Liêu Thái/Người Việt - QUẢNG NAM – Họ là những người không nhà, không tiền, không tương lai và không có khái niệm thời gian. Mà dường như họ cũng không có khái niệm gì về không gian nốt.
Ông Hùng vác bó chổi nặng hơn 30kg lần mò tìm đường, vừa đi vừa rao trong cái nắng giáp Tết. (Hình: Liêu Thái/Người Việt) |
Thời gian của họ là mùi của bữa cơm đạm bạc sau một buổi dài mệt nhọc vác bó chổi mọ mẫm dò tìm lối đi, khắp nẻo. Không gian của họ là một vòm bóng tối cùng những âm thanh, tiếng nói quen thuộc của những gương mặt chưa bao giờ nhìn thấy nhau…
Cuộc đời họ buồn, nhưng họ sống mạnh mẽ và đáng yêu… Mùa Xuân của họ cũng kham khổ và đượm buồn như chính tiếng rao của họ!
Một góc đời nhỏ nhoi của người nữ mù bán chổi sau ngày dài lang thang kiếm cơm bằng tiếng rao. (Hình: Liêu Thái/Người Việt) |
Những tiếng rao dài như cổ tích
Cuối năm, trời lạnh, thi thoảng đổ mưa, vài chiếc xe đường dài chạy như ma đuổi lốc lên từng cơn bụi, trận mưa rào không đủ thấm vào khối đất bột hai bên đường khiến cho bụi có thêm mùi hơi khét ướt. Tết, vậy mà mọi thứ vẫn còn ngổn ngang. Hàng hóa tăng giá, người nghèo co ro trong nỗi vui Tết nghèo. Cái lạnh càng thêm thấm da thấm thịt khi bất chợt nhìn thấy một người mù vác bó chổi đót chống gậy lọ mọ đi dưới mưa bụi. Tiếng rao: Chổi đây! Chổi đây!… ảm đạm như kéo dài cổ tích.
Thay vì đi uống cà phê một mình, tôi mời người bán chổi vào quán cùng uống nước và hứa sẽ mua năm cây chổi (tôi cũng chưa biết mua làm gì và định bụng nói vậy thôi chứ gửi tiền năm cây, tôi vẫn có quyền nhận một cây và tặng số còn lại cho người bán!).
Ông giới thiệu: “Mình tên Trần Hùng, 59 tuổi, đang là hội viên Hội Người Mù, mình sống bằng nghề buôn chổi!”
Tôi hỏi thăm ông nhà ở đâu, đã sắp Tết, ông đã chuẩn bị gì ăn Tết chưa, và những ngày cận Tết đi bán vậy ông có thấy vui không… Ông gật đầu, “Tết thì vui rồi, mình cả năm trông chờ vào mùa này mà, sáng dậy mình đi rất sớm, có khi đi tới khuya mới về, bán trúng kiếm cả trăm ngàn đồng (tương đương $10) chứ chơi đâu, Tết mà!”
Ðợi ông nhấp xong ngụm trà nóng, tôi hỏi thêm: “Vậy ngày thường mình bán được chừng bao nhiêu cây chổi và tiền lãi ra sao bác?” Ông cười: “Ừ, ngày thường kiếm được từ 25 đến 30 ngàn đồng (tương đương $1.2 – $1.5) nhưng không phải ngày nào cũng kiếm được vậy đâu, vì chổi mà, người bán thì nhiều, mà người xài thì đâu có phải ai cũng mua xong xài là hư ngay đâu. Cả hội người mù có đến 40 người đi bán chổi, người cao nhất là 80 tuổi thì đi bán ở khu vực trong huyện, còn trẻ thì đi xa.”
Ông Hùng cho biết thêm là có nhiều người mù, tuổi đã cao, vác bó chổi nặng từ 25 đến 30kg đi vào tận Quảng Ngãi hoặc ra Ðà Nẵng bán. Phần lớn họ đi nhờ xe bus hoặc đi xe khách với giá ưu tiên.
“Nhà nước có chế độ ưu tiên cho người mù đi xe bus của nhà nước miễn phí. Nhưng tụi tui vẫn đi xe tư là chủ yếu. Vì dễ gì mà đón được xe nhà nước, hễ xe bus nhà nước thấy tụi tui đứng đón là chạy luôn, không ngừng đâu! Thôi mình đón xe tư, họ lấy giá cũng rẻ hơn khách bình thường, có nhiều chủ xe cho luôn tiền xe, không lấy. Ðó là chưa nói đến tai nạn…” Ông Hùng tâm sự.
Hai người phụ nữ vừa lặt rau vừa hát: “Nhìn mặt trời mà không chói lóa, là hội người mù Việt Nam…” |
Thường thì người mù không sợ bóng đêm nhưng họ sợ tiếng ồn, vì tất cả cảm giác của họ khi di chuyển đều phụ thuộc vào âm thanh và tín hiệu dọ dẫm phát ra từ hai bàn tay, từ bước chân… Những ngày giáp Tết, phố xá ồn ào, tấp nập cũng là những ngày kiếm sống tốt nhất của người bán chổi, người bán vé số, người bán hàng rong… Tuy nhiên, nguy hiểm lại rình rập người mù.
Ðã có không ít tai nạn thương tâm xảy đến với người mù đi bán chổi.
Lá rách đùm lá nát…
Ông Hùng kể: “Người cao tuổi nhất của nhóm đi bán chổi đót trong hội người mù năm nay đã ngoài tám mươi. Ông cũng có con cái nhưng tụi nó nghèo khổ quá, mà ông thì không muốn dựa dẫm, vậy là đi, khi nào hết đi được mới thôi. Cách đây mấy hôm, ông bị sụp xuống hố trụ điện, dính toàn đá hộc, vậy là gãy chân, xước mặt, chảy máu quá trời. Trúng mấy ngày lạnh này nữa, thấy ổng nằm rên mà thương quá. Mà khổ nỗi mình cũng nghèo như ổng, chẳng biết giúp gì!”
Phòng dành cho đàn ông, hai đến ba người ngủ chung một giường… (Hình: Liêu Thái/Người Việt) |
Trước đây, cùng đi bán chổi với ông Hùng còn có thêm cặp vợ chồng mù Ðỗ Phú Trung (mồ côi cha mẹ) và Nguyễn Thị Phương. Hai người cưới nhau được ba năm thì sinh con, và lúc đứa bé lên 9 tuổi thì anh Trung bị tai nạn qua đời, vài năm sau, chị Phương cũng đổ bệnh và qua đời theo, bỏ lại đứa con 13 tuổi sống với bà ngoại. “Sáng nay tui mới gặp thằng nhỏ, cho nó mấy ngàn đồng, mình không có tiền, thôi kệ, lá rách thương đùm lá nát mà!” Ông Hùng kể.
Tôi tạm biệt ông Hùng, giữ đúng lời hứa mua năm chiếc chổi, mỗi cây 20 ngàn đồng và sau đó tặng lại ông bốn cây. Ông mừng lắm. Ông cho tôi biết thêm rằng ngày hôm nay ông đã quá “trúng mánh” vì trong mỗi cây chổi ông lãi từ 3 đến 5 ngàn đồng. Như vậy để kiếm được 80 ngàn đồng, ông phải bán đến hơn hai mươi cây chổi. Trước khi ra về, tôi không quên nhấc thử bó chổi, tôi giật mình vì nó quá nặng. Có thể lên đến 35kg và hơn chứ không phải như ông nói 25kg.
Tôi hỏi: “Nặng kinh khủng vậy sao bác nói 25 kg?” Ông Hùng cười khà khà: “Thì nói vậy cho nó nhẹ bớt, chứ nếu mình nghĩ mình mù mãi làm sao dám đi ra đường, và nghĩ nó nặng quá thì vác mau mệt. Bọn tui quen rồi, có vác năm mươi kí lô thì cũng phải nghĩ nó cao nhất là hai mươi lăm. Như vậy sẽ thấy nhẹ hơn. Chú nghĩ sao mà tui đi năm sáu chục cây số mà vác có hai mươi lăm cây chổi, mỗi cây một kí lô, vậy thì lời lãi bao nhiêu chứ. Thà chấp nhận vác nhiều, trúng mánh mình bán hết là có ăn chú à!”
Lúc tôi tạm biệt ông Hùng, đồng hồ đã chỉ sang 1 giờ 30 phút chiều. Ông nói chút nữa ông sẽ đi ăn một bữa cơm thịt và tôm cho thật đã, vì ông trúng mánh, thường thì mỗi bữa ăn của ông không bao giờ được phép quá 7 ngàn đồng.
Tự dưng tôi thấy ân hận vì không tặng thêm ông nhiều tiền một chút và đã nói chuyện quá dông dài để ông đói bụng. Không hiểu sao lúc này ông quay lại vỗ vai tôi và nói: “Không sao đâu mà cháu!” Tôi buột miệng hỏi: “Vậy Tết mình ăn món gì ngon nhất hả bác?”; Ông nói: “Da heo và đầu heo nấu cháo, bữa cúng Tất niên của hội là ngon nhất đó!” Tôi im lặng nhìn theo dáng ông bước dọ dẫm, ôm bó chổi xiêu vẹo trên đường.
Và những bữa cơm Tết…
Theo lời giới thiệu của ông Hùng, tôi tìm đến Hội Người Mù Ðiện Bàn, ở khối 4, thị trấn Vĩnh Ðiện, huyện Ðiện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Cảm giác đầu tiên ập vào tôi là không khí vắng lặng, dù đã hơn 6 giờ chiều mà không thấy đèn đóm nào thắp lên, phòng ốc chật chội, áo quần phơi khắp nơi, ẩm mốc bốc mùi khắp ngõ ngách.
Ấn tượng mạnh hơn nữa là giọng hát nữ vọng ra từ một căn phòng tối om: “Nhìn mặt trời mà không chói lóa, là hội người mù Việt Nam…”
Sau một lúc trò chuyện với ông phó chủ tịch hội (cũng bị mù) và ông chủ tịch hội (mù hoàn toàn, không thấy gì), tôi được chị tình nguyện viên (lành lặn) dắt đi thăm các phòng, trò chuyện, chụp hình. Xuống đến nhà bếp, tôi lại ngạc nhiên thêm lần nữa vì người đang ngồi hát (câu tôi mới vừa kể trên) vừa lặt rau vừa cời than trên bếp nấu canh. Chị làm nhanh và thiện nghệ đến độ tôi không nghĩ đó là người mù. Cho đến khi tôi hỏi thăm, chị ngước đôi mắt mờ đục lên nhìn về phía tôi một cách vô vọng tôi mới hiểu là chị không nhìn thấy gì.
Tôi lại liếc nhìn vào nồi canh của chị đang nấu cho cả tập thể hơn ba mươi người cùng ăn. Trời ạ, “canh toàn quốc” tôi nghe nhiều rồi nhưng đây là lần đầu tôi mục kích sở thị một nồi canh toàn quốc với rau cúc tần loe ngoe vài chục cọng, mấy con tôm khô nổi lên rồi lại chìm xuống theo nhịp sôi của nước, và mùi “nước mắm đại dương” mặn chát. Tôi cố nhìn, dò tìm xem thử còn món nào khác và thấy một dĩa cá chuồn kho chừng vài ba con gì đó, có vẻ như cá kho đã lâu, hâm đi hâm lại đến độ chuyển sang màu vàng xanh đùng đục.
Tự dưng tôi thấy hơi nghẹn và thầm nghĩ: cũng may là họ mù, có khi như vậy lại hay, nếu họ mắt sáng, nhìn thấy đời sống chung quanh rồi lại nhìn lại mình, nhìn lại góc đời giường chiếu ẩm mốc với diện tích chưa tới 30 mét vuông cho cả mấy chục người, nhìn lại góc bếp hoang hoải của mình, e rằng họ buồn lắm, khó mà nói được cho trót!
Ông chủ tịch hội nói với tôi: “Ở đây chỉ có món chổi đót là nhiều và phong phú nhất, nhưng món này không ăn được. Nói là hội, nói tui là chủ tịch hội cho sang vậy chứ được chi mô chú. Thì nhà nước xây dựng hội, hỗ trợ cho học chữ bờ-ray (brind) vậy là quí quá rồi. Những người mù già yếu, hoàn toàn không nơi nương tựa thì được cấp 360 ngàn đồng/tháng. Còn lại thì có vài người được cho 180 ngàn/tháng. Chủ yếu là đi bán chổi mà sống chú ơi! Anh em mù ở đây không phải là thương binh, họ mù bẩm sinh hoặc đi kinh tế mới khai phá đất bị mìn, hỏng mắt, nên chẳng có chế độ gì cho họ được thoải mái đâu, nếu là thương binh nhà nước thì đã có chỗ ở ngon lành rồi.”
Ông nói thêm: “Hội bỏ mối chổi cho các hội viên với giá gốc 18 ngàn đồng, bán ra thị trường được 20 đến 21 ngàn dồng, lãi cao nhất 3 ngàn đồng/cây chổi. Mỗi tháng nếu làm giỏi thì kiếm cũng được 700 ngàn đồng/ người. Trừ những ngày mưa gió, ốm đau. Có người lấy thêm chổi bên ngoài có chất lượng tốt hơn để bán và lãi cũng cao hơn chút đỉnh.”
Tôi hỏi ông có ai kiếm được mỗi tháng chừng 900 ngàn đồng không, ông lắc đầu nói dứt khoát: “Chắn chắn là không có, trừ khi trúng mánh được người ta cho kia, nhưng có mấy ai có cái phước đó.”
Tôi lại hỏi thêm về những ưu tiên, những chính sách của nhà nước dành cho hội, ông lại lắc đầu, và tôi để ý thấy mấy người ngồi bên trong cũng lắc đầu. Tôi nhớ đến câu của ông Hùng trong lần gặp buổi trưa: “Có đôi khi mình là kẻ ăn bám mà! Khổ lắm chú ơi!”
Ông chủ tịch hội nói thêm: “Tết này có quà anh à, người ta cho mỗi người mù một thùng mì tôm và 50 ngàn đồng.” Tôi hỏi ông: “Tết mà sao lại cho mì tôm hả bác? Ðâu phải bão lụt đâu mà cho vậy?” Ông chủ tịch nói: “Vậy cũng là quí hóa lắm rồi anh ơi, anh thấy đấy, ở quê mình, người sáng còn khổ nữa huống chi là người mù!”
Tôi im lặng, chào tạm biệt ông và những anh em mù trong căn phòng không có đèn đóm.
Vì với người mù, ban ngày cũng như ban đêm, và với người mù nghèo khó thì mùa Xuân cũng chẳng khác gì mùa Ðông.
Tiếng rao bán chổi của họ vẫn kéo lê theo tiếng bước chân mỏi mệt trên mặt đường. Những mặt đường mùa Xuân lạnh và khô.
Liêu Thái
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=126274&z=1
No comments:
Post a Comment