VRNs (04.03.2011) – TNO – Trong cơn “bão giá” mới, bữa ăn của nhiều sinh viên (SV) “xuống cấp” thấy rõ vì hầu như không có thịt cá mà chỉ toàn rau củ với tô canh lõng bõng.
Chủ trọ đồng loạt tăng giá
Cầm 40.000 đồng trong tay, N.B.S (SV năm 2 khoa Báo chí – Truyền thông, ĐH KHXHNV TP.HCM), chạy ào ra chợ “ruồi”, gần chỗ trọ ở làng đại học Linh Trung, Q.Thủ Đức, để mua đồ ăn cả ngày cho 4 thành viên trong phòng.
Loay hoay một hồi, S. xách về bó rau muống, ít măng tươi và 2 trái mướp cùng gạo, kèm vài thứ gia vị. Đây đã là ngày thứ 3 liên tiếp, 4 thành viên trong phòng S. không đụng đến thịt, cá. “Mỗi tuần, bọn mình chỉ ăn 1 hoặc 2 bữa có thịt hoặc cá thôi, còn lại thì rau củ là chính. Bây giờ cái gì cũng lên giá, tụi mình phải chắt chiu từng đồng mới được”, S. nói.
Bữa cơm SV “xuống cấp” trầm trọng trong cơn “bão giá” mới – Ảnh: Nguyễn Oanh
Cũng giống như hầu hết các chỗ trọ khác tại làng đại học, chủ nhà trọ của S. cũng vừa tăng giá thêm 100.000 đồng/phòng và bắt phải đóng cùng lúc 5 tháng liền.
S. nói, lúc trước giá thuê mỗi tháng là 900.000 đồng, nay tăng lên thành 1 triệu đồng, chủ trọ đòi đóng 5 tháng liên tiếp tức là 5 triệu đồng, nhưng cả phòng chỉ mới cố xoay được 3 triệu đồng. “Số còn lại giờ không biết kiếm đâu ra nữa. Mấy hôm nay ngày nào bà chủ cũng chửi, mắng, hối thúc đủ kiểu”, S. buồn rầu kể.
Các chủ trọ tại làng ĐH đồng loạt tăng giá, khiến cuộc sống SV càng khó hơn – Ảnh: Trí Quang
Nhiều SV không trụ nổi tại các phòng trọ chất lượng tốt, đã phải chuyển sang các khu trọ hẻo lánh với giá thấp hơn vài trăm ngàn đồng.
Thậm chí, để tiết kiệm bớt tiền phòng, nhiều SV chấp nhận sống ở những căn phòng tồi tàn cạnh khu chuồng trại nuôi heo, bốc mùi hôi thối.
Rau củ hiện là thực phẩm chính cho bữa ăn hàng ngày của các SV – Ảnh: Trí Quang
Không trụ nổi trước những đợt tăng giá liên tục, nhiều SV gia cảnh khó khăn phải ở “chui” hết phòng này đến phòng khác. “Có nhiều bạn tội lắm, không có tiền thuê phòng trọ nên phải ở nhờ phòng của bạn bè, hễ bà chủ kiểm tra thì tìm chỗ trốn để lánh mặt”, N.D, SV sống tại khu trọ trước trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM nói.
Hết thực phẩm đến phòng trọ tăng giá giờ lại đến giá điện, khiến cuộc sống SV ngày càng chật vật hơn.
Khổ sở “né” bão giá
Để giảm bớt chi phí cuộc sống trong cơn “bão giá” mới, nhiều SV phải xoay xở đủ cách “cười ra nước mắt”.
“Mỗi khi đi học tụi mình phải thủ sẵn trong cặp một can 5 lít để lấy nước trên trường về phòng nấu ăn, chứ cứ 3 ngày đổi hai bình nước để nấu ăn và uống thì tụi mình chịu không nổi”, B.A, SV năm nhất trường ĐH Kinh tế – Luật TP.HCM kể.
Nước ở khu trọ của A. bị nhiễm phèn nặng, không dùng để nấu ăn được mà tháng nào chủ nhà cũng thu mỗi người 35.000 đồng. Trước đây SV ngoại trú tại làng ĐH thường vào một số trường lấy nước thoải mái nhưng giờ phải chờ cho thầy cô về hết mới dám vào lấy.
SV phải lấy nước trong trường để đỡ tốn kém – Ảnh: Nguyễn Oanh
”Nếu thầy cô chưa về hết, thấy tụi mình vào lấy nước như vậy, bảo vệ bị nhắc nhở thì lần sau tụi mình không được lấy nữa”, A. cho biết.
“Bão giá” thổi đến, không ít SV phải “cố thủ” bằng cách nhịn ăn sáng, cắt bớt khẩu phần ăn thêm và liệt sữa tươi vào danh sách xa xỉ phẩm.
”Bây giờ một đĩa cơm 12.000 đồng cũng chỉ toàn rau, ít lát thịt vụn hoặc cái trứng chiên và chén canh. SV khó khăn như tụi mình cố ăn để học hành qua ngày, chứ chẳng thấy ngon lành hay no nê gì với phần ăn như thế. Còn chống đói thì ăn mì gói cho chắc”, T.P, SV trường ĐH Bách Khoa TP.HCM tâm sự.
Nhiều SV còn phải tranh thủ đi làm thêm vào cuối tuần để tăng thu nhập, cải thiện bữa ăn, nhưng lắm lúc phải gánh chịu những tai họa khó lường.
Trường hợp của N.V.K (SV năm 2 trường ĐH Khoa học xã hội – nhân văn TP.HCM) là một ví dụ. Học kỳ trước, K. đã bắt đầu đi phụ hồ vào cuối tuần, mỗi ngày kiếm được hơn 100.000 đồng. Tuy nhiên, sau vài tháng làm công việc này, K. bị sưng đau cổ tay nghiêm trọng, và phải nghỉ học suốt một học kỳ để chữa bệnh.
Trí Quang – Nguyễn Oanh – Sỹ Bình
Sập “bẫy” chủ nhà trọ dỏm
Theo ghi nhận của Thanh Niên Online, mức tăng tại các khu trọ ở làng ĐH từ 50.000 đồng đến 200.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, các chủ trọ lại không hề quan tâm đến việc sửa sang, tu bổ phòng ốc.
Nhiều dãy nhà trọ tại khu vực này được xây dựng cách đây gần chục năm, nên xuống cấp trầm trọng. Nhiều SV không may thuê phải những phòng trọ này buộc phải chấp nhận ở vì lỡ đóng tiền 5 tháng liền.
Bỏ ra 900.000 đồng/tháng, Thương (SV năm 2 trường ĐH Khoa học xã hội – nhân văn TP.HCM) chỉ thuê được căn phòng rộng chừng 12m2 có gác lửng.
Nhiều chủ trọ chỉ tăng giá chứ không chịu sửa sang, tu bổ phòng ốc vốn đã xuống cấp trầm trọng. SV phải che chắn bằng thau, áo mưa lẫn dù mỗi khi trời mưa to – Ảnh: Sỹ Bình
Khi vào ở, những ngày nắng thì không có vấn đề gì, nhưng tới ngày mưa thì nước cứ chảy xuống như ngoài trời, chạy tới góc nào cũng bị dột làm ướt hết sách vở, quần áo trong phòng. Báo cho chủ nhà trọ nhưng chẳng thấy ai tới khắc phục sửa sang lại, nên cô phải mua áo mưa về để khi trời mưa thì lấy ra che tạm.
“Mình bỏ tiền ra thuê phòng mà như thể là đi ở nhờ nhà người ta vậy, nhà dột kêu chủ nhà sửa nhưng không sửa. Ức ghê! Nhưng vì lỡ đóng tiền 5 tháng rồi nên phải ở cho hết chứ không thì mình chuyển đi từ lâu rồi”, Thương bức xúc.
Những chỗ dột như thế này thường xuyên gặp ở rất nhiều khu nhà trọ SV – Ảnh: Trí Quang
Cũng như Thương, Trâm, SV năm nhất ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM than thở: “Mới vào ở tại phòng trọ được mấy ngày thì nhà vệ sinh bị tắc, mình kêu ông chủ sửa ba bốn lần rồi nhưng đợi hoài vẫn chưa thấy ai sửa. Bây giờ muốn đi vệ sinh lại phải qua phòng bên nhờ. Nhưng vào đêm khuya thì không dám làm phiền các bạn nên bọn mình phải cố… “nhịn” tới sáng hôm sau”.
Không những vậy, vì không có cống thoát nước nên hễ trời mưa là nước chảy thẳng vào phòng làm cho mọi người trong phòng Trâm phải lội bì bõm. Nhưng cũng vì đã lỡ đóng tiền phòng sáu tháng, coi như “sập bẫy” chủ nhà trọ dỏm nên Trâm không thể chuyển đi nơi khác vì tiếc tiền.
Cơm chiên 5.000 đồng
“Mấy hôm nay, mọi thứ đều tăng giá, nhưng cơm chiên của tui không tăng. Vì mấy em công nhân đâu có được tăng lương”, chị Hiền, người bán cơm chiên trước Công ty TNHH Thời Ích trên quốc lộ 1A, đoạn gần Khu công nghiệp Vĩnh Lộc (Q.Bình Tân, TP.HCM) chia sẻ.
Phần cơm chiên có giá 5.000 đồng của chị Hiền từ lâu đã trở thành những bữa sáng chắc bụng của rất nhiều công nhân tại khu vực trên. Thậm chí, trong mỗi hộp cơm còn có ít thịt xắt, lạp xưởng, trứng chiên, cà rốt….
Chảo cơm chiên của chị Hiền là điểm thu hút rất nhiều công nhân đến mua đồ ăn sáng – Ảnh: Thanh Phương
“Thời buổi tăng giá, bữa ăn sáng trung bình cũng mất 10.000 đến 15.000 đồng, nên có cơm chiên của chị Hiền cũng đỡ tốn kém lắm, cơm chị nấu tuy rẻ nhưng ngon và chất lượng”, bạn Thu Hồng, công nhân tại khu công nghiệp trên cho biết.
“Công nhân nữ thì ăn ít cơm nên mình sẽ bán ít lại, nhưng mấy em công nhân nam thì ăn nhiều hơn thì mình xới nhiều hơn, bù qua xớt lại, đâu cũng vào đó chứ tui không tăng giá, tội nghiệp mấy em công nhân”, chị Hiền nói.
Thanh Phương
Nguồn: Thanh Nien Online
No comments:
Post a Comment