Chỉ có một lề cho báo chí đúng nghĩa. Tên gọi của nó là Sự Thật. Đang có nhiều người bằng cách này hay cách khác bước từng bước trên lề đường ấy. Tên họ là Lương Tâm. Xin các anh chị hãy đồng hành; cho dù trong hoàn cảnh nghiệt ngã hôm nay các anh chị phải cẩn thận bước từng bước âm thầm trong bóng tối.
*
Ngày 10.3.2011 sau phiên xử kín vụ “Hiệu trưởng bán dâm” thì tòa cũng tuyên án với mức án 9 năm tù cho ông hiệu trưởng đảng viên đảng CSVN sa đọa và các mức án treo cho 2 nạn nhân Thúy và Hằng.
Ai cũng thấy tòa án đã qua mặt luật pháp một cách nhẹ nhàng với mức án treo cho 2 nạn nhân kể từ ngày 10.3.2011. Án treo mà tính từ ngày các em bị giam 18 tháng thì theo công thức 1 ngày tù giam = 3 ngày tù treo thì chắc là nhà nước đền bù oan sai theo nghị quyết 388 (về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự) cũng mất bộn tiền. Ngày 10.3 dương lịch thì không sao, nhưng nếu là ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch, ngày Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương mà có vụ án này thì chắc Vua Hùng và các tiền nhân cũng phải đội mồ bước ra vì không thể nào nhắm mắt nỗi.
Nhưng ở đây, qua vụ việc này, xin được gửi đến các anh chị nhà báo một vài lời chân tình. Theo dõi tiến trình được báo Pháp Luật TpHCM tường thuật phiên xử thì nhà báo nào cũng giật mình. Theo PLTP: “Hàng chục phóng viên các cơ quan báo chí có mặt với để theo dõi thông tin về vụ án này từ bên ngoài phiên xử cũng bị ngăn cản vào tòa. Mặc dù xuất trình đầy đủ giấy tờ nhưng nhóm phóng viên đã bị một số người mặc thường phục, tự nhận mình là người bảo vệ an ninh trật tự chặn lại từ đầu đường. Khi được hỏi, những người này không xưng danh tính, chức vụ và không đưa ra lý do nào chính đáng. Khi bị chất vấn, một người trong số này nói: “Tôi không cần biết luật báo chí”.“
Một phiên tòa dân sự, không liên quan gì đến an ninh quốc gia mà các nẻo đường vào tòa án bị phong tỏa. Vào tới cổng tòa thì cũng không được vào phòng xử. Cũng theo PLTP: Nhóm phóng viên đề nghị cho gặp người có thẩm quyền để làm việc thì một người trong khuôn viên tòa cho biết là bảo vệ nói: “Chánh án đi vắng, còn tòa hôm nay không làm việc”. Vì thế các phóng viên buộc phải đứng ở ngoài đường, không được vào trong khuôn viên tòa và cũng không gặp được bất kỳ người có thẩm quyền nào. Ngày 10.3.2011 là ngày thứ Năm trong tuần, cũng không là ngày Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương mà sao lại nghĩ việc? Nghĩ việc thì lấy ai xét xử vụ án nhục nhã này? Công an chăng!?
Luật báo chí vẫn còn có hiệu lực?. Nghị định xử phạt các hành vi ngăn trở phóng viên tác nghiệp do ông thủ tướng của đảng mới ký đâu rồi hay dưới mắt của an ninh và công an Hà Giang nó chỉ là một mớ giấy lộn, không có giá trị gì. Luật do quốc hội làm ra, Chủ tịch nước ban hành, nghị định do ông Thủ tướng ký lên đây không bằng “luật rừng” của quan chức Hà Giang chăng?. Một cái tỉnh lẻ mà coi thường pháp luật như vậy thì xá gì ở Hà Nội, Sài Gòn, Cần Thơ, Hải Phòng, Đà Nẵng các ông trời con thì càng coi luật pháp còn thua giấy gói hàng. Nhưng cũng xin đừng nghĩ rằng đảng ta trên bảo dưới không nghe, các cụ ở trên đều “chung dô diệm” như đồng chí hiệu trưởng vừa mua vừa bán dâm. Luật là rừng, ban hành để chơi, ký cho có lệ và chủ yếu là áp dụng cho quần chúng chứ có tính áp dụng cho cán bộ đảng viên bao giờ! Có thể nói các anh chị phóng viên kinh nghiệp sát sườn với những chuyện này hơn ai hết.
Dù biết rằng các anh chị nhà báo “hành nghề” cũng có rất nhiều ràng buộc và giới hạn trong không gian bằng lỗ mũi mà đảng khoanh tròn. Nhưng chắc hẳn đa phần các anh chị là những người yêu nghề. Có những người vì yêu nghề nên sẵn sàng đối diện với nhiều bất trắc, đã bị hành hung, đuổi việc và thậm chí vào tù. Nhưng đó lại là “nghiệp” báo mà các anh chị đã tự chọn từ một nghề cao đẹp, yêu chuộng lẽ phải và công lý. Từ đó, các anh chị, lẽ nào chúng ta cứ mãi mãi để cho một sức mạnh nào đó ép buộc chúng ta phải bẻ cong ngòi bút của mình? Dù biết rằng sau mỗi tin, bài của các anh chị chuyển về ban thư ký tòa soạn thì bị sửa be sửa bét. Có người còn không nhận ra đứa con của mình dù vẫn ghi tên mình. Sống trong xã hội này, ai lại không hiểu nỗi đau nghề nghiệp của các anh chị.
Bên nỗi đau riêng đó, chắc hẳn các anh chị cũng chia sẻ nhiều nỗi đau chung của quần chúng, của nhân dân, những người đã bỏ tiền ra mua và đọc những sản phẩm của các anh chị. Với nhạy bén nghề nghiệp, các anh chị sớm hơn ai hết nhận ra rằng có một thế lực đứng trên cả pháp luật. Hiến pháp còn bị thế lực này coi không ra gì thì xá chi cái Luật báo chí mà các anh chị mang theo khi hành nghề. Nỗi đau khi mỗi tin, bài của các anh chị bị hủy, bị sửa nó không đau bằng nỗi đau chung cả dân tộc bị lừa dối. Trong đó có cha, chú, bạn bè, người thân và cả chính các anh chị cũng là nạn nhân.
Con đường từ Hà Giang trở về Hà Nội chắc nhiều người con trăn trở và day dứt với nghề của mình. Hãy thử tự hỏi mình rằng: nếu chẳng may con cháu hay người thân của mình rơi vào trường hợp các em Thúy và Hằng thì cảm nhận sẽ ra sao? Và thú thật sẽ không có gì đảm bảo cho chính con cái của các anh chị sẽ không là nạn nhân nếu như các phiên tòa và phương thức bảo vệ phiên tòa này vẫn tiếp diễn. Luật pháp đã bị nhạo báng khi nạn nhân bị bắt buộc từ chối luật sư. Công lý trở nên trò cười khi phóng viên nhà báo bị người ta nạt “Tôi không biết luật báo chí của các người”. Ngay giữa chốn công đường mà vậy thì sau những văn phòng kín cửa, những nhà tù, những trại giam thì luật pháp sẽ bị bôi bẩn ra sao?
Các anh chị cũng không cần phải trả thẻ nhà báo. Các anh chị vẫn là những phóng viên nhưng ai cấm các anh chị làm blog cá nhân. Ai có thể ngăn chận các anh chị thông tin bằng những ngả khác. Những tờ báo chỉ là một trong nhiều phương tiện chuyên chở của truyền thông. Những gì anh chị viết ra với một ngòi bút thẳng như đinh mới quan trọng. Và quan trọng hơn tất cả là nó đến được với quần chúng. Đó là đích đến của một người làm báo.
Như là một chế độ sổ sách 2 loại trong các doanh nghiệp: một cái để báo cáo nhà nước, một cái riêng bí mật nội bộ. Các anh chị cứ viết. Mặc kệ họ nếu ban thư ký tòa soạn gạt ra vì những lý do nhạy cảm, tiêu cực X, Y, Z nào. Mặc kệ ông cai tù báo chí Đinh Thế Huynh hò la theo ý đảng. Các anh chị có kênh riêng hoặc gởi bài cho ai đó dưới tên A, B. C nào thì không ai làm gì các anh chị. Người dân với tư cách là những độc giả của các anh chị sẽ tự tìm đến các thông tin sự thật. Nếu có bị ai đó làm tường lửa thì cũng sẽ học cách leo tường để đọc những bài viết, những tin tức của các anh chị mà trong đó TÍNH ĐẢNG không được coi là Một La Mã đầu tiên.
Giấy ngắn tình dài, những giòng chữ này không từ một nhà văn tài hoa hay nhà báo giỏi và chuyên nghiệp như các anh chị. Nhưng đó là những giòng chữ cạn lòng với ước mong các anh chị nhà báo hãy làm sống lại cái “thuở ban đầu lưu luyến ấy”. Thấy trắng thì bảo là trắng, đen nói đen, không còn vì sợ ai mà bảo ghét là yêu. Chỉ có một lề cho báo chí đúng nghĩa. Tên gọi của nó là Sự Thật. Đang có nhiều người bằng cách này hay cách khác bước từng bước trên lề đường ấy. Tên họ là Lương Tâm. Xin các anh chị hãy đồng hành; cho dù trong hoàn cảnh nghiệt ngã hôm nay các anh chị phải cẩn thận bước từng bước âm thầm trong bóng tối.
Dân Làm Báo
No comments:
Post a Comment