Trở Về Trang chính

Wednesday, January 26, 2011

Lạm phát tại Việt Nam lên cao nhất

HÀ NỘI 24-1 (TH) – Lạm phát ở Việt Nam tăng mạnh vào dịp mọi người lo chuẩn bị ăn Tết Tân Mão, từ nay tới đó chỉ còn 9 ngày nữa.

Một phụ nữ chào bán bánh mì dọc theo lề đường ở một khu vực ngoại thành Hà Nội. Thực phẩm là một trong những thứ tăng giá dữ dội làm lạm phát trong tháng Giêng 2011 lên đến 12.17% so với một năm trước. (Hình: Hoàng Ðình Nam/AFP/Getty Images)

Theo các con số của Tổng Cục Thống Kê Việt Nam, chỉ số giá tiêu dùng ở Việt Nam trong Tháng Giêng 2011 gia tăng 1.74% so với Tháng Mười Hai của năm ngoái. Tuy nhiên, nếu so với Tháng Giêng 2010 thì đã gia tăng tới 12.17%.

Tháng Giêng và Tháng Hai Dương lịch lại nằm vào dịp người Việt Nam chuẩn bị mua sắm cho Tết Nguyên Ðán theo Âm lịch theo truyền thống xã hội hàng năm.

Hàng hóa tăng giá theo áp lực mua sắm của thị trường đã góp phần làm cho lạm phát gia tăng trong khi nền kinh tế vốn dĩ đang có nhiều khó khăn.

Theo Tổng Cục Thống Kê Việt Nam khi công bố các con số về chỉ số tiêu dùng, phần lớn lạm phát gây ra bởi sự gia tăng giá cả về thực phẩm, dịch vụ giáo dục, chi phí nhà cửa và xây cất.

Ðồ ăn và các loại thực phẩm nói chung chiếm tối thiểu 40% lợi tức cá nhân, đã gia tăng 16.6% trong Tháng Giêng 2011. Dịch vụ giáo dục giaa tăng tới 22.5%.

Quốc Hội Việt Nam đặt chỉ tiêu kềm giữ lạm phát cho năm nay là 7%. Nhưng tình hình này, giá nhiên liệu trên thị trường quốc tế tăng mạnh mà Việt Nam phải nhập cảng, áp lực tăng giá xăng dầu đè lên áp lực tăng giá điện, kéo theo một loạt giá cả tăng giá dây chuyền trên tất cả mọi mặt hàng hóa và dịch vụ, sẽ làm cho chỉ số lạm phát khó lòng giữ được dưới 2 con số.

Hơn một tháng qua, nhiều tổ chức tham vấn đầu tư quốc tế đã liên tục báo động về những khó khăn nghiêm trọng đối với nền kinh tế Việt Nam nếu chế độ Hà Nội không kềm chế nổi lạm phát.

Cho tới nay, người ta chỉ thấy chế độ Hà Nội chữa bệnh lạm phát đằng ngọn, thay vì đối phó với cái gốc của vấn đề như nhiều kinh tế gia đã chỉ ra.

Nhà cầm quyền Hà Nội kiểm soát sự gia tăng giá cả bằng các quyết định hành chính “bình ổn giá”, cùng với sự trợ giá cho xăng dầu (bỏ thuế nhập cảng), bơm thêm tiền. Một trong những giải pháp căn bản là cắt bớt công chi, theo các chuyên gia kinh tế ngoại quốc, đặc biệt là các dự án đầu tư tăng trưởng.

“Với nhịp độ lạm phát như hiện nay, khó có thể giữ mức lạm phát ở 7% cho năm nay như nhà cầm quyền mong muốn. Lạm phát lên cao cũng rất khó cho các ngân hàng hạ lãi suất, mà như vậy các nhà sản xuất sẽ gặp trở ngại để gia tăng sản xuất.” Lê Thẩm Dương, một kinh tế gia đang dạy ở Ðại Học Ngân Hàng ở thành phố Sài Gòn phát biểu với báo tài chính Wall Street Journal.

Cái chỉ tiêu hạ thấp lạm phát hơn năm ngoái, theo tờ báo vừa kể, là thử thách cao hơn nữa khi mà chế độ Hà Nội không chịu thay đổi chủ trương thúc đẩy tăng trưởng mà thay vào đó bằng một chính sách tăng trưởng vừa phải để chống lạm phát, giữ ổn định kinh tế.

Ngày 9 tháng 1 năm 2011, chính phủ Hà Nội ra một bản nghị quyết “về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2011”. Trong đó, người ta vẫn thấy họ hô hò “tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế” bằng những biện pháp “kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định thị trường”.

Theo cái nghị quyết vừa kể thì “Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài Chính và các bộ, cơ quan, địa phương tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác phân tích, dự báo và theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường trong và ngoài nước, các yếu tố ảnh hưởng tới giá cả hàng hóa để kịp thời áp dụng các biện pháp điều tiết cung cầu và bình ổn thị trường… không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá”.

Những gì được Tổng Cục Thống Kê của chế độ nêu ra cho thấy thực tế đang diễn ra trái với lời hô hò tuyên truyền.

Theo một bản tin của hãng tin tài chính Bloomberg hồi tuần trước, thâm thủng mậu dịch của Việt Nam trong năm 2010 là $13.24 tỉ USD, nhiều hơn con số nhà cầm quyền đưa ra tuyên truyền chỉ có $12 tỉ USD. Ðồng thời, dự trữ ngoại hối của Việt Nam trong tháng 12, 2010 là khoảng $13.8 tỉ USD cũng chỉ còn đủ cho hơn một tháng nhập cảng và chi trả ngoại quốc, áp lực khủng hoảng kinh tế ngày càng đè nặng thêm lên.

Trong khi đó, hối suất chính thức của Ngân Hàng Nhà Nước đưa ra thấp hơn giá biểu trao đổi trên thị trường tự do 7%. Nhiều nhà kinh tế từng cho rằng Hà Nội đang đứng trước áp lực rất mạnh phải phá giá đồng nội tệ nhưng vẫn phải cố kềm cho qua Tết Tân Mão.

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=126090&z=157

No comments:

Post a Comment