Trở Về Trang chính

Sunday, February 27, 2011

Rùa Hồ Gươm & người Hà Nội


Tưởng Năng Tiến – Sách Lam Sơn Thực Lục của Nguyễn Trãi có ghi:

“Đầu năm 1428, Lê Thái Tổ cùng quần thần bơi thuyền ra hồ Thủy Quân. Ra giữa hồ, có Rùa vàng nổi lên mặt nước, chắn trước thuyền của vua gọi to:

- Xin nhà vua hãy hoàn lại gươm thần cho Long Vương!

Lê Thái Tổ rút gươm trả, rùa vàng ngậm lấy gươm lặn xuống nước đi mất. Từ đó hồ Tả Vọng được đặt tên là hồ Hoàn Kiếm.

Câu chuyện về Cụ Rùa ở hồ Hoàn Kiếm, tất nhiên, không chỉ ngừng ngang đó. Gần 600 năm sau – nhà báo Hải Diệp, trong chuyên đề Nhật Ký Đại Lễ Ngàn Năm Thăng Long – có ghi: “… vào ngày khai mạc Đại lễ (1/10) cụ đã nổi vào buổi sáng… với người dân Thủ đô, vào dịp Đại lễ sự xuất hiện của cụ Rùa luôn gợi lên một cảm thức linh thiêng bên hồ Gươm huyền thoại.”

Ông Trương Duy Nhất, ngó bộ̣, không bằng lòng lắm với ghi nhận (vừa nêu) nên lầu bầu phản đối:

“Hồ bẩn, ngột ngạt, rùa phải ngóc đầu nhoi lên mặt nước để thở thì bị gán cho tích này điềm nọ, đến mức báo chí còn thổi rằng đó là cụ rùa thiêng ngoi lên để… chào mừng đại lễ nghìn năm Thăng Long- Hà Nội. Mô Phật! May mà rùa không biết nói!

Thằng chả ăn nói báng bổ, tầm bậy tầm bạ (thấy rõ) vậy mà hoàn toàn … không trật! Đại Lễ Ngàn Năm Thăng Long đã qua nhưng “cụ rùa thiêng (vẫn cứ) ngoi lên để chào mừng” khiến cho ký giả Kỳ Duyên sốt ruột:

Về hiện tượng Cụ Rùa nổi lên trên mặt nước quá nhiều lầnkhông còn là bình thường, mà ở góc độ sinh học, là bất thường. Khi đó, Cụ không còn là ngắm phố phường, con cháu lại qua. Mà dường như Cụ đang ngóng con cháu hãy giúp Cụ. nhiều người dân Hà Nội kinh hoàng nhận ra, mình Cụ Rùa đầy vết lở loét, dấu hiệu rõ ràng nhất của nước hồ nhiễm bẩn quá nặng.”

Dù chưa bao giờ nhìn thấy Cụ Rùa, và cũng chưa bao giờ có dịp đặt chân đến Hà Thành, tôi cũng “kinh hoàng” chết mẹ (luôn) vì “Chín Mươi Lăm Phần Trăm Hồ Ao Hà Nội Bị Ô Nhiễm” – theo như tường thuật Hương Thu (VnExpress) vào hôm 19/10/2010:

Trung tâm nghiên cứu và cộng đồng môi trường (CECR) vừa công bố kết quả nghiên cứu về môi trường của 120 hồ, ao, đầm, thủy vực lớn nhỏ của 6 quận trung tâm Hà Nội.Theo đó, chỉ có 6 hồ đạt yêu cầu chất lượng ở tất cả các chỉ tiêu nghiên cứu, chiếm tỷ lệ 5%, phần lớn các ao hồ bị ô nhiễm chất hữu cơ, nồng độ oxy hòa tan dưới mức tiêu chuẩn cho phép.Hơn 80% hàng lang bờ bị ô nhiễm, và đang đứng trước nguy cơ bị lấn chiếm để xây nhà, bãi đỗ xe, trở thanh bãi tập kết phế liệu,rác thải sinh hoạt.

“Theo CECR, nguyên nhân gây ô nhiễm chính là do nước thải sinh hoạt và một phần nước thải từ gia đình hoặc cộng đồng tùy tiện thải xuống hồ. Ngoài ra, hiện tượng đổ phế thải xây dựng, đổ đất, lấn chiếm ao hồ… cũng làm giảm đáng kể diện tích ao hồ, nhiều hồ đang dần biến mất.”

Riêng mức độ ô nhiễm của hồ Linh Quang, xem ra, có vẻ (hơi) vượt chỉ tiêu – theo lời nhà báo Hải Hà,

Gần 50 năm nay, hồ Linh Quang chưa một lần được nạo vét. Nước hồ đen đặc bốc mùi hôi thối, mực nước nơi sâu nhất cũng chỉ hơn 1 mét, còn lại toàn là bùn và rác do người dân đổ xuống để lấn chiếm. Vừa qua khi phát hiện các ca tả ở phường Văn Chương, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã lấy mẫu nước hồ để xét nghiệm và phát hiện phẩy khuẩn tả cũng như nhiều loại vi khuẩn gây bệnh đường ruột khác...

Cùng với sự “tôi luyện khả năng chịu đựng” sự hôi thối của ao/hồ, sức “chai lỳ” của người Tràng An (trước hệ thống sông cống dơ bẩn và tù đọng) cũng vô cùng đáng nể – theo như (nguyên văn) cách dùng từ của nhà báo Việt Hưng:

Sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, sông Sét, sông Lừ… và còn rất nhiều con sông nữa, trước kia mang dòng nước chảy khắp Hà Nội, cùng với hệ thống các ao hồ đã có tác dụng điều hoà, giảm bớt cái nóng oi bức của miền Bắc.

Giờ đây, với tốc độ phát triển chóng mặt của Hà Nội cả về kinh tế và dân số, các dòng sông này đổi tên thành những cống nước thải , mang đầy rác rưởi và bốc mùi hôi thối khó chịu. Người dân sống gần cống lâu ngày đã tôi luyện khả năng chịu đựng, chai lỳ trước mùi hôi thối và môi trường ô nhiễm. Bằng chứng là họ vẫn cứ đời này qua đời khác sống mạnh khỏe cạnh những dòng sông chết ấy, vẫn quần áo thơm tho ngẩng cao đầu bước đường, bỏ lại sau lưng mùi tanh nồng của nước thải…

Người dân khu Hào Nam ngồi chơi bên cái cống nồng nặc mùi rác thải. Nguồn: Dân Trí.

Với hệ thống sông hồ “tanh nồng” như thế, người Hà Nội – tất nhiên – phải dùng nước bẩn. Sự bẩn thỉu được phóng viên Châu Như Quỳnh mô tả là “hãi hùng” khi nhìn thấy ở khu vực Thanh Trì – Hà Nội – trong bát “nước sạch” vừa được xả từ vòi, nhiều con giun màu đỏ, có chiều dài khoảng từ 0,5-1,5cm bơi ngoe nguẩy, hết nổi lên lại lặn xuống.

Giun trong bát nước vừa được lấy từ vòi. Nguồn: Dân Trí

Tiến sĩ Trần Văn Nhị (Viện Khoa học & Công nghệ) cho biết:”Ngày ngày, hàng trăm nghìn người dân Hà Nội phải uống nguồn nước chứa những chất độc có khả năng gây ung thư cao mà không biết đến bao giờ mới được sử dụng nước sạch hoàn toàn.”

Để khắc phục tình trạng này, ông đưa ra một lời khuyên (vô cùng) giản dị: “Trong khi chờ đợi phép màu từ phía các nhà chức trách, mỗi hộ dân nên tìm cách tự cứu lấy mình.

Tự cứu bằng cách nào ?

Cầu Trời mưa xuống chăng?

Việt Nam vốn là nơi xuất sứ của câu thành ngữ “hiền như một ngụm nước mưa” mà, phải không?

Dạ phải nhưng đó là chuyện đã xưa rồi, hồi trào phong kiến hay trào thực dân kìa. Kịp tới khi cách mạng về thì ở xứ sở này không còn cái gì mà hiền (hay lành) được nữa, kể cả nước mưa. Ông Dương Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường, tuyên bố:

“Ở Việt Nam, lượng mưa axit đã chiếm 30%, có nơi tới 50% số lần mưa… gây tác hại không nhỏ đối với con người, cơ sở hạ tầng, sản xuất… Những báo cáo của mạng lưới quan trắc quốc gia cho thấy, mưa axit từ nước ngoài vào Việt Nam đang tăng lên…” (Mưa Độc Có Thể Tàn Phá Hệ Hô Hấp Của Con Người – VnMedia, 23/12/2008).

Nước ngoài là nước nào vậy cà?

Dân chúng Miên, Lào, Miến Điện không mấy ai có “cơ hội” được đụng chạm gì nhiều tới máy móc. Họ đâu có làm gì ra khói, ngoại trừ những lúc họ nướng khoai, sao có thể tạo ra mưa acid được, cha nội?

Vậy thì khói thải ở đâu ra? Phải có lửa ở chỗ nào đó mới được chớ, đúng không? Không có lửa sao có khói, mấy cha? Lò dò một chập, tui tìm được xuất xứ của nguồn khói lạ (nguyên nhân gây ra “mưa axit từ nước ngoài vào nước ta”) qua một bài viết ngắn, bằng Anh Ngữ: “Transboundary sulfur pollution & Vietnam.”

Tác giả, một chuyên gia về khí quyển hiện sinh sống tại nước Úc, bày tỏ sự quan ngại rằng ở Ðông Nam Á có những quốc gia chỉ tạo ra những lượng lưu huỳnh rất nhỏ nhưng lại phải chịu nhận sự tích tụ của loại hóa chất này (rất lớn) từ những lân bang. Việt Nam và Nepal là hai “nạn nhân” điển hình, trong vùng, về tệ trạng này.

Tài liệu mà tiến sĩ Nguyễn Đức Hiệp trích dẫn (R. Arndt, G. Carmichael, J. Roorda – Seasonal source-receptor relationships in Asia, Journal of Atmospheric Environment, Vol. 32, No. 8, 1988, pp. 1937-1406) được phổ biến từ năm 1988 lận. Hơn hai mươi năm sau, ông Dương Hồng Sơn – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường thuộc Viện Khoa học Khí tượng – mới từ tốn cho công luận biết là “hiện nay vẫn chưa có nghiên cứu nào đáng giá tổng thể ảnh hưởng của mưa axit,” dù vẫn theo lời ông: “Mưa độc có thể tàn phá hệ hô hấp của con người” (VnMedia 23/12/2008).

Mà dân Việt thì rõ ràng không cần thêm “khói lạ” của ông bạn láng giềng vĩ đại. Khói nhà vốn đã có dư rồi, theo đánh giá của GS.TS.Vũ Hoan – Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Hà Nội – vào hôm 18 tháng 9 năm 201:

Hiện nay tình trạng ô nhiễm môi trường không khí Hà Nội đang ở mức báo động đỏ. Nồng độ bụi lơ lửng ở các quận nội thành đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép 5–6 lần thậm chí có nơi trên 10 lần. Lượng khí thải độc hại như CO2, SO2, CO3, NO, CO… ngày càng gia tăng và tác động tiêu cực tới con người, môi trường.”

“Vào giờ cao điểm, nồng độ bụi tính trung bình của riêng TP Hà Nội gấp 4 lần tiêu chuẩn cho phép, nồng độ khí CO cao hơn 2,5 lần, hơi xăng cao hơn 12,1 – 2000 lần tiêu chuẩn cho phép. Người dân sống quanh các điểm nóng giao thông có biểu hiện triệu chứng rõ tới sức khoẻ như kích thích các hệ cơ quan mắt, mũi, họng, da và thần kinh thực vật...”

Hà Nội phải chịu đựng âm thanh hỗn tạp của còi xe, tiếng động cơ, tiếng ồn tại các công trường xây dựng và hàng loạt tạp âm khác làm cho môi trường không khí trở nên chật chội ngột ngạt.

Bụi mù mịt ở đường Láng – Hòa Lạc. Ảnh: Thu Huyền

Thở không khí bụi bặm và ngột ngạt khói xe, sống bên cạnh sông hồ hôi thối, dùng nước uống không đủ tiêu chuẩn vệ sinh, tiêu thụ những loại thực phẩm độc hại … (chắc) không phải là “độc quyền” của người dân Hà Nội. Tôi e rằng người dân Việt, ở rất nhiều thành phố khác nữa, cũng đang sống trong môi trường (bệnh hoạn) tương tự.

Hà Nội chỉ may mắn hơn những địa phương khác ở chỗ có một Cụ Rùa. Sự xuất hiện bất thường, đều đặn, của sinh vật này – trong thời gian qua – là một tín hiệu (không lành) về tình trạng môi sinh của cả cộng đồng.

Điều không may là “tín hiệu” này không được đánh giá đúng mức. Mọi nỗ lực của UBNDTP Hà Nội đều chỉ chăm chú vào “cá thể” của Cụ Rùa thôi, và cả nước (xem chừng) cũng đều đồng tình như thế cả.

Tại sao người dân Việt lại có thể sống vô tư như vậy? Lý do, tôi trộm nghĩ, có lẽ bởi họ thường xuyên được “ru ngủ ” bởi những “bài ca” êm dịu – đại loại như:

- Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia có chỉ số lạc quan về kinh tế cao nhất.

- Kết quả cuộc tìm hiểu đánh giá đời sống người dân Việt Nam về cuộc sống hiện nay do Đài RFA thực hiện cho thấy, đa số người dân Việt Nam cảm thấy thoải mái và vui vẻ.

- VN đã vượt qua Hàn Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) để trở thành quốc gia có tỉ lệ người dân ưu tiên các khoản chi tiêu cho ăn uống và giải trí cao nhất trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

E là đã đến lúc phải tỉnh dậy đi thôi, muộn mất rồi!

Tưởng Năng Tiến

No comments:

Post a Comment