Trở Về Trang chính

Thursday, January 27, 2011

Lùm xùm chuyện đồng chí Mai Quốc Bình và Lê Đức Thúy


Huyền Anh, Hà Nội, gửi cho Dân Làm BáoKhông phải đến hôm nay, tin tức từ Úc cho hay vụ hối lộ của công ty in tiền Úc thì người ta mới biết chuyện bê bối của cha con Lê Đức Thúy.

Vụ việc tham ô của Lê Đức Thúy đã từng được đưa ra chất vấn trong kỳ họp thứ 9 Quốc Hội khóa 11, ngày 16.6.2006 cách đây 4 năm rưởi bởi một đại biểu xứng danh là đại biểu của nhân dân đó là Bà Nguyễn Thị Việt Nhân, thuộc đoàn đại biểu tỉnh Kiên Giang.

Các câu hỏi chất vấn của bà Nguyễn Thị Việt Nhân lúc đó được coi như là “bom tấn” nổ giữa Quốc Hội. Mở đầu là việc ông Lê Đức Thúy biến trụ sở làm việc của cơ quan ở số 6 phố Lý Thái Tổ (Hà Nội) thành nhà ở. Ông thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thúy đã hoàn tất hồ sơ mua hóa giá để biến nhà phố cả chục tỷ còn 500 triệu và biến thành tài sản riêng của gia đình.

Sau khi bà Nguyễn Thị Việt Nhân chất vấn về in tiền Polymer thì ông Lê Đức Thúy trả thù hèn hạ là đi “méc” với Bí thư tỉnh Kiên Giang để rồi ông Bí Thư tỉnh “rầy la” nữ Đại biểu này. Nhưng bà Nhân cũng không vừa, đăng đàn lên báo Tuổi Trẻ vạch tội tất cả.

Ông Mai Quốc Bình, một Đại biểu Quốc Hội có thực không biết là “quả bom tấn” nổ trong kỳ họp thứ 9 Quốc Hội khóa 11 không? Chẳng lẽ ông Mai Quốc Bình đến hội trường để ngủ gục. Dù có ngủ gục cũng đã biết thông tin chấn động này rồi. Và thông tin về “quả bom tấn” vẫn còn đây:

(Báo Tuổi Trẻ cũng đã khéo léo luồn lách đăng tin về chuyện biến nhà công vụ nhưng đã “xen chuyện” in tiền Polymer vào ghi chú của hình bà đại biểu cũng như ô riêng phụ trội cuối bài)

Thất vọng vì ông Thúy thiếu trung thực

>> “Ai khéo vẫy vùng thì được của riêng”
>> Nhà công vụ biến thành nhà riêng
>> “Không có chủ trương cấp nhà cho Bộ trưởng”
>> Sẽ rà soát lại nhà công vụ

ĐB Nguyễn Thị Việt Nhân trong phiên chất vấn Thống đốc ngân Lê Đức Thúy tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa X ngày 16-6-2006: “Có thông tin ông Lê Đức Minh, con trai thống đốc, là phó giám đốc một công ty in tiền thì có được xem là công ty gia đình không?

TT – Bà Nguyễn Thị Việt Nhân – phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang, người đã phát hiện và chất vấn ông Lê Đức Thúy về việc ông Thúy mua hóa giá căn nhà số 6 Lý Thái Tổ (Hà Nội) vào kỳ họp Quốc hội thứ 9 vừa qua đã cho biết như vậy trong buổi trao đổi với Tuổi Trẻ vào chiều 4-10.

- Tôi đã nghe dư luận phản ánh lùm xùm xung quanh việc thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thúy được giải quyết mua hóa giá căn nhà mặt tiền số Lý Thái Tổ từ nhiều tháng trước. Sau nhiều lần gặp các đồng chí cấp dưới của ông Thúy và nhiều lần tự thuê xe xích lô đến tận căn nhà này để tìm hiểu, tôi quyết định gửi văn bản chất vấn ông Thúy về vụ mua căn nhà này.

* Tại sao bà không chất vấn trên hội trường?

- Tôi suy nghĩ, cân nhắc điều này dữ lắm. Vì ông Thúy là một cán bộ cao cấp, lúc đó mới chỉ là dư luận nên tôi quyết định không gay gắt trên hội trường mà chất vấn bằng văn bản.

* Bà có hài lòng với phần trả lời chất vấn bằng văn bản của ông Thúy?

- Ông Thúy trả lời chất vấn của tôi với văn bản dài bốn trang giấy A4, trong đó có nêu tám điểm đáng chú ý. Đặc biệt, có lẽ sợ tôi chưa rõ nên thống đốc còn chụp cả ảnh căn nhà gửi cho tôi minh họa. Tuy nhiên, tôi vẫn thật sự thất vọng bởi phần trả lời của ông Thúy. Toàn bộ văn bản ông Thúy cho rằng mình khó khăn về nhà ở, nhà số 6 chỉ là nhà cấp 4, diện tích hẹp, xuống cấp, không phù hợp để làm công sở; Thủ tướng cũng đã đồng ý giải quyết cho cá nhân ông Thúy rồi. Cũng trong trả lời chất vấn, ông Thúy còn nói rằng trong quá trình chuẩn bị Đại hội Đảng lần X, Ủy ban kiểm tra T.Ư cũng đã nhận đơn tố cáo về căn nhà số 6 Lý Thái Tổ. Qua đó đã tiến hành xác minh và kết luận chỉ có sai sót trong trình tự thủ tục khi Ngân hàng Nhà nước chủ trương chuyển đổi công năng căn nhà, nên chỉ cần rút kinh nghiệm. Tôi rất bức xúc bởi quá trình đi kiểm tra thực tế thì thấy rằng không như giải trình của ông Thúy, căn nhà ông Thúy mua hóa giá rẻ là nhà mặt tiền, tọa lạc ở khu phố cổ có giá trị hàng chục tỉ đồng.

* Sao bà không tiếp tục chất vấn?

- Tôi mới chỉ chất vấn bằng văn bản, chưa chất vấn trên hội trường mà sau đó ông Thúy đã gặp anh Sáu Tuấn (Trương Quốc Tuấn – bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang, trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Kiên Giang – PV) để rầy rà về tôi, nên tôi thôi.

* Thế bây giờ bà có dự định tiếp tục vụ này?

- Nói thật lúc đó tôi cô thân độc mã, nay báo chí phanh phui tôi đã được giải tỏa phần nào. Tôi rất đồng tình với các ý kiến của các vị khác trên báo chí mấy ngày qua, đặc biệt là ý kiến của Thứ trưởng Đặng Hùng Võ không phải quan chức nào thì muốn ở đâu, nhà cỡ nào cũng được.

H.T.DŨNG thực hiện

Thống đốc ngân hàng nhà nước Lê Đức Thúy:Con trai tôi không dính dáng gì đến việc in ấn tiền

(Trích Báo Tuổi Trẻ số ra ngày 17-06-2006)

TT – Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Đức Thúy nhận được câu hỏi chất vấn khá hóc búa từ ĐB Nguyễn Thị Việt Nhân (Kiên Giang) về tính hiệu quả của việc chuyển đổi tiền giấy cotton sang tiền polymer.

“Chi phí in ấn tiền polymer khá cao, trong khi đó có thông tin ông Lê Đức Minh, con trai thống đốc, là phó giám đốc một công ty liên quan đến công nghệ in tiền thì có được xem là “công ty gia đình” không?”.

Theo thống đốc Lê Đức Thúy, tiền polymer mặc dù có chi phí in ấn gấp đôi so với tiền cotton, nhưng nếu xét về độ bền và chức năng ưu việt là chống làm giả tốt hơn thì giá cả vẫn ở mức hợp lý. “Đã có một số cơ quan tìm hiểu nhưng không tìm ra căn cứ nào cho thấy con trai tôi có tham gia môi giới cho hoạt động in ấn tiền. Tôi xin đảm bảo về tính trung thực của thông tin này trước QH” – thống đốc Lê Đức Thúy nói.

Mặc dù khẳng định chất lượng tiền giấy polymer là tốt, thống đốc Lê Đức Thúy thừa nhận việc in ấn tiền kim loại “có vấn đề” do NHNN chưa có kinh nghiệm trong việc chọn vật liệu, chưa đánh giá hết tác động môi trường sử dụng của đồng tiền, đặc biệt đối với tiền xu mệnh giá 1.000 đồng và 2.000 đồng vốn rất hay xỉn màu. Chính vì vậy, NHNN đang kiểm điểm nghiêm túc và sẽ sớm trình Chính phủ phương án khắc phục.

NHƯ HẰNG

No comments:

Post a Comment