Bên lề phiên thảo luận về dự án Luật Thủ đô, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Dũng nói thẳng: “Luật Đô thị phải nên có trước Luật Thủ đô… Bởi việc ra đời Luật Thủ đô dễ tạo tiền lệ không hay là các tỉnh, thành, địa phương khác đều muốn có quy chế riêng”.
So với năm ngoái, dự án Luật Thủ đô đã phải rút gọn đi nhiều, song đến kỳ họp này vẫn gây tranh cãi. Lý do vì trước nay chưa có một cơ sở pháp lý rõ ràng nào về phân loại đô thị, để từ đó đề ra mục tiêu, nhu cầu cũng như ý nghĩa của các quy định riêng cho Hà Nội. Các đại biểu nhận xét rằng nhiều điểm được coi là đặc thù cho thủ đô trong dự luật thực ra là đặc thù của một đô thị có quy mô lớn, không phải của thủ đô. Nhiều quy định trong dự luật có thể áp dụng cho mọi đô thị, thậm chí là những điều mà không ít các đô thị khác đã làm.
Trong khi đó luật “cha” là Luật Đô thị hiện mới đang ở dạng “phôi thai” (ngày 14-3 vừa qua bộ trưởng Bộ Xây dựng mới thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập Luật Đô thị). Do đó ranh giới về thẩm quyền giữa chính quyền trung ương với TP Hà Nội (trên tư cách là cấp quản lý trực tiếp quy hoạch kiến trúc, hạ tầng, tài chính, con người) chưa được phân định. Thậm chí sau sáp nhập với Hà Tây công việc của Hà Nội còn bề bộn hơn do có quá nhiều đối tượng với quá nhiều chính sách trong cùng một thời điểm, một lĩnh vực.
Bối cảnh đó rất khó có một bộ luật bao quát được hết mà lại tương thích được với 12 bộ luật khác!
Thực tế, cách làm ngược mà giới lập pháp gọi là “sinh con rồi mới sinh cha” thường đưa tới thất bại. Chẳng hạn, đối với quản lý nhà đất lẽ ra chỉ cần một thứ giấy tờ là chứng nhận của Nhà nước về giao dịch bảo đảm là đủ xác nhận sự hợp pháp của tài sản khi giao dịch, chống được lừa đảo. Song đề xuất loại giấy này đã quá chậm trong khi người dân đã quen với “giấy đỏ, giấy hồng” từ các luật ra đời trước. Hoặc mới đây luật về hội đã “chết yểu” do các luật về tổ chức của MTTQ, công đoàn, thanh niên, cựu chiến binh, người cao tuổi… sớm “chen ngang” khiến cho luật này khó có thể “gom” về một mối nếu không sửa các luật khác.
Trở lại với kỳ họp này, nếu Luật Đô thị đã có, đã làm rõ được khái niệm, chức năng, nhiệm vụ, nhu cầu quản lý… của loại đô thị đặc biệt gọi là thủ đô thì khi thảo luận các quy định riêng cho nó có lẽ các đại biểu đỡ băn khoăn hơn.
No comments:
Post a Comment