Thursday, March 31, 2016

55 Năm Sau Nhìn Lại: Cách Mạng Hay Cướp Chính Quyền

Trần Thanh Hiệp



2016 MAR 28 Tuyen_ngon_doc_lap
HCM đọc tuyên ngôn độc lập. Ảnh Internet


Cuối thập niên 80, cũng vào dịp này, tôi có viết một bài báo ngắn bàn về chính biến mùa Thu năm 1945, ở Việt Nam, thường được gọi là cuộc Cách mạng tháng Tám. Theo cách nhìn của tôi, đó không phải là cách mạng mà chỉ là cướp chính quyền cho riêng những người cộng sản. Một người bạn tôi, nửa đùa nửa thật, nói bằng tiếng Pháp để phê bình: “c’est de l’anti-communisme intégral, tout craché” (hiểu một cách nôm na: “rõ ràng là chống cộng cùng mình, suốt mặt, cực đoan). Tôi không trả lời, để bụng xét lại, tự hỏi xem mình có thật bị khuôn đóng trong cái nhìn nhị phân (binaire) quốc-cộng máy móc hay không?

Từ bấy đến nay, tôi có dịp tiếp thu thêm nhiều ý kiến khác, thâu thập qua nhiều nguồn thông tin – tài liệu viết, tài liệu nói – do một số nhân chứng lịch sử cung cấp như Vua Bảo Đại, Trần Trọng Kim, Nguyễn Xuân Chữ, Hoàng Xuân Hãn, Vũ Đình Hòe, Phạm Khắc Hòe, Lê Văn Tiến, v.v…Ngoài ra tôi còn đặc biệt chú ý đến những khám phá mới, xuất phát từ nhiều công trình nghiên cứu của các nhà viết sử, các nhà khoa học xã hội, v.v… ở trong cũng như ở ngoài nước, cả người Việt Nam lẫn người ngoại quốc.

Năm nay, trở lại đề tài cũ, tôi không thấy cần phải thay đổi kết luận. Nhưng về mặt luận cứ thì cần bổ sung. Dĩ nhiên, cũng chỉ là đề tiếp cận, càng gần càng tốt, sự thật về chính biến mùa thu năm 1945. Tuy nhiên, cốt yếu là để phá đổ cho hết huyền thoại cách mạng mà bộ máy tuyên truyền cộng sản đã vận dụng mấy thập niên qua trong dụng ý nhập nhằng với quốc sử. Chính biến này đang còn là một vùng tối cần phải soi sáng để làm cho rõ vì sao nó đã, vẫn còn là một vùng tối và tại sao nó không thể tiếp tục nằm trong vùng tối.

Nhớ lại tháng Tám năm 1945, những ngày cướp chính quyền 55 năm đã trôi qua kể từ khi ở Việt Nam, năm Ất Dậu, xẩy ra chính biến mùa Thu. Khoảng cách thời gian này, với những biến chuyển trên khắp thế giới – đặc biệt trong nội bộ các nước thuộc phe xã hội chủ nghĩa cũ – đã giúp nhiều dân tộc lập lại những sự thật lịch sử của mình. Nhớ lại những việc đã qua, trong bề dày của quá khứ cận đại hay hiện đại, có nhiều cách nhìn, nói chung, trái ngược nhau trên bình diện ngôn từ, nhưng lại có thể không khác biệt nhau về mặt nội dung.

Những ngày đầu tháng Tám năm 1945, sau khi hai trái bom nguyên tử được thả xuống đất Nhật, Việt Nam đứng trước một bối cảnh lịch sử rất đặc biệt. Tình hình chính trị biến đổi mau lẹ chỉ trong vòng trên dưới mươi ngày. Nhật đã đầu hàng Đồng Minh nên mất hết quyền lực chính trị tại Việt Nam. Pháp chưa kịp đem quân trở lại để phục hồi địa vị thống trị cũ. Chính phủ Trần Trọng Kim từ chức mà không nhận trách nhiệm xử lý thường vụ trong khi chờ đợi chính phủ mới được thành lập. Dân chúng một phần bi cộng sản đội lốt Việt Minh, xách động, một phân háo hức tự động nổi lên chiếm chính quyền. Vua Bảo Đại tự ý thoái vị. Ngày 2 tháng 9, lãnh tụ cộng sản Nguyễn Ai Quốc, dưới tên đổi khác, Hồ Chí Minh, nhân danh Mặt Trận Việt Minh, thành lập Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và đọc Tuyên Ngôn Độc Lập. Trên cái nền đơn thuần sự kiện này, sau đó mỗi người một cách, người ta đánh giá chính biến mùa Thu năm 1945 bằng ngọn đuốc ý hệ là chính.


I. Cách cộng sản Việt Nam nhìn chính biến 19 tháng Tám 1945

Đối với những người cộng sản Việt Nam chính biến mùa Thu năm 1945 là một cuộc cách mạng..Họ khẳng định như vậy nhưng khẳng định từng bước, với nhiều thêm bớt tùy theo nhu cầu của tình thế. Khởi đầu, từ năm 1946, thấy vang lên hồi kèn chiến thắng của những cái loa văn nghệ mở đường cho cách  mạng như Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Tế Hanh, Nguyễn Huy Tưởng, Vũ Ngọc Phan, v.v… Điển hình, 8 câu thơ dưới đây đọc thấy đâu đó của Xuân Diệu:
[…]
Có một buổi, cờ về Hà nội,
Về ngự trị trên đài sáng chói,
Giữa dân gian, trong những tiếng hoan hô,
Ngự trên cây, trên phố, ngự trên hồ:
Cờ chiến thắng Cách mạng thành tháng Tám!
[…]
Xuân nước việt khơi một ngày tháng Tám
Triều dân gian lên với sóng Hồng Hà
Lụt cờ đỏ nối giữa ngày u ám
Trời sao vàng mọc lúc nước bao la…

Loại son phấn suy tôn có tuổi thọ một thời này chỉ đáng lược bỏ để đi sâu vào cốt lõi lý luận cộng sản. Trường Chinh, lý thuyết gia của những người hộ sinh cho chính biến mùa Thu năm 1945, đã đánh lên âm mầu “la”của cái gọi là bản anh hùng ca Cách mạng tháng Tám. Pha chế lịch sử, ông đã viết rằng, “Ngày 9-8-1945, Hồng quân Liên Xô đánh vào Mãn Châu như vũ bão. Chỉ trong sáu hôm, đội quân Quan-đông mạnh có tiếng của phát xít Nhật bị tiêu diệt. Thắng lợi căn bản đó của Hồng quân đã quyết định số phận của phát xít Nhật và Liên Xô đã thực sự giải phóng cho các dân tộc bị Nhật áp bức“.

Theo Trường Chinh, Đảng Cộng sản Đông Dương đề ra chủ trương lãnh đạo quần chúng nhân dân nổi dậy tước vũ khí của Nhật, giành lấy chính quyền từ tay Nhật”. Ông còn khẳng định thêm “các chiến sĩ Việt Minh đã lãnh đạo nhân dân nổi dậy giành chính quyền, theo chỉ thị ngày 12-3-1945 của Đảng Cộng sản Đông Dương, chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim đầu hàng [Việt Minh]“. Ông làm như thể vào thời điểm tháng Tám năm 1945, nhờ có Liên Xô đánh thắng được quân Nhật, những người cộng sản Việt Nam đã công khai hô hào làm cách mạng kiểu cộng sản, và dân chúng đã tri tình theo đảng cộng sản làm cách mạng kiểu ấy, khiến chính phủ Trần Trọng Kim đương quyền đã phải đầu hàng. Theo bước Trường Chinh, 4 Hiến pháp 1946,1959, 1980 và 1992 đều đưa chính biến mùa Thu 1945 lên hàng cách mạng.

Chính biến này có vinh dự mở đầu cho Hiến pháp thứ nhất – 1946 – mà không phải nêu danh Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhưng tới Hiến pháp thứ nhì – 1959 – đã bắt đầu thấy nói lên vai trò lãnh đạo của đảng này. Từ Hiến pháp thứ ba – 1980 – “Đảng” công khai ra mặt, nhận công lao lãnh đạo “nhân dân… đi con đường của Cách mạng tháng Mười Nga toàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, tiến lên làm cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng xã hội chủ nghĩa. Nước ta [Viết Nam] trở thành một nước xã hội chủ nghĩa, một thành viên của Cộng đồng xã hội chủ nghĩa thế giới”. Và văn bản này chính thức thiết lập “chuyên chính vô sản” trên cả nước. Hiến pháp thứ tư – 1992 – ra đời sau khi cái gọi là cộng đồng thế giới xã hội chủ nghĩa nói trên đã sụp đổ tan tành, chỉ còn biết thu góp lại những tàn dư, nhưng vẫn bám lấy cuống rốn cộng sản: “Từ năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam nhân dân ta tiến hành cuộc chiến tranh cách mạng lâu dài, đầy gian khổ hy sinh, làm Cách mạng tháng Tám thành công!”. Nói tóm lại, cộng sản đã đặt chính biến tháng Tám 1945 vào trong toàn bộ “chiến tranh cách mạng lâu dài” để gọi nó là một cuộc cách mạng. Theo thuật ngữ cộng sản, đó là một khâu trong dây chuyền cách mạng của họ nghĩa là một tiết mục trong chương trình hành động ấy. Cộng sản không lúc nào tách nó ra khỏi toàn bộ này để đánh giá nó như một hiện tượng khách quan và độc lập. Vì tách ra như thế thì sẽ không có cơ sở để bảo vệ giả thuyết cách mạng nếu có tranh cãi.

Những đoạn trích dẫn ở trên đã tóm lược đại chỉ của biểu văn chính trị (discours politique) của những người cộng sản Việt Nam. Khi lập luận chính biến tháng Tám là cách mạng, hiển nhiên cộng sản (như đã thấy ngay cả khi Trường Chinh nói lý thuyết) tuyên truyền nạt nộ quần chúng. Nhưng điều quan trọng hơn hết là họ muốn dùng nhãn hiệu cách mạng để làm nền tảng chính thống cho chủ trương của họ cầm quyền bằng bạo lực.

Làm cách mạng là xâm phạm tới sinh mạng và tài sản của người dân, vì người cách mạng tự cho mình đủ mọi quyền kể cả quyền cướp của giết người, như đã xảy ra trong năm, sáu thập niên cách mạng cộng sản. Cho nên bàn chuyện cách mạng không phải là tranh cãi bằng ngụy biện, pháp lệnh, công an, nhà tù, quản chế tại gia, v.v… Mà phải đem chính biến tháng Tám ra đối chiếu với thực tại để xem nó có gì đáng gọi là cách mạng. Dưới độ góc nhìn này và đứng trên quan điểm Mác xít, lấy thước cộng sản mà đo cộng sản, hãy thử xem xét khẳng định của cộng sản trong Lời mở đầu Hiển pháp 1992 rằng “nhân dân ta làm Cách mạng tháng Tám thành công” xác đáng tới đâu. Ba câu hỏi cần đặt ra và cần được trả lời là: 1-Nói “nhân dân” làm Cách mạng tháng Tám là nói ai làm? 2-Làm cách mạng như vậy là làm gì? 3-Bảo rằng Cách mạng ấy đã thành công là nói nó đã đạt được những mục tiêu cụ thề nào?

Trước hết tưởng phải nhấn mạnh ở hai điểm. Thứ nhất, chớ coi câu “đừng nghe những gì cộng sản nói, hãy nhìn những gì cộng sản làm” là khuôn vàng thước ngọc để mong biết hết thực chất cộng sản Việt Nam. Đó mới chỉ là một phần sự thật mà thôi! Có một điều cộng sản nói và cộng sản làm đúng như họ nói là “cách mạng”. Vấn đề sinh tử là phải biết chắc khi nào cộng sản nói một đằng làm một nẻo, khi nào cộng sản nhất định làm những gì họ nói.

Vậy nếu phải bàn về ngôn ngữ cách mạng của cộng sản thì đừng mang mặc cảm “chống cộng“, đừng sợ bị chê là chẻ sợi tóc làm bốn. Mà phải tìm hiểu đến nơi đến chốn, nhất là về quá khứ. Chỉ như vậy mới mong hiểu rõ được họ ở hiện tại cũng như trong tương lai.

Vứt bỏ chủ nghĩa đại khái không có gì đáng phải hồ thẹn! Thứ hai, ngôn ngữ cách mạng cộng sản là loại ngôn ngữ “ý hệ”, dx9o61i với họ, có giá trị một chân lý tuyệt đối như kinh thánh. Cho nên người cộng sản coi ý hệ của họ là sự thật khách quan. Và cộng sản dựa vào ý hệ để đặt định chủ trương, đường lối, chính sách cho hành động. Họ tin rằng như vậy là duy vật khách quan, khoa học, kỳ thực họ duy tâm hơn cả người duy tâm. Ở đây là bàn về ngôn ngữ và hành động cộng sản vào thời điểm 1945 – không phải 1999 – và quy chiếu vào tài liệu chính là bản Báo cáo của Trường Chinh trước đại Hội toàn quốc khoá II họp năm 1951 của Đảng Cộng sản (khi ấy còn mang danh xưng Đảng Lao Động). Ngoài ra cùng còn dựa vào những bài viết của ông những năm 40 đã được sửa chữa hoặc viết lại sau 1975, cho hợp với lịch sử chính thức của đảng.


A. Nhân dân là ai?

Rất nhiều người hiểu một cách thông thường rằng nhân dân là tất cả dân, là quốc dân hay toàn dân. Không ít các vị nhân sĩ, trí thức tây học còn cho rằng nhân dân là tiếng đối dịch ra tiếng Việt của chữ “peuple” nên nhân dân cũng là dân tộc. Trong ngôn ngữ cộng sản, không phải là nhân dân không mang nghĩa này. Nói cho ngay, trong nhiều trường hợp cộng sản muốn dân chúng cứ hiểu nhân dân theo nghĩa ấy, tức là như đã được định nghĩa trong từ điển tiếng Việt của họ: nhân dân là “khối người đông đảo làm nền tảng cho một nước…“. Nhưng đối với cộng sản, chữ nhân dân là một danh từ chính trị – theo thuật ngữ cộng sản – một phạm trù thuộc ý hệ Mác-Lênin, không phải là một thực thể nhân xã khách quan. Nó chỉ là một hình tượng của ý hệ cộng sản về thực thể ấy. Cho nên cộng sản thay đổi hình tượng này tùy từng lúc, tùy từng hoàn cảnh.

Thật thế, Hiến pháp 1946 không dùng cho nhân dân mà dùng cho “toàn dân“, một cách để gián tiếp định nghĩa nhân dân là toàn dân. Sự nhượng bộ về hình thức này tuy vậy cũng không quan trọng gì, vì cái gọi là “Hiến pháp 1946” thật ra chỉ là một chiếc bánh vẽ không hơn không kém. Nó được hối hả biểu quyết bằng một quốc hội bù nhìn, với một thiểu số nhỏ dân biểu “quốc gia” không thông qua bầu cử mà được cộng sản “mời” bổ sung! Một sự kiện, đã được các báo cộng sản thời đó tường thuật, cho thấy cung cách thảo luận và biểu quyết của quốc hội này: Khi bàn đến quốc ca, do lời đề nghị của dân biểu thuộc đảng xã hội Phan Tử Nghĩa, mọi người đứng dậy hát bài Tiến quân ca, thế là quốc hội thông qua quốc ca! Ngoài ra, được chung quyết ngày 09-11-1946, bản Hiến pháp này không hề được ban hành, tức là nó không bao giờ có hiệu lực pháp lý. Rồi ngày 19-12-46, cuộc chiến tranh Việt Pháp bùng nổ, cộng sản rút lên Việt Bắc, vào chiến khu để kháng chiến, các dân biểu quốc gia “đối lập” trước được mời, nay bị lùng bắt. Quốc hội từ đó cho đến sang thập niên 50 khi hết chiến tranh, không họp nữa, chỉ còn tồn tại dưới hình thức một Ban Thường Vụ. Hiến pháp 1959 không định nghĩa chữ nhân dân, chỉ khẳng định nơi điều 2 rằng nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là một nước dân chủ nhân dân. Sau 1975, khi đã chiếm được quyền trong cả nước, Đảng cộng sản công khai lộ diện, Hiến pháp 1980 mới đưa ra một định nghĩa trực tiếp của chữ nhân dân, nơi điều 3: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, người chủ tập thể là nhân dân lao động bao gồm giai cấp công nhân, giai cấp nông dân tập thể, tầng lớp trí thức xã hội chủ nghĩa và những người lao động khác mà nòng cốt là liên minh công nông, do giai cấp công nhân lãnh đạo”. Cứ theo cách phân định này thì rõ ràng nhân dân không phải là toàn dân mà cũng không phải là tất cả những thành phần được kể trên đều là nhân dân! Cùng là nông dân nhưng chỉ có “nông dân tập thể” mới được kể là nhân dân, còn nông dân cá thể thì không. Cũng vậy, trí thức muốn được coi là nhân dân thì phải là trí thức “xã hội chủ nghĩa” chứ không thể là trí thức “suông”. Đầu thập niên 90, tiếp theo sự sụp đổ của toàn bộ các chế độ cộng sản Đông Âu và Liên Xô cũ, cộng sản Việt Nam phải mở rộng thêm một phần nào nội dung chữ nhân dân: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức” (điều 2 HP 1992).

Nhưng họ lại không quên thòng thêm một định nghĩa gián tiếp về nhân dân là: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc… (điều 4, Hiến pháp đã dẫn). Nói cách khác, bề ngoài, công khai trước dư luận, cộng sản tùy tiện định nghĩa chữ nhân dân. Lúc thì lấy cái nhỏ định nghĩa cái lớn (giai cấp là nhân dân) lúc lại lấy cái lớn định nghĩa cái nhỏ (dân tộc là nhân dân). Đã vậy, lại đưa vào bản chất của nhân dân một thành tố không ăn nhập gì tới bản chất ấy, đó là quyền lãnh đạo của giai cấp công nhân. Phải chăng như vậy là nếu một tập thể nào không phải là liên minh của hai giai cấp công, nông và nếu nó không do giai cấp công nhân lãnh đạo thì không phải là “nhân dân” sao? Qua nhiều minh chứng đã dẫn ở trên của biểu văn chính trị, cộng sản nói “nhân dân” là nói tào lao mà thôi.

Nhưng trong nội bộ đảng thì cộng sản lại rất là minh bạch. Như Trường Chinh đã xác định nhân dịp đọc báo cáo trước Đại Hội II:“Hiện nay, nội dung của chính quyền nhân dân nước ta là chuyên chính dân chủ nhân dân: Nhân dân gồm các giai cấp công nhân, nông dân, tiểu tư sản và tư sản dân tộc. Những tầng lớp ấy, do giai cấp công nhân lãnh đạo, cùng tham gia chính quyền…“. Phải soi sáng cho quan điểm này bằng hai nhận định. Thứ nhất, trên lý thuyết, Trường Chinh, rập khuôn tư tưởng Mao Trạch Đông, cũng quy định rằng có bốn giai cấp họp thành nhân dân. Nhưng trên thực tế không có một tiêu chuẩn nào chắc chắn, ổn định để xác định tính giai cấp cả. Bởi vậy vấn đề này thuộc quyền chuyên quyết của đảng. Thứ nhì, giai cấp nào cũng chỉ được kể là giai cấp qua những phần tử gọi là đại biểu của giai cấp ấy. Đảng Cộng sản đã tự phong cho mình là đại biểu của giai cấp công nhân, giai cấp này đồng thời lại là lãnh đạo của tất cả những giai cấp khác mà các đại biểu không là ai khác hơn những người được đảng cộng sản nhìn nhận có tư cách ấy. Vậy nhân dân là Đảng và tất cả những người theo đảng. Chính người thợ cả của cuộc Cách mạng tháng Tám, Trường Chinh đã xác nhận điều này (l).

Tóm lại, cộng sản nói “nhân dân làm Cách mạng tháng Tám” nhưng đừng hiểu là toàn dân làm mà phải hiểu là chính Đảng Cộng sản đã làm.


B. Cách mạng là gì?

Một điều quan trọng nhưng rất nhiều người không để ý, đó là cộng sản ít bàn đến một khái niệm về cách mạng nói chung. Bị chi phối bởi sử quan giai cấp đấu tranh nên cộng sản đã gắn liền cách mạng với giai cấp đấu tranh. Từ điển cộng sản định nghĩa cách mạng là một “cuộc tranh đấu của giai cấp bị áp bức đứng lên lật đổ nền thống trị của giai cấp áp bức, phá vỡ quan hệ sản xuất cũ, xây dựng một chế độ tiến bộ“. Về điềm này Trường Chinh đã nói rất rõ: Trước hết, “Điều cốt yếu của một cuộc cách mạng là giành chính quyền và củng cố chính quyền“. Sau nữa, dưới mắt lý thuyết gia họ Đặng này thì Cách mạng tháng Tám đã mở đầu cho “quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam là quá trình từ xã hội có tính chất thuộc địa, nửa phong kiến qua xã hội dân chủ nhân dân, đến xã hội chủ nghĩa“. Cách mạng ẩy bước đầu là “cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân”. Gọi là “dân tộc” vì “tiêu diệt bọn đế quốc xâm lược, giành độc lập, thống nhất toàn vẹn cho dân tộc“. Gọi là “dân chủ” vì “thực hiện những quyền tự do dân chủ cho nhân dân“. Gọi là “nhân dân” vì “do nhân dân tiến hành, dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, dựa trên cơ sở liên minh công nông“. Cách mạng ấy bước sau sẽ phải là cách mạng xã hội chủ nghĩa. Giữa hai cuộc cách mạng này, theo Trường Chinh trích dẫn Lê-nin, thì sẽ có “nhiều bước quá độ, nhiều trình độ quá độ khác nhau”, nhưng tựu trung, chúng chỉ có một thực chất đó là “chuyên chính vô sản“. Giáo điều này của Lê-nin đã được Trường Chinh khẳng định lại được một hình thức quy luật: “Nhớ rằng chuyên chính vô sản là một trong nhưng nguyên lý bắt buộc cho tất cả các nước muốn thực hiện chủ nghĩa xã hội“. Kết luận tất yếu phải rút ra là cách mạng Việt Nam do cộng sản tiến hành nhất định phải là “chuyên chính“. Khi còn ở giai đoạn dân chủ nhân dân thì là  “chuyên chính công nông” (nằm trong phạm trù chuyên chính vô sản – Trường Chinh chú thích như vậy), khi chuyển sang “xã hội chủ nghĩa” thì là “chuyên chính vô sản“. Hai bước này, cộng sản Việt Nam đã đi không chệch hướng trong suốt hơn 4 thập niên, với cao điểm là những năm 80. Từ đầu thập niên 90, đà tiến ấy bỗng như mất hết động lực, những chỉ dấu của một quá trình băng hoại đã xuất hiện. Nhưng nói Cách mạng tháng Tám là nói khâu mở đầu cho hai bước đi này để cách mạng được bất đầu.


C. Cách mạng tháng Tám thành công như thế nào?

Chính biến mùa Thu năm 1945 đúng ra đã không mang lại bất cứ một thành công cách mạng nào, dù cách mạng dân chủ nhân dân hay cách mạng xã hội chủ nghĩa. Vì chúng chưa bắt đầu. Nói làm Cách mạng tháng Tám “thành công” là để tuyên truyền. Thật ra, bản thân chính biến này cũng không mang dự án cách mạng mà cộng sản đã vạch ra từ trước.Do đó, nó chỉ là một vụ “cướp chính quyền” để Đảng làm cách mạng. Trường Chinh gọi đó là “tổng khởi nghĩa”. Người thầy của cách mạng cộng sản Việt Nam, Hồ Chí Minh, trong thư gửi đồng bào nhân dịp tổng khởi nghĩa này cũng chỉ thúc dục tiến lên dưới lá cờ Việt Minh, không đả động gì tới cách mạng cộng sản: “Hỡi đồng bào yêu quý! Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đem sức ta mà giải phóng cho ta. Nhiều dân tộc bị áp bức đang đua nhau tiến bước giành quyền độc lập. Chúng ta không thể chậm trể. Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!”
.
Vậy nói Cách mạng tháng Tám đã thành công thì chỉ có thể là vì nó đã cướp được chính quyền cho Đảng. Thế thôi. Nhưng nếu vậy thì tất lại phải đặt ra những vấn đề mới. Cướp chính quyền cho ai? Cướp chính quyền để sau đó sẽ làm gì? Và những việc làm này có giải quyết được vấn đề tiến bộ không?

Thực tế chính trị hơn nửa thế kỷ  qua đã trả lời câu hỏi thứ nhất là “cướp cho Đảng Cộng sản“. Thực tế này cũng trả lời cả câu hỏi thứ hai: để Đảng thiết lập “chuyên chính” dưới nhiều hình thức (chuyên chính công, nông, chuyên chính vô sản mà chuyên chính là cưỡng đoạt nhân quyền). Câu hỏi thứ ba, muốn trả lời phải vượt ra khỏi hệ thông tư tưởng cộng sản. Nếu không, câu trả lời đã sẵn rồi và sẽ là “có tiến bộ“. Lập luận như vậy là không rút ra được những bài học của quá khứ.

Chính khách họ Trần, thủ tướng đầu tiên của nước Việt Nam – theo nghĩa hiện đại của danh xưng – không phải là người làm chính trị chuyên nghiệp. Ông chỉ là một nhân sĩ có tinh thần yêu nước, thuộc thế hệ những người trí thức Tây học nhưng thấm nhuần tinh thần nho giáo. Vì thế, ông không xu hướng cách mạng bạo động, chỉ muốn ôn hòa thực hiện ngay những cải cách mà thực trạng đất nước cho phép. Khi thấy Việt Minh xách động dân chúng giành chính quyền, đồng thời ông lại thất bại trong mấy ban vận động hợp tác với Việt Minh để thành lập một chính quyền mới, trong liên tục quốc gia, ông đã tri tình lùi bước để cho Việt Minh nhận trách nhiệm trước lịch sử. Chẳng những vậy, ông cũng từ khước không nhận lời đề nghị của người Nhật, nếu ông chính thức yêu cầu họ có thể tiếp tay chính phủ ông chống nổi loạn hầu bảo vệ trật tự. Ứng xử của ông trước chính biến mùa Thu 1945 là ứng xử của một kẻ sĩ, khi thấy làm được việc thì đứng ra gánh vác, khi thấy không làm được việc thì lui về ở ẩn.

Các bộ trưởng trong nội các của ông, nói chung, cũng có thái độ tương tự. Theo hồi ký của Phạm Khắc Hòe, có hai bộ trưởng, Trần Đình Nam và Hồ Tá Khanh đề nghị “chúng ta rút lui ngay, nhường hẳn quyền bính cho Việt Minh”. Luật sư Vũ Văn Hiền, Bộ trưởng Tài chánh chủ trương Việt Nam phải có một chính quyền hợp pháp bảo đảm được trật tự để, lâm sự, giao thiệp với Đồng Minh, ngăn ngừa trước không cho Đồng Minh lấy lý do trật tự mà giúp cho người Pháp trở lại cầm quyền. Do đó, dù có trao quyền cho Việt Minh thì cũng cứ phải giữ chính thể quân chủ để duy trì căn bản pháp lý của một chính quyền hợp pháp. Các luật gia khác trong nội các như Trần Văn Chương, Trịnh Đình Thảo, Phan Anh, v.v… đều tán thành quan điểm của Vũ Văn Hiền. Sau cùng cả nội các đồng ý lấy thái độ như luật sư Hiền đã đề xuất.

Vua Bảo Đại lúc đầu đã chọn lập trường này. Nhưng về sau, trước những biến đổi hàng ngày của tình hình, người vua cuối cùng của dòng họ Nguyễn đã quyết định thoái vị. Nguyên nhân nào đã đưa tới quyết định ấy? Thật ra, từ ba nguồn thông tin hiện có là ba tập hồi ký của Trần Trọng Kim (Một Cơn Gió Bụi), Phạm Khắc Hòe (Từ Triều Đình Huế Đến Chiến Khu Việt Bắc), và chính vua Bảo Đại (Con Rồng Việt Nam), người đọc cũng đã có thể rút ra được một số kết luận, dù rằng họ đã phải rất dè dặt với Phạm Khắc Hòe vì thái độ của ông tâng bốc quá lố cộng sản. Trong tương lai, sử học còn có thể mang tới những ánh sáng mới về những động cơ tâm lý đã thúc đẩy vua Bảo Đại từ bỏ ngôi báu. Trong khuôn khổ bài nghiên cứu này, những động cơ ấy không phải là điều chủ yếu. Việc tìm hiểu tại sao vua Bảo Đại thoái vị không quan trọng bằng việc xác định người vua ấy đã thoái vị như thế nào, đã trao quyền cho ai, và trên những cơ sở gì, với những hậu quả pháp lý ra sao?

Về điểm này, tưởng phải phục hồi giá trị lịch sử cho “Chiếu thoái vị” ngày 25-8-1945 của vua Bảo Đại, một văn kiện lịch sử đã bị chôn vùi một cách vô ý thức quá sớm, chẳng những bởi những người cộng sản mà cả những người chống cộng sản. Đối với người Việt Nam, không ai nghĩ rằng Chiếu thoái vị này là một loại Đại Hiến Chương (Magna Carta hay Great Charter) mà ý nghĩa lịch sử cũng như pháp lý cao hơn bản Đại Hiến Chương 1215 của vua Jean-Sans-Terre, một lời cam kết của vị vua này ở Anh quốc chấp nhận nhường một phần vương quyền cho các bá tước người Anh. Vậy mà ngày nay chẳng những riêng người Anh, cả thế giới đều coi nó như một nguồn gốc lịch sử của nhân quyền. Trong khi đó, Chiếu thoái vị 25-8-1945 của vua Bảo Đại là một văn bản chính thức và công khai, qua trung gian các đại diện của dân chúng, nhường không điều kiện toàn bộ vương quyền cho dân chúng. Những người cộng sản cướp chính quyền, theo âm mẫu “la” của Trương Chinh, coi Chiếu thoái vị của vua Bảo Đại chỉ là một văn kiện “đầu hàng cách mạng” là điều hiểu được. Nhưng quả thật rất khó hiểu sự kiện đã có không ít những người tự nhận là chống cộng sản, hoặc vì không biết được nội dung đầy đủ của nó nên coi nó như không có gì đáng kể, hoặc khiếp đảm vì bạo lực của cộng sản cướp chính quyền, không nhận ra được giá trị đích thực của Chiếu thoái vị, thậm chí còn nhập nội và lưu truyền mặc cảm tự ti của những người thất trận!


Đã đến lúc phải tái lập sự thật.

Trên bình diện lịch sử, Chiếu thoái vị ngày 25-8-1945 của vua Bảo Đại là một sử liệu quý giá đánh dấu sự chấm dứt nền quân chủ cổ truyền để chuyển quyền, không đổ máu, từ vua sang dân, trong một tinh thần tự nguyện vì độc lập của đất nước, vì tự do của mỗi người dân và vì đoàn kết của cả dân tộc. Trên bình diện pháp lý, văn kiện này là một bản hợp đồng rất đặc biệt – vừa thành văn vừa không thành văn – ấn định rõ ràng những điều kiện trong đó hành vi trao quyền được thực hiện và những nghĩa vụ mà người nhận quyền phải thi hành. Điều cho đến nay không ai nói tới hoặc không nghĩ tới, là bên nhận quyền, những người cộng sản cướp chính quyền năm 1945, đã long trọng cam kết thi hành những nghĩa vụ ấy. Nhưng cộng sản đã bội ước, nhận quyền để thiết lập chuyên chính còn bạo tàn hơn cả quân chủ.

Cũng như trong trường hợp bản Đại Hiến Chương 1215, luật học ngày nay không cần tìm biết vì sao vua Jean-Sans-Terre đã nhường quyền mà chỉ cần biết vị vua này đã nhường những quyền gì, nhường cho ai? Vua Bảo Đại, với tư cách người kế thừa vương quyền của dòng họ Nguyễn lưu truyền đã gần 400 năm nay, đã văn kiện hóa hành vi nhường quyền của mình bằng những lời lẽ không thể minh bạch hơn nữa: “vì hạnh phúc của dân”, “vì độc lập của nước”, không “ngồi yên mà đợi quốc hội” trước “nhiệt vọng dân cử” rất cao của dân chúng miền Bắc, đã “quả quyết thoái vị” để tránh nạn “Nam-Bắc phân tranh ” đồng hời “nhượng quyền điều khiển quốc dân lại cho một chính phủ dân chủ cộng hòa” . Một trong đòi hỏi của người trao quyền là chính quyền dân chủ sắp được thiết lập phải “lấy sự ôn hòa xử trí” đối với các đảng phái đã từng tranh đấu cho nền độc lập quốc gia nhưng không đi sát theo phong trào dân chúng để những phần tử ấy cũng có thể giúp vào việc kiến thiết quốc gia và tỏ rằng chính phủ dân chủ cộng hòa nước ta đã xây đắp trên sự đoàn kết của toàn thể quốc dân”.
Như vậy là vua Bảo Đại đã sang trang cho lịch sử cả hàng ngàn năm. Và những người nhận quyền từ tay vua Bảo Đại đã giao ước, trước mặt quốc dân, với vua Bảo Đại, sẽ viết những trang sử mới theo đúng lời yêu cầu ghi trong Chiếu thoái vị. Giao ước long trọng nhiều lần. Lần thứ nhất, khi vua Bảo Đại gặp các đại diện của ấy Ban Nhân Dân Cứu Quốc tự xưng là đại diện cho tất cả mọi đảng phái và tầng lớp dân chúng, sáng ngày 23-8-1945 tới cung điện với giấy ủy quyền nhân danh Việt Nam Độc Lập Đồng Minh (Việt Minh) ở Hà Nội phái vào .Theo tập hồi ký Con Rồng Việt Nam thì phái đoàn đại diện gồm có hai người là Trần Huy Liệu, Phó chủ tịch của ủy ban Nhân dân cứu quốc và Cù Huy Cận, nhưng ký giả Nam Đình Nguyễn Kỳ Nam lại viết trong tập hồi ký của ông là còn có cả Nguyễn Lương Bằng, đại diện cho “cách mạng”. Cách thức nhận quyền thuộc phần giao ước không thành văn. Người ta đọc thấy trong tập hồi ký Con Rồng Việt Nam rằng Phan Huy Liệu xuất trình giấy ủy quyền và tuyên bố: “Nhân danh dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh của Mặt Trận Giải Phóng đất nước cho chúng tôi vinh dự đến gần Hoàng thượng để nhận ấn kiếm”’. Được vua Bảo Đại trao cho đọc Chiếu thoái vị, sau khi đọcxong và, hội ý với Cù Huy Cận, Trần Huy Liệu nói: “Thưa Hoàng thượng, nhân danh dân tộc Việt Nam, chúng tôi nhận hết cả bản văn này. Nhưng chúng tôi kính xin tổ chức một buổi lễ vắn tắt, trong đó xin Hoàng thượng công khai tuyên bố cho mọi người biết”*. Chiều ngày 23-8-1 1945, vua Bảo Đại bận triều phục, đọccho hàng ngàn người tụ họp trước cửa Ngọ môn nghe Chiếu thoái vị đề ngày25-8-1945. Lần đầu tiên nền dân chủ đã trực tiếp ra đời trên đất nước Việt Nam,với một áp âm tươi sáng: “Trẫm lấy làm vui được làm dân tự do của một nước độc lập. Lần thứ hai, sự giao ước – lần này gián tiếp – đã được chính quyền cộng sản trá hình, thaythế triều đình Huế, long trọng tuyên đọc qua bản Tuyên Ngôn Độc Lập ngày 2-9-1945 trong đó có trích dẫn tinh thần dân chủ tự do theo truyền thống phươngTây để được nêu lên như một giá trị quy chiếu. Không biết rằng vô tình hay cốý, sự giao ước giữa hai bên không được văn kiện hóa để mang hình thức một tàiliệu thành văn. Nhưng xét theo tập tục của người Việt Nam vào thời điểm mùaThu năm 1945, giữa hai bên “Vua” và “Dân” đã có sự kết ước với những điều kiện rõ rệt. Ở các chợ miền quê trong cả nước hồi đó, tập tục mua bán trâu bò chỉcần thỏa thuận miệng và một cử chỉ hai bên vỗ vào tay nhau là sự kết ước thànhtựu. Không lẽ một bản văn trọng đại như Chiếu thoái vị, được tăng cườngthêm bằng những hình thức trọng thể của việc thoái vị và Tuyên ngôn ngày2-9-1945 thành lập chính quyền Cộng Hòa, lại không có giá trị bằng một lờigiao ước miệng mua bán trâu bò ở giữa chợ sao?

Những gì đã thực tế xảy ra, sau ngày vua Bảo Đại thoái vị đến nay đã hơn nữathế kỷ, cho thấy là những người được trao quyền đã bội ước. Không hề có “đoàn kết quốc dân“, chỉ có “giai cấp đấu tranh” giữa các “nhân dân” đủ loại. Không hề có “dân chủ”, chỉ có “chuyên chính“. Không hề có đa nguyên, đa đảng chỉ có một đảng độc nhất là Đảng Cộng Sản độc chiếm quyền hành. Mọi người nay đã có cơ sở để khách quan đánh giá chính biến mùa Thu 1945, định xem nó là một vụ cướp chính quyền hay là một cuộc cách mạng. Nhờ sự giúp sức của thời gian, mọi người nay thấy rõ được rằng không thể máy móc dựa vào việc bạo động cướp chính quyền để ca ngợi chính biến mùa Thu 1945 làmột cuộc cách mạng lật đổ phong kiến, hủy bỏ chế độ quân chủ, thiết lập dân chủ. Mà phải vạch trần ra rằng nếu thật sự muốn thiết lập dân chủ thì hành vi của vua Bảo Đại nhường toàn bộ vương quyền đã mở rộng đường vào dân chủ và có thể giúp tiết kiệm được mồ hôi, nước mắt, xương máu cho dân Việt Nam trên con đường vòng hơn 50 năm áp bức đảng trị gay gắt hơn cả phong kiến. Nhưng, mặt khác, muốn coi chính biến này là một cuộc cách mạng thì phải hiểu chữ cách mạng theo nghĩa của hệ quy chiếu cộng sản. Nhìn dưới độ góc đó, chính biến mùa Thu chỉ mới là một “khâu” cướp chính quyền trong chuỗi dài cách mạng cộng sản, theo con đường “Cách mạng tháng Mười” mà lịch sử từ một thập niên qua đã chứng minh rằng nó đã thất bại ngay từ bước quá độ, không thể và không bao giờ đi tới được thành công.

Trong nhưng năm tới, Việt Nam chắc cũng sẽ có những công trình nghiên cứu sử học vô tư – như trong bộ sử hậu-cộng-sản, do giáo sư đại học Nga, Iouri Afanassiev, chủ trì và ấn hành năm 1991 tại Mạc Tư Khoa – để đưa ra trước ánh sáng những thao tác của Đảng Cộng sản Việt Nam trong ý đồ cưỡng hiếp và ngụy tạo lịch sử. Nhưng ngay tự bây giờ người ta cũng đã có cơ sở để dứt khoát kết luận rằng cuộc chính biến mùa thu 45 không thể coi là một cuộc cách mạng – dù vô sản hay dân tộc dân chủ nhân dân – mà chỉ là một vụ cướp chính quyền.


II. Cách mạng: khái niệm hay ý niệm?

Một vài  người đã đọc các phần đầu của bài này không thỏa mãn vì đã không được dẫn nhập ngay từ đầu vào một khái niệm nhất định về cách mạng. Phản ứng này không phải là không có lý. Nhưng người viết đã cố ý để chậm lại vào cuối bài việc bàn luận về khái niệm cách mạng. Trước hết là vì chữ cách mạng có rất nhiều nghĩa, nếu đề cập ngay tới nội dung của nó khi vừa vào bài viết, e người đọc dễ lầm tưởng rằng họ sẽ được đưa dắt đi lang thang trong cõi lý thuyết! Thứ đến, vấn đề “Cách mạng tháng Tám“, tự bản thân nó không phải là một vấn đề lý thuyết mà là một vấn đề thực tiễn. Nếu chỉ lo bàn về lý thuyết thì sẽ không đi thẳng được vào đối tượng nghiên cứu đã hiện hữu trong thực tế. Sau nữa, chính biến mùa thu l945 là do những người cộng sản tạo nên, những người không cộng sản không có phần tham dự tích cực nào vào đó. Cho nên cần miêu tả chính biến đó dưới nhãn quan cộng sản để rồi về sau trở lại chiếu rọi vào đó những ánh sáng không cộng sản.

Chữ cách mạng có nhiều nghĩa là do nguồn gốc của nó, do những cách khác nhau nó được sử dụng trải qua các thời đại. Đối với người Việt Nam, chữ cách mạng có hai nguồn gốc. Gốc thứ nhất: chữ “cách” là gốc Hán, âm Bắc Kinh đọc là “gé”, có nghĩa nguyên thủy là da thú đã thuộc kỹ sau khi đã cạo hết lông. Nghĩa mở rộng là thay đổi (xem Lý Lạc Nghị, Tìm về cội nguồn chữ Hán, Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội 1998). Chữ “mệnh“, âm Bắc Kinh đọc là “mịnh” có nghĩa là mệnh lệnh, sinh mệnh, vận mệnh, v.v… (sđd). Nhưng từ kép “cách mệnh” lấy từ Kinh Dịch, quẻ Cách: “Thiên địa cách nhi tứ thời hành, Thang Vũ cách mệnh ứng bồ thiên nhi thuận hồ nhân, cách chi thời, đại hỉ tai! nghĩa là: “Trời đất đổi thay mà bốn mùa đi qua, vua Thang vua Vũ làm cách mạng thuận lòng trời, ứng hợp lòng người, lớn đẹp thay thời cách mạng!” Vua Thang, một vua chư hầu đã nổi lên đánh thắng vua Kiệt nhà Hạ lập nên nhà Thường để cứu dân, vua Vũ (Võ Vương), một vua chư hầu hội họp chư hầu đánh thắng vua Trụ nhà Thương, bạo chúa xa xỉ, đam mê tửu sắc, giết oan trung thần, v.v… Vua Vũ đã sáng lập ra nhà Chu. Hai vua Thang và Vũ được kể như hai người đã tuân mệnh trời, tự ý cách bỏ mệnh trời đã trao cho Kiệt, Trụ. Do đó, người ta coi hai người này đã làm “cách mệnh“. Trải qua mấy ngàn năm lịch sử ở Việt Nam, ít thấy nói tới “cách mệnh” dù rằng đã có nhiều cuộc thay đổi đột ngột người cầm quyền. Nhân vật độc nhất nói tới “cách mệnh” có lẽ chỉ có Cao Bá Quát. Năm 1854, được đổi ra Sơn Tây, phủ Quốc Oai làm Giáo Thụ. Ông bí mật giao kết gián tiếp với người đầu mục một nghịch đảng phù Lê là Nguyễn Kim Thanh nuôi ý đồ lật đổ Tự Đức và triều Nguyễn. Năm ấy, lúc khởi nghĩa ở Mỹ Lương, ông đề trên cờ hiệu hai câu:

“Bình Dương, Bồ Bản vô Nghiêu, Thuấn,
Mục Dã, Minh Điều hữu Võ, Thang”.

Bình Dương là kinh đô của nhà Hạ, Bồ Bản là kinh đô của nhà Thương. Vua Kiệt bị vua Thang đánh bại tại Minh Điều, vua Trụ mất ngôi cho vua Vũ (Võ) trong trận đánh ở Mục Dã. Hai câu thơ có ý nói ở trong triều, Tự Đức không phải là Nghiên Thuấn thì trong dân gian đã có Lê Duy Cự để làm cách mệnh như các vua Thang, vua Vũ. Cuối thế kỷ trước đầu thế kỷ này, vấn đề cách mệnh được đặt ra cho những người chống Pháp trong các phong trào Văn Thân, Cần Vương, Duy Tân, v.v… Các nhà nho làm cách mệnh Việt Nam phần lớn phải chọn Trung Quốc làm nơi an toàn nên tư tưởng cách mệnh của họ vẫn chưa ra thoát điển mẫu “Thang, Vũ”.

Tuy nhiên họ đã bắt đầu tiếp thu tư tưởng cách mệnh phương Tây, nhưng phải qua những con kênh Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vi, Tôn Trung Sơn, v.v… Cũng vì lẽ đó mà sự đổi mới tư tưởng cách mệnh của họ đã rất giới hạn, ngay ở những người đã có dịp xuất ngoại và giao thiệp rộng như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh. Ở trong nước, đầu thập niên 30, Tự điển tiếng Việt của Hội Khai Trí Tiến Đức định nghĩa cách mệnh là “dùng cách bạo động mà thay đổi cuộc chính trị”. Các đảng chủ trương tranh đấu bằng vũ lực – trừ Đảng Đại Việt Duy Dân – cũng không thấy đưa ra được một toàn bộ lý thuyết. nào về cách mệnh. Đầu những năm 40, tổ chức cách mệnh không cộng sản của người Việt ở hải ngoại (Trung Quốc), Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội, có bài hát chào cờ như sau:

“Cờ Đồng Minh đã nêu cao theo gió bay tung,
Tranh quang cùng ánh dương rực hồng,
Binh, thương, công, nông,
Chúng ta một lòng,
Ta cùng xung phong,
Đuổi quân thù đòi lại núi sông.
Đứng lên đả đảo Đế quốc!
Dựng lên nền dân chủ tự do nâng đỡ lân bang nô lệ thoát lao lung…”

Nói tóm lại, trên đại thể, cơ sở tinh thần của cách mệnh không cộng sản Việt Nam tới gần giữa thế kỷ XX vẫn còn mang nặng dấu vết của tư tưởng cách mệnh Trung Quốc từ những năm 2200 trước Công nguyên truyền lại! Nhưng với cuộc đệ nhị thế chiến, tư tưởng ấy bắt đầu bộc phát và biến đổi. Nhờ có sự tiếp sức của tư tưởng cách mệnh phương Tây, nội dung của chữ cách mạng thêm phong phú. Gốc mới phương Tây này đã làm lu mờ gốc cũ phương Đông. Và bởi thế, khi dùng chữ cách mệnh để dịch chữ “révolution” thì cần nhớ rằng nội dung của chữ cách mạng đã đổi khác và phải hiểu nghĩa mới của chữ cách mệnh là nghĩa của chữ “révolution”. Chữ này được khai sinh từ thời Trung Cổ, khởi đầu là tiếng chuyên môn dùng trong thiên văn để chỉ sự vận hành của một hành tinh chuyển động trên quỹ đạo của nó, đi hết một vòng rồi quay lại chỗ cũ. Do nguồn gốc này, cách mệnh hiểu theo nghĩa phương Tây có hàm nghĩa “chu kỳ“, tương tự như nghĩa trong Kinh Dịch “Trời đất đổi thay mà bốn mùa đi qua”. Rồi mỗi thế kỷ lại mang đến cho nó một nghĩa mới, thoát thai từ nghĩa cũ. Giữa thế kỷ thứ XVI, chữ “révolution” bất đầu có nghĩa là sự thay đổi đột ngột và quan trọng trong trật tự xã hội, trật tự tinh thần. Đầu phần nửa sau thế kỷ XVII, chính biến năm 1688 bên ở nước Anh trong đó Guillaume d’Orange truất phế Jacques II mở đường cho nền quân chủ thế tục thay thế nền quân chủ thần quyền, Người Anh gọi chính biến này là cuộc Cách mệnh Vinh quang (Glorious Revolution). Cuối thế kỷ XVIII, có hai biến cố lớn: các thuộc địa của Anh ở Mỹ tuyên bố độc lập đối với chính quốc và, tại Pháp, dân chúng nổi dậy lật đổ nền quân chủ chuyên chế. Đó là hai cuộc cách mạng nổi tiếng trong lịch sử nhân loại. Thế kỷ XIX, Marx và Engels mang thêm cho nội dung từ “révolution” hai nghĩa “giai cấp đấu tranh” và “thay đổi bằng bạo lực“. Đến thế kỷ XX, với những cuộc Cách mạng Tân Hợi (1911), Cách mạng tháng Mười (1917), v.v… chữ “révolution” đã rời bỏ hẳn địa hạt tinh thần hay chuyên môn để đi vào đời sống xã hội. Nó được dùng để gọi tên những cuộc nổi dậy thay đổi chính quyền, trật tự chính trị, kinh tế, xã hội, v.v… Ngày nay, chữ “revolution” đã có một nội dung khá phức tạp, nhất là người ta lại còn dùng nó vào những nghĩa bóng, đôi khi trái ngược hẳn với nghĩa đen, tỉ dụ khi nói “cách mạng ôn hòa”, “Cách mạng Nhung”, “Cách mạng Xanh”, v.v…

Dù sao, trong tư tưởng phương Tây, cách mạng vẫn còn giữ hai ý nghĩa nó đã có trải qua các thời đại là thay đổi bằng vận động và thay đổi để quay về điểm khởi hành. Người thời xưa cho rằng xã hội tốt hay xấu là do người cầm quyền. Muốn thay đổi phải chỉnh đốn lòng người. Người thời nay nhờ sự phát triển của các khoa học xã hội đã tìm ra được nhiều nguyên nhân ở nơi các định chế nên còn chủ trương thay đổi định chế để sửa đổi xã hội. Vì văn hóa nhân loại tích lũy lâu đời nên vấn đề quay về xuất phát điểm trong hành động cách mạng không còn đơn giản như thời xưa. Bởi thế, người ta chưa tìm ra được những thuộc tính nhất định của hiện tượng thay đổi xã hội để khái quát nó thành một khái niệm. Cho nên thay vì nhìn nhận một khái niệm về cách mạng duy nhất cho mọi không gian, thời gian, người ta chỉ muốn có nhiều ý niệm nghĩa là khái niệm sơ lược về cách mạng.

Hãy thử lấy trường hợp Việt Nam làm thí dụ. Đối với những người cộng sản thì chính biến mùa Thu 1945 là một cuộc cách mạng vì nó đã mang lại sự thay đổi quan trọng về phía người cầm quyền, trong trật tự xã hội, v.v… Đó là một cuộc cách mạng theo hệ quy chiếu của người cộng sản là tư tưởng Mác- Lênin. Ngược lại, đối với những người không chấp nhận hệ quy chiếu ấy thì những sự thay đổi do chính biến mùa Thu mang lại không phải là sự quay trở về xuất phát điểm trong sự vận hành của quỹ đạo dân tộc vốn không đi theo con đường giai cấp đấu tranh như cộng sản lập thuyết. Như vậy, không giải quyết được vấn đề tiến bộ và không thể nói là cách mạng. Làm cách mạng theo tư tưởng Mác-Lê không bao hàm quay trở lại trong một chu kỳ mà là tiến lên theo đường thẳng, làm lại dân tộc, làm lại con người, vì theo cộng sản dân tộc cũng như con người đã hiện hữu khi cách mạng vô sản nổ ra, chỉ là sản phẩm của thời tiền sử. Nói cách khác, dưới mắt người cộng sản, lịch sử chỉ thật sự bắt đầu với xã hội cộng sản!

Thời đại đang mang lại cho người Việt Nam kiến thức, kinh nghiệm thành bại quý báu về cách mạng. Đã đến lúc người Việt Nam chấm dứt việc chạy theo tư tưởng cách mạng phương Đông cũng như phương Tây. Cái gọi là Cách mạng tháng Tám đã mở đầu cho một quá trình sai lầm to lớn như lịch sử đã chứng minh. Thiết tưởng nên đặt vấn đề “Làm lại cuộc cách mạng tháng Tám” mà điểm xuất phát là sự chuyển quyền từ quân chủ sang dân chủ thực sự. Chứ không phải là sự thay thế hình thức chuyên chế cũ bằng một hình thức chuyên chế mới, dù chỉ ở trong giới hạn quá độ một đoạn đường dài vô định và không bao giờ tới đích.


III. Làm lại cuộc cách mạng tháng Tám?

Đặt vấn đề làm lại cuộc cách mạng tháng Tám là rút ra từ những quan điểm đã trình bày trong hai bài đầu của bài viết này một kết luận thuận lý và xây dựng. Người viết hy vọng đã cung cấp cho người đọc một số yếu tố thẩm lượng để phân định phần “cách mạng” và phần “không cách mạng” của chính biến mùa Thu 1945.

Hãy nói về phần “cách mạng” của chính biến này. Cứ theo cách nói thông thường của dân chúng thì chính biến mùa Thu 1945 là một cuộc cách mạng vì đã có cuộc nổi dậy “lật đổ chế độ quân chủ và thiết lập chế độ dân chủ”. Cách nói này chỉ chú trọng vào những biến cố thực tế xảy ra trong một thời điểm nhất định, không cần lưu ý tới những kết quả trong tương lai của những biến cố ấy. Nó không bao hàm hướng đi lên tổng quát hóa, trừu tượng hóa, khái niệm hóa để định nghĩa. Cho nên cách gọi tên thông thường này không giúp ích gì cho việc tìm hiểu về giá đích thực của chính biến mùa Thu 1945.

Cũng còn có thể gọi chính biến ấy là một cuộc cách mạng nếu người ta nhìn nó dưới góc cạnh cộng sản. Quả thật những người cộng sản Việt Nam, thông qua Đảng Cộng sản Việt Nam, đã tổ chức cuộc nổi dậy tháng Tám để cướp chính quyền rồi từ đó, họ thiết lập theo từng giai đoạn, nền chuyên chính vô sản đi lên cộng sản. Nếu cách nhìn thông thường của dân chúng quá ngắn thì cách nhìn của người cộng sản lại quá đài, phải nói là dài một cách vô tận. Bước đầu đã phải mất 30 năm nghĩa là đến năm I975, mới đặt được những nền móng đầu tiên của nền chuyên chính vô sản để bắt đầu đi vào Con đường Cách mạng tháng Mười. Rủi cho họ là hơn mười năm sau thì con đường cách mạng ấy đã đưa tới ngõ cụt và Tổ quốc xã hội chủ nghĩa vì thế vỡ tan tành ở Đông Âu, ở Liên Xô cũ, “ba giòng thác cách mạng” cạn khô, lực lượng vô địch quốc tế vô sản đã biến khỏi vũ đài chính trị thế giới. Ngay chính ở Việt Nam, những người cộng sản đang cầm quyền, như ông Tổng bí thư Lê Khả Phiêu mới làm, cũng chỉ lai rai và láp nháp nói tới cách mạng, chẳng ai hiểu là loại cách mạng gì, có thực sự còn theo mô thức cách mạng mác-xít nữa hay không. Bởi vậy cứ khẳng định theo những người cộng sản rằng chính biến mùa Thu 1945 là cuộc Cách mạng tháng Tám là chỉ để nói một cuộc cách mạng họ đang muốn tiến tới nhưng lịch sử lại chứng tỏ “đã thất bại”. Hoặc là để chỉ một cuộc cách mạng chưa thành tựu mà cũng không ai nhìn thấy được diện mạo nó ra sao. Không ai muốn cãi rằng người cộng sản đã “thành công” ở trong chính biến mùa Thu 1945, và thành công lớn, vì họ đã cướp được toàn bộ chính quyền cho Đảng của họ. Điểm này không thể phủ nhận. Nhưng chính do đó mà phải khẳng định rằng, chính biến mùa Thu 1945 chỉ là một vụ cướp chính quyền.

Bàn về phần “không cách mạng” của chính biến mùa Thu 1945 là duyệt xét quan điểm không cộng sản về chính biến này. Quan điểm này xây dựng trên hai loại yếu tố: chủ quan và khách quan. Đứng về mặt chủ quan mà nói, phe không cộng sản không chấp nhận tính cách mạng của cái gọi là “cách mạng tháng Tám” vì lý do ý hệ. Sự kiện các tổ chức tranh đấu phân chia thành hai phái hệ “dân tộc” (quốc gia) và “quốc tế” (cộng sản) đưa tới hậu quả là bên này coi bên kia là “phản cách mạng” và bất hợp tác với nhau. Mặt khác, các chính khách, nhân sĩ, trí thức trước chính biến mùa Thu 1945 đã có thái độ rất thụ động, không tán thành chủ trương, hành động của cộng sản nhưng cũng không có ý chí tích cực chống lại cộng sản. Phản ứng hoàn toàn tiêu cực của chính phủ Trần Trọng Kim, việc vua Bảo Đại trao quyền một cách rất cẩu thả cho đảng cộng sản không lộ mặt là những nét đậm không thể xóa bỏ của chính biến mùa Thu 1945.

Vì ít được bàn tới nên các yếu tố khách quan cần được kiểm điểm. Vào thời điểm mùa Thu 1945, toàn dân lúc đó chỉ có một ước ao là làm sao có thể đổi đời, chấm dứt cuộc sống cùng khổ, tủi nhục để mỗi người Việt Nam trở thành công dân một nước tự do dân chủ, đối ngoại, không còn phải làm nô lệ cho ngoại bang, đối nội, không bị bộ máy cầm quyền chuyên chế khinh miệt, áp bức. Nói chung người Việt Nam vào thời điểm mùa thu 45 chưa trưởng thành về ý thức cách mạng hiểu theo nghĩa một ý thức chính trị cao độ bao gồm mọi chủ trương rõ rệt về kế hoạch phá hoại cũng như về dự án kiến thiết xã hội. Hơn nữa, nếu hiểu cách mạng theo nghĩa cộng sản thì về mặt khách quan, xã hội Việt Nam vào thời điểm chính biến mùa Thu 1945 không ở vào tình trạng chín muồi đóng vai bà mụ cho một cuộc cách mạng cộng sản tức là một “cuộc tranh đấu của giai cấp bị áp bức đứng lên lật đổ nền thống trị của giai cấp áp bức, phá vỡ quan hệ sản xuất cũ, xây dựng một chế độ tiến bộ“. Ngoại trừ một thiểu số tuyệt đối đảng viên cộng sản, ít người mang ý thức đấu tranh giai cấp như vậy, nhất là nông dân, vốn còn nặng đầu óc tư hữu ở quy mô nhỏ. Ngoài ra cũng chẳng ai có quan điểm “nhân dân” của Mao Trạch Đông mà cộng sản Việt Nam đã sao chép. Tư tưởng phổ biến trong dân chúng vào lúc đó là tư tưởng “quốc dân” hay “dân“‘, như câu “Dân vi qúy …” của Mạnh Tử mà vua Bảo Đại đã lập lại 3 chữ đầu. Và ngoại trừ những người cộng sản, trong bối cảnh năm 45, ai cũng cổ võ đoàn kết cá nhân, đoàn kết đảng phái, đoàn kết giai cấp để giành độc lập cho xứ sở. Nhưng Đảng Cộng sản đã mau lẹ cướp chính quyền để tạo điều kiện ngấm ngầm áp đặt một cuộc cách mạng theo ý hệ riêng của họ, một cuộc cách mạng mà, nếu đem ra trưng cầu dân ý, thì nhất định bị bác bỏ. Tai họa cho dân tộc Việt Nam là cuộc cách mạng bị áp đặt ấy đã đưa dân tộc này vào con đường tụt hậu trong nghèo túng so với những nước bị trị cũ cùng một cảnh ngộ ở trong vùng. Đà suy thoái này trước mắt vẫn chưa thấy có triển vọng được kịp thời chặn đứng. Lẽ ra từ lâu đã phải dứt khoát đặt vấn đề thanh toán hết những tàn dư của cuộc cách mạng bị áp đặt ấy. Nhưng một thiểu số người cộng sản có ưu thế, trong cơn say quyền lực, vì đặc quyền đặc lợi riêng, kết bè kết đảng ra sức cản trở việc thay đổi vận mệnh đất nước. Thiết tưởng không có lý do gì người Việt Nam cứ yên bề chịu đựng tình trạng bị người cộng sản huyễn hoặc bằng ngôn từ xảo trá và bạo lực khủng bố. Đặt vấn đề “làm lại cách mạng tháng Tám” là điều mà tình thế đòi hỏi.

Đặt lại, để bãi bỏ độc quyền cách mạng mà tập đoàn cầm quyền cộng sản vẫn đang nắm giữ ngõ hầu trả lại chính quyền và nhân quyền cho người dân. Sự thật làm công việc này chẳng qua cũng chỉ là thực hiện những điều người cộng sản Việt Nam đã long trọng cam kết khi họ vừa cướp được chính quyền là “đoàn kết rộng rãi toàn dân, không phân biệt chính kiến, tôn giáo, giai cấp, giàu nghèo, sang hèn, bảo đảm các quyền tự do dân chủ”. Bề ngoài, lãnh tụ cộng sản, Hồ Chí Minh, ngày 2 tháng 9 năm 1945 đọc bản Tuyên ngôn Độc lập mà ngay trong đoạn mở đầu đã nhìn nhận cho người dân có đầy đủ nhân quyền, giống như cách mạng Mỹ “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” và, giống như cách mạng Pháp, “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Nhưng bề trong thì là cả một cuộc lường gạt có hệ thống và quy mô lớn để dùng chính quyền mới chiếm được làm công cụ cướp đoạt nhân quyền của người dân.

Hành động cướp đoạt nhân quyền này là một nhu cầu nằm trong bản chất của tư tưởng Mác-Lê, thánh kinh của những người cộng sản là cướp nhân quyền của người dân để thiết lập độc tài đảng trị, cướp hết tất cả những nhân quyền ấy để độc tài đảng trị đi tới độc tài toàn trị. Cướp làm nhiều giai đoạn, và dưới nhiều hình thức khác nhau, tùy tình hình thế giới và tình hình trong nước. Cướp bằng luật pháp và khủng bố, qua một tiến trình bốn giai đoạn. Năm 1946, đặt ra Hiến pháp dân chủ cộng hòa, nói đại đoàn kết toàn dân nhưng thực ra là phát động giai cấp đấu tranh, tổ chức đấu tố, giết hại hàng trăm ngàn dân lành. Năm 1959, sửa đổi hiến pháp, đối ngoại, chính thức biến miền Bắc Việt Nam thành một nước chư hầu của đế quốc đỏ Liên Xô và thực tế lệ thuộc bá quyền đỏ Trung Quốc. Đối nội, một mặt mở rộng hơn nữa việc cướp đoạt nhân quyền bắt đầu bằng việc triệt bỏ quyền tư hữu trong phạm vi miền Bắc. Mặt khác, tiến hành võ trang xâm nhập miền Nam gây nội chiến trong ý đồ áp đặt chủ nghĩa cộng sản trong phạm vi cả nước. Đầu thập niên 70, vì thủ đô Hà Nội bị trực tiếp oanh kích, thành  phố Hải Phòng bị phong tỏa, chính quyền cộng sản phải ký Hiệp định Paris 1973, cam kết công nhận quyền tự quyết của “nhân dân miền Nam“. Nhưng hai năm sau, lại xua quân cưỡng chiếm miền Nam và công khai ra mặt chính thức tự nhận là cộng sản. Năm 1980, ban hành Hiến pháp mới, thiết lập “chuyên chính vô sản“, tịch thu toàn bộ nhân quyền của người dân, dùng bầu cử sắp xếp trước, lập ra một Nhà nước bù nhìn, tập trung tất cả mọi quyền hành vào tay Đảng Cộng sản Việt Nam dưới danh nghĩa hiền lành “Đảng lãnh đạo“. Cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90, cả hệ thống chính quyền cộng sản ở Đông Âu và Liên Xô cũ tan vỡ. Mất chỗ dựa, cộng sản Việt Nam phải cho ra đời bản Hiến pháp thứ tư, Hiến pháp 1992, trên giấy tờ không còn dám đề xướng “chuyên chính vô sản” nhưng trong thực tế, nấp sau bình phong “đổi mới“, vẫn đi theo đường cũ là cưỡng đoạt nhân quyền.

Mọi người Việt Nam, cộng sản hay không cộng sản, phải cương quyết tự giải thoát mình ra khỏi vòng kìm kẹp gian dối và gian ác cộng sản. Từ năm 1945 dân chúng Việt Nam đã khao khát cách mạng. Và nói cách mạng, như các bài học Đông, Tây, kim, cổ đã chỉ dạy, không phải thay đổi để thay đổi mà là giải phóng con người, cơ bản nhất là mở rộng và phát huy nhân quyền không riêng gì cho tập thể mà cho cả cá thể. Tập đoàn cầm quyền hiện nay kế thừa một di sản của những người cầm quyền từ mùa thu năm 1945 là những người đã sang đoạt (détourner) công lao của dân chúng đã hy sinh góp sức xây dựng giải phóng người dân. Trước lịch sử, cuộc bố trí sang đoạt này không thể có tên gọi nào khác là một toàn bộ hành động phản cách mạng. Cho nên sự trở về khởi điểm 1945 là sự thể hiện chính đáng của công lý, sự cưỡng bức của luật pháp quốc tế. Đảng cộng sản Việt Nam, sau hơn nửa thế kỷ sang đoạt chính quyền, cưỡng đoạt nhân quyền, sau năm 1982 đã tham gia các Cộng ước quốc tế về nhân quyền, nay phải trả lại cho toàn dân “quyền được sống, quyền tự do và quyền được mưu cầu hạnh phúc”, như họ đã long trọng tuyên cáo trước quốc dân từ năm 1945 và đã ký cam kết với cộng đồng quốc tế đã từ gần hai thập niên. Để cuộc Cách mạng tháng Tám được làm lại, lần này, trên cơ sở đại đoàn kết đa nguyên, đa đảng và thực thi dân chủ tự do đúng với tiêu chuẩn của nhân loại văn minh, ở đây và ngay bây giờ, không cầm cố hiện tại đổi lấy một ngày mai ca hát không tưởng và không bao giờ tới.


LS Trần Thanh Hiệp
cập nhật 28 Mar 2016
đăng lần đầu
www.vietthuc.org


—————————————————–
Ghi chú:
1) Đảng Cộng sản lãnh đạo Mặt trận Việt Minh cướp chính quyền, Đảng Cộng sản đã lập ra Mặt trận Việt Minh (xem Báo cáo đã dẫn và cuốn Cách mạng tháng Tám của Trường Chinh)
.
(*) Trong tập hồi ký viết bằng tiếng Pháp, vua Bảo Đại cho biết là Trần Huy Liệu sau khi đọc Chiếu thoái vị và tham khảo ý kiến của Cù Huy Cận, đã trả lời như sau: “Sire, au nom du peuple vietnamien nous acceptons ce document sans aucune réserve”! Không hiểu vì lý do gì mà người dịch của Nguyễn Phước Tộc lại dịch ra tiếng Việt thành: “Thưa Hoàng thượng, nhân danh dân tộc Việt Nam, chúng tôi nhận bản văn này rất nhẹ nhàng, không câu nệ’?
Chẳng những đã dịch sai nguyên văn mà còn sai cả ý nghĩa pháp lý của câu nói. Nguyên văn câu nói của Trần Huy Liệu đã được ghi lại trong quyền Le Dragon d’An nam thì Trần Huy Liệu đã tuyên bố chấp nhận không có một dè dặt nào tức là toàn bộ các điều kiện thoái vị của vua Bảo Đại, chứ không phải chỉ muốn nhận định rằng đó là một bản văn “rất nhẹ nhàng, không câu nệ”. Người dịch có ẩn ý gì mà cố tình dịch sai, dịch bớt như vậy?

Rộ tin danh hài Minh béo bị bắt ở Mỹ, gia đình nói gì?

 
Đàm ĐệSourceVietnamNetPosted on: 2016-03-31
Trao đổi với PV VietNamNet, ông Kiên - là anh trai kiêm quản lý của diễn viên hài Minh béo xác nhận gia đình chưa nghe bất kỳ thông tin nào về việc Minh béo bị bắt giữ. Hiện tại gia đình đã mất liên lạc với Minh béo.
Ông Kiên nói thêm, thường thì khi đi lưu diễn ở nước ngoài, Minh béo chủ động liên lạc về, chứ gia đình không gọi Minh béo. Ông cũng cho hay Minh béo hay gọi về làm việc với các nhân viên của mình, chứ anh em ông ít khi nói chuyện với nhau, vì ông khá bận nhiều việc khác.


Diễn viên Minh béo
P.V có đề cập đến thông tin mạng xã hội có đồn thông tin diễn viên Minh béo bị cảnh sát bắt giữ ở Mỹ, ông Kiên cho hay, chỉ mới nhận được thông tin đồn em trai ông, tức diễn viên Minh béo bị bắt giữ ở Mỹ ngày chiều 28/3. Tuy nhiên ông Kiên cũng nói rõ "hiện tại bên Mỹ còn đêm, nên gia đình hiện chưa thể liên lạc để tìm hiểu thực hư thông tin Minh béo bị bắt giữ là như thế nào?"
Về thông tin báo mạng trích dẫn lời ông Kiên xác nhận Minh béo bị bắt ở Mỹ, ông Kiên quả quyết là hoàn toàn không có khẳng định như thế. "Hiện gia đình và bản thân tôi chưa thể liên lạc với Minh béo hay đồng nghiệp, người thân ở bên Mỹ nên chưa biết thông tin gì cả", ông Kiên nói.
Trước đó trong giới showbiz ở hải ngoại đã rộ lên tin đồn Minh Béo bị bắt. Một tờ báo mạng cho hay, anh Dũng Taylor - ông xã ca sĩ Thu Phương cho biết Minh Béo mới bị cảnh sát giữ, mức bảo lãnh tại ngoại là 1 triệu USD (khoảng 22 tỷ đồng).
Minh Béo, tên thật Hồng Quang Minh (sinh ngày 27/12/1977) là một nam diễn viên hài, diễn viên kịch, diễn viên điện ảnh, người dẫn chương trình và đạo diễn sân khấu nổi tiếng Việt Nam. Anh thành lập sân khấu Sao Minh Béo (quận 11, TP HCM).
Năm 2014 anh từng bị nghệ sĩ trẻ do anh dẫn dắt tố cáo lạm dụng tình dục.
Đàm Đệ
-----
Truyền hình Mỹ đưa tin về việc Minh Béo quấy rối tình dục

SourceVietnamNetPosted on: 2016-03-31
Thông tin nghệ sỹ hài Minh Béo bị bắt vì dụ dỗ, xâm hại tình dục trẻ em vừa được kênh truyền hình hàng đầu nước Mỹ - ABC News đăng tải rộng rãi ngày hôm qua (29/3).


ABC Newsđưa tin về việc Minh Béo bị bắt khi cố gắng sắp xếp một cuộc hẹn với một cảnh sát chìm tại Green Grove.
Thông tin Minh Béo vừa bị bắt tại Mỹ vì quấy rối tình dục trẻ em vị thành niên gây chấn động dư luận và được nhiều trang báo tại Mỹ như OCRegister, MyNewsLA đưa tin.
Ngày hôm qua (29/3), ABC News - kênh truyền hình hàng đầu nước Mỹ cũng đã đăng tải một đoạn tin về vụ việc. ABC cho biết Minh Béo bị bắt khi cố gắng sắp xếp một cuộc hẹn với một cảnh sát chìm tại Green Grove.
Hồng Quang Minh, 38 tuổi, được biết đến với nghệ danh Minh Béo, bị truy tố với tội quan hệ tình dục với trẻ vị thành niên, cố gắng để thực hiện hành động khiêu dâm với một đứa trẻ ở độ tuổi dưới 14, và tiếp xúc trẻ vị thành niên với ý định tham gia vào các hành vi dâm ô.
Bước đầu nghệ sỹ Minh Béo khai đã nói chuyện với một nhóm các vũ công trong một cuộc thi tài năng tại một đài phát thanh ở Huntington Beach vào ngày 20/3, dụ dỗ họ rằng mình đang có một buổi thử vai cho một dự án video, các công tố viên cho biết.
Nam nghệ sỹ bị cáo buộc đã có hành vi giao hợp với một cậu bé vào ngày 23/3 vừa qua, khi nạn nhân tới buổi thử vai. Cậu bé đã thông báo sự việc nói trên cho cảnh sát Garden Grove.
---------
Cơ ngơi tiền tỷ đồ sộ của diễn viên hài Minh Béo

SourceVietnamNetPosted on: 2016-03-31
Minh Béo đang sở hữu trong tay khối tài sản khá đồ sộ và hoành tráng.


Minh Béo
Ông chủ của sân khấu kịch trị giá 7 tỷ đồng
Những ngày vừa qua, thông tin về việc diễn viên hài Minh Béo bị bắt tại Mỹ vì có liên quan đến việc lạm dụng tình dục trẻ em gây xôn xao cộng động mạng.
Được biết, những ngày đầu tháng 4 tới Minh Béo phải ra hầu tòa, đối mặt với án tù cao nhất lên tới gần 6 năm. Hiện mức phí tại ngoại của diễn viên Minh Béo được toà đặt là 1 triệu USD (khoảng 22 tỷ đồng).
Ngoài chuyện đời tư phức tạp, Minh Béo vốn được biết đến là một nghệ sĩ hài khá nổi tiếng tại khu vực phía Nam. Anh sở hữu một thân hình mập mạp, lối diễn tự nhiên, hóm hỉnh.
Ngoài diễn hài, Minh Béo còn là MC của chương trình truyền hình thực tế "Lục lạc vàng", khiêm thêm vai trò đạo diễn, tác giả kịch bản, diễn viên, đạo cụ, phục trang tới móc nối show biểu diễn của nhiều chương trình khác.
Hiện nay, Minh Béo đang là chủ của sân khấu kịch Sao Minh Béo nằm tại trung tâm văn hóa Quận 11 (khai trương năm 2013).
Theo chia sẻ của diễn viên hài này thì anh đã đầu tư khoảng 7 tỷ đồng để mở sân khâu này. Mỗi vở kịch, anh phải đầu tư thêm chừng 100 triệu đồng để dàn dựng.
Trong vòng 2 năm sân khấu đi vào hoạt động, Minh Béo đều phải bỏ tiền túi ra để bù lỗ cho hoạt động của sân khấu. Tuy nhiên, anh vẫn chưa từ bỏ để tiếp tục duy trì mơ ước, đam mê của mình.
Đầu tháng 12/2015, Minh Béo gây bất ngờ khi tiếp tục cho ra mắt hãng phim Sao Minh Béo, song hành với sân khấu kịch Minh Béo vẫn tiếp tục "báo lỗ" trong suốt thời gian qua.
Điều này đã dấy lên hàng loạt tin đồn về việc "rửa tiền" của nghệ sĩ hài này. Nhiều ý kiến cho rằng Minh Béo đang sử dụng sân khấu kịch và hãng phim để "che mắt thiên hạ" với những hoạt động làm ăn ma quái của mình.
Bản thân Minh Béo khi trả lời báo chí cũng thẳng thắn cho biết lời đồn đoán này không phải không có cơ sở.
Trả lời trên báo Người đưa tin điện tử, Minh Béo cho biết: “Tôi đã tồn tại trong showbiz quá lâu. Những tin đồn đã quá quen thuộc nên không còn cảm thấy sốc. Mỗi khi có tin đồn dù tốt hay xấu liên quan đến mình, tôi đều cảm thấy vui.
Bởi, chỉ khi mọi người còn nhớ, thì những tin đồn ấy mới nhắm vào mình. “Nghi án” Minh Béo rửa tiền lần này cũng vậy.
Tôi chỉ cảm thấy tức cười, bởi mình đâu phải đại gia mà lại xuất hiện thông tin như thế. Mà, nếu tôi rửa tiền cho từ thiện thì cũng là điều hay đấy chứ.
Tôi không muốn giải thích nhiều, cứ để thời gian trả lời, đến một ngày nào đó, mọi người sẽ hiểu thực hư thế nào”.
Tuy nhiên, từ việc bù lỗ liên tục và kiên quyết không từ bỏ sân khấu kịch của Minh Béo có thể thấy được tiềm lực kinh tế khá vững chắc của nghệ sĩ hài này.


Một số hình ảnh về sân khấu kịch của Minh Béo (ảnh: internet)
Ông chủ của căn biệt thự đắt tiền
Năm 2013, Minh Béo chia sẻ trên báo chí những hình ảnh về căn biệt thự của mình ở khu Nhà Bè, cách trung tâm TP.Hồ Chí Minh khoảng 30 phút lái xe.
Căn biệt thự của Minh Béo nằm trên một mảnh đất vô cùng rộng rãi, thoáng đãng. Anh tâm sự rằng mình quyết định chọn miếng đất hoành tráng như vậy để ở cho "đã".
Cũng giống như thân hình to lớn của mình, từ ngoại thất đến nội thất căn biệt thự của Minh Béo đều rất to lớn, hoành tráng.
Bên trong ngôi nhà được trưng bày nhiều vật trang trí từ đồng hồ cổ, đầu bò tót và nhất là bộ bàn ghế gỗ có kiểu dáng lạ. Được biết, giá trị của những món đồ trong căn nhà của Minh Béo không hề nhỏ.
Khoảng cách từ ngoài cổng đến cửa chính ngôi nhà của Minh Béo gần 20m. Bên trái có một chòi đón khách có quầy bar mini.
Khu vực uống trà ngoài trời nằm trong ngôi nhà của Minh Béo
Phía ngoài căn biệt thự hoành tráng của Minh Béo
Nội thất trong ngôi nhà gồm rất nhiều món đồ gỗ có giá trị lớn.

Theo Trí Thức Trẻ 

Tưởng Niệm Tướng Trần Văn Hai

Bài đọc suy gẫm: "Tôi tin mình đã làm đúng", câu tâm sự với binh sĩ của Tướng Trần Văn Hai, một vị tướng thanh liêm, trong sạch của QL-VNCH. Người sau này đã tuẫn tiết trong ngày 30-04-1975 để giữ vẹn lòng trung với đất nước. Nhân tháng tư đen, những ngày quốc hận lại về. Blog 16 thân mời quý độc giả theo dõi những thăng trầm của ông qua bài viết "Tưởng niệm Tướng Trần Văn Hai", tác giả Người Lính Già.


"Tôi tin mình đã làm đúng"
 
Tưởng Niệm Tướng Trần Văn Hai

Người Lính GiàSourcehttp://muoisau.blogspot.caPosted on: 2016-03-31
Ngày 30 tháng 4 năm 1975, sau khi ông Dương Văn Minh ra lệnh cho quân đội buông súng dâng miền Nam cho tập đoàn Cộng Sản Bắc Việt làm tiêu tan nền tảng hợp pháp hóa sự xâm lăng của chúng thì một số quân nhân các cấp không chấp nhận đã tiếp tục chiến đấu đến hơi thở cuối cùng hoặc tự sát. Trong số các anh hùng đó, có các danh Tướng Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Phạm Văn Phú, Lê Nguyên Vỹ, Chuẩn Tướng Trần Văn Hai*, Tư Lệnh Sư Đoàn 7 Bộ Binh, nguyên Chỉ Huy Trưởng Biệt Động Quân.
Với mục đích góp thêm vài nét chấm phá rất thực để tưởng niệm một người quân nhân thuần túy bất khuất, coi quyền lực như không có và đôi khi gần như ngạo mạn, không tham sân si và cả cuộc đời chỉ nhằm đóng góp nỗ lục cho Đất Nước...
Phải thẳng thắn nhìn nhận là ít ai để ý và biết tới tân Thiếu Úy Trần Văn Hai tốt nghiệp Khóa 7 trường Võ Bị Đà Lạt tình nguyện ra chiến đấu tại chiến trường Bắc Việt năm 1952 bổ nhiệm về phục vụ Tiểu Đoàn 4 Việt Nam (Thiếu Tá Đặng Văn Sơn Tiểu Đoàn Trưởng, sau này là Đại Tá Tư Lệnh Sư Đoàn 2, rồi Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Biệt Động Quân (BĐQ) Dục Mỹ). Sau khi đất nước bị chia đôi và người Pháp lần lượt trao trả quyền quản trị, điều khiển các quân khu lại cho Quân Đội Quốc Gia Việt Nam (đặc biệt là Quân Khu 4 trên cao nguyên từ trước vẫn hoàn toàn do các sĩ quan Pháp nắm giữ) và do một cơ duyên nào đó ông Hai gặp Đại Úy Đặng Hữu Hồng là một chuyên viên tình báo mới được bổ nhiệm lên cao nguyên làm Trưởng Phòng 2 Quân Khu 4 đã nhận thấy ông Hai rất có thiện chí với nhiều khả năng về tình báo nên đã đề nghị rút về phụ trách ban binh địa của Phòng 2 Quân Khu, sau đó vinh thăng Đại Úy đi làm Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 81 địa phương đồn trú tại Phan Thiết rồi về làm Đại Đội Trưởng chỉ huy công vụ Trung Đoàn 44 thuộc Sư Đoàn 23 Bộ Binh. Năm 1961, sau khi tốt nghiệp khóa bộ binh cao cấp tại Hoa Kỳ thì Đại Úy Trần Văn Hai đã trở nên quen thuộc và được nhiều người biết đến trong tình thân thương cũng có mà thù ghét cũng không phải là ít. Khi Trung Tâm Huấn Luyện Biệt Động Quân Dục Mỹ được thành lập để huấn luyện các đơn vị Biệt Động Quân cũnh như rừng núi sình lầy, mưu sinh thoát hiểm cho sĩ quan, hạ sĩ quan của các đơn vị và sinh viên sĩ quan của trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt. Đại Úy Hai là một trong số những huấn luyện viên tận tụy làm viếc hết mình theo đúng quan niệm: Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu, và mồ hôi của ông luôn luôn ướt sũng bộ đồ tác chiến như mọi người đã nhìn thấy.
Năm 1964, Đại Úy Trần Văn Hai được vinh thăng Thiếu Tá sau khi mang lon Đại Úy liên tiếp 9 năm và được bổ nhiệm làm Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Phú Yên và cũng chính từ ở chức vụ này ông đã có dịp bộc lộ các cá tính và con người thực. Dưới đây là phần trích dẫn bài của Lôi Tam viết lại cuộc đối thoại của một nhóm quân nhân và công chức trẻ mà chính anh là một:
- Tụi bây bỏ hết công việc ra đây mai mốt anh Mũ Nâu lại gọi vào chửi cho cả đám.
Anh Mũ Nâu là biệt danh chúng tôi dùng để gọi Trung Tá Hai Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng vốn xuất thân là Biệt Động Quân.
- Ối ăn nhằm gì, chửi bới là nghề của anh ấy, không có chuyện cho anh ấy chửi, anh ấy bệnh ngay. Dưới mắt anh ấy cả nước này chỉ có mình anh ấy là khá, kỳ dư còn lại là lũ ăn hại, đái nát...
- Tụi bây chửi anh ấy cũng tội nghiệp, phải công nhận là anh ấy có thiện chí. Nếu nước mình mà có vài mươi mạng như anh ấy thì cũng đỡ khổ.
- Đỡ qúa chứ cũng đỡ gì...chỉ riêng cái việc anh ấy không ăn bẩn là tao sợ anh ấy rồi...
Chúng tôi kính phục Trung Tá Hai vì sự trong sạch, thái độ ngay thẳng và lòng yêu mến dân chúng thật tình của ông. Trong thời gian phục vụ dưới quyền ông, chúng tôi phải làm việc gấp hai ba lần hơn khi làm việc với các ông Tỉnh Trưởng khác nhưng cũng là thời gian mà chúng tôi thích thú nhất...
...Ông không bao giờ cười, họa hoằn lắm mới có một cái nhếch mép nhưng lại có máu khôi hài lạnh. Tôi nhớ sau cuộc hành quân tại Vũng Rô, một phái đoàn Tướng Tá Việt Mỹ đến Phú Yên tham dự cuộc thuyết trình về thành quả. Trong khi ông Hai đang thuyết trình về tổn thất địch thì một ông Đại Tá Mỹ đứng dậy đặt câu hỏi là trong số thương vong của địch có bao nhiêu phần trăm do hỏa lực bộ binh?
Trung Tá Hai không trả lời ngày, ông có vẻ suy nghĩ, một lát sau ông nói:
- Tôi rất tiếc không thể trả lời câu hỏi của Đại Tá lúc này được.
Mọi người có vẻ ngạc nhiên, viên Đại Tá Mỹ cau mày hỏi:
- Tại sao vậy Trung Tá?
Ông Hai hơi nhếch mép, tôi biết ông đang cố gắng nén cái cười ngạo mạn.
- Tại vì tôi chưa kịp viết thư cho viên Tướng Cộng Sản ở vùng này. Lẽ ra tôi phải viết thư trước và yêu cầu hắn chỉ thị cho binh sĩ của hắn khi bị sát hại bằng hỏa lực phi pháo thì phải nằm riêng ra một chỗ và khi bị bộ binh bắn chết thì phải nằm riêng ra một chỗ để chúng ta dễ đếm và thống kê, lần này thì chịu, theo nhận định của Bộ Chỉ Huy hỗn hợp thì đầy là một cuộc hành quân phối hợp hoàn hảo của Hải, Lục, Không Quân, thương vong của địch rải rác lẫn lộn, tình thế cũng không cho phép binh sĩ của ta ở lại lâu tại vị trí giao tranh để làm thống kê tỉ mỉ, vì vậy tôi không thể trả lời được câu hỏi của Đại Tá.
Trung Tá Hai có thể nén cười được, nhưng chúng tôi thì không...
Trung Tá Hai rời chức vụ Tỉnh Trưởng vì một chuyện rất nhỏ** ...Ông Tướng Tư Lệnh Vùng đang say mê một cô ca sĩ; biết rõ như thế nên một số các ông Tỉnh Trưởng trong vùng thi nhau làm vui lòng ông mỗi khi cô ca sĩ này đến trình diễn tại địa phương.
Ông Hai không cần biết điều này và ông cũng không cần tìm biết làm gì vì bản chất của ông: thanh liêm, chính trực. Sau một lần không làm vừ lòng Tướng Tư Lệnh về những chuyện công vụ, một tháng sau ông Hai bị thay thế, chúng tôi tiễn ông ra máy bay trực thăng... và hành trang của ông là một túi vải nhỏ, loại mà các phi công thường sử dụng mỗi khi đi bay...
- Tôi cám ơn các anh chị đã tận tình làm việc với tôi trong những tháng vừa qua,có thể người ta cho rằng mình là những đứa dại, chỉ biết làm việc mà không biết đục khoét. Nhưng tôi tin là mình đã làm đúng...
Thảo luận với ông về những khó khăn trở ngại ông thường nói: Tôi biết, tôi biết, tôi đã di qua chiếc cầu đó rồi, đừng nản, sớm muộn gì đất nước mình cũng có ngày sáng sủa...
...Ông về làm Chỉ Huy Trưởng BĐQ vinh thăng Đại Tá...Sau Tết Mậu Thân được bổ nhiệm vào chức vụ Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia, vinh thăng Chuẩn Tướng, Tư Lệnh Biệt Khu 44, Tư Lệnh Phó Quân Đoàn 2, Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Lam Sơn kiêm Huấn Khu Dục Mỹ và cuối cùng là Tư Lệnh Sư Đoàn 7 Bộ Binh.
Khi ông vừa rời Phú Yên về trình diện Bộ Quốc Phòng thì cũng đúng lúc chức Chỉ Huy Trưởng Biệt Động Quân đang trống và ông Hai được bổ nhiệm điều khuyết để trở lại nơi ông đã xuất thân với những tình cảm thân thương.
Vừa nhận chức với buổi họp tham mưu đầu tiên tại Bộ Chỉ Huy, ông đã giành tối đa thời giờ để lên lớp đúng theo danh từ mà Lôi Tam dùng để diễn tả các chỉ thị Tham Mưu chính yếu nhằm quét dọn rác rưới trong việc điều hành, thuyên chuyển nhân viên, sử dụng quỹ xã hội cách rất đúng đắn và những ngày sau đó đi thăm viếng các đơn vị, đặc biệt là những đơn vị trú đóng những căn cứ hẻo lánh, các trại gia binh và các thương bệnh binh đang nằm điều trị tại các quân y viện.
Quyết định đầu tiên của ông là xuất quỹ xã hội trao tặng cho mỗ đơn vị 5000 dồng để tổ chức cây mùa xuân, ông quan niệm đây là tiền của anh em đóng vào thì họ phải được hưởng, và hơn nữa ông là một người trong sạch nên ông coi giá trị đồng tiền khá cao, tại mỗi đơn vị ông giơ cao bao thơ đựng tiền lập đi lập lại nhiều lần khiến mọi người phải cười thầm.
Đặc điểm của ông là luôn luôn lắng nghe và ghi nhận những khó khăn của các đơn vị trưởng và dù với cấp bậc khiêm nhượng ông không ngần ngại đến gõ cửa chính các vị Tư Lệnh vùng để trực tiếp can thiệp giải quyết vấn đề chứ không qua các vị Tham Mưu Trưởng. — đâu có đụng chạm, có khó khăn là có sự hiện diện của ông và đặc biệt là nhiều khi mùi khét của thuốc súng giao tranh chưa tan ông cũng không ngần ngại đáp trực thăng xuống để cùng chia sẻ ngay tại chỗ với đơn vị và đặc biệt với các cấp chỉ huy về những nỗi khó khăn gặp phải mặc dù đó không phải là nhiệm vụ chính yếu được ấn định cho chức vụ Chỉ Huy Trưởng binh chủng của ông là quản trị.
Trong cuộc Tổng Công Kích Tết Mậu Thân, chính ông đã trực tiếp điều khiển các Liên Đoàn BĐQ hành quân giải tỏa vùng ven đô gây tổn thất nặng nề cho địch quân cũng như giảm thiểu thiệt hại cho dân chúng.
Đại tá Trần Văn Hai đang điều binh từ một góc phố trong Chợ Lớn trong trận Mậu Thân 1968.
Khi được bổ nhiệm làm Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia (CSQG), ông có đem theo một số sĩ quan và hạ sĩ quan để cùng tiếp tay với ông điều hành công vụ và ông đã tỏ ra rất cứng rắn đối với những người này. Trường hợp Đại Úy La Thành H. cùng quê và được ông coi như một người em đỡ đầu được bổ nhiệm làm Trưởng Ty Cảnh Sát Quận 10 nhưng có những hành động lợi dụng chức vụ, tức khắc bị ông áp dụng biện pháp trừng phạt và trả về quân đội, trong đó có luôn cả chánh văn phòng của ông.
Khi một đại diện của Giám Sát Viện phàn nàn với ông về những bê bối trong ngành Cảnh Sát, ông trầm ngâm trả lời: Tôi biết, nhưng vấn đền không thể giải quyết một sớm một chiều mà phải kiên nhẫn tìm ra những đầu mối, những tương quan thế lực chằng chịt thì mới ngăn chận được. Từ ngày về đây tôi đã gặp khá nhiếu khó khăn, mình như người vác chiếc thang dài đi trong căn nhà hẹp, bốn bề đều đụng chạm. Không ai muốn mình làm những điều mình thấy cần phải làm.
Tướng Hai là một quân nhân thuần túy, không biết hay nói cho đúng hơn là không bao giờ chịu luồn cúi. Khi mới nhận chức Chỉ Huy Trưởng/BĐQ và lúc đó uy quyền của Tân Sơn Nhất hay nói đúng hơn là Tướng Kỳ đang ở thế thượng phong nên có người đặt vấn đề là nếu ông muốn vững tiến thì cần phải tìm cách móc nối để lọt vào vòng ảnh hưởng, nhưng ông làm ngơ. Với ông, bè phái là một từ ngữ xa lạ.
Theo tiết lộ của cụ Trần Văn Hương khi cụ được chỉ định làm Thủ Tướng thay thế Luật Sư Lộc, cụ đề nghị với Tổng Thống bổ nhiệm một tướng lãnh có khả năng chỉ huy chiến trường là Trung Tướng Đỗ Cao Trí làm Tư Lệnh Quân Đoàn 3 và Đại Tá Trần Văn Hai, một sĩ quan trong sạch làm Tổng Giám Đốc Cảnh Sát. Nhưng có lẽ đó cũng là một sự trùng hợp ngẫu nhiên nằm trong kế hoạch loại bỏ ảnh hưởng của ông Kỳ.
Khi vừa nhận chức được ít lâu thì ông Bộ Trưởng Nội Vụ muốn đưa đàn em về coi Cảnh Sát Tư Pháp nên yêu cầu ông Hai cất chức Phụ Tá Tư Pháp là Luật Sư Đinh Thành Châu, nhưng ông Hai thẳng thắn trả lời: Nếu ông Bộ Trưởng muốn thay xin cứ ban hành nghị định, tôi sẽ thi hành nhưng tôi không thấy LS Châu có lỗi lầm gì hết. Để dằn mặt và trả dũa về sự cứng đầu của ông, phụ phí cho Cảnh Sát đã bị cắt giảm quá một nửa, ông biết như vậy sẽ gặp rất nhiều trở ngại cho sự thi hành nhiệm vụ nhưng vẫn làm những gì mà lương tâm ông nghĩ và coi đó là lẽ phải.
Với thời gian hơn một năm làm TGĐ, ông Hai chỉ đến gặp Tổng Thống, Phó Tổng Thống và Thủ Tướng khi có lệnh hoặc vì công vụ phải đích thân trình bày, ngoài ra không bao giờ mon men cầu cạnh và chưa bao giờ người ta thấy ông mặc thường phục đi xe hơi mang số ẩn tế hoặc công xa lộng lẫy với xe hộ tống võ trang cùng mình chạy trước, chạy sau dẹp đường mà chỉ sử dụng chiếc xe jeep cũ của BĐQ mang theo với vài người cận vệ ngồi phía sau. Người ta cũng không mấy ngạc nhiên khi thấy ông bị thay thế trở về Quân Đội vì cụ Hương đã rời phủ Thủ Tướng và hơn thế nữa, các thế lực sẽ không thể chi phối các hoạt động của Cảnh Sát nếu còn để ông tiếp tục nắm giữ quyền điều khiển cơ quan này.
Mùa hè đỏ lửa 72, Cộng quân đẩy mạnh các nỗ lực tấn công có tính cách trận điạ chiến cắt đứt các trục giao thông chiến lược, đặc biệt là đoạn Quốc Lộ 14 nối liền hai thị xã Kontum Pleiku và Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn 2 Quân Khu 2 cũng vừa mới nhận chức muốn chứng tỏ khả năng chỉ huy của ông cũng như tạo một tiếng vang nên ra lệnh cho lực lượng BĐQ phải hành quân giải tỏa đoạn Quốc Lộ nêu trên với sư tăng cường của một Chi Đoàn Thiết Kỵ giao tiếp với một thành phần của Sư Đoàn 23 nhưng liên tiếp bị chận đánh không tiến lên được như ý muốn của ông nên trong một buổi họp tham Mưu, Tướng Tư Lệnh*** đã trút giận dữ cho là BĐQ không chịu đánh, ra lệnh thay thế các cấp chỉ huy liên hệ bằng những sĩ quan khác đồng thời còn hướng về Tướng Hai lúc này đã được bổ nhiệm làm Tư Lệnh Phó Quân Đoàn và nói: Biệt Động Quân của anh đó. Bị miệt thị và nhất là tự ái binh chủng của ông nên ông đã thẳng thắn đáp lễ là ông sẽ đứng ra trực tiếp điều khiển cuộc hành quân và ngay sau chấm dứt ông sẽ rời khỏi Quân Đoàn 2 vì ông không thể cộng tác với một ông Tư Lệnh làm việc tùy hứng...Hai ngày sau đó lực lượng Biệt Động Quân giao tiếp được thành phần tiếp đón từ Kontum tiến ra, Tướng Tư Lệnh đã bay tới nơi với một phái đoàn báo chí để ngợi khen cái bắt tay có tính quyết định này. Tuy nhiên, để giữ lời hứa, Tướng Hai yêu cầu được rời Quân Đoàn 2, sau đó về làm Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Lam Sơn kiêm Huấn Khu Dục Mỹ, nơi mà trước đây ông đã phục vụ với tính cách một huấn luyện viên nhỏ bé; nhưng ông chưa ngồi ở chức vụ này được bao lâu thì Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam được bổ nhiệm làm Tư Lệnh Quân Đoàn 4 nên ông Hai được bổ nhiệm thay thế Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam trong chức vụ Tư Lệnh Sư Đoàn 7, một đại đơn vị nổi danh với những vị Tư Lệnh tiền nhiệm yêu nước, trong sạch gồm cố Trung Tướng Nguyền Viết Thanh và Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam. Một đơn vị đã hoạt động một cách hữu hiệu trong nhiệm vụ chận đứng sự xâm nhập của các đơn vị Cộng quân trong mưu toan cắt đứt đường liên lạc tiếp tế từ miền Tây về thủ đô và đó cũng là đơn vị đã chứng kiến hành động khí phách phi thường nhất của ông với niềm tin sắt đá sớm muộn gì đất nước mình rồi sẽ có ngày sáng sủa.
Cùng các Tướng Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Lê Nguyên Vỹ, Phạm Văn Phú, Tướng Hai đã ghi đậm một nét son cho trang cuối của quân sử Việt Nam Cộng Hòa.
Nhân ngày quân lực, xin đốt nén nhang cho những tang trung liệt, những người đời đời là nỗi tiếc thương và niềm hãnh diện cho Quân Dân Miền Nam, cho mọi thế hệ, cho mọi thời đại của giòng sử đấu tranh Việt.
Người Lính Già - Đa Hiệu 52
Chú thích:
* Sinh năm 1929, Cần Thơ, tốt nghiệp khoá 7 Trường Võ Bị Liên Quân, Đà Lạt. Ông nguyên là Tư Lệnh Sư Đoàn 7/BB thuộc QĐIV/ QKIV từ ngày 1-3-1974. Trước đó ông cũng từng đảm trách các chức vụ như Tỉnh Trưởng tỉnh Phú Yên (năm 1965), Chỉ Huy Trưởng Bộ Chỉ Huy Biệt Động Quân Trung Ương (năm 1967), Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia (năm 1968), Chỉ Huy Trưởng Trung tâm Huấn Luyện Lam Sơn kiêm Chỉ Huy Trưởng Huấn Khu Dục Mỹ (năm 1971), Tư Lệnh Phó QĐII/ QKII và kiêm nhiệm Chỉ Huy Trưởng Bộ Chỉ Huy Hành Quân Chiến Thuật QĐII/QKII (năm 1972).
Trong ngày 30-4-1975, khoảng 17:00 giờ tại Bộ Tư Lệnh SĐ7/BB ở Mỹ Tho, chuẩn tướng Trần văn hai đã uống thuốc độc ngay trong văn phòng của mình. Vị sĩ quan tuỳ viên sau khi phát giác chủ tướng của mình đã quyên sinh, đã đưa ông qua Tiểu đoàn 7 Quân Y mong cứu được ông, nhưng mọi nổ lực đều quá muộn. Buổi chiều trong ngày, trước khi uống thuốc độc chuẩn tướng Trần văn Hai trao cho vị sĩ quan tuỳ viên số tiền 70.000 đồng nhờ đưa cho người mẹ già của mình. Đây cũng là tháng lương cuối cùng của một người lính suốt đời liêm chính.
** Đầu năm 1966, phu nhơn của Thiếu tướng Vĩnh Lộc, Tư lệnh Quân Đoàn II và Quân khu 2 là nữ ca sĩ Minh Hiếu tới Phú Yên có việc riêng và lệnh của tướng Vĩnh Lộc là phải đón tiếp chu đáo. Thiếu tá Hai lúc đó đã được thăng cấp Trung tá, quyết định dùng tiền riêng thuê xe dân sự đưa đón thay vì dùng công xa. Vì chuyện này mà Trung tá Hai mất chức tỉnh trưởng với lý do 'không hoàn tất chu đáo nhiệm vụ'. Theo BĐQ.com
*** Tức Thiếu Tướng Nguyễn Văn Toàn, tư lệnh quân đoàn 2, quân khu 2. Theo BĐQ.com
---------
Powered By Blogger