Hãy Tỉnh Dậy, Người Việt-Nam!
Hãy Tỉnh Dậy, Người Việt-Nam! (01/17/2011)
Tác giả : Võ Trang
Không cần phải đợi cho đến hết đại hội đảng lần thứ 11 này để người ta mới có thể biết được tương lai của nước Việt-Nam sẽ đi về đâu bởi vì CSVN đã đánh ván bài cuối cùng trong những canh bài ba lá đã được xào xáo nhiều lần. Giờ đây cả ba lá đều đã được lật ngửa mà lẽ ra người Việt-Nam và các quan sát viên quốc tế không nên ngạc nhiên gì cả: chỉ có một lá, lá bài Cộng Sản, mà ông Đinh thế Huynh, Tổng Biên Tập của nhật báo Nhân Dân Cộng Sản đã “qua mặt” Tô Huy Rứa trả lời dứt khoát với phóng viên quốc tế. Dù láo khoét và xấc xược, lời tuyên bố “Việt-Nam không có nhu cầu đa nguyên đa đảng” gì cả thật ra đã được ông Nguyễn Phú Trọng, chủ tịch Quốc Hội Cộng Sản Việt-Nam trả lời báo chí trong lần viếng thăm Ấn Độ từ nhiều tháng trước.
Diễn một màn kịch nhỏ, CSVN kêu gọi đóng góp ý kiến cho đại hội đảng lần thứ 11 đã gây một phong trào “sinh hoạt” sôi nổi(!) cả trong và ngoài nước trong nhiều tháng qua. Trong hy vọng của những “người Quốc Gia” lẫn người cộng sản phản tỉnh, người ta trông mong những chuyển biến dân chủ hơn trong lãnh đạo là một không tưởng cho đến ngày nào chế độ cộng sản còn tồn tại. Trong chính trị, chấp nhận cho dân chủ thực sự trong sinh hoạt đảng là cổ vỏ cho những manh nha “phản động”, là mầm mống của sự sụp đổ của “chuyên chính vô sản”, của lãnh đạo cộng sản. Trong xã hội, chấp nhận dân chủ là từ bỏ “độc quyền” của tập đoàn lãnh đạo, là kéo cái thành phần đứng trên và ngoài vòng pháp luật này trở về trong sinh hoạt bình thường của xã hội loài người mà ở đó họ sẽ được phán xét như tất cả những người còn lại… nhưng đối với họ, đây sẽ là một bản án tử hình. Hiểu như thế họ còn con đường chọn lựa nào khác?
Khi đã dứt khoát với lá bài cuối cùng này, tập đoàn lãnh đạo CSVN sẽ có thái độ gì đối với những “diễn viên hòa bình” mà họ vừa tạm thời giả lơ chút đỉnh để củng cố thế lực của mình? Chỉ một màn kịch nhỏ đề nghị đóng góp ý kiến, họ đã lôi ra ánh sáng rất nhiều phần tử bất mãn, “đối lập” hay ít nhất là lảo đảo đối với lập trường cộng sản của họ. Người viết không mong thấy những trừng trị như một thời “Nhân văn gia phẩm” hay thê thảm hơn là chiến dịch “trăm hoa đua nở” ở Trung Cộng. Có thể nói, dù chưa kết thúc, đại hội đảng lần thứ 11 này sẽ thành công hoàn toàn. Những nhà dân chủ tư sản cứ mất công nghiên cứu đại hội đảng sẽ làm gì được cho đất nước, cho con người…
Không! đại hội đảng là để kiện toàn và “trong sạch hóa” cơ cấu của đảng. Lập trường cũng như chính sách “mới” sau đại hội lần này của đảng CSVN đối với các thành phần này, sẽ có thể thấy trong lần luận tội ông Cù Huy Hà Vũ sắp được tiến hành.
Đại hội đảng không phải để lo việc nước. Những nhà lãnh đạo CSVN hiện nay không cần và không thể xây dựng một mô hình mới nào cả cho Chủ Nghĩa Xã Hội ở Việt-Nam.
Không thể - vì họ không có tài năng gì để đề xướng được những đột phá cần thiết cho đất nước.
Không thể - vì chính cái chủ thuyết này đã thất bại trên toàn thế giới.
Không cần - vì bất tài, họ chỉ còn trông chờ vào những bản thảo của những đàn anh của họ đã làm.
Những chính sách kinh tế đẫm máu của họ là những chính sách đã thấy trong các nước cộng sản đàn anh.
35 năm qua, 6 lần đại hội đảng, những tham luận, đúc kết trở thành những bài kinh không có lời cầu nguyện, nhai đi nhai lại như những đống giẻ rách…
Nhưng đối với nhân dân Việt-Nam, lập trường dứt khoát và đúc kết của đại hội đảng lần này, trái lại là những đóng góp có giá trị. Người dân, nhất là giới trí thức Việt-Nam sẽ không còn nuôi thêm ảo tưởng thay đổi được đường lối cai trị của tập đoàn lãnh đạo CSVN. Tôi không tưởng tượng được 5 năm nữa, đứng trước những thất bại kế tiếp, những người lãnh đạo CSVN có đổi mới một lần nữa hay không và nếu có, thì sẽ có ai vẫn còn chút “kích thích” với những hứa hẹn như thế để họ có thể sáng chế ra một “học thuyết đổi mới” trong chủ nghĩa cộng sản?
Nhưng “đổi mới” thực sự là giai đoạn cuối của chủ nghĩa cộng sản ở Liên Sô, vì tiến trình tiến hóa của loài người không phải là những chu kỳ để con người có thể trở lại những bước như củ.
Từ mượn danh nghĩa độc lập dân tộc, rồi chống đế quốc Mỹ cứu nước, trong chiến thắng mà phải đánh ván bài cuối cùng “đổi mới” là quả họ đã đi hết đường. Đang ôm cái quái thai “Kinh tế thị trường định hướng XHCN”, họ cũng không còn chọn lựa nào khác cho một “chuyên chính vô sản” dù chỉ trong chính trị.
“Việt-Nam không có nhu cầu đa nguyên đa đảng” gì cả: cái thái độ ngạo nghễ đầy thách thức này là phản ảnh của những lãnh đạo đầy tự tin, hay là phút bùng lên của một chế độ đã đến ngày tàn?
Cho những người Việt-Nam thì không có gì nên học hơn là những kinh nghiệm từ chính những người lãnh đạo của cộng sản. Những thanh niên Việt-Nam hãy nghe lại lời tuyên bố của lãnh tụ cộng sản Nam Tư Milovan Djilas để khỏi phí những tuổi xuân của mình: “20 tuổi mà không theo cộng sản là không có trái tim. 40 tuổi mà không từ bỏ cộng sản là không có cái đầu”.
Cho những ai vẫn còn trông mong một biến chuyển trong những tâm hồn của người lãnh đạo cộng sản Việt-Nam thì hãy nghe lại lời nói của Tổng Thống Nga Boris Yelsin: “Cộng Sản không thể sửa chửa được mà phải dục bỏ đi thôi”.
Gần đây, một số tác giả đã viết nhiều bài về kết quả thăm dò dư luận của cả 2 viện BVA (Pháp) và Gallup (Tổ chức Quốc Tế có trụ sở ở Hoa Kỳ) cho thấy Việt-Nam là nước có chỉ số lạc quan cao nhất. Chỉ số lạc quan nhưng ý nghĩa của nó thì không lạc quan chút nào. Ngay tại các quốc gia phát triển, đời sống cao như các quốc gia Tây Phương chỉ số lạc quan còn thấp hơn là tại các quốc gia kém phát triển. Tại Việt-Nam đây là lần thứ hai người ta có thống kê như thế này.
Lạc quan nhưng cứ cầu mong viện trợ và cứ sống vọng ngoại thì là gì nếu không phải là “người đi trên mây”?
Tập đoàn lãnh đạo cứ tiếp tục nhận khuyết điểm nhưng cứ tiếp tục sống giàu sang cách biệt là gì? nếu không phải là bịp bợm, đạo đức giả?
Tăng trưởng cứ tiếp tục cao nhưng đất nước thì cứ tụt hậu so với lân bang và người dân thì vẫn không đủ ăn đủ mặc thì là gì nếu không phải là phồn vinh giả tạo?
Không kể đến tính chính xác có thể tin được của nghiên cứu này tôi vẫn cảm thấy thoang thoáng một nỗi buồn cho quê hương và cho con người Việt-Nam.
Đây có phải là phản ảnh của một trình độ nhận thức hay là hoài vọng của những con người sống không có ngày mai – cho nên mọi bình minh đều trở thành những giấc mộng?
Hãy tỉnh dậy, người Việt-Nam!
Võ Trang
Jan 14 2011
No comments:
Post a Comment