Bùi Quang Vơm (Danlambao) - ...Mọi việc sẽ được huy động vận hành hết tốc lực: cơ quan ngoại giao bằng mọi nguồn, mọi biện pháp xoa dịu, tranh thủ và thuyết phục phía Đức giữ được im lặng, tránh những phát ngôn gay gắt. Mọi việc rồi sẽ được giải quyết đúng như ý muốn của Đức, nhưng không ngay lập tức. Có nghĩa là, Trịnh Xuân Thanh sẽ được đưa trở lại Đức, nhưng sau khi hồ sơ vụ án PVN đã được hoàn tất từ sự hiện diện của Trịnh Xuân Thanh và việc dàn xếp nội bộ đã hoàn thành, tức là trong lãnh đạo đã quyết định được việc thí mạng ai, thí uy tín của ai, của những ai, theo nguyên tắc giữ cho uy tín của đảng và chính phủ không bị sứt mẻ. Một kịch bản có thể phải được cả phía Đức chấp nhận, để việc bắt cóc không thuộc trách nhiệm của những nhà lãnh đạo CSVN...
*
Cứ theo những tư liệu mà phía bộ Ngoại Giao Đức khẳng định, thì việc Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc là không thể chối cãi. “Bộ ngoại giao Đức có đầy đủ bằng chứng”.
Nếu tự thú, Trịnh Xuân Thanh chỉ mất khoảng 25 phút từ khách sạn, nơi ở, đến Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin để khai báo và sẽ được bảo vệ và săn sóc, không phải lặn lội vượt biên phi pháp, và phải “ném chiếc điện thoại vào bụi rậm” trước khi “đi”.
Việt Nam không ra mặt thừa nhận, nhưng cũng không bác bỏ. Theo tập quán hành xử của nhà cầm quyền Hà Nội, thì không bác bỏ, có nghĩa là ngầm xác nhận.
Tuy vậy, thái độ chính thức của Chính phủ Việt Nam cho đến nay chỉ là lời phát ngôn có tính nước đôi của bà Lê Thị Thu Hằng, mặc dù tuyên bố trước báo giới với tư cách đại diện Bộ ngoại giao, nhưng lại lấp lửng như phát ngôn cá nhân: “Tôi lấy làm tiếc” chứ không phải “chúng tôi lấy làm tiếc”?!
“Tiếc” cái gì? tại sao lại lấp lửng như vậy? “Tiếc”vì những “quy kết thiếu chính xác của bộ ngoại giao Đức”? hay “tiếc” vì các “cơ quan cấp dưới của chúng tôi đã có những hành vi không chuẩn mực và có lỗi với luật pháp Đức”?
Đây là một chiến thuật thường vẫn thấy được áp dụng bởi các nhà ngoại giao Việt Nam và Trung Quốc, một loại mẹo vặt “phi ngoại giao” truyền thống. Hiểu thế nào cũng được. Trả lời mà không trả lời, tùy tình hình và diễn biến tiếp theo, sẽ ứng với cái “tiếc” nào.
Trong lời phát ngôn của bà Hằng cũng có ý để cửa thoát: “Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn duy trì và phát triển quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Cộng hòa Liên bang Đức”. Và “Việt Nam đang tiến hành điều tra.”
Điều này có nghĩa là Việt Nam biết và Việt Nam không hy sinh mối quan hệ chiến lược với Đức chỉ vì chuyện bắt cóc hay không bắt cóc. Nhưng công việc cần thời gian “điều tra”. Và Việt Nam đang điều tra!. Trong thời gian điều tra, Việt Nam sẽ im lặng. Mọi phát ngôn dù là trên báo chí chính thống chỉ là ý kiến cá nhân.
Nói tóm lại, Việt Nam đang cố tình để cho mọi chuyện lắng xuống. Kinh nghiệm cho thấy, giữa lúc dư luận ầm ĩ, chính phủ không bao giờ để lộ chính kiến, chỉ khi mọi sự tranh luận đã ngã ngũ, mọi bức xúc như đã được xẹp xuống, đã “cãi nhau chán rồi”, khi đó chính quyền mới chính thức ra mặt.
Trong thời gian này, mọi việc sẽ được huy động vận hành hết tốc lực: cơ quan ngoại giao bằng mọi nguồn, mọi biện pháp xoa dịu, tranh thủ và thuyết phục phía Đức giữ được im lặng, tránh những phát ngôn gay gắt. Mọi việc rồi sẽ được giải quyết đúng như ý muốn của Đức, nhưng không ngay lập tức. Có nghĩa là, Trịnh Xuân Thanh sẽ được đưa trở lại Đức, nhưng sau khi hồ sơ vụ án PVN đã được hoàn tất từ sự hiện diện của Trịnh Xuân Thanh và việc dàn xếp nội bộ đã hoàn thành, tức là trong lãnh đạo đã quyết định được việc thí mạng ai, thí uy tín của ai, của những ai, theo nguyên tắc giữ cho uy tín của đảng và chính phủ không bị sứt mẻ. Một kịch bản có thể phải được cả phía Đức chấp nhận, để việc bắt cóc không thuộc trách nhiệm của những nhà lãnh đạo CSVN.
Và sẽ có một, hay vài nhân vật nào đó đứng ra nhận hết lỗi về mình. Vì vậy, việc những tay bồi bút, những dư luận viên, những kẻ đang lợi dụng tình huống để tâng công, khoe lòng mẫn cán, chỉ làm hại cho đảng, chặn mất lối quay đầu của đảng.
Tóm lại, việc khó nhất bây giờ là việc thuyết phục được những “con dê” tự nguyện hy sinh làm vật tế thần. Trong lịch sử cầm quyền của đảng cộng sản Việt Nam, không phải hiếm những chuyện vận động tương tự. Đảng sẽ động viên, cổ vũ lòng dũng cảm, đức hy sinh cao thượng, “đảng và nhân dân sẽ đời đời biết ơn”. Những “con dê” này sẽ được lặng lẽ vinh danh và được hứa đảm bảo suốt đời.
Đến bây giờ chưa có tin tức gì về chuyện ai, Tổng cục II Quân Đội hay mật vụ của Cảnh sát kinh tế C46, Bộ Công an là tác giả của vụ bắt cóc, hay là sự phối hợp của cả hai?. Người của Tổng cục II có mặt trên khắp thế giới, không có gì lọt qua mắt, nhưng vụ việc lại thuộc trách nhiệm chính trị được phân công của Bộ công an.
Trịnh Xuân Thanh bị đưa về tới Việt Nam ngày 25/07, mãi tới ngày 30/07 mới ra trình diện tự thú. Từ ngày 25 tới ngày 31/07, Trịnh ở đâu, gia đình Trịnh tại 24 Ciputra “không biết gì”, “Anh Thanh không có về nhà”. Nhưng ngày 31/07, ông thượng tướng Tô Lâm, bộ trưởng bộ Công An vẫn khẳng định “tôi không có tin gì”. Như vậy là cấp dưới không báo cáo một sự kiện hết sức nghiêm trọng này cho ông? Hay thực sự ông Thanh bị giam giữ ở nơi khác cho đến khi ông bị thuyết phục chấp nhận tự thú, mới tìm đến Ban thường trực bộ Công an khai báo? Và mãi tới ngày 7/08 mới bị Bộ công an “bắt tạm giam phục vụ điều tra”?
Cái “nơi khác” ấy, ngoài Công an, chỉ có Quân đội.
Và nếu ông Tô Lâm vẫn được xem là người của Chính phủ, thì chưa biết chừng ông bị Tổng cục II “chơi”, vì ai cũng biết ông Bộ trưởng Bộ quốc phòng Ngô Xuân Lịch chỉ theo Đảng.
Sáng ngày 23/06, tại buổi làm việc với lãnh đạo thành phố HCM, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ý kiến Quân đội sẽ ngưng làm kinh tế. Tại cuộc họp này, Thứ trưởng bộ Quốc phòng, thượng tướng Lê Chiêm phát biểu: “...quân đội sẽ thôi làm kinh tế, tập trung xây dựng quân đội vững mạnh. Đây là quan điểm của Thủ tướng”.
Hai ngày sau, Bộ Quốc phòng lập tức phản ứng bằng cách tổ chức tọa đàm, dẫn ý kiến của những cựu lãnh đạo coi “Quân đội làm kinh tế là làm nhiệm vụ chính trị”.
Sau đó, đích thân ông Ngô Xuân Lịch ngày 7/7/2017, thăm và làm việc với Tập đoàn Viettel: “Thời gian tới, trách nhiệm chính trị của Đảng bộ quân đội là phải làm tốt và tốt hơn nữa, phấn đấu làm sao có hai, ba, nhiều Viettel nữa. Chứng minh rằng chủ trương xây dựng các DN quân đội của Đảng là đúng đắn. Quân đội do đảng trực tiếp lãnh đạo, dứt khoát không để bất kỳ kẻ nào giật dây, điều khiển Quân đội”.
Nếu ông Tô Lâm thực sự không biết chuyện Trịnh bị bắt cóc, thì hẳn là ông Ngô Xuân Lịch phải biết. Mà ông Ngô xuân Lịch sinh hoạt cùng chi bộ đảng do ông Trọng làm bí thư, ông Trọng lại là người lãnh đạo trực tiếp quân đội, thì ông Trọng hẳn phải biết. “Không ai có thể giật dây, điều khiển được quân đội” ngoài Đảng. Thế thì ai mới đích thực là thủ phạm của vụ bắt cóc? Nước Đức liệu có biết điều này không?
Lò đã nóng thì cả Tổng Bí thư cũng cháy, chẳng phải chỉ những kẻ suy thoái, tự diễn biến.
09/08/2017
0 comments:
Post a Comment