Trở Về Trang chính

Saturday, January 29, 2011

Nhận hối lộ đừng xúc phạm người đưa hối lộ


Sáu Nghệ - Nhiều nơi đã tuyên bố: Cấm cấp dưới lễ tết cấp trên và cấm cấp trên nhận lễ tết của cấp dưới, để bớt tham nhũng hối lộ.

Một người bạn của tôi, theo thứ hạng hành chính hiện thời gọi là cán bộ cao cấp, kể rằng, đơn vị của anh vẫn tổ chức mấy đoàn đi lễ tết cấp trên. Vì các anh bàn với nhau, không thể tin những lời tuyên bố để không lễ tết cấp trên. Sự thật, đến đâu cũng phải xếp hàng. Với một vị cấp trên, may gặp thư ký của vị ấy là người quen nên được hỏi han trước khi vào. Biết gói quà tết chỉ chục triệu đồng, anh thư ký khuyên: “Chỉ chừng ấy, đừng vào làm mất thời gian của người ta”. Với vị cấp trên khác, khi cầm bao thư đựng tiền, lập tức vị này gấp đôi bao thư, nhét vào túi quần. Bao thư dày nên vị cán bộ cấp trên phải nghiêng lệnh người trên ghế, một lúc mới nhét được vào túi. Anh bạn của tôi khi kể lại chi tiết này chưa hết vẻ thảng thốt: “Chúng tôi buồn quá, cảm giác bị xúc phạm, thấy những lời chúc sức khỏe chỉ còn dối trá. Tại sao ông ta không chờ chúng tôi ra về đã, rồi hãy gấp bao thư bỏ vào túi quần?”.

Tôi không thể trả lời anh bạn mà đột nhiên nhớ mấy bộ phim về thời phong kiến “thối nát”, có những đoạn tả cảnh quan phong kiến nhận hối lộ. Ông quan cấp trên ngồi bệ vệ trên ghế, hai bên có lính hầu. Quan cấp dưới lom khom bưng quà đi vào, quà thường đựng trong cái hộp đẹp, phủ vải đỏ. Đến gần quan trên, quan dưới mở hộp ra giới thiệu về món quà. Quan trên nếu đồng ý nhận, khẽ mỉm cười, vẫy tay ra hiệu cho người hầu đón lấy hộp quà bưng vào trong. Khi quà khuất bóng, quan trên mời quan dưới ngồi, rồi mời trà hoặc rượu và nói chuyện, thậm chí bình thơ văn. Thật đĩnh đạc, trang trọng.

Nhớ lại xong, tôi nghĩ, hô hào cấm hối lộ và cấm nhận hối lộ là rất cần thiết để đoàn kết tập trung lo cho dân, cho nước. Nhưng đó là việc khó, phải kiên quyết lâu dài mới có kết quả, trước mắt chưa thể thực hiện được triệt để thì cũng nên hô hào thêm, là các vị nhận hối lộ cần thể hiện sự đĩnh đạc của quan trên. Cấp trên giữ tư thế cho mình, cho gia đình và dòng họ mình, cũng để không xúc phạm đến cấp dưới đưa hối lộ. Như bài thơ “Chúc Tết” của cụ Tú Xương: “Vua, quan, sĩ, thứ người muôn nước/Sao được cho ra cái giống người”.

S. N.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

http://boxitvn.wordpress.com/2011/01/29/nh%E1%BA%ADn-h%E1%BB%91i-l%E1%BB%99-d%E1%BB%ABng-xc-ph%E1%BA%A1m-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-d%C6%B0a-h%E1%BB%91i-l%E1%BB%99/

No comments:

Post a Comment