Trở Về Trang chính

Tuesday, March 22, 2011

Lẽ phải Dân Việt cần làm ngay

Văn hóa đạo đức của một cậu bé Nhật 9 tuổi trong thảm họa động đất – sóng thần khủng khiếp tại Nhật 11-12.3.2011

(qua thư của một cảnh sát Nhật, gốc Việt, gửi người bạn tên Đăng)

Xin được giới thiệu tôi tên là Hà Minh Thành. Qua anh Nguyễn Hữu Viện tôi mới được biết anh Đăng và trang tin của anh dù tôi làm việc cách chỗ của anh cũng không bao xa. Xin hân hạnh được làm quen với anh.

Hiện tại tôi đang được tăng phái công tác hỗ trợ cho cảnh sát tỉnh Fukushima, chỗ tôi đang làm cách nhà máy điện hạt nhân Fukushima khoảng 25 km. Gọi là lên đây hỗ trợ giữ an ninh chứ mấy ngày nay chỉ đi nhặt xác người không thôi. Dân địa phương họ tự động thành lập các đội tự quản, tương trợ lẫn nhau. Giả sử có ai muốn ăn cắp ăn trộm cũng khó. Vấn đề an ninh không lo lắm. Người chết nhiều quá, tụi tôi chỉ còn lấy dấu tay, chụp hình và trùm mền lại rồi giao người đem đi thiêu. Ngày đầu còn mặc niệm, có cảnh sát tăng phái còn khóc, nhưng bây giờ thì không còn thời gian để mà mặc niệm và khóc nữa. Hôm qua còn không có chỗ để mà thiêu họ nữa đó anh. Khủng khiếp.

Ký giả Vương Hy Văn của Hoàn Cầu Thời Báo Trung Quốc hôm qua theo tôi một ngày để lấy tin, khi đi ngang qua một ngôi nhà bị sập thấy tiền giấy có lẽ từ ngôi nhà đó trôi ướt nằm tứ tán cả bãi đất chắc cũng vài chục triệu yen, nhưng chẳng ai nỡ lòng nhặt, (dành cho tổ tự trị thu xếp), đã phải thốt lên : “50 năm nữa, kinh tế Trung Quốc chắc chắn sẽ đứng đầu thế giới, nhưng vĩnh viễn Trung Quốc không thể được gọi là cường quốc, vì 50 năm nữa người Trung Quốc cũng chưa thể có trình độ dân trí và ý thức đạo đức công dân cao như người Nhật hiện tại. Tôi hổ thẹn mình là con cháu của Khổng Tử, nhưng không hiểu cái đạo Nhân Nghĩa làm người bằng họ.”

Người Trung Quốc 50 năm nữa không bằng họ, còn người Việt mình không biết bao nhiêu năm nữa mới có dân trí như vậy ? Mấy ngày nay tôi chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động về tình người trong hoạn nạn lắm, nhưng có một chuyện khiến tôi cảm động nhất đã làm một người lớn như tôi, từng có bằng Tiến sĩ công học ở Đại học Đông Bắc (Tohoku Dai) cũng phải hổ thẹn về một bài học làm người. Câu chuyện là :

Tối hôm kia tôi được phái tới một trường tiểu học phụ giúp hội tự trị ở đó phân phát thực phẩm cho các người bị nạn. Trong cái hàng rồng rắn những người xếp hàng tôi chú ý đến một em nhỏ chừng 9 tuổi, trên người chỉ có chiếc ao thun và quần đùi. Trời rất lạnh mà nó lại xếp hàng cuối cùng, tôi sợ đến phiên của nó thì chắc chẳng còn thức ăn. Nên mới lại hỏi thăm. Nó kể nó đang học ở trường trong giờ thể dục thì động đất và sóng thần đến, cha của nó làm việc gần đó đã chạy đến trường, từ ban-công lầu 3 của trường nó nhìn thấy chiếc xe và cha nó bị nước cuốn trôi, 100% khả năng là chết rồi. Hỏi mẹ nó đâu, nó nói nhà nó nằm ngay bờ biển, mẹ và em của nó chắc cũng không chạy kịp. Thằng nhỏ quay người lau vội dòng nước mắt khi nghe tôi hỏi đến thân nhân. Nhìn thấy nó lạnh run lập cập tôi mới cởi cái áo khoác cảnh sát trùm lên người nó. Vô tình bao lương khô khẩu phần ăn tối của tôi bị rơi ra ngoài, tôi nhặt lên đưa cho nó và nói : “Đợi tới phiên của con chắc hết thức ăn, khẩu phần của chú đó, chú ăn rồi, con ăn đi cho đỡ đói”. Thằng bé nhận túi lương khô của tôi, khom người cảm ơn. Tôi nghĩ bình thường tưởng nó sẽ ăn ngấu nghiến ngay lúc đó, nhưng không phải, nó ôm bao lương khô đi thẳng lên chỗ những người đang phát thực phẩm và để bao lương khô vào thùng thực phẩm đang phân phát rồi lại quay lại xếp hàng. Tôi sửng sốt và ngạc nhiên vô cùng, mới hỏi nó tại sao con không ăn mà lại đem bỏ vào đó. Nỏ trả lời : “Bởi vì còn có nhiều người chắc đói hơn con. Bỏ vào đó để các cô chú phát chung cho công bằng chú ạ“.

Tôi nghe xong vội quay mặt đi chỗ khác khóc để nó và mọi người đang xếp hàng không nhìn thấy. Thật cảm động. Không ngờ một đứa nhỏ 9 tuổi mới học lớp 3 đã có thể dạy một thằng có ăn có học từng có bằng tiến sĩ như tôi một bài học làm người trong lúc khốn khó nhất. Một bài học vô cùng cảm động về sự hy sinh.

Tôi nghĩ một dân tộc với những đứa trẻ 9 tuổi đã biết nhẫn nại, chịu gian khổ và chấp nhận hy sinh cho người khác, chắc chắn là một dân tộc vĩ đại. Đất nước này giờ đây đang đứng ở trong những giờ phút nguy cấp nhất của sự điêu tàn, nhưng chắc chắn nó sẽ hồi sinh mạnh hơn nhờ những công dân biết hy sinh bản thân ngay từ tuổi niên thiếu.

Lên đây rồi bây giờ tôi mới thấm thía câu nói của vị thiền sư phụ của tôi ở Tokyo trước khi lâm chung dạy lại cho tôi là “Nhân sinh nhất mộng, bất luận kiến tâm, tâm vô sở cầu thị Phật” (Trong cõi nhân sinh chỉ có một lẽ hằng, tâm giác ngộ không cần lý luận, tâm không ham muốn gì cho riêng mình, đó chính là Phật). Sự hy sinh vì người một cách vô ngã của đứa nhỏ 9 tuổi khiến tôi ngộ ra được những điều cả cuộc đời bon chen của mình tôi chưa nhận thấy được. Tôi nhường khẩu phần ăn tối của tôi cho thằng bé để nhận của nó một lời cám ơn, còn nó cho đi cả buổi ăn tối của nó một cách vô tư không so đo dù nó đói còn thê thảm hơn tôi nhiều, và chắc còn phải đói nhiều trong cả cuộc đời vì không gia đình nữa. Những công án thiền của Bích Nham Lục, Vô môn quan hoàn toàn vô nghĩa so với hành động của một đứa bé 9 tuổi.

Xưa nay tôi không phục người Nhật lắm từ khi còn đi học, làm kỹ sư rồi làm cảnh sát thì phải luôn tiếp xúc với những người Nhật ở mặt trái của xã hội. Nhưng mà hành động của người dân Nhật trong vùng động đất bây giờ đã khiến tôi phục họ thật sự.

Tình hình quanh nhà máy điện hạt nhân vẫn còn an ninh, hiện tại tụi tôi đã được phát sẵn khẩu trang và đồng phục nylon. Ông Kan sáng nay họp báo dự tính đến tình huống xấu nhất là bỏ cả vùng miền Đông. Tôi không phải chuyên ngành về nguyên tử lực như anh nên không hiểu lắm về tác hại của phóng xạ. Nhưng tôi nghĩ cũng đang nguy hiểm. Tụi TEPCO vụ này chủ quan quá. Anh Đăng nếu được nên sắp xếp cho vợ con về VN trước thì tốt nhất. Tôi sợ tới lúc xấu nhất không còn vé máy bay. Tôi thì bà xã người Nhật, con gái cũng mới ra trường y tá và cũng đang hoạt động cứu trợ thiện nguyện ngay tại Fukushima này. Tôi hỏi con gái tôi “Tình hình có vẻ nguy hiểm, con có muốn đi VN lánh nạn không ?”. Nhỏ gái của tôi trả lời :”Đi đâu bây giờ ? Xung quanh con với cha người ta chết với bị thương hàng hàng lớp lớp. Không lẽ bỏ chạy ? Làm được gì cứ làm, tới đâu hay tới đó.” Tôi gọi điện thoại về hỏi bà vợ tôi tính sao, có cần chạy qua quê chồng trú tạm lánh nạn một mình không, thì bà xã tôi nói rằng : đối với người Nhật, thì 36 kế của Tôn Tử binh pháp họ chỉ dùng được tới kế 35. Cái chước cuối cùng “Tẩu vi thượng sách” (chạy trốn là thượng sách) không có chỗ dùng, vì cái xứ đảo này không có chỗ nào để mà chạy nữa. Cùng lắm chịu chết thôi. Thôi thì tôi thân phận dính líu tới cái Tổ quốc thứ hai này rồi. Vợ con gì cũng không chạy, không lẽ một mình tôi bỏ nhiệm sở. Già rồi có hít chút phóng xạ vô nữa cũng chẳng sao cả. Mang ơn nghĩa với đất nước này cũng nhiều, thôi thì bây giờ cùng đến lúc có cơ hội để trả ơn họ vậy.

Hy vọng không có gì xảy ra, khoảng 3 tuần nữa có thể trở về Saitama. Hy vọng được gặp anh Đăng nếu anh còn ở Nhật, anh em mình tâm sự nhiều hơn. Tôi năm nay 56 tuổi. Chắc cỡ tuổi anh.

Chúc anh và gia quyến an toàn.

Hà Minh Thành, Fukushima, Nhật Bản, 16-3-2011, do một nhà báo VN chuyển.

Chuyện cổ tích Việt Nam hiện đại tháng 3-2011 tặng riêng CA CSVN

+ Tôi hỏi một bé gái VN 9 tuổi : “Con nghĩ Công an là gì ?” Em trả lời ngay không suy nghĩ: “Công an là sự sợ hãi của người Dân”. Tôi ngạc nhiên : “Tại sao con nói thế ?”. Em đáp : “Tại vì ai thấy Công an cũng sợ hết”(1). Tôi hỏi thêm : “Công an là gì nữa ?”. Em suy nghĩ một lát rồi nói: “Công an là tay sai của sự sợ hãi”. Sửng sốt trước câu trả lời như của một Triết gia già dặn, có lẽ vượt quá tầm suy tưởng của khá nhiều người, tôi muốn nghe em giải thích : “Tại sao con nói CA là tay sai của sợ hãi ?”. Triết gia nữ nhi VN 9 tuổi này lý luận : “Chứ còn gì nữa, mấy ông to rất sợ Dân, rồi sai Công an làm toàn nhiều điều bậy bạ, khổ Dân quá !” Tôi vừa buồn vừa rất vui tự nghĩ: “Đất Nước mình có những Công dân tí hon sâu sắc như vậy, thì Tổ Quốc này còn nhiều cơ may phục hồi nhanh và huy hoàng hơn”.(1) Tôi chưa kể chi tiết để 2 em khỏi bị CA CSVN thù hèn như đã từng xảy ra.

Tôi hỏi một em gái khác 10 tuổi (1): “Con nghĩ Công an là gì ?” Em cười đáp : “Công an là bọn cướp ngày”. Em cười nói thêm : “Cướp đêm là trộm, cướp ngày là Công an”. Tôi cười đọc lại câu Ca dao VN hiện đại cho em : “Con ơi con hãy nhớ rằng : Cướp đêm là trộm, cướp ngày là quan”. Em cũng cười cãi lại ngay : “Thì Công an đều là quan bắt nạt Dân hết, chớ còn chi nữa !”. @@@

Lm TNLT Nguyễn Văn Lý chuyển đạt 21-3-2011

No comments:

Post a Comment