Vũ Đông Hà (danlambao) – Họ tiến về quảng trường Giải Phóng, tay này cầm điện thoại tay kia giơ cao tấm hình Muhammad Hosni Sayyid Mubarak với hàng chữ “Mubarak phải ra đi”.
Họ hò reo khắp phố phường. Những pano vĩ đại của tên độc tài “vĩ đại” ngày hôm qua đang bị xé xuống. Lăn lóc đầy đường phố Tunisia là những tấm bảng cầm tay có hình của Zine El Abidine Ben Ali và chữ X màu đỏ gạch chéo.
11 năm về trước, những sinh viên của phong trào Otpor – Phản Kháng, đêm đêm trên khắp hang cùng ngõ hẻm của thành phố Belgrade đã thả tờ rơi, viết lên tường một câu đơn giản “ГOTOB JE! – hắn đã hết thời”. Cạnh hàng chữ là chân dung màu đen của Slobodan Milošević. Vài tháng sau, ngày 7 tháng 10 năm 2000, hàng trăm ngàn người dân tại trung tâm thủ đô của Serbia đã cùng nhau reo hò lời chiến thắng: “No More Milošević”.
Mubarak, Ben Ali, Milošević là những tên độc tài đã từng gieo kinh hoàng cho toàn dân Tunisia, Egypt và Serbia. Đằng sau mỗi tên là cả một hệ thống độc tài khổng lồ. Tự thân Mubarak, Ben Ali và Milošević không thể ngồi ở đỉnh cao quyền lực, đè đầu đè cổ nhân dân suốt nhiều năm dài. Những tên này cũng không phải là tội phạm duy nhất đã gieo nhiều tai ương cho cả đất nước. Sau lưng mỗi tên là cả một tập đoàn tội ác bao gồm hệ thống quân đội, công an mật vụ, bộ máy tuyên truyền, các ban ngành chính phủ, những tập đoàn kinh tế, và một quá trình hào quang được tạo dựng, đánh bóng cho lãnh tụ vĩ đại và đảng cầm quyền quang vinh. Đó là một guồng máy, một tảng núi đá khổng lồ.
Chọn lựa chiến lược của phong trào phản kháng Serbia, Tunisia, Ai Cập là không tấn công vào tảng núi đá đó.
11 năm về trước, những thành viên của Otpor đã chấm dứt cuộc tranh luận có nên tiếp tục lên án và tấn công cả một tập đoàn khát máu và quyết định tập trung tấn công vào tên đầu não. Tiếng pháo lệnh đầu tiên là chiến luợc “Nó thối nát. Nó sẽ đổ” và thông điệp gửi đến quần chúng xác định nguyên nhân, nguồn gốc của mọi sự thối nát là Milošević. Cùng lúc, viễn ảnh về một Serbia của tương lai được đưa ra: đất nước ngày mai vẫn cần những người công an, những chiến sỹ quân đội, những nhân viên guồng máy chính phủ… và trong viễn ảnh tương lai ấy tất cả những người này sẽ được tôn trọng và làm việc theo đúng chức năng thực sự cao quý trong vai trò đúng nghĩa của mình. Kết quả là những nòng súng đã chỉa đầu xuống đất. Vào ngày cuối cùng của cuộc cách mạng, hàng ngàn chiếc xe tư nhân trên khắp nẻo đường Serbia đổ về Belgrade. Quân đội đứng nhìn. Công an làm ngơ. Milošević ra lệnh không quân thả bom vào hàng trăm ngàn người đang tụ tập ở trung tâm thủ đô. Người phi công bất tuân mệnh lệnh và bay ngược về lại căn cứ. Đó là giây phút nắm giữ quyền lực cuối cùng của Milošević và cũng là khởi đầu cho sự sụp đổ tan tành của cả một guồng máy thống trị. Người dân Serbia đã không phải chào đón Tự Do và Dân Chủ trong hoang tàn, giết chóc và phân tán lòng người.
Tại Libya, người phi công trên vùng trời Benghazi đã từ chối mệnh lệnh của Gaddafi thả bom lên đầu người dân. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Abdul Fattah Younis al Abidi từ nhiệm và đứng về phía người dân. Hàng loạt viên chức cao cấp, đại sứ – tiếng nói của Gaddafi trên diễn đàn quốc tế cùng nhau lên án thủ lãnh của họ. Họ không phải là những người tử tế. Họ đã bao nhiêu năm cùng với Gaddafi xây dựng bộ máy nghiền nát con người. Nhưng họ đổi chiến tuyến vì người dân Ai Cập đã dành cho họ một lựa chọn sống còn.
Những gì xảy ra tại Serbia 11 năm về trước đã xảy ra tại Trung Đông và Bắc Phi. Người dân tại các nước này đã quyết định không lên án, tấn công vào bộ máy công an mật vụ vốn là nỗi ám ảnh kinh hoàng trong bao năm tháng. Họ cũng đã không đặt đối tượng nhắm tới là đảng Dân Chủ Quốc Gia, đảng cầm quyền đã nắm giữ hết mọi đặc quyền đặc lợi trong suốt 30 năm. Họ đã dồn hết nỗ lực tấn công tên độc tài đầu não.
*
3 năm trước tại một thành phố nổi tiếng tập trung những loại rượu ngon của Tây Ban Nha, và những con đường thơm hoa cam với những hàng cam sai trái dọc khắp thành phố, những con người lý tưởng của nhiều vùng đất xa xôi đã gặp nhau. Đất nước họ đang chìm sâu trong bóng tối độc tài. Mỗi người đều nghĩ rằng tình trạng đất nước của mình là tăm tối nhất. Người dân sợ hãi đến hèn nhát. Chủ nghĩa Mackeno không phải là đặc thù cho đất nước riêng ai. Ở quê hương của mỗi người đều có một hệ thống công an mật vụ dày đặc và là những con chó săn tuyệt đối trung thành với chủ. Những đám mây đen phủ kín mang tên tuyệt vọng của đất nước họ đều có hình thù như nhau. Họ là những người đến từ Bắc Phi, Trung Đông, từ Á Châu Thái Bình Dương, Tây Tạng, Miến Điện. Họ không phải là những chính trị gia, có những người đã rời bỏ đảng phái. Họ là những con người độc lập tin vào sức mạnh của phong trào quần chúng và vũ khí truyền thông mạng. Trong những người này, ngày hôm ấy có những thành viên lãnh đạo của phong trào Otpor đã bị Milošević kết án tử hình vắng mặt năm nào.
*
Cuối năm 2010, đầu năm 2011, những thanh niên thiếu nữ Tunisia, Ai Cập xuống đường tay cầm điện thoại di động, tay kia đưa cao hình ảnh của tên độc tài bị gạch chéo. Thấp thoáng giữa rừng người và biểu ngữ kêu gọi Tự Do là một lá cờ màu đen với hình nắm đấm “phản kháng” đưa lên. Đó là biểu tượng mà cách đây 11 năm, đã có những thanh niên thiếu nữ vẽ lên tường, lên mặt, trên áo, đã thể hiện bằng chính đôi tay của mình. Đó là biểu tượng của Otpor trong chiến lược “ГOTOB JE! – hắn đã hết thời”.
Vũ Đông Hà (danlambao)
Góp sỏi lót đường (4)
thân tặng Srdja – chàng cách mạng bụi đời, Christine – nàng tiên áo trắng và anh ĐTLực – người viết “Một ngày trong đời của Odious Dũng“.
No comments:
Post a Comment