Chí Minh? Với cái não trạng u ám, mê muội như thế thì làm sao đám con cháu dám đứng lên lật đổ bạo quyền, tức là bộ máy cai trị do ông Hồ lập ra? Các cụ “lão thành cách mạng” vì nhiệt tình yêu nước bị ông Hồ đánh lừa để dựng lên cỗ máy cai trị này, thì nay chính các Cụ phải dùng chính xương máu các Cụ để đập tan bộ máy ấy đi mới phải! Ngồi vỉa hè, quán nước chửi đổng hay viết kiến nghị gửi lãnh tụ Đảng mà cải cách được sao?

*

* *

Nhà báo Nguyễn Minh Cần, nguyên Ủy viên Thường vụ Thành ủy và Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội, là người hiểu rõ bản chất lãnh đạo cộng sản Việt Nam hơn ai hết, nên ông đã viết bài “Không ai được đùa với cách mạng và nổi dậy” có đoạn cảnh báo như sau: “Không thể đùa với cách mạng, với nổi dậy. Những người dân chủ phải giữ đầu óc tỉnh táo, sáng suốt, chớ để bị kích động bởi những lời thúc giục của một số người nóng nảy. Cũng cần nhớ rằng kẻ thù của dân chủ muốn tiêu diệt phong trào khi còn trong trứng nước thường cho “nội gián” chui vào các cơ quan lãnh đạo để xúi giục những cuộc nổi dậy “non”. Phải hết sức cảnh giác!”. Tôi chia sẻ nỗi lo lắng rất chính đáng của ông Nguyễn Minh Cần, vì người biết suy nghĩ không ai muốn máu đồng bào mình đổ mà không mang lại kết quả tốt cho Đất Nước.

Nóng lòng lật đổ chế độ độc tài phi nhân chắc chắn ai cũng có. Nhưng muốn thực hiện niềm ao ước đó thì phải có tổ chức. Có tổ chức rồi, cũng còn phải chờ ba yếu tố: Thời, Thế, Cơ. Quốc Dân Đảng phát động cuộc nổi dậy sớm, Đảng trưởng Nguyễn Thái Học và đồng chí đã hy sinh, cơ cấu đảng bị đàn áp. Nếu vụ Thiên An Môn xảy ra sau khi Đông Âu tan rã và Liên Xô sụp đổ, hy vọng thành công chắc chắn cao hơn. Những nhà đấu tranh đa nguyên, dân chủ quốc nội hay hải ngoại đều viết ra những lý thuyết đa nguyên, dân chủ rất xuất sắc. Hiềm một nỗi chúng ta chưa có một nhà tổ chức đại tài, chưa có vị lãnh tụ có uy tín lớn “charismatique” có thể quy tụ những con dân Việt Nam yêu nước thành tổ chức để biến nỗi căm thù thành hành động!

Hoài nghi về lời cảnh báo của ông Nguyễn Minh Cần mà đặt câu hỏi: “Nguyễn Minh Cần: Tòng phạm với CSVN dẹp cơ hội nổi dậy?”, e rằng lời cáo buộc đó là quá đáng. Tôi tin rằng ông Nguyễn Minh Cần không có dụng ý dẹp bỏ cơ hội nổi dậy, mà chỉ có ý nhắc nhở đừng nóng vội mà làm hỏng đại sự. Tôi cũng tin rằng những tuyên ngôn kêu gọi đồng bào trong nước nổi dậy không có khả năng khiến cho cuộc nổi dậy xảy ra! Nếu độc giả lên án nhận định của tôi như đã có tác giả cáo buộc ông Nguyễn Minh Cần thì tôi đành chịu, nhưng phát biểu của tôi căn cứ trên sự kiện đã qua như dưới đây:

1/ Một cô gái nhỏ thó tên là Phạm Thanh Nghiên, cao một thước mốt, cân nặng chỉ 35 kg, quê quán ở Hải Phòng, đã dũng cảm tọa kháng tại gia để phản đối nhà cầm quyền Việt Nam ươn hèn nhượng đất nhượng biển, nhượng đảo cho Trung Cộng. Hòa thượng Quảng Độ kêu gọi toàn dân biểu tình tại gia “bất tuân dân sự” giống như cô Phạm Thanh Nghiên đã làm mà không một ai hưởng ứng, kể cả Phật tử đồng đạo với Ngài. Bày tỏ thái độ phản kháng bằng một hành động ôn hòa, không phải hy sinh xương máu mà một vị Hòa thượng tha thiết kêu gọi, nhưng nào được ai nghe? Huống chi một cuộc xuống đường mà chắc chắn sẽ bị tắm máu thì ai dám hy sinh?

2/ Năm 2008, một nhà hoạt động dân chủ nhờ tôi viết lời kêu gọi đồng bào hải ngoại phản đối sự nhu nhược của nhà cầm quyền trong nước bằng cách không gửi tiền về Việt Nam, không du lịch Việt Nam. Vì từng gửi tiền về Việt Nam giúp thân nhân, giúp anh em dân chủ, tôi đề nghị không yêu cầu đồng bào đừng gửi tiền, mà chỉ yêu cầu bày tỏ thái độ không về Việt Nam trong ba tháng. Chỉ ba tháng thôi để xem lời kêu gọi được đáp ứng như thế nào. Nhà hoạt động dân chủ đồng ý đề nghị. Tôi đã vận dụng lời lẽ tha thiết của mình để viết lời kêu gọi. Nhà hoạt động bỏ tiền thuê ba đài phát thanh đọc ròng rã gần một tháng. Kết qua là “Việt Kiều” vẫn về Việt Nam đông như trẩy hội. Và nhà hoạt động dân chủ ấy hiện nay đang mở văn phòng kinh doanh địa ốc tại Việt Nam!

Đó là lý do tại sao tôi không ký tên vào bản kiến nghị xin nhà cầm quyền ngưng khai thác bauxite do ông Nguyễn Huệ Chi chủ xướng và mới đây tôi không ký vào tuyên ngôn kêu gọi nổi dậy, vì tôi không tin kiến nghị hay tuyên ngôn mà có thể thực hiện điều mình mong muốn!

Cách mạng nhung ở Đông Âu xảy ra là vì lãnh đạo các nước ấy bị bắt buộc làm chư hầu; không giống lãnh đạo Việt Nam tình nguyện làm đầy tớ ngoại bang, hết Liên Xô thì nhảy sang Trung Cộng. Cách mạng nhung ở Liên Xô xảy ra, vì lãnh đạo Gorbachev, Yeltsin yêu nước Nga, nhận thấy chủ trương xuất cảng cách mạng chỉ làm dân Nga khốn đốn, nghèo khổ. Họ muốn xóa bỏ bộ máy cai trị làm cho kinh tế nước Nga lụn bại. Đối với Việt Nam, bất luận đảng viên cộng sản nào yêu nước Việt Nam muốn cải tổ bộ máy (như Trần Xuân Bách), muốn có dân chủ (như Trần Độ) đều bị loại bỏ. Muốn tồn tại để hưởng đặc quyền, đặc lợi thì phải hiền lành, ngoan ngoãn như Đại tướng Võ Nguyên Giáp!

Ông Hồ thề trung thành với chủ nghĩa cộng sản quốc tế, hy sinh nền độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân Việt Nam (tức là phản quốc), dựng lên một bộ máy cai trị với chủ trương “đào tận gốc, trốc tận rễ trí phú địa hào” thì đâu còn có cán bộ có lòng yêu nước, có trí tuệ nào tồn tại? Chỉ có những lãnh đạo đã thôi chức mất quyền mới phát biểu năm ba câu vớt vát một cách vô trách nhiệm như các ông Võ văn Kiệt, Nguyễn văn An, Trần Phương, Vũ Khoan … như để chạy tội; chứ không hề có một ông nào tỏ lời ăn năn, thống hối. Do đó, chừng nào cộng sản Tầu sụp đổ thì cộng sản Việt Nam hết chỗ dựa để làm đầy tớ, mới sụp đổ theo! Hoặc có một ông Tướng Tư lệnh Quân Khu nào đó có sẵn binh lính trong tay bỗng dưng được “mặc khải” trở thành một người yêu nước, biết xấu hổ khi nhìn thấy đất nước càng ngày càng suy thoái, càng nô lệ ngoại bang, thì khởi động làm một cuộc cách mạng khơi mào cho dân chúng vùng lên?

Ngoài ra, tôi không tưởng tượng ra được điều gì khác hơn, vì những người đang cầm quyền vẫn tiếp tục gia tăng đàn áp, vẫn thi hành luật rừng để bỏ tù người đòi quyền làm người. Xin độc giả đừng vội lên án kẻ viết bài này làm nguội lạnh niềm hy vọng của quý vị. Là người rất xót xa với nỗi khốn cùng của đồng bào mình ở quê nhà, hơn ai hết tôi ngày đêm mong mỏi chế độ độc tài toàn trị sớm sụp đổ để dân mình được hưởng không khí tự do như mình.

Những phân tích của tôi trong bài viết là trình bày những bước khó khăn để các nhà hoạt động vì nước, vì dân suy nghĩ, chứ không phải có ý làm nản lòng, làm nhụt ý chí đấu tranh. Những ai còn tha thiết đến vận mệnh nước nhà thì hãy ý thức rằng với tấm lòng không thôi thì chưa đủ, mà cần phải có tổ chức. Dù chúng ta chống Lénine, nhưng ta phải nhìn nhận điều ông ta nói là đúng: “Tổ chức, tổ chức, tổ chức! Không có tổ chức là không có gì cả.”

Vì sự đàn áp của nhà cầm quyền, người trong nước khó lòng xây dựng tổ chức. Còn người Việt tự do ở hải ngoại mà không xây dựng được tổ chức thì mỗi một nhà tranh đấu phải tự hỏi nguyên nhân vì sao. Liệu chúng ta có đủ dũng cảm, đủ tình yêu đồng bào để tự gạt sang một bên lòng vị kỷ, sự tị hiềm đố kỵ hầu tiến hành xây dựng một tổ chức đồng tâm nhất trí có sức mạnh tổng hợp, có tiếng nói chính đáng được thế giới lắng nghe?

Thiết nghĩ rằng những tuyên ngôn, những lời kêu gọi dù tha thiết tới đâu thì chỉ là một bản giao hưởng được tấu lên bằng nhiều nhạc cụ khác nhau mà không có người điều khiển ban nhạc. Sự thật cảnh tượng đấu tranh cho tự do dân chủ hôm nay là như thế. Nói lên sự thật này chắc chắn sẽ làm cho một số người không vui, nhưng né tránh sự thật thì không biết bao giờ sự nổi dậy của đồng bào trong nước mới xảy ra?!

© Bằng Phong Đặng Văn Âu

© Đàn Chim Việt

No comments:

Post a Comment