Trở Về Trang chính

Saturday, January 29, 2011

Gặp chàng trai quét rác ở Sài Gòn trong ngày cận Tết


Nguyễn Đạt - Ðèn đường vừa sáng lên, cơn mưa đột ngột ùa tới, Ngô Thành Liêm, công nhân quét rác của công ty Dịch Vụ Công Ích Quận 1, cùng tôi trú mưa tại một quán cóc ngay bên hè đường. Trò chuyện với Liêm tới khi mưa tạnh, khoảng nửa tiếng đồng hồ, là dịp để tôi hiểu thêm về một nghề hẩm hiu buồn bã.

Ðẩy xe rác trên đường Phạm Ngũ Lão. (Hình: Nguyễn Ðạt/Người Việt)

Buổi chiều hôm ấy rảnh rỗi, tôi ngồi thư thả ở công viên “23 tháng 9” – khu nhà ga xe lửa Sài Gòn cũ – ngó ra đường Trần Hưng Ðạo, quận 1, con đường rộng dài nhất Sài Gòn. Một chàng trai, gương mặt sáng láng đôn hậu, hao hao giống đứa cháu của tôi, khiến tôi chú ý.

Chàng trai là công nhân quét rác, đang cặm cụi đưa những nhát chổi gom rác trên khúc đường Trần Hưng Ðạo, ngay trước mặt tôi. Sẵn máy ảnh, tôi kín đáo ghi vài tấm ảnh về chàng trai quét rác của Sài Gòn. Hiển nhiên không ai muốn có người chụp ảnh mình, nhất là người đó lại là một chàng trai trẻ, khi đang làm công việc lam lũ, bị mọi người xem thường này.

Cơn mưa muộn bất ngờ, tôi vội vào chỗ có cây dù giương rộng, chỗ này bán cà phê và các thứ nước giải khát sắp đặt trên chiếc bàn nhỏ, tạm gọi là quán cóc hè đường, sát bên công viên. Chàng trai đứng trú mưa dưới cây dù.

Tôi kéo chiếc ghế của quán cóc, mời chàng trai đứng trú mưa ngồi xuống uống nước, và hút điếu thuốc cho đỡ lạnh trong lúc trời mưa. Xem như chúng tôi đã quen nhau, chuyện trò thoải mái tự nhiên.

Trên đường Trần Hưng Ðạo. (Hình: Nguyễn Ðạt/Người Việt)

Tôi nói ngay rằng chàng trai khá giống đứa cháu rất dễ thương của tôi, rồi hỏi tên tuổi chàng trai. “Ngô Thành Liêm,” chàng trai đáp, và hỏi cháu của tôi làm công việc gì. “Cháu của chú làm thợ điện nhì nhằng ấy mà, cũng tạm đủ sống…” Tôi vừa dứt lời, Liêm nói liền: “Con cũng đã tốt nghiệp lớp trung cấp về cơ điện, nhưng hổng tìm được chỗ làm, coi như có nghề mà lại thất nghiệp. Bởi thế con mới làm cái nghề này, công ty vệ sinh ai xin dô mà chẳng được.”

Chàng trai “công nhân vệ sinh,” người ta vẫn gọi công nhân quét rác như vậy, đã tháo găng tay để cầm ly cà phê đá. Biết tôi nhìn những dấu vết chai sần trong lòng bàn tay, Liêm nói: “Tay con chặt vỏ dừa suốt ngày nên bị chai…”

Thì ra, ngoài công việc của một công nhân vệ sinh, Liêm còn làm công việc chặt vỏ dừa để có thêm tiền phụ giúp gia đình, như vậy hẳn là đồng lương của một công nhân vệ sinh chẳng được là bao.

Liêm nói về nơi làm công việc chặt vỏ dừa, tại một khu xóm nổi tiếng với tên gọi là “Xóm dừa tươi” ở ven sông Vàm Thuật, thuộc phường 5, quận Gò Vấp. “Chặt vỏ dừa, làm vệ sinh cho trái dừa coi ngon mắt để người ta bỏ mối tại các quán nước và các chợ trái cây. Tiền công chặt vỏ, làm vệ sinh mỗi trái dừa là một ngàn đồng, nên mỗi ngày con ráng làm cho được nhiều trái đặng có một số tiền kha khá. Riết rồi lòng bàn tay cầm con dao nổi chai cứng ngắc.”

Công việc của công nhân vệ sinh không phải là công việc nặng nhọc, nhưng nhếch nhác lam lũ. Ai cũng biết, trời nắng thì bụi rác bốc lên cùng mùi hôi thối, trời mưa thì rác lại thêm nhớp nháp dơ bẩn, và công nhân vệ sinh là những người dọn dẹp, phải trực tiếp chịu đựng.

Liêm chọn làm việc ca đêm để ban ngày Liêm còn tranh thủ làm công việc “vệ sinh cho trái dừa,” mỗi ca làm việc trong khoảng 8 tiếng, nhưng xong công việc thì nghỉ chứ không phải theo giờ giấc.

Liêm cho biết, thông thường Liêm bắt đầu đẩy xe làm việc từ 6 giờ chiều, tới khoảng 1 giờ khuya là xong. Mỗi tổ phụ trách làm vệ sinh trong một khu vực, công nhân đẩy xe đi quét rác, hốt rác ở các lối ngõ, ngả đường trong phạm vi phụ trách, tính ra mỗi người đi khoảng 10 cây số trong một ca làm việc.

Trầm ngâm sau một ngụm cà phê, Liêm lắc đầu, nói: “Công nhân quét rác như tụi con sợ nhứt là thời gian chờ đợi ở bãi tập trung rác giữa đêm khuya, tức là chờ xe ô-tô chuyên dụng tới lấy rác thu gom tại thành phố, đem đi đổ ở bãi rác ngoại thành.”

Luôn luôn công nhân quét rác phải chờ đợi hàng giờ, mới thấy cái xe rác đó xuất hiện, lấy rác cho từng cái xe đẩy của các công nhân. Anh em công nhân trai tráng thì còn ráng chịu được, chớ các chị công nhân ngó mới thấy rầu rĩ, ai nấy ngồi thu lu giữa phố khuya im vắng, chờ lúc dìa nhà đoàn tụ gia đình.”

Tôi nhìn ánh mắt hiền từ, xa vắng của Liêm, hỏi chàng trai: “Những lúc ấy thì Liêm nhớ tới ai nhiều nhất?” Ðôi mắt chàng trai bỗng im sững, một lúc sau tôi mới nghe tiếng Liêm nói: “Vợ sắp cưới của con đã mất vì tai nạn giao thông cách đây nửa năm. Tụi con quen nhau ở ‘Xóm dừa tươi’ đó chú.”

“Vợ sắp cưới của con tên là Huệ, học hết bậc phổ thông trung học rồi đó chớ, rồi Huệ cũng chặt vỏ, làm vệ sinh cho trái dừa như con để kiếm đồng tiền sanh sống. Tụi con biểu nhau ráng dành dụm tiền bạc, để cuối năm nay, tính là dịp sắp Tết này đây, tụi con sẽ tổ chức đám cưới. Rồi Huệ gặp tai nạn giao thông, bị chấn thương sọ não, nằm bịnh viện 3 ngày sau thì mất…”

“Cái nghề công nhân vệ sinh như tụi con cũng dễ bị xe tông lắm chú à, nhứt là đối với công nhân chọn làm việc ca đêm. Lúi húi đẩy cái xe rác, đâu tránh kịp bọn đua xe gắn máy xả hết tốc độ trên đường phố đêm khuya. Con thì sém bị mấy lần, chớ người bạn cùng tổ của con đã bị bọn đua xe gắn máy tông trúng lúc đang đẩy cái xe gom rác. Người bạn bị gãy chưn, đứt dây chằng bả vai, phải nghỉ làm đã hơn một năm, bi giờ chưa đi làm đặng. Cái xe gom rác thì lật chỏng gọng, móp méo hết cả, rác đổ tung tóe đầy mặt đường.”

Ðêm khuya Sài Gòn lại còn cảnh tượng khá phổ biến: những kẻ say rượu, xì-ke ma túy ngủ ngay trên hè đường. Cũng như các bạn, Liêm đã từng gặp, từng bị họ sinh sự, gây gổ khi chàng trai làm công việc vệ sinh đường phố. Với các nữ công nhân vệ sinh làm ca đêm, những kẻ say xỉn còn níu kéo, bờm xơm cợt đùa thô lậu.

Câu chuyện của Liêm, chàng trai quét rác ở Sài Gòn là một câu chuyện buồn. Tôi không thể quên nỗi buồn ấy khi biết rằng, Liêm vẫn nói với Huệ, là chàng làm việc ca đêm ở một xưởng cơ điện.

“Không phải con sợ bị Huệ khinh khi. Con biết tánh vợ sắp cưới chớ! Huệ biết như thế sẽ tủi giùm con, tội nghiệp cho Huệ…” Liêm nói vậy.

Tôi đã từng biết, nhiều người có tay nghề mà vẫn thất nghiệp, nhiều người phải làm nghề “tréo cẳng ngỗng,” không phù hợp. Trường hợp của Liêm không phải là trường hợp hiếm có ở Sài Gòn, và trong cả nước.

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=126318&z=1&utm_source=feedburner&utm_medium=feed&utm_campaign=Feed:+NguoiVietOnline+(NG%C6%AF%E1%BB%9CI+VI%E1%BB%86T+Online+(www.nguoi-viet.com))

No comments:

Post a Comment