Những cô gái Việt Nam đẻ thuê vừa được giải thoát tại Thái Lan không mới đối với người dân thị trấn Giá Rai (huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu). Việc đẻ thuê âm thầm diễn ra như lấy chồng Hàn Quốc, Đài Loan… những năm trước đây. Có hay không đường dây đẻ thuê ở thị trấn này?
Chuyện cũ mới biết về đẻ thuê
Ngôi nhà cô Thạch Thị Mỹ Hướng- nạn nhân bị cưỡng bức trong đường dây đẻ thuê tại Thái Lan. |
Sáng và tối
Vào quán cà phê ở thị trấn, bên quốc lộ 1A, tôi nói với chị chủ quán mục đích của chuyến đi. Chị chủ quán buông: “Trời ơi, tưởng gì, chuyện đẻ thuê từ lâu rồi. Mấy tháng trước, nghe nói ở đây có 2 cô đẻ thuê về, người ta bảo tiền nhiều lắm”.
Trong 15 cô gái đẻ thuê được giải cứu tại Thái Lan thì có 5 cô ở thị trấn này trong số 8 cô ở Bạc Liêu. Người dân thị trấn cho rằng, các cô đi đẻ thuê đó là chuyện riêng của họ “đèn nhà ai nấy sáng”. Chị chủ quán nói, con gái của ông Hổ và bà Hoa bán chuối nướng ở chân cầu, đi nước ngoài đẻ thuê, vàng đeo đầy cổ luôn. Nhưng rồi không biết căn cơ, giờ lại nghèo, đang đi ở mướn làm thuê.
Anh công an viên ở ấp rất trẻ, nhiệt tình, dẫn tôi đến thăm gia đình cô Dương Thị Kiều Trang, ở sâu trong con hẻm nhỏ, khu dân cư phía sau thị trấn. Đây là căn nhà cho thuê.
Bà Trần Thị Kiều Tiên- mẹ của Kiều Trang, kể: “Con Trang là con gái đầu, có chồng lúc 17 tuổi, rồi bị chồng bỏ, ôm con về tui nuôi. Ở nhà chẳng có việc gì làm ra tiền, Kiều Trang ở mướn trên TPHCM, rồi theo bạn bè sang Thái Lan được một năm làm gì chẳng ai hay, rồi lại về lột tôm cho xí nghiệp”.
Năm nay, Kiều Trang, 22 tuổi, đang làm công nhân một xí nghiệp chế biến thủy sản gần nhà. Bà Kiều Tiên nói về con mình: “Kiều Trang cực từ nhỏ, theo tui lột tôm từ lúc 12 tuổi. Khi chuyện gia đình đổ vỡ, Kiều Trang theo bạn bè lên TP HCM, rồi có người quen rủ đi Thái Lan làm mướn chớ gia đình chẳng ai biết đường đi nước bước gì. Làm thuê ở Thái Lan cũng có chút tiền nhưng tiêu pha cũng hết”.
Trong ngôi nhà trọ bé tí, chỉ có một chiếc giường gỗ cũ, cho 7 người trong gia đình của bà Kiều Tiên nương tựa, trong đó có con của Kiều Trang. Ông Hổ- cha của Kiều Trang làm thuê, vác mướn để nuôi vợ con. Bà Kiều Tiên nướng chuối,… bán ở vệ đường. Hằng đêm, vợ chồng bà Kiều Tiên ngủ trên giường, các con ông trải chiếu xuống nền gạch ngủ.
Kiều Trang học dở lớp 2, lại tái mù, trở lại vòng làm thuê làm mướn. Còn các em chưa đứa nào học hết tiểu học. Bà Kiều Tiên vò đầu người con trai út, 11 tuổi: “Thằng này học lớp 1, ra trường 3 năm rồi đó, chẳng còn nhớ chữ gì nữa cả”.
Ra tới đầu hẻm, anh công an viên ấp, nói: “Hôm trước, ông Hổ đi gặt lúa mướn, tâm sự với tôi đang chờ cho Kiều Trang đi tiếp sang Thái Lan. Ở đây, còn một cô nữa, cùng về với Kiều Trang, nay lại đi rồi, không rõ đi đâu?”.
Ngôi nhà của cô gái mà người dân xung quanh cho rằng đã đi Thái Lan đẻ thuê mấy năm trước, nay đổi khác nhiều. Trước đây, gia đình của cô ở đậu mỏm đất ven sông, sạt lở quanh năm, phải chống kè. Cô là Nguyễn Ánh Trăng, trước tết đi Thái Lan về, có tiền cho cha mẹ mua đất, xây dựng nhà mới kiên cố. Trông ngôi nhà mới nổi bật so với khu dân cư này.
Trong căn nhà còn thơm mùi sơn mới, nhiều tài sản có giá trị, khó có được trong xóm nghèo lam lũ. Ông Nguyễn Văn Đen- cha Ánh Trăng, đang đi làm công khoan giếng nước ngầm. Mẹ của cô Ánh Trăng là Phạm Thúy Hạnh Dung vẫn còn làm thuê quét dọn quán ăn ở chợ thị trấn.
Nay, bà Hạnh Dung ít đi làm, nghỉ ngơi thư thả, dù tuổi đời mới 40. Bà Hạnh Dung thấy tôi trầm trồ khen nhà đẹp, bà nói: “Làm mướn mà cất nhà sao nổi. Các con phụ thêm vô. Con Trăng đi làm mướn nước ngoài hỗ trợ phần lớn đó”.
Cán bộ, chiến sĩ công an thị trấn cho biết: “Dư luận thì có nhiều nhưng làm sao biết được các cô đi đâu, làm gì? Chuyện đi đẻ thuê mà gia đình các cô không thừa nhận thì mình bó tay luôn”.
Trung tâm Bảo vệ và Dạy nghề tại Thái Lan, nơi 15 cô gái đẻ thuê đang tá túc. |
Có hay không đường dây đẻ thuê?
Một bác sĩ làm phòng mạch đầu thị trấn, trang bị máy siêu âm xịn tiết lộ: “Vài năm nay, có nhiều cô gái tuổi tầm 18-20 đến chủ yếu siêu âm hệ sinh dục. Biết thế nhưng tôi cũng chẳng hỏi thăm siêu âm để làm gì. Việc ai người ấy làm thôi!”.
Nhiều cán bộ cơ sở ở thị trấn này đều nói có nghe thông tin một số cô gái đi Thái Lan đẻ thuê, kiếm được tiền nhưng rất khó xác minh. Một trung tá công an thị trấn nói: “Tôi có nghe dư luận, một vài công an viên báo cáo nhưng rất khó xác định vì việc đi nước ngoài không trực tiếp từ địa phương, mà họ thường đến một địa phương trung chuyển khác rồi từ đó làm thủ tục đi. Hỏi họ, họ giấu, nên khó khẳng định”.
Nhiều người dân ở thị trấn thông tin cầm chắc rằng, có một nậu có tên là U.N.V ở chợ là nơi tổ chức chiêu mộ các cô gái đi đẻ thuê. Một cán bộ công an nơi bà này sinh sống nói: “Bà U.N.V làm nghề nội trợ, mua bán nhỏ tại nhà nhưng phất lên khá bất thường. Những năm trước, bà này là đầu mối gom người xuất ngoại sang Hàn Quốc, Đài Loan…”.
Theo thông tin của chúng tôi, cơ quan chức năng đã đưa bà vào điểm ngắm việc có hay không ở đây đang hình thành đường dây tổ chức đẻ thuê nơi xứ người?
Thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan cho biết, các cô gái Việt Nam sang Thái Lan trong đường dây đẻ thuê xuất phát từ TPHCM sang Thái Lan hoặc từ Việt Nam sang Campuchia rồi đến Thái Lan.
http://www.tienphong.vn/Thoi-Su/530159/Chuyen-cu-moi-biet-ve-de-thue.html
*
Hậu phương của gái đẻ thuê
Nguyễn Tiến Hưng (TP) – Những cô gái đẻ thuê tuổi đời đôi mươi, sống nghèo khó, lam lũ quanh năm. Phần lớn họ đã có con, bỏ chồng, sang xứ người hi vọng kiếm tiền nuôi bố mẹ và trả nợ, nhưng lại thành phận gái đẻ thuê.
Trẻ em nghèo ven biển Bạc Liêu mò cua con để bán cho trại giống kiếm tiền. |
Trong những ngôi nhà dựng bằng lá cây
Mấy ngày gần đây, nhiều người lạ đến hỏi thăm chuyện Thạch Thị Mỹ Hướng làm ăn xa. Bà Trần Thị Hiền- mẹ của Hướng bần thần, lo xa nhỡ con có chuyện gì không may. Mấy năm trước, vợ chồng bà Hiền cho con gái tuổi trăng tròn, theo anh em làm thuê trên TPHCM đã lo, nay càng lo hơn.
Bà Trần Thị Hiền lau vội mồ hôi trên trán: “Lần về nhà trước tết, con Hướng nó chạy tới chạy lui lo giấy tờ gì đó, để đi làm xa. Tội nghiệp, con Hướng dặn đủ thứ với tôi để lo cho cha, cho các em…”
Bỏ lửng câu nói, bà Trần Thị Hiền nhìn ra vạt rừng lưa thưa vùng quê ven biển Bạc Liêu. Kể từ ngày Thạch Thị Mỹ Hướng từ giã gia đình làm ăn xa, đã 5 tháng mà chẳng nghe tin tức đang ở đâu, làm gì. Ngôi nhà tình thương của bà Trần Thị Hiền có vách lá lưa thưa, gió từ biển xào xạc, nắng chiều xuyên vách nhà thành những vệt vàng nhạt trên nền đất.
Vợ chồng bà Trần Thị Hiền, 48 tuổi, có 5 đứa con, nghèo khó nên chẳng được học hành đến nơi đến chốn. Hướng học giỏi nhất nhà. Hồi trước, Hướng theo bố mẹ đi làm mướn ở Thốt Nốt (TP Cần Thơ), người ta thương cho vô lớp 1, học đến nửa lớp 2 rồi nghỉ luôn.
Chị của Hướng không biết mặt chữ, lấy chồng hồi 17 tuổi, sanh con, dắt nhau đi làm mướn miệt Cà Mau. Các em của Hướng học vài năm mới được một lớp.
Ngôi nhà của gia đình cha mẹ của cô Võ Thị Ngọc Hà ở sâu trong vùng quê lúa Vị Thủy (Hậu Giang). Chị gái của Võ Thị Ngọc Hà vừa lấy người chồng Đài Loan, đang chuẩn bị làm thủ tục về nhà chồng, nói: “Nó qua bển 1-2 tuần, có điện thoại về, làm công giúp việc nhà”.
Nhà của Võ Thị Ngọc Hà dựng bằng cây lá xập xệ, mái lợp tôn, lá vừa đủ che mưa gió. Chị của Hà nói: “Tui mới nghe mấy chị Hội phụ nữ tỉnh Hậu Giang điện thoại hỏi thăm gia đình, cho biết Hà đi đẻ thuê ở Thái Lan, chờ về nước. Hai đứa con của Hà vẫn gởi bên nội. Lại mang bầu về nữa, làm sao đây?”.
Cha mẹ của Võ Thị Ngọc Hà sinh được 10 người con. Hà lớn lên, 18 tuổi có chồng ở Kiên Giang. Hai vợ chồng đi làm thuê, gặt lúa mướn, sinh được 2 con, rồi xảy ra mâu thuẫn, chia tay. Gởi hai con bên nội, Hà về tá túc ở nhà cha mẹ ruột, làm mướn kiếm sống. Nhà nông không đất, con đông nên anh chị em của Hà học đến lớp một, lớp hai, biết đọc biết viết rồi nghỉ, lo làm ăn.
Ngôi nhà của cha mẹ Võ Thị Ngọc Hà dựng trên mảnh đất tự khai phá khu mồ mả hoang. Chị của Hà kể: “Ba em mất cách nay trên chục năm, má đã 72 tuổi mà phải chạy chợ kiếm sống. Tui nghe Hà kể có hùn mướn đất trồng lúa, thất bát, đổ nợ cả trăm triệu đồng. Nó muốn đi làm có tiền trả nợ mới dám về”.
Bây giờ, gia đình Hà trống vắng, anh em lớn đi làm ăn xa. Bản thân chị ruột của Hà cũng từng có một đời chồng. Nhờ mai mối, chị vừa đi bước nữa với người chồng Đài Loan, đang chờ thủ tục, học tiếng để theo chồng xa.
Trên đường đi tìm những cô gái đẻ thuê ở miệt Hậu Giang, bà Nguyễn Thị Rớt, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Vị Thủy nói: “Ở huyện này, trong số phụ nữ lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc, có người hạnh phúc, có người bị ngược đãi ôm con về. Nghèo khó, thất học, dễ bị lôi kéo, dụ dỗ”.
Ngôi nhà cô gái đẻ thuê ở Hậu Giang. |
Xuất ngoại để trả nợ
Ngôi nhà của cô gái Mai Thị Phúc ở sâu phía sau thị trấn trung tâm huyện Giá Rai. Bữa cơm chiều vừa xong, chén đũa còn bỏ lăn ra nền đất. Ông Mai Năng mới 53 tuổi, trông như đã 70.
Bà Danh Thị Luốt vợ ông, nói: “Ông ấy bệnh gần chục năm rồi, không làm gì, đầu óc không bình thường, quanh quẩn trong nhà, lội dài hàng xóm. Ai cho gì ăn nấy, đưa thuốc thì hút, cho tiền thì không biết bao nhiêu? Nhưng cũng may, từ khi ngã bệnh đến giờ, ông ấy hiền từ, không quậy phá gì, không quan tâm đến ai, ngồi thần thừ ra đó thôi”.
Vợ chồng bà Danh Thị Luốt có 6 người con, Mai Thị Phúc là con gái thứ 3, học giỏi nhất nhà, nửa lớp 3. Bà Danh Thị Luốt kể:
“Hồi vợ chồng tôi đi làm mướn bên Kiên Giang, mang con cái theo. Nửa chừng ông chồng bệnh nặng, nằm bệnh viện suốt tháng, con Phúc phải nghỉ học. Bây giờ, có 3 đứa còn học trường dân tộc ở chùa, có tiền trợ cấp hàng tháng, không thì cũng nghỉ học rồi.”
Cha bệnh, gia đình lâm vào hoạn nạn, cô Mai Thị Phúc nghỉ học, đứa em gái kế 24 tuổi mà không biết chữ, bưng bê cho quán ăn ngoài thị trấn được vài chục ngàn đồng/buổi.
Bà Luốt giặt đồ mướn, con gái làm mướn kiếm được vài chục ngàn đồng nuôi sống gia đình. Món nợ vay xóa đói giảm nghèo, mỗi năm vài triệu đồng cũng chỉ lo cơm ăn, cộng dồn đã gần 20 triệu đồng.
Bà Luốt rơi nước mắt, kể: “Con Ngọc nói đi qua Thái Lan làm mướn nhiều tiền hơn, sẽ gởi về trả nợ, lo trị bệnh cho ba nó. Nhưng nó đi hơn 5 tháng rồi, chưa gởi về đồng nào. Mấy tháng trước, nó có gọi về nhà cậu ở bên, tôi sang nghe, nó bảo làm được. Nhưng khoảng tháng nay, nó không gọi về nữa, không biết có chuyện gì?”
Ông Dương Thành, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Hộ Phòng (Giá Rai, Bạc Liêu) cho biết: “Trên địa bàn có 3.929 hộ dân, có 608 hộ nghèo, 382 hộ cận nghèo. Có thông tin đường dây đẻ thuê nhưng chưa phát hiện trường hợp nào. Nếu có đường dây ấy là phải ngăn chặn ngay”.
* Tên một số nhân vật đã được thay đổi
http://www.tienphong.vn/Thoi-Su/530099/Hau-phuong-cua-gai-de-thue.html
*
Làm gì không ai biết
Nguyễn Tiến Hưng (TP) – Trong số 15 cô gái Việt Nam đẻ thuê được giải thoát tại Thái Lan, tám cô quê Bạc Liêu, tất cả đang chờ đoàn tụ gia đình. PV báo Tiền Phong đến xứ sở Công tử Bạc Liêu để tìm hiểu gia cảnh của họ.
PV báo Tiền Phong tìm về làng quê các cô gái đẻ thuê. |
Xã chuyên muối của huyện Đông Hải có ba cô gái nằm trong danh sách người đẻ thuê vừa được giải cứu tại Thái Lan. Ông chủ tịch xã trông rất trẻ xua tay: “Làm gì có chuyện đẻ thuê, lấy chồng nước ngoài thì có. Những người này không có ở đây đâu. Vả lại, người làm hộ chiếu đi nước ngoài không qua xã đâu, làm gì chúng tôi biết được”.
Khi chúng tôi nghỉ chân tại quán nước trước cổng UBND xã, chị chủ quán nói nhỏ: “Ở đây lấy chồng nước ngoài thì nhiều, còn đẻ thuê thì có cô Lê Thị Như Hiếu thôi. Đi Thái Lan đẻ thuê nhưng chưa về. Mấy ông xã biết mà giấu đó!”.
Căn nhà của cô gái lỡ dở chuyện chồng con Lê Thị Như Hiếu có gia đình ở trên thị trấn huyện Giá Rai, mới chuyển khẩu về xã chưa đầy một năm, rồi đi làm ăn xa. Căn nhà nhỏ kiêm luôn quán nhậu đế ở bên bờ vuông tôm.
Anh công an xã nói: “Vợ chồng nhà này làm khổ chúng tôi dữ lắm, mở quán nhậu, đánh lộn hà rầm. Cứ cự cãi, đánh lộn là anh em phải đến giải quyết, muốn khùng luôn!”.
Chị Châu Thị Sáng, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, nói: “Ở đây còn nhiều phụ nữ nghèo, mỗi người mỗi cảnh. Đây là vùng đồng bào dân tộc Khmer, chuyện đi lại làm ăn với Campuchia, rồi Thái Lan cũng khó biết. Nhiều phụ nữ trẻ làm ăn xa, có nhiều người lấy chồng nước ngoài bằng đường mai mối. Hiện có một em gái vượt biên chừng vài tháng nay chưa thấy về”.
Cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan thăm và động viên các cô gái mang thai hộ ở Trung tâm Kredtrakarn, tỉnh Nonthaburi ngày 26-2. Ảnh: Ngọc Tiến(TTXVN).. |
Cha mẹ chỉ biết đi làm xa
Căn nhà của cô gái Thạch Thị Mỹ Hướng- một trong 15 cô gái đẻ thuê được giải cứu tại Thái Lan nhỏ xíu, dưới chân đê biển. Căn nhà tình thương lợp bằng mái tôn, vách lá rách, núp sau mảng rừng ngập mặn.
Đất đai của cha mẹ Hướng vừa đủ để cất căn nhà, thậm chí cái chuồng vịt phải rào lưới ở giữa nhà. Chị Hiên ở cạnh nói: “Xóm này, đứa trẻ nào học hành biết đọc biết viết là may mắn. Anh em của Hướng không được học hành gì, kiếm sống đủ là mừng rồi”.
Ngồi trong ngôi nhà tình thương của Hướng mà nghe gió biển mát lạnh. Xóm Mồ Côi của Hướng chừng hơn 10 căn nhà, cũng nghèo khó, rách nát, trơ trọi. Cô gái trẻ Thạch Thị Mỹ Hướng sớm mưu sinh bằng nghề hái lượm với cha mẹ, anh chị và bạn bè trang lứa.
Cha mẹ của Hướng sinh được 5 người con, tất cả đều ít đến trường, sống bằng nghề làm mướn, bắt ốc mò cua, chài lưới ven biển.
Giữa trưa, một đôi vợ chồng già, ướt mèm, liêu xiêu mé biển trở về, chị hàng xóm bảo: “Cha mẹ của con Hướng đó!”
Mẹ của Hướng kể: “Con gái tôi đi làm mướn ở Sài Gòn, rồi theo bạn bè đi làm ăn xa. Hôm trước Tết, nói về thăm nhà hơn 10 ngày, tất bật làm hộ chiếu để kịp đi nước ngoài làm thuê”.
Khi hỏi về Thạch Thị Mỹ Hướng, bà Trần Thị Hiền kể: “Trước khi đi, nó ngủ chung, khóc ướt gối, dặn tôi đủ điều. Cái áo ấm mua cho cha mặc cho đỡ lạnh đi giăng lưới, mấy trăm ngàn mua gạo ăn tết… Đêm trước con Hướng chuẩn bị đi, thức hoài, không ngủ. Nó nói kỳ này con đi xa, lâu lâu mới về. Mẹ ráng lo cho em và cha. Con xin mấy cái áo cũ, nói cha mặc cho đỡ lạnh, bệnh rề rề hoài”.
Nhìn căn nhà xiêu vẹo của gia đình cô gái trẻ Thạch Thị Mỹ Hướng thấy chạnh lòng. Bây giờ, trên đất Thái Lan, cô gái trẻ đang mang thai sắp tới về gia đình, sống ra sao?
Phía sau thị trấn
Huyện Giá Rai (Bạc Liêu) có nhiều cô gái trong danh sách đẻ thuê. Phía sau thị trấn sầm uất là những dãy nhà lá lụp xụp. Trưởng công an ấp không khó khăn khi xác định gia đình ông Mai Năng có con gái thứ 3 đi làm ăn ở Thái Lan. Căn nhà lá rách nát, chật chội ở khu dân cư nghèo. Trưởng công an ấp nói: “Gia đình ông Năng nghèo, bệnh tật, mới được cấp sổ hộ nghèo nên chưa được cấp nhà tình nghĩa”.
Gọi là căn nhà cho vui cuộc đời chứ thật ra là túp lều lá của vợ chồng và 6 người con. Ông Mai Năng, 53 tuổi, lụ khụ từ trong nhà bước ra. Ông bị bệnh gần chục năm, một phần cũng do lao lực. Ông ú ớ: “Tôi bệnh, không làm ra tiền”.
Bà Danh Thị Luốt- vợ ông đi giặt đồ mướn ngoài chợ vừa về tới. Nghe hỏi đứa con gái, bà mau mắn: “Con tôi Mai Thị Phúc, học dở dang lớp 3, là người có học nhất nhà, nghe nói đi làm thuê ở Thái Lan. Lũ nhỏ em của nó không biết chữ nên ở nhà hết trọi, làm mướn quanh đây thôi”.
Bà Danh Thị Luốt đem hình cô gái Mai Thị Phúc ra khoe: “Ở nhà chỉ có Phúc lanh lợi, đi làm mướn nước ngoài, chắc được tiền nhiều. Nhưng sao mà 5 tháng rồi, con Phúc không lần nào nhắn tin về nhà. Tôi đi hỏi mấy người bạn của nó đều không biết hay họ giấu mình cái gì?”.
Sự thật cô Mai Thị Phúc đi đẻ thuê ở Thái Lan, sắp về nhà, lại chất lên vai bà gánh nặng. Nhưng tôi không can đảm nói ra sự thật, sợ bà đau lòng.
Nguyễn Tiến Hưng
http://www.tienphong.vn/Thoi-Su/529989/De-thue—phan-noi-tang-bang.html
No comments:
Post a Comment