Ấy vậy mà chỉ trong có một tuần, trước khi khai mạc đại hội Đảng lần thứ XI, tớ “bị” tới bốn đài “thù địch” phỏng vấn. Thú thật, lúc đầu tớ cũng hơi ngại vì biết đâu có ông nào đó nổi hứng lên xếp tớ vào loại Cù Huy Hà Vũ thì chắc… đi đứt phen này. Nhưng sau nghĩ lại, tớ tự khẳng định:
1- Dứt khoát đây không phải “lực lượng thù địch” vì:
a) Chẳng có lí do gì đang an cư lạc nghiệp, đang có một đời sống ấm no, lên xe, xuống ngựa ở cương vị một công dân nước ngoài với đầy đủ các quyền lợi dân chủ, tự do, nhân quyền, hà cớ gì họ phải bỏ công sức tiền của ra để làm cái việc mà chính rất nhiều các nhân sĩ, trí thức, lão thành cách mạng đang tiến hành ở trong nước ?
b) Lực lượng thù địch gì mà chỉ một năm 2010 thôi đã gửi về nước tới bảy tỷ USD? Để làm hư hỏng, mua chuộc bà con mình trong nước chắc?
2- Dứt khoát đây là những người muốn tranh đấu cho một nước Việt Nam không xã hội chủ nghĩa, không theo “kim chỉ nam”của hai ông “Tây râu xồm đầu hói” đã bị toàn thế giới vứt vào sọt rác lịch sử từ những năm 80 của thế kỷ trước rồi. Chẳng có ai muốn làm Al Queda về quê nhà đặt bom khủng bố, chẳng có ai định gom tiền mua vũ khí về nước lập chiến khu chống lại Nhà nước này cả !
3- Đây chính là những “khúc ruột ngàn dặm”, là đối tượng cần vận động theo nghị quyết 36 mà gọi họ là lực lượng thù địch thì rất…. “vô chính trị” vì vô tình đã đẩy họ sang hàng ngũ của những kẻ thù, là lẫn lộn giữa bạn- thù, địch-ta. Rất nguy hiểm! Và tớ quyết định cứ trả lời tất tần tật. Có những cái tên như R.F.A. thì tớ đã biết. Còn vài ba cái Đài như “Cánh đồng Mây” (Texas), Tiếng nói nước tôi” (Houston), Đàn chim Việt…thì thuở bé đến giờ tớ chưa được nghe bao giờ. Tớ đều trả lời “thẳng ruột ngựa”, ”có gì nói nấy”, ”biết gì nói nấy”, mong cung cấp cho họ những “thực tế mà tớ có” thậm chí góp ý về những nhận định quá ư “nóng vội”, “lạc quan tếu” mà không ít người trong số họ đã mắc phải.
Chẳng biết họ có phát,có in đầy đủ không, tớ xin tóm tắt những ý chính mà tớ đã đối thoại cùng những “Lực lượng thù địch” (LLTĐ) này thành một entry nóng hổi!
Như sau:
- LLTĐ: Xin Cụ (bác, ông, chú) cho biết suy nghĩ về Đại Hội Đảng lần thứ XI này? Theo cụ, sẽ có gì mới?
- TỚ: Ô hay! Sao bạn lại hỏi tôi về điều này. Đại Hội đâu phải của tôi! Đại Hội của các ông ấy thì phải hỏi các ông ấy chứ!
- LLTĐ: Dù sao bác cũng là người đã có thời vào Đảng có ít nhiều kinh nghiệm và có nhiều bài viết về những diễn biến thời cuộc trong nước rất được nhiều bạn đọc ở nước ngoài quan tâm. Chẳng lẽ bác không có suy nghĩ gì, mong đợi gì ở Đại Hội Đảng XI này?
- TỚ: (hơi bí) Ừ…à….kinh nghiệm hả?…Ừ tớ có kinh nghiệm là …là…Chẳng có gì! nghĩa là vẫn như cũ thôi! Thật tình, trừ Đại Hội lần I họp ở một cái sân vận động nào đó ở bên Tầu thì tớ không biết. Đại hội 2, 3 , 4 , 5 , 6, 7, 8 , 9, 10…tớ đều thấy mỗi lần Đại Hội đều nhằm mục đích duy nhất: thay đổi một số nhân vật tối cao (mà ông Nguyễn văn An, nguyên uỷ viên Bộ Chính Trị gần đây đã gọi trắng ra bằng cụm từ “vua tập thể”) thì mọi đường lối vẫn là 4 kiên trì, vẫn lấy chủ nghĩa Mác Lê, lấy Chủ nghĩa xã hội, lấy Kinh Tế Quốc Doanh ….là chủ đạo…làm mục tiêu hướng tới vì đó là “nguyện vọng của nhân dân”, rồi thì thành công to lớn, thắng lợi vẻ vang rồi….hết! Các ông Bộ Chính Trị khoá trước sắp xếp nhân sự cho khoá sau rồi cho các đại biểu học tập để “quán triệt” mà bầu theo gợi ý của “vua tập thể khoá trước”…Và cứ thế …Khoá nọ đẻ ra khoá kia. Riêng khoá này, tình hình trong và ngoài nước có lắm ý kiến, ý cỏ nên người ta làm kỹ càng, tuyên truyền quảng cáo rầm rộ, ồn ào hơn….Các ông “vua tập thể” phân công nhau đi đến khắp các địa phương để chỉ đạo và thông qua danh sách những ai sẽ đi dự Đại Hội (nghĩa là sẽ có quyền bầu những “vua tập thể” mới). À quên, nếu các lần Đại Hội khác thì làm nội bộ là chính. Ra công khai chỉ là thủ tục “chính thức trình làng” thôi, thì đại hội lần này công khai hơn, kéo dài ngày hơn, có tham luận, có đưa tin cập nhật một cách hạn chế hơn, có trao đi đổi lại về đường lối chính sách, có phê và tự phê, có trao đổi tiêu chuẩn về nhân sự, tránh vấp phải tình trạng bầu cả vị đã chết (trường hợp uỷ viên T.Ư. Nguyễn đình Tứ chết sau khi thống nhất bầu nội bộ, khi ra bầu công khai vẫn cứ bầu để rôi sau đó lại phải cáo phó: “đại biểu Tứ đã….chuyển sang từ trần”!)
Tóm lại là nội dung thì không có gì mới đâu! Chỉ có hình thức là mới, mới đến mức không ai có thể hình dung ra đây là Đại Hội của những người đại diện ưu tú nhất của giai cấp vô sản cả. Tất cả đều cực kỳ sang trọng….Mỗi bước xe của đại biểu qua đều cấm đường, tiền hô hậu ủng, còi rú liên hồi…Ông nào cũng com-lê, cà vạt, tay xách cặp da rất chi là… trí thức xã hội chủ nghĩa! Con số chính thức là 450/1377 đại biểu đều là thạc sỹ, tiến sỹ cả. Còn lại thì tất cả đều tú tài, cử nhân hết! Cứ xem họ đồng thanh phát biểu “hoàn toàn đồng ý đề cương chính trị” của ban chấp hành Trung Ương thì đủ biết là họ đều là tiến sĩ, thạc sĩ cử nhân Mác Lê Nin cả.
- LLTĐ: Vậy thì phong trào dân chủ, ý kiến của các cán bộ cựu lãnh đạo cộng sản không tác động gì hay sao?
- TỚ: Đầu tiên, tôi xin có ý kiến về phong trào dân chủ mà các bạn vừa nói: Mong các bạn đừng giận. Ở nước ngoài, các bạn thấy trong nước, một số người bị bắt, một số nhà có tư tưởng dân chủ, một số chỉ đòi dân quyền thôi hoặc chỉ đòi Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam thôi cũng bị đi tù, hoặc đọc một số Blog của những người mạnh dạn phê phán thậm chí đòi đổi tên nước, đổi tên đảng thì cho là ở trong nước có một phong trào. Riêng tôi, tôi xin mạnh dạn có ý kiến như sau: Không thể gọi là 1 phong trào nếu không có một tổ chức thống nhất, một hoặc vài cá nhân lãnh đạo. Đây chỉ là những ý kiến lẻ tẻ nhưng rộng khắp. Công nhân là đòi hỏi lương bổng quá thấp kém. Nông dân là đòi hỏi ruộng đất bị đền bù rẻ mạt. Hầu hết đều đấu tranh vì dân sinh. Ít có ý kiến gì về dân chủ, nhân quyền, đa nguyên, đa đảng…. Đáng buồn hơn là ngay trong những người phát biểu đòi dân chủ nhân quyền cũng chưa thật sự thống nhất. Ví dụ như cá nhân tôi, tôi chẳng đại diện cho ai, tôi chẳng thuộc tổ chức nào, chẳng ai lãnh đạo tôi, tôi cũng chẳng lãnh đạo ai. Tôi cũng chẳng tán thành những người chủ trương chia đảng ra làm hai để thành lập một đảng mới đối lập (?!) Tôi cũng chẳng tán thành những người chủ trương góp ý cho đảng để đảng tốt hơn lên, để ‘mong sao cho đảng trường tồn”. Tôi cũng chẳng tán thành những ai định công khai thành lập các đảng đối lập ngay tức khắc. Tôi chỉ mong sao trong nội bộ của các ông “vua tập thể” khoá tới sẽ có một ông Góoc-ba chốp hoặc En-xin Việt Nam, và, khi có một, hai nhân vật như thế mà xuống đường, tay cầm khẩu hiệu “Trả chính quyền về tay nhân dân” thì tôi tin tưởng rằng, hàng triệu người sẽ lập tức đi theo ngay!!! Lí do: Quần chúng nông dân, công nhân, trí thức…. nay đã quá bức bách rồi. Mất nhà mất đất, đồng lương chết đói, con cái bỏ học, bệnh tật không có tiền mua thuốc đang là những thùng thuốc nổ. Chỉ chưa tìm ra được cái ngòi nổ mà thôi, mà cái ngòi nổ đó thì tôi lại xin nhắc lại câu của tổng thống De Gaulle: “Chẳng ai lật đổ được cộng sản bằng chính những người cộng sản”.
Vì thế, tôi mong các bạn ở nước ngoài không nên quá lạc quan bằng những bài viết “Thời cơ đã điểm” hoặc “Giờ sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản đã đến”. Tôi cũng mong các bạn ở nước ngoài hãy tôn trọng sự khác biệt, tránh lên án, thậm chí phỉ báng, nói xấu, bôi nhọ, vu cáo nhau khi bất đồng quan điểm với nhau. Tôi luôn quan niệm mỗi người có hoàn cảnh, trình độ, thời điểm của riêng mình. Tôi rất buồn khi trong nước thì Nguyễn Khắc Toàn vạch tội Trần Khải Thanh Thuỷ…. Ở nước ngoài thì bất cứ một hội đoàn nào mới tuyên bố thành lập đã có ngay những lời dè bỉu, chê bai. Làm sao có được một phong trào khi ông nói gà, bà nói vịt thậm chí mạt sát nhau, vu cáo cho nhau những điều độc địa.
Tôi xin nhắc lại, mục đích của tôi chỉ là góp sức cho mấy ông có quyền cao nhất, dám nói ra những điều mà các ông ấy cũng thừa hiểu như tôi. Và tốt nhất là các ông ấy hãy đứng lên hành động, xếp lại mọi ham muốn về quyền và lực. Được thế thì cái gì phải đến sẽ đến.
Hết!
* *
Sau đây là những ý kiến mà tôi đã né tránh không trả lời vì không có tư liệu cụ thể. Qua 4 ngày theo rõi tôi xin trả lời bổ xung như sau:
- Hỏi: Bác có hi vọng là đại hội lần này sẽ có những biến chuyển đột xuất gì không?
- Trả lời: Cho tới hôm nay thì tôi đã có thể trả lời như sau:
Có khá nhiều điều “mới “ chưa từng thấy ở các kỳ đại hội trước. Nhưng đối với tôi, không phải là bản kiểm điểm của ông Trương tấn Sang với những khuyết điểm được gọi đúng tên, đúng tội ….nhưng vẫn chưa rõ là ai? tổ chức nào, địa phương nào ,…mà vẫn cứ chung chung.
Cũng không phải là những ý kiến có vẻ gay gắt như “Không bầu những người giầu có bất thường vào Ban Trung Ương” hoặc những lời “ngả bài ngửa” giữa hội trường của ông Đỗ Hoài Nam về “thực tế đau lòng hiện nay là tình trạng xa dân, vô cảm với dân, mất dân chủ với dân, sách nhiễu dân…..dẫn đến nguy cơ mất dân. Mất dân là mất Đảng, mất chế độ……..v.v…
Vì…vẫn không có địa chỉ rõ ràng, vụ việc cụ thể ….
Mà cái tớ phát hiện vô cùng quan trọng đó là: NHẬN THỨC VỀ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI HIỆN NAY Ở NGAY CÁC VỊ CÓ QUYỀN LỰC CAO CŨNG CHƯA THỐNG NHẤT! Thế có chết không cơ chứ!
Chỉ cần nêu ra hai quan niệm giữa hai ông Võ Hông Phúc, Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và ông Lê hữu Nghĩa, Giám đốc Viện Chính Trị Quốc gia Hồ Chí Minh, thì thấy hai quan niệm xã hội chủ nghĩa là cái gì? là thế nào? Nó khác nhau hoàn toàn như nước với lửa.
Ông Phúc thì cho rằng XHCN ở nước ta không thể là lấy công hữu là gốc như ông Nghĩa quan niệm mà là phân phối công bằng, xoá bỏ ngăn cách giầu nghèo. Còn nếu lại nêu ra cái chuyện công hữu tư liệu sản xuất thì hoá ra lại trở về những gì hai mươi năm trước ta đã bỏ đi để có được ngày hôm nay sao? Ông Phúc còn đưa ra một hình tượng là nếu lại công hữu như trước đây thì “ai còn dám đầu tư” nữa vì cứ…. “vỗ béo rồi làm thịt!”
Ông Nghĩa có đáp trả một cách…yếu ớt là Công hữu cái gốc của CNXH nhưng đó là công hữu khi…Chủ nghĩa xã hội đã hoàn thành (?) Còn bây giờ chỉ là công hữu tư liệu sản xuất chủ yếu chứ không phải là tất cả các tư liệu sản xuất đều công hữu!
Nghe cứ như có làm thịt nhưng bây giờ chỉ làm thịt một số chủ yếu thôi còn tất cả sẽ làm thịt hết khi hoàn thành chủ nghĩa xã hội!
Thế đấy! Lý luận của người đứng đầu cái nơi “phát hành” ra các “lý luận gia chính trị Mác-Lê-Nin hàng đầu” với người được quyền cho phép các nhà tư bản trong và ngoài nước đầu tư vào VN khác nhau về cơ bản đến như thế đấy. Một sự khủng hoảng về lý luận chưa từng thấy !
Đó là điều duy nhất tớ thu hoạch được qua những gì mà tớ thấy “mới lạ” trong bốn ngày qua. Có gì mới nữa tớ sẽ post lên mạng. Khỏi cần lô-phôn phỏng với vấn, mất thì giờ mà…. khổ cho những kẻ phải nghe trộm mà chẳng “túm” được cái gì! ./.
Nguồn bài: to-hai.blogspot.com
No comments:
Post a Comment