“Trận cuồng phong dân chủ” tiếp tục khiến những nhà cầm quyền toàn trị trong khu vực, kể cả nhà cầm quyền VN, tỏ ra bất an và sẵn sàng mọi phương cách ứng phó, thì “trận bão giá” hiện đang đe doạ khắp nơi.
AFP photo
Một người nông dân ở Hà Nội chụp hôm 04/1/2011
Thời bão giá
Cảnh “cơm, áo, gạo, tiền” cùng tình trạng “của khó người khôn” hẳn gây âu lo cho người dân trong nước, nhất là giới lao động nghèo với đồng lương chỉ đủ “sống cầm hơi đợi mùa lúa chín” !
Có lẽ cảm cảnh khó khăn ngày càng đáng ngại đó mà Blogger Khuyết Danh không khỏi than rằng:
“Gió đưa cái Giá lên trời,
Cho Lương ở lại Lương thời đắng cay.
Giá ơi ta bảo Giá này:
Giá lên nhanh quá có ngày…chết Lương.”
Và, qua Blog Hiệu Minh, tác giả Tân Hà Nội tóm tắt “Thời Bão Giá” rằng:
“Ôi cuộc sống thời bão xăng, bão điện,
Phố bỗng trầm, người bỗng thấy nao nao.”
Vậy là xăng tăng giá, sau bao nhiêu lời đồn đoán, sau bao nhiêu cố gắng nhằm “bình ổn” và sau bao nhiêu nỗ lực, quyết liệt ” không tăng giá” để ổn định thị trường.
Blogger Mẹ Nấm
Tình trạng vật giá leo thang làm dân tình khốn đốn khiến Blogger Mẹ Nấm phản ứng qua bài tựa đề “Xăng tăng có ý nghĩa gì không ?”. Mẹ Nấm nhận xét:
“Vậy là xăng tăng giá, sau bao nhiêu lời đồn đoán, sau bao nhiêu cố gắng nhằm “bình ổn” và sau bao nhiêu nỗ lực, quyết liệt “không tăng giá” để ổn định thị trường.
Thế nào là bình ổn và cách để bình ổn như thế nào?
…Ngẫm chuyện nước ta, khi ngành xăng dầu kêu lỗ, ngành điện kêu lỗ hoặc bất cứ ngành nào mà có ngài độc quyền bảo trợ kêu lỗ mà cứ tăng giá để bù, khác nào bóp cổ ông Hồ in trên tờ polyme?? Khác nào mời tờ Obama hay tờ Mao zetung vào lưu hành cho khỏe! Ngẫm chỉ tội mấy người được gọi là doanh nhân “ngoài hợp tác xã” đóng thuế để góp sức kéo cỗ máy ì ạch mà thôi.”
Bài “Nghịch Lý” trên Blog Hãy Dành Thời Gian chú trọng tới tình trạng mâu thuẫn trong việc giá xăng dầu leo thang ở VN, lưu ý về nghịch lý xảy ra tại một nước tự hào xuất khẩu dầu thô trong khi ngân sách nhà nước lại phải chi bù lỗ hàng ngàn tỷ đồng cho việc kinh doanh xăng dầu. Và rồi xăng dầu trong thời điểm này không đủ cung cấp cho giới tiêu thụ trong nước dù đã có bù lỗ.
Bài blog nhận thấy giới hữu trách “Có đến 1001 lý do được đưa ra để ngừng cung cấp và bán xăng dầu cho người dân, nhằm tránh thua lỗ trong điều kiện hiện tại”, và nêu lên nghi vấn rằng “ Vậy để xảy ra tình trạng hỗn loạn thị trường xăng dầu trong thời gian vừa qua trách nhiệm sẽ thuộc về ai? Hay lại hoà cả làng?”. Bài blog đi vào chi tiết:
“Trong khi dự án thập kỷ nhà máy lọc dầu Dung quất được đầu tư khoảng 43.300 tỉ đồng đến nay cơ bản đã đi vào hoạt động, vậy có những đóng góp nhất định nhằm bình ổn thị trường xăng dầu hay chưa? Đó còn chưa kể năm qua Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam lợi nhuận đem lại cũng lên đến nhiều tỷ đồng.
Đóng góp cho ngân sách Nhà nước đạt 110 nghìn tỷ đồng, trong khi năm 2009 là 90 nghìn tỷ đồng và chiếm khoảng 30% tổng thu ngân sách Nhà nước. Nhiệm vụ kinh doanh do đó được cho là thành công và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhưng xét trên bình diện nhiệm vụ chính trị là một doanh nghiệp nhà nước đầu tàu trong nền kinh tế quốc dân liệu để tình trạng khan hiếm xăng dầu như hiện nay liệu có trách nhiệm từ phía cơ quan này?
Nghịch lý còn xảy ra ở cách quản lý điều tiết thị trường xăng dầu của các cơ quan chức năng có liên quan. Nhiều cuộc hội thảo về giá cả, rồi làm sao để bình ổn thị trường xăng dầu đã được tổ chức trước đó, cũng như đã có hẳn những phòng ban Cục, Vụ và Viện… Mỗi năm tiêu tốn nhiều tỷ đồng vốn ngân sách…”
Giữa lúc vật giá trên đà leo thang phi mã đang “hành” dân nghèo trong nước thì – nói theo lời Blogger Nguyên Hồng 8406, “Người dân nghèo ở VN hôm nay đang bị mất cắp hàng ngày”.
Kẻ trộm vô hình
Qua bài tựa đề “Mất Cắp”, Blogger Lê Nguyên Hồng cảnh báo rằng “tên trộm bất nhân cứ thẳng tay thò vào túi móc tiền người dân mà họ không hề hay biết”. Tác giả giải thích trước hết là chuyện mất cắp về tiền bạc:
“Vì có 50 ngàn đồng trong túi, một người công chức nọ tiêu trong một buổi sáng đã gần hết: Mua báo, uống cà phê sáng, ăn một tô phở, còn lại đúng 10 ngàn đồng, anh ta đã hết tiền để đủ mua một lít xăng…Anh ta chợt nhớ lại: Chỉ cách nay khoảng 3 năm thôi, với 50 ngàn trong túi, anh ta đã đủ chi cho cá nhân trong hai ngày, có 2 bữa sáng bình dân, và còn dư tiền đổ xăng cho chiếc xe máy Tàu cà tàng, chiều về còn mua cho đứa con đang học cấp 1 mấy cây kem. Tên trộm nào đã lấy mất của anh 50% số tiền? Không ai khác, đó là tên Giá, nói đầy đủ là “giá cả leo thang”, hay là nạn lạm phát.
Nếu làm một cuộc khảo sát nhỏ thì sẽ thấy đại đa số học sinh, sinh viên ngày nay không thuộc Lịch Sử nước nhà, không hiểu đâu là cội nguồn dân tộc, không biết gì về văn hiến ngàn năm…
Blogger Nguyên Hồng
…mỗi ngày một người dân Việt Nam mất cắp trung bình là 20 ngàn đồng. Nếu nhân với khoảng 85 triệu dân, con số đó sẽ là 1 ngàn 700 tỉ. Nếu lấy số này nhân với 30 ngày trong tháng và 365 ngày trong năm thì con số đó thật khủng khiếp. Đó là chỉ nói đến lĩnh vực tiêu dùng thiết yếu. Nếu liệt kê ra các giao dịch tài chính, và lưu thông tiền tệ khác trên đất nước Việt Nam, thì đó mới là con số mất cắp đáng quan ngại, cố thể làm sụp đổ nền tài chính quốc gia…”
Nhưng đâu phải người dân trong nước chỉ có bị mất cắp về tiền bạc, mà hiện họ còn bị mất cắp nhiều thứ khác nữa. Tác giả liệt kê những thứ mất cắp ấy trong xã hội VN ngày nay – có thể tóm lược- như “Mất cắp nguồn gốc” – tình trạng mà Sử gia Dương Trung Quốc từng cảnh báo rằng “Thế hệ chúng ta sau này mất gốc hoàn toàn”.
Theo Blogger Nguyên Hồng, “nếu làm một cuộc khảo sát nhỏ thì sẽ thấy đại đa số học sinh, sinh viên ngày nay không thuộc Lịch Sử nước nhà, không hiểu đâu là cội nguồn dân tộc, không biết gì về văn hiến ngàn năm…”
Tác giả nhận thấy người dân Việt còn bị “Mất cắp danh dự” nữa, khi VN đã nhượng bộ cho TQ nhiều phạm vi lãnh thổ, lãnh hải, ngư dân VN bị “tàu lạ” bắn giết, bị bắt cóc làm tiền ngay trong hải phận của mình; rồi tình cảnh tủi nhục đau thương của nhiều cô dâu Việt lấy chồng Hàn, chồng Đài Loan, phải đẻ mướn…
Tình trạng người dân Việt bị mất cắp nhân tính, mất cắp văn hoá cũng được tác giả đề cập đến, khi “cướp bóc, chém giết, hãm hiếp tràn lan, người ta sẵn sàng lao vào ẩu đả nhau, đâm chém, thậm chí dùng cả súng để hạ sát nhau, nguyên nhân xuất phát chỉ vì một va chạm nhỏ…” trong khi “Chưa bao giờ người ta lại lo lắng cho nền văn hóa bị vong bản như ở Việt Nam hiện nay. Mọi thứ đều được đặt trên giá trị đồng tiền. Thanh thiếu niên càn quấy, tụ tập lập băng đảng đua xe, hút chích, thác loạn. Người ta quay cuồng, hối hả trong sự đảo điên, mà đích đến chỉ là vật chất, tiền bạc và nhục dục…”.
Thế còn lãnh vực giáo dục thì sao? Tác giả báo động rằng “ Chưa bao giờ và có lẽ là không có nơi nào trên thế giới xảy ra quá nhiều chuyện tày trời về tha hóa, mất đạo đức trong ngành Giáo dục và quan hệ thầy trò như ở Việt Nam”, từ chuyện chạy trường, chạy lớp, nạn bằng cắp giả hay bằng cắp thật mà học giả cho tới bệnh thành tích, dịch vụ dạy thêm, học thêm…”
Mất cắp sự công bằng
Nói đến tình trạng tha hoá giáo dục, có lẽ người ta không khỏi liên tưởng và xót thương cho số phận của 2 nạn nhân Nguyễn Thuý Hằng và Nguyễn Thị Thanh Thuý khi TAND tỉnh Hà Giang sắp mở phiên xử vụ án “Mua dâm người chưa thành niên” và “môi giới mại dâm” vào mùng 10 tháng 3 này đối với nguyên hiệu trưởng Sầm Đức Xương và 2 học sinh nạn nhân vừa nói – mà được biết là phiên xử kín, 2 nạn nhân không có luật sư, không có người giám hộ hiện diện.
Trong tình hình như vậy, nhiều bloggers, kể cả Bọ Lập, Quê Choa đăng bài “Xử kín…than ôi !”, nêu lên câu hỏi là “ Tại sao phải xử kín ? Người ta chỉ xử kín khi vụ án chỉ liên quan đến bí mật quốc gia. Không lẽ mua dâm người chưa thành niên là bí mật quốc gia ?”
Trở lại bài blog “Mất cắp”, Blogger Nguyên Hồng tiếp tục cảnh báo về tình trạng giới cầm quyền đánh cắp sự công bằng, quyền sống và lòng tin của người dân trong nước. Về mất cắp sự công bằng, tác giả dẫn chứng cụ thể:
“Nếu là con cái một quan chức cấp huyện trở lên đến trung ương, hay từ cỡ giám đốc chẳng hạn, thì chắc chắn người đó sẽ có cơ hội vào học tại các trường có đầu ra “ngon ăn”, tức là dễ kiếm việc làm, lương cao, có việc ở thành thị. Cao hơn thì sẽ được đi du học nước ngoài bằng tiền tham nhũng, hoặc bằng tiền học phí công khai do nhà nước chi trả. Chưa bao giờ lũ con ông cháu cha lại ngông nghênh hợm hĩnh, cao ngạo và trác táng như hiện nay. Người ngay thẳng, chống tiêu cực, thì bị trù dập trả thù dã man và hèn hạ.
Hệ thống công quyền đang tự tạo ra những mối quan hệ giữa các cá nhân nắm quyền ở mọi cấp, bằng một sợi dây xích nhằng nhịt, kết nối bởi Tiền – Quyền, giống như một băng đảng xã hội đen.”
Tình trạng ngừơi dân bị “Mất quyền sống” khiến vấn đề Nhân quyền mà thế giới đặt lên hàng đầu trở thành thứ xa xỉ ở VN khiến, theo tác giả, “Một con người sẽ chỉ là một con vật nửa người khi bị tước quyền sống, quyền tự do”, và “con người của anh chỉ thuộc về anh một phần, còn lại thì thuộc quyền của Đảng, của nhà nước, anh có quyền sở hữu thân thể nhưng không có quyền sở hữu hành vi chính đáng của mình…”.
Hệ thống công quyền đang tự tạo ra những mối quan hệ giữa các cá nhân nắm quyền ở mọi cấp, bằng một sợi dây xích nhằng nhịt, kết nối bởi Tiền – Quyền, giống như một băng đảng xã hội đen.
Blogger Nguyên Hồng
Sau cùng, tác giả khẳng định rằng tình trạng người dân bị mất cắp lòng tin là hệ luỵ của mọi sự mất cắp vừa nói, khi, theo Blogger Nguyên Hồng:
“Trước đây người dân tin vào Đảng, vào bác Hồ, vì được nghe tuyên truyền là “Bác và Đảng sống cho dân cho nước”. Nhưng rút cục, bác Hồ cũng là người dối trá, tự viết sách ca ngượi bản thân mình (Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ chủ tịch – Trần Dân Tiên), bác cũng có vợ, thậm chí còn có tới hai, ba vợ (Tăng Tuyết Minh, Nông Thị Xuân…). Mà trái khoáy ở chỗ: Vợ Bác cũng không nhận, con Bác cũng chẳng dám công khai.”
Và tác giả kết luận rằng “hãy cảnh giác với những tên trộm ngày, là quan chức nhà nước, mặt bóng nhẫy, đi xế hộp mặc complete, mở miệng ra là nói “vì dân, do dân”. Bọn chúng mới đích thị là những tên đã gây nên các vụ trộm và vấn nạn mất cắp trên toàn cõi Việt Nam”.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vn-during-storm-of-sky-rocketing-prices-amid-its-people-stolen-by-authorities-tq-03082011192047.html
No comments:
Post a Comment