Tuesday, April 30, 2013

Tranh Babui. - Khi bọn tư bản đỏ rửa vàng.

Khi bọn tư bản đỏ rửa vàng. Tranh Babui.

Cải chánh quy tà

hoangduyhungNước nào bị hiểm họa Cộng Sản, nước đó dân nghèo, nước hèn. Việt Nam sau 1985 đã “đổi mới” chạy theo tư bản, thế nhưng gần ba chục năm, coi bộ cũng không khá. Năm nào các cha (linh mục) cũng ra hải ngoại,  xin tiền về chữa bịnh cho trẻ em nghèo, trên TV lời năn nỉ “chỉ cần 2 dollars, gởi về VN, quý vị có thể cứu đói, giúp cho cho các cụ già ăn được một tuần” vv…
Đã có lắm chuyện thương tâm, như: Người mẹ Nguyễn Thị Mỹ Nhân, mới 48 tuổi, chấp nhận lấy cái chết, hy sinh để con cái mình được ăn học, (bài của Huỳnh Khánh Vy). Hay các cháu nhỏ ở bản Là Si ” thường vang lên những tiếng khóc não nề của trẻ nhỏ. Thiếu uý Nhâm giải thích bọn trẻ đói quá nên quấy khóc đấy! Còn thầy Sừng Phì Che thì nói: “Trẻ em ở đây có cháo loãng ăn là tốt lắm rồi. Gạo đấy là Nhà nước cứu đói, hết gạo thì ăn sắn nương. Hết sắn, có những đứa trẻ mới 6 tuổi đã phải cầm cuốc, thuổng vào rừng đào củ nâu, củ mài về nướng. Tìm không thấy củ nâu, củ mài thì ăn thân cây, dễ cây rừng, miễn sao có cái bỏ bụng để sống“. (Nông Nghiệp Việt Nam)
Cảnh dân nghèo lầm than, sau gần 40 năm “hòa bình thống nhất” muôn trùng, lớp lớp.
Hèn: Mấy ngày gần đây CSVN không biết nhục, đăng nhan nhản những bài ca ngợi:”Bộ đội giải phóng Hoàng Trường Sa” do lính “ngụy” chiếm đóng! đảng CSVN, toàn dân VN, kể cả thế giới đều biết, Hoàng Trường Sa thuộc “ngụy” chiếm đóng, suốt từ 1954 – 1975 chưa hề có bất cứ quân thù nào, dám bắt bớ, rượt đuổi ngư dân, chưa khi nào dám tịch thu tàu thuyền bắt phải chuộc, suốt hai mươi mốt năm “ngụy” trấn giữ, chưa hề có một ngư dân nào bị Trung Cộng bợp tai đá đít, bị đánh đập. Sau khi “giải phóng” ngư dân bị chà đạp bằng những hình thức nói trên, dẫn đến sạt nghiệp, đảng CS cúi đầu muối mặt, mặc cho Tàu Cộng hoành hành biển Đông.
Nước hèn, dân mạt. Nhưng đảng CSVN rất “anh hùng ” đối với dân, muốn tịch thu đất, ruộng, nghĩa trang, không ai dám chống lại, những cuộc biểu tình chống quân Tàu Cộng xâm lược, đảng ra sức triệt hạ. Đảng lại rất giàu có, giàu trên cả đại gia, giàu từ cá nhân tới qũy đen của đảng. Vì thế nhiều lúc tình thế đe dọa sự sống còn, đảng bỏ tiền mua vài cái miệng cu mồi ở hải ngoại, đem về trong nước gáy cho nó lạ tai, cái miệng của Hoàng Duy Hùng:
Khỏi cần lặp lại những lời ton hót, bợ đỡ của Hoàng Duy Hùng, cũng không cần nhìn lại hình ảnh HDH bá vai, chầu rìa những quan chức CS, vì đó là những tiếng cu mồi, đã lạc và khàn giọng, HDH mang về quê vài hào quang của bản thân như: Luật Sư, Nghị Viên, và “nhà chống cộng”
Luật Sư: HDH mở văn phòng, bị vì qúa “yêu nước” anh ta đi cà nghêu, cà ngỗng, khi thì kêu gọi góp tiền cho anh đặt bôm, bôm đặt không được, anh trả tiền lại, khi thì anh đã phá Việt Tân kịch liệt, lúc khác anh lại ngợi ca Việt Tân, do đó văn phòng LS ế ẩm, khách thuộc diện vãng lai, chủ yếu đến “thăm quan” chơi, chứ ủy thác cho anh một vụ kiện, hình như hiếm lắm.
Nghị Viên: Ở thị trấn Clarkston, tiểu bang Georgia, có anh bạn đồng hương NĐH, anh ta hiền lành, làm nghề bán bảo hiểm, công việc tương đối rảnh, anh ra ứng cử Nghị Viên, đậu với số phiếu 144 cử tri tín nhiệm, làm tôi liên tưởng tới mấy anh Thượng thiểu số: Đinh Ro, Đinh Rủi ở quê tôi: Tý Sé, Dùi Chiêng, Hiên Giằng, cũng đắc cử hội đồng nhân dân xã, nhưng phiếu tín nhiệm cao hơn cả mấy chục ngàn lận, Nghị Viên HDH chắc cũng “xêm xêm” Đinh Ro, Đinh Rủi, chớ gì!? Giá như HDH có quy tà theo đảng, như theo voi ăn bã mía, thì còn khuya dân ở “khu vực F” mới chịu theo Việt Cộng, về danh xưng Chủ tịch Cộng Đồng người Việt Quốc gia Houston và Phụ cận, tôi tin rằng, một là ông đã hết nhiệm kỳ, hoặc là đồng hương sẽ khai trừ ông nay mai, nếu đương nhiệm.
Nhà chống Cộng HDH với tổ chức gọi là “Phong trào quốc dân Việt Nam hành động”, thực chất chỉ là cái thây thối, trong thời kỳ qúa độ phân hủy, tại Georgia, HDH bắt cậu vợ làm trưởng cơ sở, từ năm 1999 đến nay, không hề có thêm một thành viên, HDH nói tổ chức đại hội để lấy ý kiến, từ bỏ con đường chống cộng, quay qua đối thoại là bịa đặt, bịa trắng trợn, vô liêm si.
HDH còn một chức danh rất to lớn và rất danh dự, bản thân anh quên, nhưng tôi nhớ, nhắc để chuyến về lần sau, anh khai luôn cho nó oai, đó là chức:
Chủ tịch hội Văn Bút, tiểu bang Georgia.
Năm 2000, tôi (người viết bài này) phục vụ trong BCH hội đồng hương Quảng Nam, chúng tôi đến thăm gia đình một đồng hương, có người thân đau nặng. Khi bước vào nhà, thấy đã đông khách, mới đầu tưởng anh em thăm bịnh như mình, sau chừng hai chục phút, mới hay rằng cả thảy bảy người, ngồi quanh một bàn tròn, đang họp để thành lập hội Văn Bút Georgia! Trong bảy người, có Hoàng Duy Hùng, có ông chủ nhà chúng tôi đến thăm, và năm người khác. Ngoại trừ hai người trong đám “văn bút,” có làm lạch quạch vài bài thơ, còn lại chưa hề viết lách, cũng có khi chưa đọc văn, thơ không chừng! Hội Văn Bút Georgia ra đời trong hoàng cảnh này, và HDH cũng được “bầu” làm chủ tịch HVBGA từ đó, suốt 13 năm trời hội chưa hề hoạt động, HDH trên danh nghĩa vẫn là chủ tịch hội VBGA! Đúng là một tổ chức, có cũng như không, không cũng như có, như một lũ ma xó. Một tuần sau bà vợ ông chủ nhà qua đời, chúng tôi tới phúng điếu. Lúc tiếp khách, ông ta nhắc lại sự kiện ra đời HVBGA, với chủ tịch HDH, tôi nói chú không nên như vậy, vì chú và nhiều người trong hội Văn Bút chưa hề viết lách, HDH từ Texas tới đây làm chủ tịch là điều trái nghịch, người có lý trí không ai làm như vậy, ông chủ nhà, chủ tang lễ chống chế: Tôi thương HDH, người có tâm chống Cộng và muốn giúp nó, tôi tiếp: Giúp chống Cộng, đồng ý, nhưng cần phải danh chính, ngôn thuận, tổ chức của chú mà ra đời, đồng hương sẽ cho là “ruồi bu cu ngựa”, chú để đó mà xem, hơn nữa HDH là loại người hữu thủy vô chung, theo tổ chức nào rồi cũng quay qua đánh phá chính tổ chức đó. HDH chỉ là một tên hám danh vô tích sự, HVBGA đã chết chưa kịp khai sinh, nhưng HDH vẫn là chủ tịch từ năm 2000 đến năm 4013! (bốn ngàn không trăm mười ba).
Tôi đã đọc bài: Ông Hoàng Duy Hùng dùng lập luận để chối bỏ vai trò là tuyên truyền viên cộng sản!  Của tác giả Thất Lĩnh, đăng trên DLB, tôi rất thán phục lối lập luận vững chắc và trong sáng của tác giả, điều mừng nhất là “Thất Lĩnh gọi HDH bằng chú” chứng tỏ thế hệ trẻ đầy chính khí, hào hùng, rất trưởng thành trong chính trị, đất nước có được mùa xuân hay không, hoàn toàn trông cậy nơi các bạn.
Từ bao thập kỷ qua, người dân Việt đã chịu qúa nhiều khổ đau, dưới hiểm họa Cộng Sản, gần đây những diễn tiến trong nước, cho chúng ta nhiều hy vọng xích xiềng đỏ sắp được bứt tung, hay ít ra bọn CSVN đã đến lúc vào ngõ cụt, đường cùng, HDH một con người từng đi con đường sáng đấu tranh cho: Tự Do – Dân Chủ – Nhân Quyền, cho quê hương, từ con đường sáng chính nghĩa, anh đã quy tà theo ton hót đám tạo ra tai ách cho lương dân. Biết rằng tiếng hót của con cu mồi, có tên Hoàng Duy Hùng, không mồi chài được ai, không vì thế mà củng cố được niềm tin của đồng bào với chính quyền, đảng CSVN, bởi niềm tin đã xoạc như đê vỡ.
Đảng CSVN qúa “đói” cu mồi mới tìm đến HDH. Công cuộc đấu tranh, giải thể một chế độ độc tài, phải dài lâu, có khi phải đi từ thế hệ này tới thế hệ khác, còn độc tài còn tranh đấu. Đường tranh đấu phải gian khổ, có khi rã rời chán chường, nhưng không bao giờ vì thế uốn lưỡi nói láo, nói ngược như Hoàng Duy Hùng, một trăm, hay một ngàn con cu mồi chẳng hại được ai, song sống trên đời làm kẻ phản phúc, chỉ rước lấy sự khinh bỉ. Trong chúng ta, ai cũng biết mẹ Vương Lăng, mẹ Từ Thứ (VL qua bài thơ của Vua Lê Thánh Tông). Biết để tự răn mình, gìn giữ nề nếp nhân cách một con người có giáo dục gia đình. Trên xứ Mỹ HDH được hưởng một nên giáo dục tốt về mặt chuyên nghiệp, (Luật Sư) song bị khiếm khuyết mặt giáo dục gia đình, nên mới phản trắc như ngày hôm nay.
Có những con người, nhưng hiện thân loài bồ câu, thích chạy theo thóc gạo. Chúng ta viết về những thói hư, tật xấu của người khác (HDH) để tự răn mình, cùng anh em nguyện đi trọn vẹn trên đường: Vì dân tộc dấn thân.
(Đây là bài Cải chánh quy tà 2, bài 1 đã viết khi có 1 người về hùa với VC, nay ông ta đã mãn phần).
© Ông Bút
© Đàn Chim Việt

30 Tháng Tư, lo trước về tương lai

DemocracyChúng ta không thể tránh được, cứ đến ngày 30 Tháng Tư mỗi năm lại chợt nhớ về quá khứ. Niềm tưởng nhớ thường có trong một ngày giỗ. Mà đúng hôm nay là một ngày giỗ. Ngoài những vị tướng chỉ huy tử tiết, như Tướng Phạm Văn Phú, Tướng Nguyễn Khoa Nam, Tướng Trần Văn Hai, Tướng Lê Văn Hưng, Ðại Tá Hồ Ngọc Cẩn, còn biết bao nhiêu các binh sĩ, sĩ quan khác cũng đã chết để bày tỏ khí tiết trong cùng một ngày. Có vị sĩ quan cảnh sát chọn công viên Lam Sơn làm nơi thể hiện lời nguyền chết vinh hơn sống nhục. Nhiều vị sĩ quan, công chức, đã về nhà, cùng chết với gia đình. Chúng ta hướng về tất cả những anh hùng liệt sĩ đó trong ngày giỗ tập thể hôm nay.
Và nhiều chiến sĩ vô danh khác nữa. Trong ngày 30 Tháng Tư năm 1975 có nhiều nhóm quân nhân (Nhảy Dù, Bộ Binh, Thủy Quân Lục Chiến, vân vân) đã quyết định cùng chết với nhau. Họ đứng khoác vai nhau, tự sát bằng những trái lựu đạn. Họ đã lựa chọn cùng nhau thể hiện tình “đồng sinh đồng tử, huynh đệ chi binh” một lần cuối cùng, trước khi tan hàng vĩnh viễn.
Chúng ta biết những chiến binh này có thể lựa chọn cách khác. Họ có thể chiếm cứ bất cứ ngôi nhà nào bên đường, lấy đó làm nơi tử thủ. Họ có thể bắn cho hết những viên đạn cuối cùng trước khi bị bên địch hạ sát. Giống như những người lính Nhật sau cùng trong trận Iwo Jima, lấy mạng đổi mạng. Nhưng vào giây phút tuyệt vọng nhất của đời mình, những người chiến binh này vẫn chứng tỏ họ vẫn sống nền đạo lý ngàn năm của dân tộc. Họ không muốn lôi kéo thêm những người lính khác phải chết với mình. Dù vừa mấy giờ phút trước đó, nhìn chỉ thấy đó là quân địch. Vì một tấm lòng từ bi vẫn chảy trong dòng máu Việt, các chiến sĩ này đã thấy: Cha mẹ, vợ con những người lính vô danh bên kia chắc cũng đang ngóng chờ ngày họ sống sót trở về. Nhớ lại những hành động tự sát tập thể trong giây phút tuyệt vọng đó, chúng ta chợt hiểu lời nguyện mà cha ông đã để lại: “Ðem đạo nghĩa để thắng hung tàn; lấy chí nhân mà thay cường bạo” (Nguyễn Trãi, Bình Ngô Ðại Cáo). Chúng ta đều có thể hãnh diện về hành động tự sát của những người lính Việt Nam Cộng Hòa này.
Các thế hệ sau phải làm gì để những người đã chết đều không ai chết uổng? Những con người tuẫn tiết đó đều chết trong khi chiến đấu bảo vệ quyền sống trong tự do dân chủ của người Việt ở miền Nam. Từ năm 1975 đến nay mấy thế hệ vẫn tiếp tục cuộc tranh đấu thiết lập một chế độ dân chủ tự do trên đất nước chúng ta. Chúng ta đang chứng kiến nhiều bạn trẻ còn non nớt hay sinh sau ngày 30 Tháng Tư năm 75, ở trong Nam hay ngoài Bắc, đang dấn thân trên con đường đó. Họ xứng đáng là những người nối dõi khí tiết hào hùng của các tiền nhân. Những người như Tạ Phong Tần, Nguyễn Phương Uyên, Nguyễn Ðắc Kiên, Huỳnh Thục Vy, Trịnh Kim Tiến, Việt Khang, vân vân, bị đánh đập, tù đày, gia đình bị dọa nạt, đàn áp, có bà mẹ đã tự thiêu chết; chỉ vì họ đòi phải cho dân tộc Việt Nam được sống trong tự do dân chủ. Các bạn trẻ này đã thể hiện tinh thần bất khuất của dân tộc; và cũng theo đuổi chí nguyện của những Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Hồ Ngọc Cẩn, và những những tử sĩ hy sinh ngày 30 Tháng Tư năm 1975.
Trong ngày 30 Tháng Tư nhìn lại 38 năm qua, chúng ta vui mừng vì cuộc vận động tranh đấu cho dân chủ tự do ở nước ta hiện ngày càng tiến mạnh hơn và nhanh hơn. Ðảng Cộng Sản đang trên đà tan rã, không thể nào tránh được. Giáo Sư Ðào Văn Dương, một người đã hoạt động cách mạng từ trước năm 1945, thường nói với các học sinh cũ đến thăm cụ: “Các anh chị sẽ thấy, chế độ Cộng Sản sẽ chết trước mình.” Viễn ảnh đó không còn xa xôi nữa. Chế độ Cộng Sản đang trong giờ hấp hối. Cái chết này thực sự bắt đầu từ năm 1975. Ðó là thời điểm mà những thủ đoạn lừa gạt tinh vi nhất của đảng Cộng Sản bắt đầu bị lộ diện; và càng ngày càng đưa họ xuống dốc.
Từ năm 1945, đảng Cộng Sản đã núp dưới chiêu bài dân tộc để lôi cuốn nhân dân. Họ núp dưới danh nghĩa “chống Mỹ cứu nước” để đẩy bao nhiêu thanh niên miền Bắc vào chỗ chết. Trong khi mục tiêu chính của họ là bành trướng một chủ nghĩa, một chế độ chính trị. Công cuộc bành trướng đó do Nga Xô và Trung Cộng lãnh đạo; còn nuôi tham vọng sau khi chiếm được toàn thể Việt Nam rồi sẽ nhuộm đỏ vùng Ðông Nam Á rồi lan khắp Châu Á và thế giới. Ðảng Cộng Sản đưa dân tộc Việt Nam ra hứng bom đạn trong cuộc tranh chấp giữa hai khối tư bản và Cộng Sản. Họ có vẻ hãnh diện về vai trò tiên phong này. Lê Duẩn nói: Ðánh miền Nam là đánh cho Liên Xô, cho Trung Quốc. Năm 1976 Phạm Văn Ðồng tới một hội nghị các nước Á Phi còn dậy chính phủ các nước khác rằng họ chưa thực sự độc lập, chưa thoát khỏi chế độ thực dân. Ông nói: “Chỉ khi nào theo chủ nghĩa xã hội thì mới thực sự độc lập,” khiến các người tham dự rùng mình.
Khi chiến tranh chấm dứt năm 1975 thì đảng Cộng Sản Việt Nam không thể dùng chiêu bài yêu nước như trước nữa. Không thể dùng khẩu hiệu “chống Mỹ” để biện minh cho các chính sách độc đoán và sai lầm làm dân ngày càng nghèo đói. Ðảng Cộng Sản để lộ bộ mặt thật của họ, là một guồng máy chuyên chế, tham nhũng và bất lực trước các vấn đề hiện đại hóa đất nước. Người dân Việt cũng có dịp so sánh hai chế độ ở miền Nam và Bắc, trước năm 1975. Nhiều nhà trí thức miền Bắc nhìn thấy những dấu vết của một xã hội tự do ở miền Nam, mặc dù chưa hoàn hảo nhưng vẫn còn dễ thở hơn ở miền Bắc. Một cậu bé năm đó 13 tuổi ở Thanh Hóa, sau cũng nhận ra khi nói “Giải phóng” thì phải thấy chính miền Nam đã giải phóng miền Bắc! Trước năm 1975 ông Nguyễn Văn Thiệu bảo: “Ðừng nghe những gì Cộng Sản nói…” Sau năm 1975 người đầu tiên nhìn ra lời đó đúng, là ông Trương Như Tảng, một Việt Cộng thứ thiệt. Thấy rồi, ông ta cũng tìm đường vượt biên. Sự sụp đổ của các nước Cộng Sản ở Âu Châu càng giúp người Việt Nam thấy rõ cả chế độ mà Hồ Chí Minh đã gây dựng lên theo kiểu mẫu ông học ở Nga Xô chỉ tàn hại đất nước. Nhưng chưa bao giờ dân Việt Nam chán ngán và thù ghét chế độ Cộng Sản như bây giờ. Ðúng vào lúc chế độ đó đang lúng túng. Không những không biết lần mò ra đường nào để giữ cho đời sống kinh tế của nhân dân phát triển, mà họ còn không biết có cách nào để giải quyết những tranh chấp quyền lợi bên trong với nhau.
Nhưng chúng ta phải lo lắng trước, khi nhìn thấy tình trạng đảng Cộng Sản tan rã. Không thể đứng chờ và chứng kiến, không lo lắng. Những liệt sĩ Phạm Văn Phú, Nguyễn Khoa Nam, Trần Văn Hai, Lê Văn Hưng, Hồ Ngọc Cẩn đã được huấn luyện với khẩu hiệu: “Lúc bình an phải lo trước cơn nguy biến sẽ tới” (cư an, tư nguy). Bây giờ là lúc thể hiện châm ngôn đó.
Chế độ Cộng Sản thế nào cũng tàn tạ. Giống như một trái cây chín rồi, tự nó sẽ rụng. Giới thanh niên, trí thức trong cả nước đang rung cây cho trái rụng càng sớm càng tốt. Ðiều đáng ưu tư của dân tộc bây giờ không còn là lo chấm dứt chế độ tham nhũng bất công đó. Ðiều cần lo ngay tự bây giờ, là sau khi chế độ này tàn thì dân tộc Việt Nam xây dựng lại đất nước ra sao?
Trước hết, làm sao cho tiến trình dân chủ hóa được thực hiện mà không vấp phải những chướng ngại, như đã từng diễn ra ở nhiều nước đã trải qua kinh nghiệm chuyển từ độc tài hay chuyên chế sang chế độ dân chủ? Trong mục này tuần trước, chúng tôi đã trình bày trường hợp Bulgaria, một chế độ Cộng Sản đã “tự đảo chính,” một ngày sau khi bức tường Berlin sụp đổ. Ðảng Cộng Sản đã sửa hiến pháp, chính họ xóa bỏ điều số một (giống như điều bốn trong hiến pháp Việt Nam bây giờ) dành độc quyền cai trị cho đảng. Họ tự đổi tên, tổ chức bầu cử tự do, và thắng cử. Ở Rumania cũng vậy, chính các lãnh tụ Cộng Sản đã giết vợ chồng Nicolae Ceausescu để chạy theo các cuộc cách mạng 1989 ở Ðông Âu. Nhưng họ đã hành động chỉ để cướp lấy ngọn cờ cách mạng, để duy trì cả hệ thống quyền hành và tiếp tục trục lợi.
Thủ đoạn “tiếm danh nghĩa cách mạng” và “tiếm quyền cai trị” đã từng được đảng Cộng Sản Việt Nam sử dụng lành nghề, trong năm 1945. Nhưng đó cũng chỉ là một, trong nhiều mối nguy mà tiến trình dân chủ hóa có thể vướng mắc, cần phải biết để tránh vết xe đổ. Tại một nước đã chuyển từ độc tài quân phiệt sang dân chủ tự do như Chile, tiến trình dân chủ hóa đã bị cản trở trong 15 năm vì ngay từ đầu các nhà tranh đấu dân chủ đã nhượng bộ quá nhiều khi thương thuyết cuộc chuyển giao quyền hành với Tướng Augusto Pinochet. Tại những nước như Nga, Ukraine, tiến trình dân chủ hóa vụng về, để cho một số người tập trung các nguồn lợi kinh tế vào trong tay. Những nhà tư bản độc quyền này đã dùng tiền bạc chi phối và “tiếm vị” thao túng cả guồng máy nhà nước. Ngay tại những nước dân chủ hóa thành công nhất, như Ba Lan và Tiệp Khắc, thái độ “dửng dưng với chính trị” của những nhà lãnh đạo như Walesa, Havel, đã tạo ra một khoảng trống chính trị khiến nhiều vấn đề của quốc gia không được giải quyết sớm bằng các định chế và thủ tục dân chủ. Một hậu quả dễ thấy nhất, là nước Tiệp Khắc đã phải chia đôi, thành Cộng Hòa Tiệp và Slovac, mặc dù vào lúc quyết định chia đôi đó, dân chúng cả hai miền đều muốn giữ thể chế liên bang (trên 54% ở cả hai vùng).
Dân chủ hóa là một con đường đầy trông gai, một dòng sông có nhiều mỏm đá ngầm. Ngày 30 Tháng Tư này, chúng ta cần suy nghĩ ngay về vấn đề đó, để chuẩn bị tương lai một nước Việt Nam tự do dân chủ. Ðó là một cách đền ơn nghĩa những người đã chết trong ngày 30 Tháng Tư năm 1975 trong khi đang tranh đấu bảo vệ một mảnh đất tự do của nước Việt Nam.
© Ngô Nhân Dụng
Nguồn: NV

Nam CA: Những vòng hoa đến từ các binh chủng Hoa Kỳ đặt tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ 29.4.2013


Tượng đài Chiến Sĩ Việt Mỹ 29.4.2013. Thêm các vòng hoa đến từ các binh chủng của Mỹ được đặt trang nghiêm phía trước tượng đài.

Vòng hoa đến từ TQLC Mỹ

  IN MEMORY OF ALL WHO SACRIFICED (TƯỞNG NHỚ ĐẾN TẤT CẢ NHỮNG NGƯỜI ĐÃ HY SINH)

 Vòng hoa đến từ Chính quyền TP Westminster - Tưởng Niệm 30.4 và Kỷ Niệm Tượng Đài Chiến Sỹ Việt Mỹ Năm Thứ 10.


    Hội Cựu Quân Nhân Mỹ Chapter 785 (CHÚNG TÔI SẼ KHÔNG BAO GIỜ QUÊN) 
  Vòng hoa đến từ Cựu quân nhân Mỹ kiêm Nghị sĩ Lou Courea

Thêm các vòng hoa đến từ các cựu tù nhân Trại Suối Máu được đặt trang nghiêm phía trước tượng đài

Washington D.C.: Hình Ảnh Tưởng Niệm Quốc Hận Tại Vùng Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận...

- YouTube Lễ Truy Điệu, do Cô Nam Anh / NVR HD Radio thực hiện...
 

** Hình ảnh do CH Lê Tiến Dũng (K. 4/71 Thủ Đức) thực hiện...













BMH
Washington, D.C
Powered By Blogger