Gửi Người Em Gái Hà Nội.
"...'Ngụy' không có đuôi đâu...”
Ngày xưa nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, một tay chơi hào hoa của đất Hà Thành, cũng đã một lần lao đao đi vào thế giới của những kẻ thất tình. Ông nhạc sĩ có một người yêu nhưng em gái chối bỏ thiên đường cộng sản với lại cũng chẳng có cảm tình gì với râu ria Ông Hồ. Nàng chạy vào Sài Gòn với “Cụ Riệm.” Ngày Tết đến, người Hà Nội nằm gãi ghẻ trên một căn gác tối thui đầy ruồi nhặng, bụng đói meo vì tem phiếu khoai sắn cũng đã đi vào cõi mộng, nghĩ đến người tình đang cỗ bàn ê hề ở miền Nam mà tủi thân trách phận. Ông nhạc sĩ buồn năm phút rồi sáng tác ca khúc “Gửi người em gái miền Nam.” Bài hát tả oán người em gái mê dân chủ tự do, thích ăn ngon mặc đẹp, lại thấy “Cụ Riệm” đẹp giai hơn Ông Hồ nên đành cam tâm để lại người yêu ở chốn ngàn năm văn vật gặm khoai sắn thoi thóp qua ngày.
Ấy là câu chuyện của Ông Đoàn Chuẩn, người đã đi vào cõi vĩnh hằng, và cô em gái nếu còn trên dương gian này thì cũng đã lững thững bước vào tuổi cổ lai hy, nói nôm na là khứa lão cũng đã trên bẩy chục cái xuân xanh. Chuyện hôm nay là của một “nhà văn” đang lên được các em gái trong và ngoài nước ái mộ cực kỳ. “Nhà văn” Vũ Lục Bình, người đã có hai truyện ngắn tình cảm lâm ly bi đát đăng báo và đang trên đường đi vào văn học sử nước nhà. “Nhà văn” cũng muốn khoa trương tên tuổi bằng cách gửi bài đăng trên nhiều tờ báo, nhưng bài gửi đi rồi thì vài ba tuần lễ sau lại được nhắn tin một cách rất thân thiện trong mục “Bài không đăng.” “Nhà văn” bí đề tài nên đành nhắm mắt thuổng tên một bài hát có những câu tình tứ lãng mạn nghe đến xót xa. “Em tôi đi mầu son trên đôi môi, khăn san bay lả lơi trên vai ai.” Bởi vậy câu chuyện “Gửi người em gái Hà Nội” dưới đây tất nhiên phải có một thoáng Hà Nội với những từ ngữ và kiểu cách ăn nói đặc mùi xã hội chủ nghĩa mà “nhà văn” mới tiếp thu được trong một chuyến đi chơi đất Bắc.
Tôi vốn người của ruộng đồng Cái Sắn, thuộc diện Bắc kỳ di cư. Địa danh Cái Sắn của tỉnh Kiên Giang thì chẳng nói ai cũng biết là nơi sinh sống của dân ruộng từ Bắc chạy vào Nam lánh nạn cộng sản. Tất nhiên dân cầy sâu cuốc bẫm thì phải quê kệch nhưng tôi trông chẳng đến nỗi quá cũ người. Thật tình thì cũng đã có người con gái tóc thề vừa chấm ngang vai còn khen tôi đẹp giai nữa kìa (!) Ông bạn thiết đã nhiều lần làm giám khảo Hoa Hậu Áo Dài mô tả hình dạng tôi một cách rất chân thực “cái anh cao lớn đen đen ấy.” Mấy chữ ngắn gọn này đủ nói lên vóc dáng và sắc diện của một người mà khi còn ở trong nước chỉ chuyên trị con trâu cái cầy, rảnh rỗi việc đồng áng thì đi đánh dậm kiếm vài con tôm con cá cải thiện bữa ăn quanh năm chỉ có rau muống luộc. Sang đến Mỹ, tôi lăn lộn đủ mặt ở các nông trại vùng Tây Bắc Hoa Kỳ. Khi thì đi hái táo, lúc lại chăn gà lôi. Ngày đêm dầm mưa dãi nắng mà làm sao lại không “đen đen” cho được. Nhiều anh chị Mỹ trắng tốn bộn bạc đi kiếm tí “đen đen” của tôi mà cũng không đạt yêu cầu đấy. Cái đen này là mầu nâu xậm của khối đồng hun, đen ngọt đen dòn. Một độc giả trung thành của “nhà văn” Vũ Lục Bình, cô Kim Khuê ở tiểu bang Hạ Uy Di thì lại bảo tướng tá tôi giống một võ sĩ. Chắc là người An Nam mình có nước da “đen đen” không là dân cầy ắt phải là võ sĩ (?) Tôi phải nói tí chút về cái dung nhan không xấu mà cũng không lấy gì làm đẹp của tôi vì một câu chuyện cũng có chút nước mắt nước mũi chẳng kém gì “Chuyện tình Lan và Điệp” mà “nhà văn” Vũ Lục Bình chính là nhân vật Điệp và người đẹp tên Lan lại là một cô gái Hà Nội.
Cách đây hai năm, vào dịp Tết Tân Tỵ, tôi phải về Việt Nam có “công chuyện.” Nhân tiện chuyến đi ngàn dặm, tôi đã “tranh thủ” bỏ ra vài ngày đi thăm vịnh Hạ Long mà nghe nói được liệt kê vào danh sách những kỳ quan của thế giới. Tôi ghi danh với một văn phòng du lịch ở Hà Nội dưới cái tên trên sổ thông hành Hoa Kỳ: William Fitzerald Vu. Đoàn khách du lịch gồm 11 người và cô hướng dẫn viên. Bốn cặp vợ chồng tất cả về từ Úc, hai cô Tây từ một nước Đông Âu và tôi là người duy nhất từ Mỹ, lẻ loi một mình.
Người hướng dẫn chuyến đi với cái tên đẹp và mềm mại như mái tóc đen óng ả của cô, Mỹ Lệ ở vào tuổi trên dưới ba mươi có làn da trắng mịn màng, khuôn mặt xinh xắn và miệng cười tươi như hoa. Chuyện trò một lúc thì tôi được biết Mỹ Lệ gốc Tuyên Quang. Các cụ mình ngày xưa đã nói “Trà Thái Gái Tuyên” thật chẳng sai tí nào. Mỹ Lệ đẹp lắm, đẹp hơn cả người mẫu đứng trong tủ kính. Có thể vì ngoại hình bắt mắt nên Mỹ Lệ được tuyển dụng làm công việc của một hướng dẫn viên du lịch nhưng bên trong cái nhan sắc đó lại là chỗ cư ngụ của một hòn đá vô sản, một cục đất xã hội chủ nghĩa. Tôi phải nói một cách thiếu lịch thiệp như vậy vì người đẹp đã bắt chuyện với tôi bằng một câu hỏi rất “hữu nghị:”
“Trước kia anh là lính ‘ngụy’ của chính quyền Sài Gòn hả?”
Nếu không có cái sổ thông hành mầu tím than của Hoa Kỳ chắc là tôi phải nhẩy ra khỏi xe vì câu hỏi có vẻ tra tấn của những người làm “nghiệp vụ” công an cảnh sát hay của một tên quản giáo trong trại tù khổ sai đầy rẫy khắp nuớc. Tôi có máu thích đùa dai và nhất là lại được chọc ghẹo người đẹp Hà Thành nên phản ứng tự nhiên:
“Bác và Đảng nói ‘ngụy’ có đuôi. Chiều nay tới vịnh Hạ Long tôi cởi quần áo nhẩy xuống biển bơi một lúc, nếu tôi có đuôi thì đích thị là ‘ngụy’ rồi.”
“Giời ạ! Rét như thế này mà anh dám bơi à.”
“Nếu vậy thì tôi cho cô… khám, xem cái đuôi ở chỗ nào.”
“Thôi. Em không dám đâu, xấu hổ lắm.”
Chiếc xe chạy êm ả trên con đường do một công ty Nhật mới làm. Qua lãnh địa của bánh đậu xanh Hải Dương, hai bên đường cũng còn nhiều cảnh trí và sinh hoạt của những ngày Tết. Từng nhóm người vội vã trên đường, quần áo mới mầu sắc rộn ràng còn cứng bột hồ, trong tiếng cười nói vui vẻ. Những cành đào miền Bắc đẹp như tranh vẽ vẫn còn phô sắc trước mặt tiền của những căn phố sát ngay bên đường. Đâu đó xa xa có tiếng trống hội hè đình đám của ngày Tết nơi thôn dã thân thương.
Bốn cặp vợ chồng ngủ dật dờ, hai cô Tây nhìn phong cảnh hai bên đường có vẻ thích thú và tôi an nhiên lý sự với cháu Bác Hồ:
“Thế cô đã nhìn thấy cái đuôi của ‘ngụy’ chưa?”
“Eo ôi! Em sợ lắm. Mà sao tên anh khó đọc quá vậy.”
“À, thày u tôi sợ tôi bị ma bắt nên đặt cho tôi một cái tên tiếng Việt nghe không được êm tai. Sang Mỹ tôi đổi tên, may ra có khá hơn. Cô có chồng con gì chưa”
“Nhà em nghèo lắm. Mấy thằng đàn ông chỉ thích lấy vợ giầu thôi.”
“Cô xinh đẹp như thế này thì chắc cũng lấy được một ông cán bộ làm to, rất giầu có.”
“Anh biết xem bói à?”
“Tôi không biết xem bói nhưng tôi biết xem chỉ tay. Nhìn diện mạo cô thì tôi thấy những ngày khó khăn cũng sắp qua. Sang năm thế nào cô cũng lấy được một ông cán bộ cấp trung ương đảng, tiền bạc ngập đầu ngập cổ đốt đi cũng không hết.”
Tôi không phải là một thứ lão luyện trong tình trường nhưng cái bài bản giao thiệp để chiếm đoạt cảm tình của nữ giới thì tôi rành sáu câu. Đàn bà con gái ai mà lại chẳng muốn được khen xinh đẹp duyên dáng, ai mà lại không thích lấy chồng vừa chức tước bề bề vừa giầu nứt đố đổ vách. Tôi đã áp dụng bài học vỡ lòng này nhiều lần và lần nào cũng thành công mỹ mãn. Mỹ Lệ như gặp được thánh nhân nên vồn vã:
“Tối nay đến nhà nghỉ, anh xem chỉ tay cho em nhé.”
Tôi làm bộ lạnh nhạt:
“Tính tôi có sao nói vậy, nhiều khi phải nói sự thật sợ cô buồn; mà nếu không noí ngay nói thật thì tôi không xem chỉ tay cho cô được.”
“Anh làm ơn cứ nói thật cho em nghe; có gì còn cúng giải hạn chứ.”
“Được rồi, tối nay tôi sẽ xem chỉ tay rồi xem… tướng cho cô nữa”
Tôi đã từng xem chỉ tay cho nhiều bà nhiều cô. Người nào cũng khen “thầy” nói cứ như thánh phán vậy. Sách xem chỉ tay của tôi tuy giản dị sơ sài nhưng phải là người có khoa ăn nói mới đủ chữ nghĩa diễn dịch vận mệnh của thân chủ một cách hợp lý và đáng tin tưởng. Nhiều khi để tỏ ra “tiền tiến” tôi còn phải lấy cái thước đo độ dài và vị trí của những đường chỉ tay, sau đó lấy bút giấy làm vài con toán lượng giác để nói năng cho có “cơ sở.” Sau một lúc vuốt ve bàn tay ngọc, bao giờ tôi cũng được khen là xem chỉ tay một cách khoa học chứ không vớ vẩn như mấy ông thầy bói sờ mu rùa. Nhiều cô lại còn ngẩn ngơ đòi xem chỉ tay cho “thầy.” Bàn tay mát lạnh như thạch của người đẹp bám chặt vào tay “thầy” có lúc gỡ không ra. Tôi chưa bao giờ kiếm sống bằng nghề xem chỉ tay nhưng nhờ có chút tài mọn mà cuộc đời nhiều lần tưởng chừng như rất vất vả lại đã qua đi một cách êm xuôi. Hồi năm 1964, lúc học năm thứ hai trường Luật, tôi đã xem chỉ tay cho bà vợ một ông sĩ quan nổi tiếng chửi thề luôn miệng. Vào thời điểm hỗn quân hỗn quan, đảo chánh, chỉnh lý, biểu dương lực lượng xẩy ra như cơm bữa, ông sĩ quan nào biết rào trước đón sau chụp giật thời cơ thì lon lá chức tước kể như diều gặp gió. Vấn đề khả năng và đạo đức cá nhân đã không còn là những tiêu chuẩn để thăng quan tiến chức mà là bè phái với súng đạn trong tay. Lúc xem chỉ tay cho phu nhân, tôi đã không do dự nói ngay ông nhà sắp sửa làm to vì cái đường danh vọng và tiền bạc của phu nhân rất rõ và hồng hào tươi tắn như trăng rằm. Quả tình chỉ ít lâu sau ông sĩ quan chỉ biết chửi thề luôn miệng này mang lon đại tá và được bổ nhiệm giữ một chức vụ hái ra tiền. Một hôm đang đi lang thang trước cửa nhà sách Khai Trí, tôi tình cờ gặp phu nhân. Bà đẹp và trẻ hơn xưa, ăn mặc sang trọng với một rừng kim cương hột xoàn. Bà khoe ông nhà bây giờ làm to đúng như “thầy” đã phán. Sau một lúc hàn huyên chuyện mưa nắng, bà rút trong ví ra một xấp tiền dúi nhẹ vào túi quần tôi. Với số tiền này tôi đã mua được một cái xe mô-bi-lét cũ nhưng chạy rất tốt, tạm thời giã từ cái xe đạp cà tàng tuột xích liên miên. Từ đó, cuộc đời tôi đỡ vất vả mồ hôi mồ kê.
Buổi tối nhóm du lịch chúng tôi tụ tập ăn cơm ngay trong phòng khách của nhà nghỉ trên một con dốc nhìn ra vịnh Hạ Long. Tôi vốn ít ăn vả lại mâm cơm của chuyến du lịch rẻ tiền quá èo uột nên cũng miễn cưỡng ngồi cạnh Mỹ Lệ cho vui bát vui đũa. Sau bữa ăn người nào trông cũng có vẻ mệt mỏi, lẳng lặng về phòng ngủ. Tôi và Mỹ Lệ ra phía trước phòng khách uống nước trà nói chuyện bên Ta bên Tây rồi tôi bắt đầu xem chỉ tay cho người đẹp Hà Thành.
Trước hết để chinh phục được niềm tin mãnh liệt của Mỹ Lệ tôi nói ngay thân chủ nên đổi tên đi. Mỹ Lệ có nghĩa là giọt nước mắt đẹp, tôi mù tịt chữ Nho nhưng cũng tán đại ra như vậy, khi khóc thì rất ít khi người ta rơi lệ vì vui sướng hạnh phúc mà toàn là những khổ đau bất hạnh. Cái tên tuy chẳng là gì nhưng mà cứ nghe âm thanh không lấy gì làm vui cũng đủ gặt hái toàn những điều không may mắn, không toại nguyện. Tôi chắc ăn ở cái “khâu” này vì tin rằng nhiều cô gái đã tự đặt cho mình một cái tên nghe ra cho đài các, cho cao sang diễm kiều. Chẳng có luật lệ nào cấm cản hay phạt vạ cô Phạm Thị Tẹt lấy tên gọi là Mộng Huyền cho dễ nghe, cho mộng mơ, cho “hiện đại.” Thân chủ của tôi vội vàng nói tên thật là Nguyễn Thị Ngừng. Cái tên hơi hập khiễng cũng có nguyên nhân bởi vì ông thân của Mỹ Lệ là công nhân viên nhà nước nhưng lại vi phạm luật lệ công đoàn (hạn chế sinh đẻ) vì bà vợ có bầu đứa con thứ ba. Ông bố của Mỹ Lệ phải làm kiểm điểm, chịu hình phạt cảnh cáo và bà mẹ được bố trí vào “viện triệt sản” sau khi sinh nở rồi đặt tên con là Ngừng, có nghĩa là từ nay hạ quyết tâm ngừng luôn không bao giờ dám đẻ nữa. Cô Nguyễn Thị Ngừng đang ngồi cạnh tôi là đứa con thứ ba của một cặp vợ chồng đẻ quá tiêu chuẩn. Vi phạm quy định công đoàn và luật lệ nhà nước nên ông bị buộc thôi việc. Giấc mộng được kết nạp vào đảng trở thành mây khói và tất nhiên cũng chỉ vì không có cái thẻ đảng nên cuộc đời của gia đình Mỹ Lệ đã thực sự khốn đốn chao đảo. Thật khó có thể tin được một người đã nhiều năm đói lên đói xuống, thỉnh thoảng có được một bữa no thì cũng khoai sắn độn cơm với tí rau luộc chấm nước muối mà lại có một thân hình và sắc đẹp mời gọi đến như vậy.
Sau một lúc diễn giảng, “thầy” khuyên nên đổi tên Mỹ Lệ thành Mỹ Kim và thân chủ đã nhiệt liệt đồng tình. Mỹ Kim tượng thanh tượng hình hơn và nhất là “cực hiện đại.” Kim có nghĩa là vàng, ở nước ta bây giờ già trẻ lớn bé ai cũng chỉ nói đến cây với gậy. Hình ảnh những cây vàng sắp lớp nhau trong tủ kính thì còn gì duyên dáng hữu tình hơn. Mỹ Kim lại còn là tên gọi đơn vị tiền tệ của nước Mỹ. Những tờ giấy vô tri vô giác mầu xanh ở chân trời góc biển nào cũng được nâng niu “trân trọng.” Như vậy chả còn có cái tên nào văn hoa mỹ tự và thực tế hơn Mỹ Kim và Mỹ Lệ đã chính thức trở thành Mỹ Kim kể từ giờ phút này.
Sang đến phần công danh sự nghiệp thì “thầy” phán ngay là có số nhờ chồng. Công việc hướng dẫn viên du lịch lương tháng 20 mỹ kim thì đường công danh của người đẹp đã vất vưởng đâu đó nơi a tỳ địa ngục, sự nghiệp kể như hoàn toàn bế tắc. Giời thương mà vớ được một anh cán bộ bên Công An hay nghành Hải Quan thì xe ô tô con, nhà dăm bẩy tấm kể như chuyện nhỏ. Hệ thống cai trị của đảng Cộng Sản Việt Nam tạo ra những nấc thang rõ rệt, càng làm to làm lớn thì càng giầu có. Anh đảng viên cấp trung ương thì phải giầu hơn anh cán bộ cấp tỉnh và đương nhiên là anh cán bộ cấp tỉnh phải nhiều tiền lắm bạc hơn anh cán bộ cấp huyện. Sở dĩ “thầy” dám mạnh miệng như vậy là vì ở Hà Nội nhan nhản những anh cán bộ cấp trung ương đảng già khú đế nhờ cách mạng thành công bốc hốt được cơ man nào là tiền của nhà đất. Lúc có tiền rồi thì anh nào cũng nghĩ đến ăn chơi hưởng thụ. Nhìn bà vợ già răng đen mã tấu mà ngán ngẩm. Do vậy anh nào cũng tìm đủ mọi cách ruồng rẫy người vợ quê mùa đã một đời long đong khoai sắn. Anh nào còn chút tính người thì lấy vợ hai vợ ba. Nhiều trường hợp người vợ già quê kệch đã được chồng thuê mướn bọn đầu gấu đưa về cõi vĩnh hằng bằng đủ mọi thứ tai nạn, ngộ độc thức ăn và nhiều độc chiêu khác. Bài bản này các đồng chí cũng chỉ học tập lại kiểu cách của Bác mà thôi. Sử sách chép rằng, hồi còn sinh thời Bác ra lệnh cho đàn em đi bắt một cháu gái về để “Người” giải toả sinh lý. Bọn công an lên Cao Bằng lùng xục bắt được người đẹp Nông Thị Xuân mang về hầu Bác. Cô Xuân chắc phải đẹp nghiêng nước nghiêng thành, chim sa cá lặn. Chẳng vậy mà đang khi làm công tác hộ lý phục vụ Bác mà Bộ trưởng Công An Trần Quốc Hoàn dám mò vào phòng cô Xuân bắt ủng hộ tí. Sau khi sản xuất cho Bác được một đấng nhi đồng nam, cô Xuân đã bị bọn Công An thi hành phương án của Đảng lấy cái xe vận tải va vào cho đến chết. Đảng có nhiệm vụ phải bảo vệ cái yếu tính thần thánh của Bác nên chú con trai mà Bác đã gieo giống chắc cũng đã theo cô Xuân về thế giới bên kia ( ?) Bác là thần thánh, là cha già dân tộc mà lại có vợ con thì cả là một chuyện nghịch lý!
Sang đến mục tiền bạc thì khỏi nói. Lấy được ông chồng tuy đã có tuổi nhưng lại ở cấp trung ương đảng thì tiền bạc kể sao cho hết. Nhà nước ta kiên quyết áp dụng chủ nghĩa cộng sản, một quái thai của hai anh già sáng say tối xỉn “Các Mác” và “Lê Nin.” Cộng Sản có nghĩa là tài sản của dân phải đem cộng lại, mang gộp lại rồi chia đều cho các ủy viên trung ương đảng. Bọn cóc nhái địa phương cũng ê hề với đồng rơi đồng rụng. Chỉ có dân đen là đói rách triền miên. Sở dĩ tôi phải hai ba lần nói đến người chồng tương lai của Mỹ Kim là một anh ủy viên trung ương đảng vì lẽ cái sắc đẹp lồ lộ của Mỹ Kim trông dữ dội quá. Bọn trẻ chỉ dám nhìn rồi mơ mộng viển vông nhưng mấy anh già giầu có nuốt nước bọt ừng ực thế nào cũng mang tiền bạc ra lập phương án giải quyết. Đường tình duyên của Mỹ Kim có vài chỗ lấn cấn, “thầy” dám chắc thân chủ chỉ có số làm vợ hai, vợ ba thiên hạ nhưng chẳng dám nói ra. Thôi thì “làm bé ông lớn còn hơn làm lớn ông bé” cũng sướng chán. May ra anh chồng già chê cơm chê cháo rồi êm đềm đi về bên kia thế giới thì năm rộng tháng dài cũng còn nhiều dịp làm lại cuộc đời. Sẵn tiền người đã khuất để lại, mua tiên còn được chứ xá gì một anh trẻ tuổi đẹp giai.
Sau một lúc im lặng nghe “thầy” phán, Mỹ Kim trông xúc động và vui vẻ ra mặt. Thân gái mười hai bến nước, trong nhờ đục chịu mà cứ như những đường chỉ tay thì cái bến đỗ của Mỹ Kim tuy không trong veo như dòng suối nơi tiên cảnh nhưng cũng chẳng đến nỗi đục ngầu toàn bùn với đất. Nhìn lên thì không bằng ai, nhìn xuống chẳng ai bằng mình là mãn nguyện rồi. Cái gì chứ mộng ô tô con, nhà mấy tấm chẳng phải là giấc mơ. Sống dưới chế độ cộng sản thì của cải vật chất tạo ra hạnh phúc, đó là một định đề của xã hội chủ nghĩa. Bởi thế mà cả nước đi đến đâu cũng chỉ nghe nói đến tiền, đến nhà cửa xe cộ và già trẻ lớn bé ai cũng tìm đủ mọi cách để kiếm tiền, rất nhiều khi bằng những thủ thuật mánh mung lường gạt.
Thời tiết mùa Xuân miền Bắc không lạnh lẽo nhưng dễ chịu, cơn mưa xuân lất phất như giải sương mù theo chiều gió bay ra ngoài biển khơi che khuất những hòn đảo lớn nhỏ nhấp nhô trong khói sóng. Mới khoảng 10 giờ đêm mà thành phố như đã chìm vào giấc ngủ mê mệt, chẳng có một chút sinh thái tối thiểu của địa điểm du lịch. Tôi đi về phòng nghỉ. Hai chiếc giường đơn kê hai bên với một cái bàn nhỏ ngăn ở giữa tạo nên một khoảng trống cần thiết làm cho căn phòng không đến nỗi chật chội. Giấc ngủ mơ màng nơi giường lạ chập chờn theo tiếng gió rít xoáy mạnh vào khe cửa tạo nên những âm thanh nghe như tiếng sáo diều trong một buổi chiều nào nơi quê cũ.
Có tiếng gõ cửa nhè nhẹ. Chẳng lẽ giờ này mà công an lại đi xét giấy tờ khách du lịch sao? Tôi bật ngồi dậy, bàng hoàng với ám ảnh khủng bố giữa khuya của những người chuyên làm công việc bắt bớ, thủ tiêu. Miền đất này đang bị đảng Cộng Sản Việt Nam hành hạ xiềng xích thì chuyện đêm hôm một người được mời đi làm việc và rồi đi luôn là chuyện đời thường như sáng nắng chiều mưa. Tôi vén màn nhìn qua khung cửa sổ ngỡ ngàng nhìn Mỹ Kim đứng rụt rè trong ánh sáng yếu ớt của ngọn đèn ngoài hành lang.
“Anh… gì ơi.”
“Có chuyện gì vậy cô?”
“Anh cho em nghỉ tạm ở đây với, chẳng còn chỗ nào cả.”
Sau một lúc phân giải lý do không thể có một chọn lựa nào khác hơn là phải “ngủ” chung phòng với một anh ‘ngụy’ xa lạ, Mỹ Kim có vẻ thẹn thùng không dám bước vào mặc dầu cửa phòng đã mở rộng. Tôi vội mời mọc:
“Phòng có hai giường cơ mà. Cô một giường tôi một giường.”
“Anh cho phép em nhé.”
Mỹ Kim bước vào phòng với một túi xách nhỏ gọn, nhìn tôi hơi chút ái ngại:
“Anh cho em nhờ cái phòng ‘toa lét’ một lúc.”
Tôi vẫn ngồi trên giường chăn trùm lên tới cổ trong cái lạnh êm dịu của mùa Xuân đất Bắc và nghĩ đến những chuyện Liêu Trai đã đọc từ những ngày còn bé mà hơi chột dạ, mặc dầu chưa bao giờ tôi tin chuyện ma qủy. Người con gái trong phòng tắm có phải là cô hướng dẫn viên du lịch Mỹ Kim hay là một hồn ma vừa bước ra từ một bụi cây hoặc một nấm mồ hoang quanh quẩn đâu đây. Tôi không sợ ma nhưng tự nhiên trong đầu óc lại đầy rẫy những hình ảnh lao xao của một thế giới nơi âm phủ. Tôi lơ mơ đi vào giấc ngủ, chập chờn với những mộng mị không tên. Trong phòng tắm tiếng nước chẩy yếu ớt vẫn nhịp nhàng tạo ra một âm thanh dật dờ trong khung cảnh thinh lặng của một thị trấn đang tìm đường cố thoát ra nanh vuốt của giáo điều cộng sản và xã hội chủ nghĩa.
Buổi sáng lúc tôi thức dậy, giường bên chăn gối đã được sắp xếp phẳng phiu. Mỹ Kim lên giường lúc nào và ra khỏi phòng hồi mấy giờ tôi cũng không biết. Tôi vốn được cái dễ ăn dễ ngủ. Ăn uống thì thế nào cũng xong, chủ yếu là miếng cá kho với mấy gắp rau luộc. Leo lên giường là ngủ như chết, thiên địa tù mù để ngoài cửa sau. Tôi tu chưa đắc đạo và tôi cũng không phải là ông thánh, nhưng tôi đã ngủ không mộng mị cho đến khi mở mắt tỉnh dậy thì… Mỹ Kim đã đi rồi.
Lúc tôi xuống phòng khách thì đã thấy Mỹ Kim đang dọn dẹp bàn ăn cho bữa sáng. Nhìn người đẹp không được vui và có vẻ tư lự về một vấn đề nào đó làm cho tôi cũng không được tự nhiên thoải mái như tối hôm qua lúc ngồi cạnh nhau, bàn tay nhỏ nhắn ấm áp của cháu ngoan Bác Hồ đã có lúc nằm yên một cách hững hờ trên cái bắp đùi chẳng lấy gì làm mềm mại của anh nông dân miệt Cái Sắn. Sau bữa ăn sáng chúng tôi lên tầu ra ngoài vịnh tham quan động Thiên Cung. Mỹ Kim ngồi cạnh tôi, nét mặt không được phấn khởi hồ hởi như có một ấm ức nào đó đè nén trong lòng.
Buổi tối về lại Hà Nội, tôi chỉ nói vài lời cám ơn và từ biệt Mỹ Kim, hy vọng quả đất vừa nhỏ vừa tròn sẽ có ngày gặp nhau. Xe chuyển bánh và tôi cũng không nhìn theo. Hình ảnh người đẹp Hà Nội tuy không cào xé trái tim của lãng tử đa tình nhưng cũng đã để lại cho tôi một kỷ niệm. Mấy tháng sau cuộc trùng phùng, từ miền cao nguyên của xứ có “bờ xôi giếng mật” tôi đã viết cho Mỹ Kim một lá thư qua địa chỉ của văn phòng du lịch:
Mỹ Kim thân mến,
Chắc cô chưa quên anh “ngụy” đã xem chỉ tay cho cô vào tối ngày mùng Năm Tết Tân Tỵ, tại phòng khách của một nhà nghỉ trên một con dốc nhìn ra vịnh Hạ Long. Có thể bây giờ cô đã có chồng, một ông cán bộ chức tước bề bề và rất giầu có. Bàn tay cô có đường công danh và phú qúy rất đẹp, chẳng lẽ Ông Trời lại éo le với một người thiếu nữ xinh đẹp như cô sao!
Buổi sáng đi tham quan động Thiên Cung, tôi thấy cô không được vui. Tôi chỉ có thể nghĩ đến một vấn nạn chưa có câu trả lời đã làm cô phải ưu tư ấm ức và tôi lại là người mang trọng trách phải giải toả cái lấn cấn chẳng phải của riêng cô mà là của rất nhiều cháu yêu của Bác. Câu hỏi “Ngụy có đuôi” chắc còn vẩn vương trong tim óc của một số người dân miền Bắc. Tôi không muốn nói đến cái gian giảo của Đảng và Nhà Nước ta khi đặt tên cho những người đứng ngoài vòng rào của chủ nghĩa cộng sản là ngụy. Cô đã có dịp vào Sài Gòn vài lần và đã thấy rõ những luận điệu tuyên truyền láo lếu của những người cộng sản. Miền Nam Việt Nam bị xã hội chủ nghĩa kềm kẹp đã hơn một phần thư thế kỷ mà vẫn “cứ như là thiên đàng ấy.” Cô đã có dịp chuyện trò, ăn uống và ngay cả “ngủ” chung phòng với “ngụy,” rồi cô đã tự diễn “các anh ngụy người nào cũng đẹp và thơm quá.” Cô Mỹ Kim à, ngụy không có đuôi như Bác và Đảng đã vẽ ra đâu.
Chuyện nói về những cái giảo hoạt đảo điên của người cộng sản thì chẳng bao giờ hết, vì đó là những phương tiện của đảng Cộng Sản Việt Nam chiếm đoạt quyền hành và ngang ngược cai trị dân mình. Nhân loại càng ngày càng có những nhu cầu và đòi hỏi về tinh thần cũng như vật chất theo chiều hướng nhân bản trong tinh thần tự do dân chủ. Chủ nghĩa cộng sản chắc chắn sẽ bị đồng bào mình đứng lên đạp đổ như những người anh em ở Liên Sô và Đông Âu đã vùng lên đem cơm no áo ấm và tự do dân chủ về trên quê hương của họ. Một ngày không xa, chế độ cộng sản độc tài sắt máu cũng sẽ bị chôn vùi dưới hào khí bất khuất của đồng bào mình. Tôi lại sẽ có dịp về thăm Hà Nội. Thế nào tôi cũng mời cô ra nhà Thuỷ Tạ trên hồ Hoàn Kiếm uống cốc cà phê mừng cho hạnh phúc của toàn dân, mừng tự do, mừng dân chủ.
Hẹn gặp cô ở Hà Nội.
Một tháng sau, tôi nhận được thư của Mỹ Kim từ Hà Nội. Bức thư ngắn gọn với nét chữ nguệch ngoạc:
“Anh gì ơi. Em sắp lấy chồng rồi. Anh ấy là Việt kiều ở bang Cali đấy. Bây giờ thì em biết rồi, Bác và Đảng chỉ nói dối thôi, ngụy không có đuôi đâu.”
Trương Phú Thứ
No comments:
Post a Comment