Wednesday, October 31, 2012

BLG Đại Dương:BONG BÓNG ĐỊA ỐC VIỆT NAM CHỪNG NÀO NỔ?-TẠI SAO GIÁO DỤC VIỆT NAM TỤT HẬU?


Doanh gia Alan Phan với 43 năm kinh nghiệm trên thị trường Mỹ và Hoa Lục đã lập Quỹ Đầu tư Viasa Hồng Kông, Thượng Hải và kinh doanh tại Việt Nam đã phỏng đoán thị trường địa ốc Việt Nam sẽ vỡ trước tháng 6 năm 2013. Bộ Đầu tư và Kế hoạch cũng đã tổ chức buổi thảo luận các biện pháp cứu  quả bóng địa ốc. BLG Đại-Dương nhận xét về tình hình địa ốc hiện thời tại Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.


Trong cuộc Hội thảo về giáo dục tại Hà Nội cuối tháng 9, Giáo sư Hoàng Tuỵ nói giáo dục đang lạc hướng vì “triết lý giáo dục bao cấp”. Bản phúc trình giáo dục năm 2012 của SCImago, Tây Ban Nha nhắm vào 3,290 Đại học, Viện nghiên cứu giáo dục toàn thế giới đã xếp Việt Nam vào hạng 14 trong số 21 quốc gia Đông Á. Nỗi nhục này đến từ đâu được BLG Đại-Dương nhận định trong chương trình hôm nay.

Trước Đại hội đảng, Trung Quốc cảnh giác cả với các đồ chơi điện tử

Càng đến gần Đại hội đảng, Bắc Kinh càng tăng cường các biện pháp an ninh (Reuters)
Anh Vũ_RFI
An ninh là vấn đề quan tâm hàng đầu của chính quyền Bắc Kinh khi ngày khai mạc Đại hội đảng lần thứ 18 đang tới gần. Hôm nay 31/10/2012, báo chí chính thức tại Trung Quốc cho hay các cửa hàng đồ chơi ở Bắc Kinh đã nhận được chỉ thị phải ghi lại danh tính tất cả người mua các loại đồ chơi điện cho trẻ em có điều khiển bằng sóng vô tuyến.

Tờ Thanh niên Nhật báo còn cho biết thậm chí một số cửa hàng buôn bán đồ chơi còn được lệnh ngừng bán một số mẫu đồ chơi có tầm điều khiển từ xa vượt quá bán kính vài mét.
Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 chuẩn bị cho những thay đổi lớn về nhân sự lãnh đạo cũng như đường lối lãnh đạo đất nước. Chính quyền vẫn tuyên truyền đây là sự kiện chính trị lớn của đất nước, tuy nhiên càng gần đến ngày khai mạc, an ninh được thắt chặt chưa từng có ở khắp mọi nơi.
Đặc biệt là tại thủ đô Bắc Kinh, từ lúc này lực lượng an ninh, công an, đã được tăng cường quân số ở mức cao nhất. Ngoài ra theo Tân Hoa Xã, 1,4 triệu tình nguyện viên cũng sẽ được huy động giữ gìn trật tự trong thời gian diễn ra Đại hội đảng, dự kiến khai mạc vào ngày 08/11/2012 tới đây.
Vẫn theo báo chí Trung Quốc, việc kiểm tra giấy tờ căn cước diễn ra thường xuyên trên các tuyến giao thông công cộng trong thành phố Bắc Kinh. Các hành khách đến thủ đô từ các tỉnh, nhất là từ các khu vực nhạy cảm như tỉnh Tân Cương, có đa số dân là người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, hay các vùng tự trị của người Tây Tạng đều được quan tâm theo dõi đặc biệt.
Các nhân vật bất đồng chính kiến với chính quyền, hệ thống thống tin trên internet cũng nằm trong tầm ngắm đặc biệt của các cơ quan an ninh.
Theo AFP, một nhóm phụ nữ ái mộ nhà ly khai nổi tiếng Trần Quang Thành đang tỵ nạn tại Hoa Kỳ, tới thăm gia đình anh tại quê nhà đã bị công an Trung Quốc đã ngăn chặn thô bạo.
Hồi tháng Tư vừa qua, luật sư mù Trần Quang Thành đã trốn thoát ngoạn mục khỏi nơi đang bị quản thúc tại nhà ở tỉnh Sơn Đông. Sau 6 ngày trú trong sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh, Trần Quang Thành đã được cùng vợ con sang Mỹ ngày 19/5/2012. Tuần trước, tại New York, vị luật sư mù của dân nghèo Trung Quốc đã được tổ chức bảo vệ nhân quyền Mỹ Human Rights First trao tặng giải thưởng đấu tranh vì nhân quyền.
Nhân sự kiện này, hôm 27/10/2012, năm người phụ nữ mến mộ những hành động đấu tranh của Trần Quang Thành dự kiến tới thăm hỏi và chúc mừung gia đình anh còn ở lại Trung Quốc. Tuy nhiên, họ đã bị công an chặn bắt ngay từ khi lên xe để tới thăm gia đình Trần Quang Thành và chỉ được thả ra sau 20 giờ giam giữ, thẩm vấn.

Chiến hạm HMAS Sydney của Úc thăm Saigon-Vietnam

Tàu hộ vệ tên lửa HMAS Sydney của Australia sắp có chuyến thăm Việt Nam từ ngày 29/10 đến 3/11. Ảnh: Australia EmbassyRFA 30.10.2012
Chiến hạm HMAS Sydney của Australia đang có mặt tại thành phố Hồ Chí Minh trong khuôn khổ chuyến thăm sáu ngày nhằm tăng cường mối quan hệ song phương Việt – Úc.
Tin cho biết tàu hộ vệ tên lửa HMAS Sydney, trọng tải 4200 tấn, đang cập Bến Nhà Rồng và sẽ rời cảng này vào thứ bảy tới đây.
Những sinh hoạt của các thủy thủ Australia trên chiến hạm HMAS Sydney tại đó sẽ gồm có trao đổi chuyên môn về hoạt động của trực thăng trên tàu chiến, cũng như thi đấu thể thao giao hữu với các đơn vị địa phương và một số công tác từ thiện.
Việt Nam và Australia thiết lập quan hệ hợp tác quốc phòng kể từ năm 1999. Cho đến nay phía quân đội Australia đã giúp huấn luyện cho hơn 1200 sĩ quan bộ đội Việt Nam tại Australia cũng như tại Việt Nam.
Cũng tin liên quan lĩnh vực hải quân trong khu vực, hôm nay, cơ quan tuần duyên của Philippines cho biết sẽ mua năm tàu của Pháp nhằm giúp bảo vệ những vùng biển đang có tranh chấp với phía Trung Quốc.
Phó đô đốc Luis Tuason phụ trách lực lượng tuần duyên bị cho là trang bị yếu kém của Philippines nói rõ một tàu sẽ mua có chiều dài 82 mét và bốn tàu còn lại dài 24 mét. Tổng trị giá của năm chiếc tàu tuần duyên mua của Pháp là 90 triệu euro.
“Với tốc độ tối đa 29 hải lý một giờ, HMAS Sydney có khả năng tác chiến phòng không, mặt nước và dưới nước cùng một lúc. Tàu có lực giãn nước 4.200 tấn, dài 138 m, được trang bị tên lửa đối không và đối hải (SM-2 và Harpoon Block 2), súng máy Mk 75 76 mm, hệ thống chống tên lửa Mk-15 Phalanx 20mm và 6 ống phóng lôi Mk 32. Ngoài ra tàu còn có sân cho trực thăng cất – hạ cánh và hangar cho 2 trực thăng.”

Nhà văn gốc Việt Linda Lê vào chung kết giải Goncourt 2012

Từ Hội chợ sách tiếng Pháp Beyrouth, hôm nay, 30/10/2012, Viện hàn lâm Goncourt vừa thông báo tên của bốn nhà văn lọt được vào chung kết để xét trao giải Goncourt, giải thưởng văn học danh giá nhất của Pháp. Trong số bốn nhà văn này có nữ văn sĩ Pháp gốc Việt Linda Lê với tác phẩm Lame de fond, mà RFI Việt ngữ đã có dịp giới thiệu trong tạp chí văn hóa ngày 19/10/2012. Ba nhà văn kia là Patrick Deville ( Pháp ), Jérôme Ferrari ( Pháp ) và Joel Dicker ( Thụy Sĩ ).
Riêng nhà văn trẻ Joel Dicker, 27 tuổi, thứ năm tuần trước đã được trao giải của Viện Hàn lâm Pháp và được coi là có triển vọng giành giải Goncourt năm nay, với cuốn “La vérité sur l’affaire Harry Québert” ( Sự thật về vụ Harry Québert ).
Tên của nhà văn trúng Giải Goncourt 2012 sẽ được công bố ngày 07/11. Người đoạt giải không chỉ bước lên đỉnh danh vọng, tên tuổi lên trang nhất các báo, mà sách của nhà văn này còn được in gần 400 ngàn bản. Năm ngoái, giải Goncourt được trao cho nhà văn Alexis Jenni cho tác phẩm đầu tay “L’Art français de la guerre”.

Mỹ, Nhật, Ấn họp bàn về tự do hàng hải : Bắc Kinh ấm ức

Thứ trưởng Ngoại giao Kenji Hiramatsu dẫn đầu phái đoàn Nhật tham gia cuộc họp ba bên (Reuters)
Thứ trưởng Ngoại giao Kenji Hiramatsu dẫn đầu phái đoàn Nhật tham gia cuộc họp ba bên (Reuters)
Tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ, hôm thứ Hai 29/10/2012 vừa qua, phái đoàn ba nước Hoa Kỳ, Nhật Bản và Ấn Độ và đã kín đáo mở cuộc đối thoại về hợp tác giữa ba nước trong nhiều lãnh vực, đặc biệt là trên vấn đề an ninh hàng hải tại vùng châu Á Thái Bình Dương.
Như thông lệ, Bắc Kinh đã có ngay phản ứng bất đồng tình : Về mặt chính thức, lời lẽ của bộ Ngoại giao Trung Quốc tương đối ôn hòa, nhưng báo chí Trung Quốc đã được dịp tỏ thái độ bực tức, với những lời lẽ đay nghiến đặc biệt nhắm vào Nhật Bản. 
Đây không phải là lần đầu tiên mà Hoa Kỳ, Nhật Bản và Ấn Độ, đối thoại với nhau về vấn đề an ninh trên biển. Cơ chế đối thoại ba bên này đã họp phiên đầu tiên tại Washington vào năm 2011, và phiên thứ hai tại Tokyo. Trong cuộc họp lần thứ ba tại New Delhi hôm thứ Hai, các phái đoàn đã tập trung vào các vấn đề an ninh hàng hải, quyết định tăng cường các chiến lược chống nạn hải tặc, và bàn luận thêm về kiến trúc khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Phía Mỹ đã nhân cơ hội này giải thích rõ hơn về chủ trương “chuyển trọng tâm chiến lược về châu Á” của Mỹ. vấn đề Biển Đông cũng được mang ra thảo luận trên tinh thần cần phải bảo đảm quyền tự do hàng hải ở vùng này. Riêng Nhật Bản thì đã nêu bật vấn đề chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Theo nhật báo Ấn Độ The Hindu số ra hôm nay, dù vấn đề quan hệ giữa ba nước với Trung Quốc không được nêu ra một cách chính thức rõ ràng, nhưng Bắc Kinh đã bày tỏ ngay thái độ quan ngại.
Theo Tân Hoa Xã, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc –vào hôm qua đã tỏ ý hy vọng rằng « các nước liên can sẽ nỗ lực hơn nữa để phát huy hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực ». Theo ông Hồng Lỗi : « Đó là vì lợi ích của tất cả các nước trong khu vực ».
Trái với tuyên bố rất ngoại giao kể trên, báo chí Trung Quốc đã trích lời một số chuyên gia Trung Quốc, để cực lực đả kích cuộc họp này, và đặc biệt chĩa mũi dùi vào Nhật Bản.
Hoàn cầu Thời báo – Global Times – trong bài xã luận hôm qua, đã coi Nhật Bản là kẻ “đầu têu” trong việc thúc đẩy cơ chế đối thoại ba bên Mỹ Ấn Nhật. Theo tờ báo này, Nhật Bản – nước đang vướng vào tranh chấp biển đảo với Trung Quốc trên Biển Hoa Đông – là quốc gia lo lắng nhất về sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Trung thành với sách lược chia để trị, tờ báo theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa nhẹ đòn hơn với Ấn Độ khi so sánh rằng quan hệ Bắc Kinh – New Delhi có vẻ thuận thảo hơn bang giao Trung Nhật : « Nhật Bản đang gây ra vấn đề cho Trung Quốc, nhưng điều đó không đáng lo. Trung Quốc có một số hy vọng là sẽ có hợp tác chiến lược với Ấn Độ ».
Tờ báo cũng phê phán Hoa Kỳ, cho rằng Mỹ đang « âm mưu gài bẫy Trung Quốc trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương », bất chấp việc cộng đồng doanh nghiệp tại Washington ngày càng « hội nhập » chặt chẽ hơn với Trung Quốc.
Đối với Hoàn cầu Thời báo thì rõ ràng Hoa Kỳ đang lúng túng trước Trung Quốc : « Mỹ thường xuyên có một chiến lược mập mờ về Trung Quốc. Có vẻ như là Washington không biết rõ là phải làm gì để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc ».
Nhìn chung, Global Times khẳng định rằng giá trị thực tế của cuộc đối thoại ba bên Mỹ Nhật Ấn « rất thấp ». Lý do là sự trỗi dậy của Trung Quốc là một tiến trình phức tạp mà chính Mỹ không thể đối phó, tự mình hay trong sự liên kết với các nước khác. Để ngăn chặn Trung Quốc, cần phải có tài chánh dồi dào. Thế nhưng, theo tờ báo, Hoa Kỳ hiện không thể đủ khả năng này, Nhật Bản hay Ấn Độ cũng vậy.

Chỉ Vì Dầu Thôi?

Hình bên: Công dân Hồng Kông xông lên đảo Senkaku cắm cờ Trung Quốc.
Trong khi dân tộc Việt Nam xem vùng đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ thiêng liêng, nhiều nhà kinh tế thế giới lại phân tích về trữ lượng dầu và khí đốt nơi này.Đúng là người ta nhìn như thế, nhưng lịch sử đã cho thấy các đảo này đã mang theo những phần da thịt của tiền nhân người Việt. Tương tự, đảo Điếu Ngư (tên Tàu) tức là đảo Senkaku (tên Nhật) ở vùng Biển Hoa Đông hiện là nơi tranh chấp chủ quyền giữa Bắc Kinh và Tokyo.
Các nhà kinh tế cũng nhìn dưới khía cạnh như thế: báo Alaska Dispatch hôm Thứ Hai nói rằng 2 quốc gia khổng lồ TQ và Nhật muốn giành kho dầu và khí đốt khổng lồ dưới mặt biển ở vùng đảo này.
Liu Chia-jen, nhà phân tích hóa dầu của công ty tài chánh KGI Securities tại Taipei, nói, “Nếu người ta có thể giành chủ quyền được vùng đảo đó, thì dầu và khí sẽ cực kỳ quan trọng. Nhưng bất kỳ ai nắm giữ thì cũng kẹt,” vì căng thẳng như thế, nghĩa là các mỏ dầu và mỏ khí đốt nơi đó sẽ phải để nằm yên lâu dài.
Đơn giản vì, theo Alaska Dispatch, TQ là nước nhập cảng dầu nhiều thứ nhì sau Hoa Kỳ, và Nhật bản là nước thứ ba như thế.
Có nhìn như thế, mới biết rằng tranh chấp lãnh hải vùng Biển Đông (giưã VN và Tàu) cũng như tranh chấp vùng biển Hoa Đông (giưã Nhật và Tàu) sẽ kéo dài, khó thỏa hiệp.
Thậm chí sẽ có thể căng thẳng. Như thông tấn TTXVN loan tin theo hãng Kyodo rằng, Cơ quan thủy sản (FA) Nhật Bản ngày 29/10 tuyên bố họ đã bắt giữ thuyền trưởng một tàu Trung Quốc do bị nghi đang tiến hành đánh bắt cá trái phép trong Vùng đặc quyền kinh tế (EFZ) của Nhật Bản ở ngoài khơi Kyushu.
Bản tin này nói:
“Văn phòng FA tại Fukuoka cho biết một công dân Trung Quốc, 48 tuổi, là thuyền trưởng tàu cá 500 tấn với 18 thủy thủ, đã bị bắt giữ sáng 27/10 vừa qua tại khu vực nói trên và cơ quan này cũng bắt luôn cả tàu cá.
Theo FA, viên thuyền trưởng đã được thả hôm 28/10 sau khi trả tiền bảo lãnh. Đây là vụ bắt giữ đầu tiên một tàu Trung Quốc bị tình nghi đánh bắt cá trái phép ở EFZ của Nhật Bản trong năm 2012.”
Thực ra, chúng ta nên suy nghĩ thế này: vùng biển tranh chấp, nơi quanh đó là tàu chiến đi tuần, thì tàu ngư dân bình thường vào làm chi… Nên hiểu rằng, đó là tàu do thám của quân báo TQ giả làm tàu ngư dân để vào chụp hình, quay phim, xem hoạt động của vùng biển Nhật…
Có một cơ hội được đài RFI nêu lên hôm Thứ hai, rằng người Pháp đang dò la để bước vào Biển Đông.
Bản tin RFI viết:
“Nhân cuộc hội thảo về Biển Đông do Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược Pháp IRIS phối hợp với Quỹ Gabriel Péri đồng tổ chức ngày 16/10/2012, Tướng Daniel Schaeffer, một chuyên gia Pháp đã phân tích mưu đồ của Trung Quốc, đang tìm cách “lãnh địa hóa” – sanctuariser – hay độc chiếm Biển Đông. Trả lời RFI, Tướng Schaeffer cho rằng Việt Nam cần phải quốc tế hóa mạnh mẽ hơn hồ sơ này để đối phó với chiến lược của Trung Quốc.
Ngày 16/10/2012, một cuộc hội thảo khoa học về tình hình Biển Đông đã mở ra tại Paris với chủ đề “Biển Đông phải chăng là một không gian khủng hoảng mới ? – Mer de Chine méridionale : nouvel espace de crise?”. Do Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược Pháp IRIS phối hợp với Quỹ Gabriel Péri đồng tổ chức, cuộc hội thảo đã tập hợp được nhiều chuyên gia tên tuổi ở Pháp và châu Âu, cũng nhu thu hút đông đảo những người quan tâm đến dự thính và thảo luận.
Các bài thuyết trình rất đa dạng, đề cập đến các vấn đề pháp lý, chính trị, ngoại giao, kinh tế và đặc biệt là quân sự, liên quan đến tình hình căng thẳng hiện nay do tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và các láng giềng, đặc biệt là Việt Nam. Trong số các diễn giả, có ông Daniel Schaeffer, một viên tướng người Pháp đã về hưu, từng là tùy viên quân sự tại sứ quán Pháp ở Việt Nam, Thái Lan và Trung Quốc, hiện là chuyên gia nghiên cứu độc lập về Biển Đông và châu Á. Bài thuyết trình của tướng Schaeffer đã nêu bật một chiến lược mà theo ông, Trung Quốc đang áp dụng để gọi là sanctuariser, tạm dịch là lãnh địa hóa Biển Đông, tức là độc chiếm khu vực này bất chấp chủ quyền của các nước khác…”
Trong khi đó, chính sách hòa hợp hòa giải của Bắc Kinh đã thành công: Đaì Loan sẵn sàng giúp TQ vào Biển Đông của VN hút dầu.
Bản tin của TTXVN từ Hà Nội hôm 29/10/2012 viết:
“Phản đối Trung, Đài âm mưu hút dầu khí Biển Đông
Một nhóm học giả Đài Loan và Trung Quốc Đại lục vừa khuyến cáo hai chính quyền tăng cường hợp tác quản lý vấn đề Biển Đông mà một trong những đề xuất là Bắc Kinh và Đài Bắc bắt tay chặt chẽ với nhau để khai thác dầu khí tại các vùng tranh chấp ở Biển Đông.
Lời kêu gọi của nhóm học giả này phụ họa cho những hành động liên tiếp gần đây của cả Trung Quốc và Đài Loan xâm phạm chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa.
Theo nhật báo Taipei Times của Đài Loan số ra ngày 28/10, nhóm học giả này gồm 16 người thuộc các cơ quan nghiên cứu khác nhau tại Đài Loan và Đại lục, với hai người đứng đầu là Lưu Phục Quốc – chuyên gia nghiên cứu tại Viện Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Quốc lập Chính trị Đài Loan, và Ngô Sĩ Tôn – Giám đốc Viện Nghiên cứu Nam Hải của Trung Quốc.
Theo các học giả này, chính quyền hai phía nên phối hợp với nhau để hình thành ra một cơ chế cùng khai thác dầu khí trong vùng Biển Đông…”
Đơn giản: tại sao biển của VN, mà nước khác hiên ngang tiến vào để đòi khai thác chung?
Nhưng cần nhớ rằng, từng mảnh đất, từng vùng biển của VN… không đơn giaả có ý nghĩa vì những mỏ dầu dưới sâu. Mà còn vì, đó là máu thịt của tiền nhân, của đồng bào mình.

HÔM ĐẾN TRẠI TẠM GIAM TÂN AN MẸ KHÓC?

Lời Dẫn: Ngày 23/10/2012, cơ quan an ninh điều tra tỉnh Long An đã thừa nhận là nữ sinh viên Nguyễn Phương Uyên đang bị tạm giam nhưng cho biết là cô đã bị chuyển đi nơi khác và không tiết lộ đó là địa điểm nào.
Bà Nguyễn Thị Nhung, mẹ của Phương Uyên, nói khi bà tìm được tới nơi con gái đang bị giữ ở trại tạm giam 159 Nguyễn Đình Chiểu, thành phố Tân An, tỉnh Long An, thì bà chỉ được phep gửi quà. Bà cho biết:
“Xin gặp không được, xin nhìn con từ xa cũng không được. Cuối cùng, tôi chỉ xin gửi cho con gái ba chữ ‘Mẹ yêu con’ trên tờ giấy gửi quà, nhưng cho dù tôi năn nỉ thế nào, khóc lóc thế nào, họ vẫn hoàn toàn vô cảm và rất tàn nhẫn.”
HÔM ĐẾN TRẠI TẠM GIAM TÂN AN MẸ KHÓC?
Con nghe nói
Hôm đến trại tạm giam Tân An mẹ khóc?
Vì công an không cho mẹ gặp Phương Uyên
Mẹ đành viết lên trên giấy gói quà ba chữ
“Mẹ Yêu Con!” rồi họ đuổi về liền

Có mang nặng đẻ đau mới thấm nỗi lòng này của mẹ
Nơi Bình Thuận quê nghèo chưa được phút bình yên
Nhớ ngày nhỏ Phương Uyên hiền, líu lo như chim hót
Yêu mẹ cha, yêu cô thầy, yêu bè bạn hồn nhiên!

Chúng con đã mấy lần theo Phương Uyên về thăm mẹ
Mẹ luộc củ mì đãi chúng con vừa lượm mãi đồng xa
Lũ học trò vô tư thì nghịch như bầy quỷ
Mẹ mỉm cười nhìn chúng con bao âu yếm thiết tha!

Nay Phương Uyên bị tạm giam, chúng con đều xa mẹ
Đứa đi học, đứa đi làm, đứa cầm súng ở đảo xa
Nhưng mẹ Nhung ơi! Xin mẹ đừng khóc nữa
Bởi vì Phương Uyên chỉ yêu nước thương nhà!

Và thưa mẹ!
Phương Uyên bị tạm giam vẫn còn đỡ khổ hơn nhiều thiếu nữ
Phải cởi hết quần áo trần truồng trước mặt bọn Hàn, Đài
Nhằm kiếm một tấm chồng đặng thoát nghèo bớt khổ
Mà phải đến xứ người để chết chẳng toàn thây!

Phương Uyên ở trại giam còn đỡ nhục hơn nhiều cô gái
Bị lừa bán qua biên giới Việt Trung làm vợ lũ cuồng điên
Thậm chí bị nhốt trong nhà hầm để lũ đàn ông đồi bại
Hành hạ xác thân không kể suốt ngày đêm!

Thà ở trại giam còn hơn đi làm “Ô Sin” khắp thế giới
Ngày giúp việc gia đình, đêm làm vợ không công
Chồng gà trống nuôi con nhận đồng tiền hờn tủi
Hỏi cả thế gian còn nơi nào như ở nước này không?

Chính vì thế mà Phương Uyên quyết hi sinh tranh đấu
Chống bè lũ tham nhũng độc tài đang dày xéo nhân dân
Bán biển đảo, bán rừng, bán tài nguyên…cho Tàu cộng
Để kiếm đô la gửi nước ngoài mưu danh lợi vinh thân

Mẹ Nhung ơi! Viết đến đây, cặp mắt con nhòa lệ
Phương Uyên ở trại giam không biết sống ra sao?
Bị tra tấn, bị ép cung…em rất cần bên mẹ
Bên bè bạn, bên thầy cô, bên ruột thịt đồng bào!

Nhưng con tin tưởng một Phương Uyên mạnh mẽ
Khi đã xác định cho mình lý tưởng để dấn thân
Mẹ Nhung ơi! Phương Uyên là gương soi ngàn thế hệ
Trên đất nước của Vua Hùng lịch sử bốn nghìn năm!

“Vì danh dự Tổ Quốc chống giặc Tàu xâm lược!”
“Vì tương lai đất nước chống tham nhũng bạo quyền!”
Phương Uyên ơi! Ôi giá chi anh được
Ngày ngày đưa cơm cho em
Để em có chút bình yên!

Đảo Sơn Ca, 31/10/2012

Án tù cho nghệ sĩ, có sợ không?

Một ngày sau phiên xử án hai nhạc sĩ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình ở Saigon, tôi gọi điện cho một anh bạn nhà văn và hỏi đùa “Nghe án tù cho nghệ sĩ chưa? Sợ không?”. Tôi nghe bên kia đầu dây bật lên một tiếng cười sảng khoái, một giọng cười miền Nam an nhiên.
Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình có lẽ cũng đã an nhiên nhận những mức án rất nhiều năm cho các bài hát của họ – những bài hát hoàn toàn phản ánh hiện thực đời Việt Nam hơn là thù địch, chống phá gì đó như lời của những vị quan tòa không rõ mặt đã nêu trong buổi sáng ngày 30-10-2012. Những bài hát đã vụt nổi tiếng bất ngờ ngay sau tiếng búa tòa, vượt quá tầm kiểm soát của những người căm ghét nó, hoặc đang giả vờ căm ghét nó.
Đây không phải là lần đầu tiên giới nghệ sĩ Việt Nam chứng kiến những án tù cho đồng nghiệp của mình. Từ những năm xa xôi của thế kỷ 20, người ta đã chứng kiến án tù cho Hoàng Hưng, Phan Đan, Đặng Đình Hưng… những lưu đầy của Phùng Quán, Văn Cao… Sau năm 1975, đã lần lượt có các án tù cho Doãn Quốc Sỹ, Duyên Anh, Nhã Ca, Dương Nghiễm Mậu… nhưng rất lâu rồi, chuyện bắt tội một nghệ sĩ với quyền tự do sáng tác của họ trở thành chuyện xa xưa, tưởng chừng như đã chỉ còn trong những ngày tháng mông muội nào đó.
Nói như vậy, để hiểu rằng trong lịch sử riêng của giới văn nghệ sĩ Việt Nam, án lệ và lao tù không phải là chuyện lạ. Nhưng dường như bất chấp những nguy nan đó, bản năng sáng tạo và phản ánh hiện thực của giới nghệ sĩ qua cách viết, cách hát, vẫn xuất hiện một cách rất an nhiên.
Việc bắt giữ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình đã tạo nên một làn sóng phản ứng khó lường. Thậm chí với cộng đồng người Việt đã xa quê hương và xa những con người Việt thế hệ mới trong nước, họ cũng đã bày tỏ sự sửng sốt của mình, khi nghe có những con người đang đối diện với lao tù chỉ vì ca hát, bằng cách xuống đường và chia sẻ những chữ ký hết sức ấn tượng.
Nhưng đâu chỉ là chuyện người Việt với nhau, tuy xa cách địa lý, nhưng dường như sợi dây vô hình của nền văn minh loài người đều tạo ra những phản ứng nối kết tương đồng, như cái cách thế giới đã phản ứng trước việc cô bé Malala Yousafzai bị Taliban bắn vào đầu hay việc Putin cho giam giữ nhóm nhạc Pussy Riot.
Đôi khi những phán quyết đưa ra, nó không chỉ làm hủy hoại đời của một con người, mà ngược lại còn có thể tạo ra một lực phản hồi, phá hủy mọi danh tiếng và sự bền vững của hệ thống đưa ra bản án đó.  Chưa bao giờ viên đạn của phe Taliban đã bắn vào đầu của cô bé Yousafai, 14 tuổi, trở thành viên đạn bắn thẳng vào lương tâm thế giới như lúc này. Chưa bao giờ người ta nhìn ra sự tồi tệ của chính quyền công an trị Putin ở nước Nga như lúc này, qua song sắt của cả 3 cô gái nhóm Pussy Riot. Và ở Việt Nam, chưa bao giờ những kẻ bị kết án là Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình lại được quan tâm, chia sẻ như bây giờ.
Đôi khi, tôi tự hỏi không biết những người soạn bản án cho Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình có thật sự lắng nghe những bài hát của họ hay không? Vì nếu chỉ dựa trên những con chữ để định đoạt số phận, tôi nghĩ công bằng nhất là nên mở một loạt phiên tòa nghiên cứu tái xét xử tất cả các nghệ sĩ, hay dễ dàng hơn là với các nhạc sĩ Việt Nam, từ Trịnh Công Sơn đến Phạm Duy và nhiều người khác nữa. Dĩ nhiên, trong đó có cả tôi.
Có lẽ trong phiên toà, những người xét xử cũng ngại ngùng và cố gắng tránh đi công việc ấu trĩ đó, nên đã không dành thời gian bàn sâu về các bài hát, mặc dù án vẫn định. Lẽ ra những bài hát đó phải được mở lên ngay tại toà, hoặc photo đầy đủ cho tất cả mọi người xem – nghe, như một chứng cứ cụ thể.
Nói tới lắng nghe, tôi chợt nhớ đến nhiều tình huống khó quên. Trong Schindler’s list  của đạo diễn Steven Spielberg, khi những tên lính phát xít Đức đang rầm rộ tiến vào các ngôi nhà của người Do Thái, đã đứng sững và lặng yên nghe đến lúc dứt khúc nhạc dương cầm của một người đánh đàn tuyệt vọng. Hoặc trong phim the Pianist của đạo diễn Roman Polanski, viên sĩ quan Đức Quốc Xã đã lột bỏ toàn bộ trạng thái thù địch để lắng nghe một nghệ sĩ Do Thái đàn những khúc nhạc được sáng tác các quốc gia đang đối đầu như Nga hay Ba Lan. Kẻ thù vẫn biết lắng nghe nhau, chẳng lẽ những người chung dòng máu và khát vọng dân tộc lại câm điếc với nhau?
Trong các tuyên bố chính trị ở Việt Nam lúc này, người ta hay đọc thấy cụm từ “nhóm lợi ích”. Rõ ràng là phải có những nhóm lợi ích kinh tế bí mật nào đó đang đục khoét quốc gia và đang bị đánh động. Nhưng liệu có hay không những nhóm lợi ích bí mật về chính trị nào đó, đang cảm thấy bị bối rối và tức giận trước những cảnh báo về hiện thực tổ quốc từ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình, nên đã vội vàng khép tội họ? Nếu không, tôi hoang mang tự hỏi, họ đã phạm tội gì khi hát bằng tình yêu tổ quốc mình?
Những con người đó không làm chính trị. Họ chỉ phản ánh hiện thực xã hội theo cảm nhận nghệ sĩ của mình. Quyền phản ánh hiện thực – không phản bội lại nhân cách của mình, là một giá trị tuyệt đối của người nghệ sĩ. Quyền đó được nhìn nhận bằng lương tâm và giá trị văn minh của con người, bất chấp một thể chế chính trị nào phủ nhận nó. Chà đạp và từ chối quyền đó, cũng đồng nghĩa vinh danh giá trị của người nghệ sĩ và khẳng định thêm về sự trì trệ và lạc hậu của chính hệ thống đương trị.
 31-10-2012
Tuấn Khanh(Facebook)

Huyển Trang kể chuyện bị công an bắt cóc, ngày 30.10.2012-LM An Thanh:Bản án của nhà cầm quyền CSVN dành cho 2 nhạc sỹ

VRNs (01.11.2012) – Sài Gòn –  Tôi viết những hàng chữ này trước hết để ngợi ca sức mạnh và quyền năng của Thiên Chúa, tôi muốn tri ân và làm chứng về Đức Maria, Mẹ từ ái mà tôi biết tôi được Mẹ thương yêu vô cùng, tôi cũng muốn làm chứng về sức mạnh của chuỗi Mân Côi.
Vào lúc 10:30, ngày 30.10.2012, tôi, Anna Huyền Trang, và một người bạn trên đường đi từ công viên Bách Tùng Diệp về lại công viên Tao Đàn, nơi bạn tôi đã gửi xe, khi đến công viên (đối diện Dinh Độc Lập) thì bị một nhóm hơn 30 người, gồm công an mặc sắc phục, an ninh mặc thường phục, dân phòng, CSGT vây quanh chúng tôi và bắt chúng tôi, họ đòi kiểm tra giấy tờ tùy thân của chúng tôi. Tôi hỏi: “Lệnh đâu mà kiểm tra giấy tờ của chúng tôi. Nếu kiểm tra giấy tờ của chúng tôi thì các anh phải kiểm tra giấy tờ tất cả những người đang có mặt tại công viên này? Tôi sẽ gọi cho cậu tôi để làm việc với các anh, nhưng họ đã giật lấy điện thoại của tôi.”
Họ lôi chúng tôi lên xe bít bùng nhưng tôi không chịu, tôi đã vịn thật chặt vào thành xe. Họ cố lôi kéo tôi vào xe nhưng không được. Cuối cùng, 3 – 4 người trong nhóm đẩy thật mạnh tôi vào xe. Họ không đóng cửa xe được vì chân tôi chắn cửa xe. Họ loay hoay mãi bằng cách 3 – 5 người ở ngoài đẩy cánh cửa xe và một người ngồi giữ tôi trong xe kéo chân tôi ra thì mới đóng cửa xe được.
Khoảng hơn 11 giờ, tôi và bạn tôi bị đưa về đồn công an phường Cầu Kho, Q.1, Sài Gòn.
Bạn tôi và tôi mỗi đứa bị giam một nơi.
Tại phòng “làm việc”, điều đầu tiên tôi nghĩ đến là lấy Chuỗi Tràng Hạt Mân Côi ra đọc kinh và cầu nguyện.
Có khoảng 10 an ninh, công an và dân phòng cùng “làm việc” với tôi. Một anh an ninh hỏi tôi: “Tên là gì, nhà ở đâu, làm nghề gì?… Tôi hỏi lại: “Anh là ai, sao hỏi tôi?, Tên anh là gì?” Anh an ninh này quát to: “Đây là đồn công an. công an đưa cô về đây thì có quyền hỏi cô”, tôi nói lại: “công an phải mặc sắc phục chứ, anh đâu có mặc sắc phục?”.
Một chú công an khác hỏi tôi: “Em về đây, em muốn gì?”. Tôi trả lời: “Tôi không muốn gì cả, tự nhiên các anh đưa tôi về đây, rồi lại hỏi tôi như vậy?”. Họ hỏi tiếp: Cô có phải là công dân VN không?”. Tôi trả lời: “Tôi là người ViệtNam”. Họ nói: “Nếu cô là người VN thì ít nhất phải có giấy tờ tùy thân trong người chứ!”. Tôi trả lời: “Tôi đi tập thể dục vào buổi sáng thì đem đi làm gì?”. Và câu họ cứ lặp đi lặp lại là “Cô phải hợp tác làm việc thì sẽ được về sớm… Tên cô là gì? Nhà ở đâu?, Ra công viên Bách Tùng Diệp làm cái gì…?”
Họ không có lệnh đưa tôi về đồn công an nên không có lý do nào mà tôi cung cấp thông tin cá nhân của tôi cho họ. Tôi cứ nằm dài trên bàn, nhắm mắt, thinh lặng, lần chuỗi, đọc kinh và cầu nguyện. Thấy vậy, họ đập bàn liên tục, tạo tiếng ồn “khủng bố” lỗ tai tôi, nhưng tôi mặc kệ, làm thế, họ đau tay chứ tôi đâu có đau tay đâu! Một an ninh mặc thường phục cứ đập vào tay tôi, nói và lặp đi lặp lại: “chị ơi, chị dậy đi chứ, làm sớm về sớm…”. Tôi không trả lời vì tôi có làm gì đâu mà “làm việc” với các anh.
Họ thấy tôi nằm ì ra bàn nên thỉnh thoảng họ dùng những lời lẽ có ý làm nhục tôi như: “mày hiếp dâm nó cho tao”, người khác trả lời: “mày làm đi, sao bắt tao làm?”, người nào đó trong phòng nói: “mày lột đồ nó ra cho tao”, “hay là đêm qua làm nhiều quá nên mệt, bây giờ về đây ngủ bù”, sau đó họ phá lên cười. Còn tôi vẫn nhắm mắt, thinh lặng, lần chuỗi, đọc kinh và cầu nguyện.
Một lúc sau, một người an ninh, người đã tra vấn tôi lúc đầu, 3 lần liên tiếp, túm tóc tôi và lôi tôi lên để nói chuyện nhưng tôi vẫn nhắm mắt, im lặng, lần chuỗi, đọc kinh và cầu nguyện… thấy thế, anh an ninh này, lại 3 lần liên tiếp nữa, túm tóc và lôi đầu tôi dậy nhưng tôi vẫn nhắm mắt, thinh lặng, lần chuỗi, đọc kinh và cầu nguyện… Anh an ninh này nói: “cho một công an viên nữ làm việc với nó, nhưng phải mặc sắc phục thì nó mới hợp tác.”
Anh an ninh trẻ thấy trên tay tôi cầm chuỗi Mân Côi, kỷ vật của một người Cha đáng kính tặng cho tôi, anh an ninh trẻ liền nói: “Sao chúng nó, đứa nào cũng có cái này vậy?”. Tôi thầm nhủ: “Tạ ơn Chúa vì họ đã nhận ra được sức mạnh của con.” Anh an ninh trẻ đến gần tôi, tò mò xem tràng hạt, thấy chữ “JERUSALEM”. Anh an ninh trẻ hỏi: “Chữ ấy nghĩa là gì vậy!”. Sau đó, họ nói to với nhau: “Ở đây làm gì có Chúa, Chúa ở nhà thờ ấy, mày đọc kinh cũng vô ích thôi. Ở đây, Chúa không cứu được mày đâu! Mày chỉ cho tao biết Chúa là ai đi…!”.
Lòng tôi uất nghẹn vì họ đã xúc phạm đến Chúa, nhưng tôi vẫn nhắm mắt, thinh lặng, lần chuỗi, đọc kinh và cầu nguyện. Và nghĩ đến gia đình mình, gia đình truyền thông VRNs, những người bạn đáng quý đang lo lắng cho mình, tôi được an ủi và nuốt nước mắt vào trong, nhưng vui, vì có Chúa, Đức Mẹ và Đức Cố Hồng Y Phanxico Savie Nguyễn Văn Thuận đang đồng hành với tôi.
Khoảng độ 10 phút sau, chị công an viên trẻ, xinh đẹp, có khuôn mặt hiền từ, nghe theo lệnh của cấp trên, lay tôi dậy, nhưng tôi vẫn nhắm mắt, thinh lặng, lần chuỗi, đọc kinh và cầu nguyện, chị nói: “do chị không hợp tác nên tôi mới bóp cổ chị” [luật pháp VN có cho công an quyền “không hợp tác nên tôi bóp cổ” không?], nói rồi chị ấy bóp cổ tôi 3 lần liên tiếp, nhưng tôi vẫn nhắm mắt, thinh lặng, lần chuỗi, đọc kinh và cầu nguyện. Ngay sau đó, họ liền lôi tôi dậy và nói chị công an khám xét người tôi. Tôi nhìn thẳng anh an ninh đối diện và nói: “Ai cho các anh khám xét người tôi, lệnh đâu?”. Họ trả lời: “Ở đây, là đồn công an, ở đây là pháp luật nên có quyền làm điều này.” Họ sốc nách tôi lên, nắm lấy tay tôi, tôi vùng vẫy vì không chấp nhận hành vi của họ … nhưng họ vẫn khám xét áo quần tôi thì có 76.000 đồng trong người, cái khẩu trang, cái mũ và cái áo khoác.
Người công an tra vấn kéo tay tôi nói: “Nếu mày là con trai thì chết với tao rồi đấy. Đồ lì, câm và điếc!”. Tôi trả lời: “Anh nói đúng. Vì tôi biết, anh thương yêu vợ anh, mà vợ anh là đàn bà và tôi cũng vậy.” Anh công an liền buông tay tôi ra, về sau anh ta hạn chế những hành vi thô bạo cũng như lời nói với tôi.
Ngay lúc đó, họ nói: “Con này nó không tên, không nhà, không nghề nghiệp, đi lang thang, kết nó vào nghị định 423 đi trại cải tạo Thanh Hà, Hà Nội, như bà Bùi Hằng, con này nó thân với Bùi Hằng lắm mà!”.
Họ không cho tôi ngồi gần bàn nữa mà kéo ghế tôi xa ra chỗ bàn nhưng tôi vẫn nhắm mắt, thinh lặng, lần chuỗi, đọc kinh và cầu nguyện. Một an ninh trẻ gợi ý, “phải tìm cho nó có cái ghế không có chỗ dựa xem nó có đọc kinh được không, con lì lợm”. Một người khác tán thành, thằng này có ý kiến hay, thế là họ tìm được 1 cái ghế ngựa không có chỗ tựa lưng, người khác lên tiếng: “Nó mà ngã lăn ra đó thì rách chuyện đấy!”, anh an ninh trẻ trả lời: “Ở đây có máy quay phim 24/24 thì lo gì, nó ngã, nó chịu, mình có làm gì nó ngã đâu!” nhưng chiếc ghế nhựa ấy vẫn thản nhiên, không người, bên cạnh chiếc ghế tôi ngồi.
Anh an ninh trẻ: “Chị kia, bị câm điếc à, sao nói mà chị không nghe vậy!”. Tôi mở mắt ra và nhìn thẳng anh an ninh trẻ mà nói: “Tôi đang cầu nguyện”. Anh ta hỏi tiếp: “Thế chị cầu nguyện đến khi nào xong?”. Tôi trả lời: “Đến 10 giờ tối, tôi vẫn chưa cầu nguyện xong anh à!”.
Tiếp theo, họ sỉ nhục Lm Giuse Đinh Hữu Thoại và các Cha DCCT: “Các Cha có lấy vợ và sinh con không mày?, Chắc là mày là vợ hay con của ông Thoại chứ gì? Một lũ phản động…”. Họ nói tiếp: “Nhìn mặt mày sáng sủa lắm mà, sao ngu thế! Chúng nó cho mày tiền, hay hứa cho mày đi nước ngoài phải không, nên mày mới đi với lũ phản nước? Chúng mày muốn chống cộng à! Không chống được đâu, chỉ có Mỹ mới chống được thôi, em à!…”. Nghe mà cay đắng trong lòng nhưng tôi vẫn nhắm mắt, thinh lặng, lần chuỗi, đọc kinh và cầu nguyện.
Các chú công an, an ninh và dân phòng ơi. Các chú và cháu là người VN, là công dân VN sao lại quy kết và sỉ vả cháu như vậy! Nếu trong trường hợp cháu là con gái các chú, thì các chú sẽ cảm thấy như thế nào về những câu nói trên?
Khoảng 14:15, một nhân viên công an phường mặc thường phục, áo sơ mi ngắn tay, áo bỏ trong quần, hỏi: “có thông tin gì về nó chưa?” Một người nói: “con này nó lì, nó câm, nó điếc và nó lang thang vì nó không cho biết tên…”, người khác nói: “kêu một đứa bị sida vào đây, chích cho nó một mũi, cho nó bị sida luôn, phường này xì ke và sida nhiều lắm”. Sau đó, chú công viên liền nói: “gọi chị ấy lên (người đàn bà to con, tôi không biết tên) để làm việc với nó”. Người đàn bà này “chào hỏi” tôi bằng cách lay cho tôi mở mắt nhưng tôi vẫn nhắm mắt, thinh lặng, lần chuỗi, đọc kinh và cầu nguyện. Một người trong nhóm nói: “Nó bị câm và điếc từ khi vào đây, không chịu nói và không chịu mở mắt.” Cô ta liền búng vào lỗ tai tôi 3 cái, sau đó lấy tay kẹp chặt lỗ mũi của tôi, nhưng tôi vẫn nhắm mắt, thinh lặng, lần chuỗi, đọc kinh và cầu nguyện.
Chú công an vừa rồi ra lệnh: “Mang nó vào phòng tắm và khám xét xem trong người nó có gì không?” Tôi phản ứng lại: “Ai cho các chú khám xét người tôi, lệnh đâu?” Cô ta liền trả lời: “Đây là đồn công an, luật pháp ở đây, có quyền khám xét người cháu, khám xong sẽ viết biên bản…” Tôi cự lại: “Cô không có quyền gì khám xét người tôi hết”… “Không nói nhiều nữa, lôi nó vào phòng tắm”, chú công an lại ra lệnh.
Trong phòng tắm, cô ta yêu cầu tôi “cởi quần áo ra”, tôi nói: “cô không có quyền gì khám xét người cháu. Lệnh đâu?”, tôi hỏi tiếp: “nếu là con gái cô thì cô sẽ làm gì?”, cô ta trả lời: “do cô xem cháu là con của cô nên chính tay cô khám xét người cháu, nếu là người khác, sẽ kêu mấy thằng kia vào khám…”.
Tôi nhìn qua chị công an trẻ hỏi: “nếu là chị, chị sẽ làm gì?”. Tôi nói tiếp: “tôi không cần câu trả lời, nhưng lương tâm các người sẽ tự chất vấn các người.”… Thêm một người phụ nữ to con nữa ôm lấy người tôi, tôi vùng vằng đẩy họ ra. Lúc ấy, cô ta la lên: “mấy thằng đâu vào khám xét người con này mau lên!”. Người phụ nữ to con và cô ấy ôm chặt người tôi và … khám xét …
Lúc này, tôi uất ức với ánh mắt đầy uất hận vì tủi nhục, nhưng nhờ ơn Chúa Thánh Thần, Ngài cho tôi nhớ lại những lúc Chúa Giêsu bị bắt bớ, bị đánh đập và bị lột quần áo. Khám xong, cô ta nói: “trong người nó không có gì hết.” Cô ta nói: “con này nó lì, cho nó vào trại 2 ngày xem nó còn lì nữa không? Xem ai hơn nó”.
Ra khỏi phòng tắm, tôi ngồi trên ghế tiếp tục nhắm mắt, thinh lặng, lần chuỗi, đọc kinh và cầu nguyện. Viên công an điều động nãy giờ lập biên bản đại khái với nội dung thế này: “Một người trạc 20 tuổi, tóc dài… vi phạm những điều sau: Một, tụ tập nơi cấm, là công viên Bách Tùng Diệp. Hai, chống đối và không hợp tác người thi hành công vụ. Tôi hỏi viên công an: “chú có mặt ở hiện trường không mà chú lập biên bản cho cháu?”, ông ta trả lời: “kệ nó!”. Viết biên bản xong, viên công an hỏi: “Nhưng không có người dân nào chứng kiến nó chống đối?”. Một người trong họ nói: “Cho thằng dân phòng này nó làm chứng.” Một hồi sau, dân phòng, an ninh, chị công an trẻ… ký vào biên bản, ngoại trừ tôi. Công việc lập biên bản kết thúc khoàng 16 giờ.
Trong khoảng thời gian từ 16 giờ đến 17 giờ 30, họ không chất vấn tôi nữa. Nhìn chị công an thấy mà thương! Chị ấy khát khô cả cổ họng mà không dám đi lấy nước uống vì sợ tôi “chuồn” đi đâu mất tiêu. Chị ấy liền xin một nhân viên công an: “em khát nước, anh có thể cho em xin một chai nước suối được không?”, anh ta hỏi: “chai lớn hay chai bé?”, chị ấy trả lời: “dạ chai nhỏ”… Anh ta liền “chém” qua tôi “mày không uống nước, xem Chúa có cho mày uống nước không nhé?”, tôi nhận ra: “đúng rồi, từ lúc vào đồn đến giờ mình chưa ăn chưa uống gì cả! Khát thiệt! Bụng kêu o o” Nhưng tôi vẫn tiếp tục nhắm mắt, thinh lặng, lần chuỗi, đọc kinh và cầu nguyện. Bỗng nhiên, anh dân phòng lên tiếng: “Này chị ơi, chị có nhu cầu ăn uống gì không thì nói, không thôi lại bảo không cho ăn cho uống”. Tôi trả lời: “cám ơn anh”, và lòng thấy vui, tự hỏi: “anh Dân Phòng ơi, một cách nào đó, tôi thấy anh cũng là người tốt đấy chứ! Nhưng điều gì đã cản trở anh phát triển hạt giống của lòng thương yêu vậy? Anh muốn con gái và con trai anh phát triển hạt giống yêu thương hay hận thù?
Thấy anh dân phòng hút thuốc liên tục, tôi hỏi: “một ngày anh hút bao nhiêu điếu thuốc vậy?”. Anh trả lời: “2 bao thuốc”. Tôi kêu lên: “trời! Anh hút thuốc nhiều vậy! Thế anh có mấy cháu rồi?”. Anh trả lời: “một”. Tôi hỏi: “cháu mấy tuổi rồi anh?”. Anh trả lời: “3 tuổi”. Tôi nói: “anh hút thuốc, anh không sợ bé hít khói thuốc vào rồi viêm phổi hay sao?”. Anh trả lời: “tôi chỉ hút thuốc ở cơ quan thôi, về nhà, muốn hút thuốc, thì đi ra khỏi nhà”. Tôi nói: “thế thì không được rồi, tội nghiệp mấy đứa trẻ hàng xóm quá!”. Anh trả lời: “không, tôi hút thuốc khi không có trẻ con”. Tôi nói: “chúc gia đình anh hạnh phúc và bé mạnh khỏe nhé”. Anh trả lời: “cám ơn chị”.
Tôi lại hỏi chị công an trẻ, xinh đẹp, chị ơi: “chị đi làm lâu chưa?”. Chị đáp: “mới làm”. Tôi hỏi: “chị đi làm có vui không?”. Chị nói: “vui chứ!”. Tôi đáp lại: “dạ, chúc chị có niềm vui thật sự trong công việc nhé!”.
Khoảng 17 giờ, anh an ninh trẻ, “tiếp” tôi từ sáng đến giờ đến canh gác tôi, và tôi nói với anh ta: “tôi sẽ ấn tượng với anh vì anh đã bẻ hai tay tôi ra đằng sau, uýnh tôi, anh nhớ đấy nhé!”. Anh ta trả lời: “tôi cũng ấn tượng với cô, vì cô quá lì”. Tôi hỏi: “thấy anh đeo nhẫn, vậy anh có mấy cháu rồi?”. Anh đáp: “chưa có cháu nào hết?”. Tôi nói: “thế à! Chúc gia đình anh hạnh phúc nhé!”. Anh ta trả lời: “cám ơn chị. Vậy chị đã có gia đình chưa?”. Tôi hỏi lại: “anh hỏi để làm gì?”. Anh ta trả lời: “để biết. Chị hỏi tôi được mà tôi không hỏi chị được sao?”. Tôi trả lời: “anh à, tôi hỏi anh và chúc anh với một tấm lòng chân thành và thiện chí, còn anh hỏi tôi với tư cách điều tra thông tin của tôi”. Một lát sau, anh ta hỏi tôi: “chị có khát nước không?”. Tôi đáp: “nếu như anh mời tôi uống nước một cách chân thành thì tôi cám ơn anh và sẽ uống”. Ngay sau đó, anh nói chị công an trẻ kế bên đưa cho tôi chai nước suối mà chị công an trẻ đang uống dở.
Anh an ninh trẻ ơi, cho tôi hỏi anh điều này nhé. Trong bữa cơm tối với gia đình, anh sẽ kể với vợ anh và con gái về công việc anh làm như thế nào? Nếu tôi là vợ anh hay con gái anh đang bị hành hạ trên đôi tay rắn chắc, khỏe mạnh của người đàn ông khác, thì anh sẽ làm gì ngay lúc đó?
Khoảng 18 giờ, có 6 người đàn ông to con và lực lưỡng, trong đó gồm: anh an ninh trẻ, 2 anh dân phòng và 3 người nữa, không biết rõ họ là ai, nói với tôi: “từ sáng đến giờ, cô không khai cô là ai, làm gì và ở đâu nên chúng tôi cần lấy vân tay của cô”. Tôi trả lời: “các anh không có quyền lấy vân tay của tôi”. Một trong số họ ngồi lăn mực và nói: “nếu cô không hợp tác cho chúng tôi lấy vân tay, thì làm sao chúng tôi biết cô ở đâu, tên là gì, làm gì… Nói nhẹ nhàng cô không nghe, chúng tôi sẽ cưỡng chế cô”. Tôi kiên quyết: “các anh không có quyền lấy vân tay của tôi”. 3 người đàn ông xông đến, bẻ hai bàn tay của tôi ra, họ càng cố gắng bẻ hai bàn tay của tôi thì tay tôi càng nắm chặt. Họ không thể bẻ tay tôi ra được. Một lúc sau, anh chàng lăn mực nói: “Không thể dùng cách này với nó được, bỏ nó ra”. Họ chụp hình tôi, tôi cho chụp. Trong khi họ bẻ tay tôi, tôi đã cầu nguyện với Thiên Chúa, xin Chúa giúp con, Chúa ơi!
Họ lại ngồi thương lượng với tôi nhưng tôi nhìn họ chằm chằm và kiên quyết không đồng ý cho họ lấy vân tay. Họ nói: “Cô tên là gì”. Tôi trả lời: “Tôi là phóng viên Truyền thông Chúa Cứu Thế”. Một an ninh mắng xối xả vào mặt tôi: “Ai công nhận chúng mày là nhà báo hả? Thẻ tác nghiệp của chúng mày đâu? Một lũ ăn không ngồi rồi, rồi rủ nhau phản động hả?…”. Lúc ấy, tôi nhìn họ trong sự thinh lặng, đọc kinh, cầu nguyện và tin một điều rằng: “Họ sẽ không thể làm gì được tôi vì Chúa đang hiện diện trong những lúc con cái Ngài bị bách hại”.
Ngay lúc đó, hai bàn tay tôi vẫn nắm chặt, anh an ninh trẻ lại bẻ hai tay tôi ra đằng sau, tôi liền lấy chân đạp bàn đang để mực và giấy tờ, cho nó rớt xuống đất. Liền đó, ba bốn người gì đó cùng nhau, dùng sức, bẻ hai bàn tay tôi ra, tôi bị ngã xuống đất và cầu xin Chúa: “Xin Chúa đừng cho họ hại con, Chúa ơi!”. Họ càng dùng sức nhưng vẫn không thể nào bẻ hai bàn tay tôi ra được. Ngay sau đó, anh dân phòng đeo mắt kính, không phải anh dân phòng tôi đã trò chuyện, hét lên: “đéo mẹ mày, Chúa của mày à, thì này Chúa của mày nè, vứt mẹ nó đi…” Anh ta liền giựt lấy tràng hạt của tôi, tôi đã đeo vào cổ tay mấy vòng trước khi họ cưỡng chế tôi, tràng hạt của tôi đã bị đứt rồi, nên tôi yêu cầu: “Các anh phải tìm lại cho tôi dây tràng hạt đã đứt. Nếu anh không tìm lại cho tôi, Thượng Đế sẽ trừng phạt gia đình các anh. Tôi tìm tràng hạt là để cứu gia đình các anh đấy. Tìm lại cho tôi!”. Anh an ninh trẻ vội vàng đi tìm lại tràng hạt cho tôi. Tràng hạt đủ cả nhưng Thánh Giá đã bị đứt rồi!
Cuối cùng họ nói: “trả mày điện thoại, mày về đi”. Tôi lấy áo khoác, mũ và quần áo trên người tôi phủi bụi những sự ác đã diễn ra tại đồn công an, vì của ai cái gì thì trả lại cho người đó cái ấy. Tôi chào anh dân phòng, mà tôi đã trò chuyện, chúc anh và gia đình anh luôn hạnh phúc mà ra về lòng đầy bình an trong sự quan phòng đầy tình yêu thương của Chúa.

Các anh an ninh, dân phòng ơi, tôi hỏi anh điều này nhé. Khi các anh cùng nhau cưỡng chế tôi thì bản chất nam nhi của các anh đâu rồi? Nếu vợ và các con anh nhìn thấy các anh ăn hiếp một đứa con gái yếu đuối như tôi, thì họ sẽ nghĩ gì về người bạn đời và người cha của mình đây, hả các anh?
Và tôi biết một điều rằng các anh rất thắc mắc tại sao con này nó lại khỏe đến như vậy? Bởi vì sức mạnh của tôi là ở chuỗi tràng hạt, nhắm mắt, thinh lặng, lần chuỗi, đọc kinh và cầu nguyện. Và, những lúc các anh bách hại tôi thì sức mạnh thiêng liêng của Chúa đã tỏ hiện ra nơi tôi. Các anh có muốn có sức mạnh phi thường ấy không, thì hãy đến xem Ông Giêsu là ai !
Con xin chân thành cảm ơn Quý Cha, Quý Thầy, các Bác, Cô, Chú, các anh chị, nhóm Fiat và Gia Đình VRNs đã hiệp thông cầu nguyện cho con. Xin tri ân.

Anna Huyền Trang, VRNs

“Côn đồ” gây rối và “công an” làm ngơ???


VRNs (01.11.2012) – Sài Gòn – Từ những ngày đầu tháng 6 năm 2011 đến nay, an ninh luôn cắt cử người canh giữ, theo dõi, thậm chí ngăn cản công việc và những sinh hoạt bình thường của tôi chẳng có một nguyên nhân gì rõ ràng. Khi tôi phản kháng lại với những việc làm vô lý, vi phạm đến quyền tự do cá nhân và vi phạm pháp luật của họ, thay vì thẳng thắn nhìn nhận lỗi lầm và đưa ra xin lỗi với tôi thì họ lại hành xử hoàn toàn ngược lại. Họ chọn cách tiếp tục dùng sai lầm để khắc phục sai lầm, hay nói đúng hơn là họ dùng những thủ đoạn để trả thù tôi, buộc tôi phải “im lặng” và khuất phục họ.
Chiều tối ngày 30.10.2012, nghe tin cô phóng viên Huyền Trang của Truyền thông Chúa cứu thế bị bắt vì có đến xem phiên tòa xét xử công khai nhạc sỹ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình, tôi cùng bạn bè đến đồn Công an để hỏi thăm tin tức của cô Trang. Sau đó, tôi viết lại bài tường thuật về vụ việc Trang và 2 người khác bị bắt trong ngày hôm qua. Vậy là hôm nay chẳng có sự kiện gì quan trọng, an ninh vẫn rình rập, theo dõi tôi.
Khoảng 14h30′ ngày 31.10.2012, tôi đạp xe ra khỏi nhà, khi vừa ra đầu hẻm nhà tôi thì 2 an ninh vội vàng bám sát theo tôi. Khi tôi đi đến đoạn đường Lý Thường Kiệt – Q. Tân Bình (gần ngà 3 Lý Thường Kiệt và Thành Thái) thì 1 người chạy lên trước ép đầu xe đạp của tôi. Tôi vội vàng dừng xe, chụp lại hình của họ và nhờ sự hỗ trợ của người dân gần đó gọi công an trình báo giúp tôi. Vì không có đồn công an gần đó, người dân lại không biết số điện thoại công an phường, lại thêm 1 phần họ sợ những người kia trả thù nên bảo tôi cứ đứng đó gọi 113 và đợi. Khi ấy, 2 tên kia cũng bắt đầu gọi điện thoại cho ai đó. Tôi gọi 113 trình báo, 2 lần đầu, 113 hỏi sự việc xong im lặng cúp máy, lần sau cùng, họ quát nạt lại tôi và cúp máy. Tôi dắt xe đi bộ một đoạn nữa tìm sự hỗ trợ của công an phường, họ vẫn chạy xe theo tôi. May sao, một anh bán gốm trên đường Thành Thái cho tôi số điện thoại của công an phường. Tôi gọi cho công an phường 14, Q.10, 5′ sau công an phường xuống hỏi thăm. Tôi trình báo sự việc với công an phường xong anh công an phường bảo tôi cứ chạy xe lên trước xem những người kia có đi theo không rồi họ xử lý. Khi tôi bắt đầu đạp xe đi được một đoạn, một tên lái xe chạy theo tôi còn một tên chạy lại phía 2 anh công an phường trình bày điều gì đó mà khi tôi quay lại 2 anh công an phường thay đổi thái độ với tôi hẳn. Họ không cho tôi trình báo sự việc nữa mà lớn tiếng bảo tôi nên đi về nhà đi. Tôi kiên quyết không chịu về và yêu cầu cho tôi về đồn công an trình báo sự việc này vì nó trực tiếp ảnh hưởng đến an toàn tính mạng của tôi và gián tiếp ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự của xã hội. Cuối cùng, 2 anh công an đành phải mời tôi về công an phường để trình báo vụ việc.
Ở công an phường 14, Q.10, công an yêu cầu tôi làm biên bản lời khai nhưng tôi không đồng ý, tôi chỉ đồng ý viết “ĐƠN TRÌNH BÁO” để công an điều tra. Công an phường liên tục nhận chỉ đạo bắt tôi phải làm thế này, thế kia chứ nhất quyết không chịu làm theo thủ tục của pháp luật. Tôi kiên quyết chỉ viết “ĐƠN TRÌNH BÁO” và yêu cầu công an ký xác nhận tôi có trình báo sự việc như trên. Họ tranh cãi, quát nạt tôi thay vì cảm ơn vì tôi đã phát hiện và trình báo để họ có hướng điều tra làm rõ sự việc để giữ gìn an ninh trật tự của xã hội. Hơn 3 tiếng đồng hồ, công an không giải quyết cho tôi bằng pháp luật mà bằng sự chỉ đạo nên tôi để lại “ĐƠN TRÌNH BÁO” và nói với công an phường rằng:
- Tôi đến đây nộp đơn trình báo sự việc khả nghi liên quan đến an toàn tính mạng của tôi, chỉ mong các anh làm theo đúng luật chứ không phải làm theo sự chỉ đạo. Bây giờ, tôi để lại đơn ở đây, các anh có giải quyết hay không, điều đó không quan trọng. Tôi không thể mất thời gian cho những điều vô lý như thế này nữa. Tôi xin phép ra về!
—————————————————–
1. Sau vụ tai nạn đêm ngày 02.10.2012, ông Lê Minh Hải, lúc trước là phó phòng PA35 mời tôi làm việc từng nói với tôi và mẹ tôi rằng: An ninh không hề cử người theo dõi tôi. Nếu có ai theo dõi thì cứ việc chụp hình lại và trình báo công an.
2. Gần đây, một cô bên Hội phụ nữ của phường đến nhà nói với mẹ tôi: Trên phường họp nói rằng ở địa phương có trường hợp của tôi như vậy như kia (nhưng chẳng nói rõ là trường hợp thế nào) mà chính quyền không biết xử lý thế nào vì hoàn cảnh của tôi còn có mẹ già, con nhỏ,… nên cô xuống nhà khuyên tôi đừng làm thế này, thế nọ (nhưng cũng chẳng nói rõ là làm gì)… Khi mẹ tôi kể cho cô nghe về việc gần đây nhất tôi bị an ninh hành hung, đánh đập, lột đồ trong đồn CA hôm 24.09 thì cô hoàn toàn không biết rõ, chỉ nghe kể lại rằng do tôi mặc áo có ký hiệu của “tổ chức nước ngoài” (nhưng chẳng biết đó là tổ chức nào, làm gì,…), công an yêu cầu tôi không mặc mà tôi không nghe nên họ mới mời về đồn làm việc. Và mẹ tôi còn kể ra nhiều điều mà phía an ninh hành xử sai trái với tôi mà cô không hề biết. Ngày hôm sau, cô ấy lại đến thăm và nhắn mẹ tôi nói với tôi rằng hãy viết một thư giải trình những gì an ninh hành xử sai với tôi để bên Hội phụ nữ lên tiếng bảo vệ và lấy lại công bằng cho tôi. Nghe thấy điều đó, tôi cũng vô cùng cảm động và cảm kích.
Nhưng nay:
1. Khi xảy ra sự việc như hôm nay, tôi nhớ đến lời ông Hải đến trình báo thì công an lại có thái độ như vậy là sao? Qua thái độ và cách hành xử kỳ lạ của công an hôm nay thì chắc chắn rằng những người theo dõi và gây tai nạn cho tôi không ai khác ngoài lực lượng “côn đồ”. Vậy nên, từ nay về sau, khi tôi có bất cứ tai nạn nào nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng thì chỉ có duy nhất một khả năng là do những người “giả dạng côn đồ” mà công an biết rõ là ai đã gây ra cho tôi.
2. Vậy nên, không biết khi tôi viết lá thư giải trình những sự việc bất công xảy ra cho tôi từ trước đến nay, có chắc rằng Hội phụ nữ có dám lên tiếng để bảo vệ cho tôi hay chỉ là tạo cơ hội cho an ninh có thêm “bằng chứng” bằng bút tích của tôi mà quy chụp hết mọi tội lỗi lên đầu tôi để tống tôi vào tù như họ từng đe dọa tôi hôm 24.09 vừa qua???
Qua sự việc ngày hôm nay, một lần nữa tôi khẳng định rằng những người nhân danh là pháp luật không bao giờ chịu nhận lỗi và khắc phục sai lầm mà họ chỉ luôn luôn tiếp tục dùng sai lầm để sửa chữa sai lầm.
Phạm sai lầm không phải là điều đáng sợ! Đáng sợ nhất là biết sai nhưng vẫn kiên quyết không chịu nhận lỗi và khắc phục.
Phàm là người ai cũng có lúc mắc phải những sai lầm. Điều đó là bình thường. Tuy nhiên, người phạm sai lầm gây ra những tổn thương cho người khác cần phải có thái độ thẳng thắn nhìn nhận và chịu trách nhiệm với những sai lầm mà mình gây ra.
Không những là lời xin lỗi mà cần phải có những hành động cụ thể để khắc phục những tổn thương về danh dự, tinh thần và vật chất của người khác do sai lầm của mình gây ra và thể hiện rằng bạn sẽ ứng xử khác đi trong tương lai để khôi phục lại lòng tin của mọi người. Đừng cố bảo thủ, tự vệ bằng cách tiếp tục dùng sai lầm để giấu giếm và sửa chữa sai lầm. Kết quả chỉ khiến bạn bị mất niềm tin và sự thông cảm của người khác, có khi còn tự hủy diệt chính mình!
* Về phía những người thân và bạn bè đã luôn quan tâm, lo lắng cho sự nguy hiểm của tôi: Tôi xin gởi lời cảm ơn đến tất cả mọi người. Nhưng xin mọi người đừng quá lo lắng vì từ ngày có Đức tin, tôi vẫn luôn cảm nhận được một nguồn sức mạnh vô hình là Thiên Chúa của tôi đã luôn nâng đỡ tôi trong mọi hoàn cảnh hiểm nguy để tôi có đủ niềm tin và nghị lực bước tiếp trên con đường đầy nguy hiểm này
Cầu xin Chúa ban cho con sức mạnh để thoát khỏi những cám dỗ, giữ cho con không được phép thỏa hiệp với sự dữ của thế gian.
Cũng xin Chúa cho con biết tha thứ cho những người đã bách hại con hôm nay và cứu họ thoát khỏi sự dữ đang ngự trị trong họ.
Amen!

Tên côn đồ này đi xe mang biển số 53R1-6701
2 tên côn đồ bỏ chạy khi tôi và người dân đến hỏi chuyện
Maria Nguyễn Hoàng Vi

Bằng Tiến Sĩ Đầy Phố

VietBao_Bạn thân,Có vẻ như Việt Nam đang lạm phát văn bằng. Kể cả văn bằng Tiến sĩ. Chuyện mới lạ, nước vẫn nghèo, mà văn bằng Tiến sĩ đầy phố, chẳng thấy phát minh gì, chỉ thấy “thật, giả” không còn phân biệt nổi.
Một bài viết trên báo An Ninh Thủ Đô tựa đề “Tiến sĩ ơi là tiến sĩ ơi!” đã nói rằng thảm họa có phần là do các đaị học quốc tế vào liên kết với đại học VN, gọi là phương pháp gà ấp trứng, chỉ cần người học tại VN theo đủ thời gian chưa tới hai năm, và nộp một số tiền, thế là cấp bằng Tiến sĩ. Nhưng trình độ  thực chăng có gì hết, dù là Anh ngữ.
Một thảm họa nữa, còn vì cơ chế đòi hỏi cán bộ phải có văn bằng mới lên cao được. Thế là cán bộ rủ nhau đi mua bằng, kể cả mua bằng dỏm.
Do vậy, nhiều dịch vụ đã ra đời để sản xuất bằng Tiến sĩ. Trong đó có dịch vụ viết thuê các loại luận án. Bản tin có phần viết về  một nhân vật viết thuê trích như sau:
“Đó là một người đàn ông trên 50 tuổi, tóc tai bù xù và nghiện cà phê nặng. Điều kiện để có cuộc trò chuyện với ông là không được tiết lộ tên tuổi của ông và các “thân chủ”. Ông bình thản khoe rằng chỉ nhờ cái nghề viết thuê này mà ông đã nuôi 3 con trưởng thành, trong đó cậu cả đã thành một tiến sĩ. Khởi đầu ông chỉ viết thuê các loại tiểu luận, niên luận, các báo cáo khoa học cho sinh viên các trường đại học. Dần dần ông viết thuê từng phần các luận văn tốt nghiệp rồi nhận khoán cả luận văn tốt nghiệp đại học. Làm đến mấy chục vụ ông mới nhận thấy các loại luận văn giống nhau lạ lùng. Thậm chí không cần phải suy nghĩ. Chỉ cần lấy luận văn khóa trước hoặc trường khác, sửa chữa đôi chút, bổ sung mấy số liệu hiện đại vậy là xong. Tốt nghiệp thì dễ rồi, còn muốn điểm cao thì chịu khó đọc luận văn một chút và… chạy. Vậy là ông trở thành nhà viết luận văn chuyên nghiệp.
Một hôm, một ông bạn cùng lớp đại học, nay đương chức lãnh đạo đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ đến nhờ ông lo giúp cái luận văn. Vấn đề không khó, chỉ là vị này bận công tác quản lý, không có thời gian viết. Dĩ nhiên là nhuận bút viết cái luận văn này cũng phãi cỡ cái ô tô tầm trung. Có lý do gì mà không viết. Ông bỏ ba tháng trời tầm chương, trích cú viết cái luận văn đầu tiên ấy. Dĩ nhiên nhặt nhạnh chắp vá là chính, nói theo ngôn ngữ bây giờ là “copy và paste”. Chẳng ai ngờ luận văn được đánh giá xuất sắc. “Ông Nghè” mới đến tạ ơn ông thêm một con xe tay ga nữa và quan trọng hơn, ông giới thiệu bạn bè đến thuê ông làm luận văn. Ông mua được cái nhà, cưỡi ô tô đi uống cà phê nhờ cái nghề đẻ ra các loại tiến sĩ là vậy. Tôi hỏi xóc: “Vậy là con trai ông cũng là loại tiến sĩ ông đẻ ra à”. Ông nghiêm mặt: “Không được. Thằng con tôi làm luận văn, tôi làm giám sát nó. Nghiên cứu thật, viết thật. Đời bố đã không chính danh được thì đời con phải chính danh đã đành mà phải thực tài. Đừng để người ta chửi cho”.
Ông cũng kể cho tôi nghe về thị trường viết thuê hiện nay. Không chỉ là những cá nhân hành nghề độc lập như ông, bây giờ có hẳn các công ty nhận viết thuê đủ các loại luận văn. Luận văn đại học giá từ 50 triệu đồng cho các trường khoa học xã hội đến 100 triệu đồng cho các trường tự nhiên và kỹ thuật, luận văn tiến sĩ khoảng 300 triệu cho đến 500 triệu đồng kể cả bồi dưỡng, hướng dẫn bảo vệ…”
Ông bà mình nói “Tiến sĩ giấy” có lẽ đã tiên tri được vậy.

Hoa Kỳ:Siêu bão Sandy đã gây thiệt hại nặng hơn bão Irene, ít nhất 35 người chết và tàn phá rộng lớn, Thị Trưởng Bloomberg của NYC bàng hoàng

Cali Today News - Người dân New York City thức giấc sáng thứ ba 30/10 để chứng kiến cảnh tiêu điều lớn lao sau khi bão Sandy đi qua. Ít nhất đã có 16 người đã chết và nhiều triệu người bị mất điện. Hãng tin CNN nói có 18 người chết và “con số còn gia tăng”
Trưa thứ ba thì đài NPR xác nhận đã có ít nhất 35 người thiệt mạng và trên 8 triệu người vẫn còn bị mất điện. TT Obama đã hủy bỏ chuyến đi vận động tranh cử ở Ohio, ở lại thủ đô Hoa Thịnh Đốn để đối phó với việc khắc phục hậu quả siêu bão.
Siêu bão Sandy đã gây thiệt hại nặng nề cho người dân ở thành phố New Jersey. Photo courtesy: Reuters.
Có thể bão Sandy sẽ được ghi nhận là cơn bão tàn phá mạnh hàng thứ 5 trong lịch sử của Hoa Kỳ, dù nó đã giảm cường độ không còn là bão hurricane nữa khi ập vào New Jersey chiều hôm qua. Thị trường Wall Street tiếp tục đóng cửa qua ngày thứ nhì liên tiếp.
Hơn 1 triệu người trong gần một chục tiểu bang đã nhận lệnh di tản. Những gì mà Sandy để lại phía sau rất thảm não, nhiều căn nhà chìm dưới nước, cây cối và cột điện ngã đổ trên khắp Bờ Đông.
TT Obama đã tuyên bố tình trạng “khẩn trương lớn” cho hai tiểu bang New Jersey và New York. Mức thiệt hại tổng cộng có thể lên đến 20 tỉ đô la. Peter Sandomeno, một chủ nhân motel ở Point Pleasant Beach cho biết: “Tàu thuyền bị sóng đánh văng lên bờ, xa bờ biển đến 5 khu phố”
Sandy tàn phá nặng nề vì phạm vi ảnh hưởng của nó quá lớn trong một vùng đông đúc dân cư. Sóng biển dâng cao kỷ lục đến 14 feet đánh vào khu Manhattan, vượt qua kỷ lục 10 feet của cơn bão Donna vào năm 1960, theo dữ kiện của National Weather Service cho thấy.
Hơn 7 triệu người trong nhiều tiểu bang đã bị mất điện. Bão Sandy đã giết chết 66 người trước khi đổ bộ vào New Jersey. Thậm chí cảnh sát Toronto của Canada cũng báo có 1 phụ nữ thiệt mạng do bị trúng vật bay khi gió quá lớn.
Một con đê gần sông Hackensack River bị vỡ khiến 3 thị trấn phía tây NYC bị ngập đến 5 feet nước. Một giàn cần cẩu ở NYC bị sập tại một khungcư sang trong cao 90 tầng đang được xây cất ở Midtown Manhattan.
Hệ thống xe điện ngầm nổi tiếng ở NYC bị ngập nặng nề.  Có thể hệ thống lớn nhất Hoa Kỳ này, với 108 năm lịch sử, sẽ bị te âliệt trong nhiều ngày, khi gần như toàn bộ các đường hầm, garage của nó đều bị ngập nặng.
Trong mưa gió vẫn có 80 căn nhà của khu vực Queens tại NYC bị hỏa hoạn thiêu hủy.
Trần Vũ tổng hợp Reuters, CNN, NPR và KTVU

Tuesday, October 30, 2012

Biếm họa Ba Bui : Khi dòng nhạc yêu nước bị bức tử



10 năm tù cho 2 nhạc sĩ


Hai nhạc sĩ vừa bị tòa án nhân dân Tp. HCM xử phạt 10 năm tù giam và nhiều năm quản chế. Cụ thể, nhạc sĩ Vũ Anh Bình (SN 1974, sáng tác nhạc với bí danh Trần Vọng Kim, Hoàng Nhật Thông) 6 năm tù và Võ Minh Trí tức Việt Khang (SN 1978, nhạc công, quê Tiền Giang) 4 năm tù cùng về tội “tuyên truyền chống phá Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”.
Theo cáo trạng, các anh đã tổ chức các lớp học lập trình web trên mạng giảng dạy miễn phí chủ yếu là cho các sinh viên, học sinh trong lĩnh vực nghệ thuật, âm nhạc. Tòa cho rằng, chương trình giảng dậy đã “lồng ghép vào những nội dung chống phá nhà nước.”
‘Tuổi trẻ yêu nước’
Vẫn theo cơ quan điều tra thì 2 nhạc sĩ tham gia sáng lập nhóm “Tuổi trẻ Việt Nam yêu nước” cùng một người tên Vũ Trực (ở Mỹ).
Tờ Người Lao Động cho rằng, “mục tiêu của nhóm này là tuyên truyền xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, gây mất ổn định chính trị, khi có thời cơ thì nổi dậy xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, lật đổ chế độ”.
Nhóm cũng lập ra trang mạng có tên “tuoitreyeunuoc.com” để đăng tải nhiều chuyên mục, trong đó có chuyên mục phản ánh những hoạt động của nhóm “Tuổi trẻ yêu nước” và các bài viết của các thành viên. Ngoài ra, tùy theo khả năng và sở trường của từng thành viên, Trực đã hỗ trợ để lập các blog cá nhân.
Ngoài ra, cáo trạng cho biết nhóm tổ chức việc rải truyền đơn.
Nhạc sĩ Việt Khang được biết đến với một số nhạc phẩm thấm đậm tình yêu nước, tinh thần dân tộc, chống ngoại xâm. Những bài hát như Việt Nam Tôi Đâu, Anh Là Ai được tải lên mạng với hàng chục ngàn lượt truy cập.
Trần Vũ Anh Bình cũng có nhiều nhạc phẩm đã và chưa kịp công bố. Khi bị khám nhà, công an nói, “cơ quan an ninh thu được 14 tác phẩm âm nhạc và 4 tài liệu có nội dung chống phá nhà nước”.
Cả 2 đều bị bắt vào tháng 12 năm ngoái, nhưng rất lâu sau tin tức về các anh mới được nhà nước Việt Nam xác nhận. Trước đó, Đàn Chim Việt đã đưa tin này đầu tiên từ nguồn tin của một thân hữu.
Diễn biến mới nhất, việc bắt giữ Nguyễn Phương Uyên có thể liên quan tới nhóm “Tuổi trẻ Việt Nam yêu nước”.
Tuy vậy, luật sư Trần Vũ Hải người bào chữa cho các bị cáo cho rằng, thân chủ của mình chỉ đơn thuần là một nhạc sĩ chứ không hoạt động chính trị.
Vài tháng trước đây, một chiến dịch thu thập chữ ký gửi tới Tổng thống Obama đòi trả tự do cho Việt Khang đã được hàng chục ngàn người Mỹ gốc Việt hưởng ứng. Chiến dịch do nhạc sĩ Trúc Hồ và đài truyền hình SBTN kết hợp với nhiều tổ chức và cá nhân thực hiện.
Bên cạnh đó, đã có nhiều cuộc biểu tình của đồng bào hải ngoại tại các quốc gia phương Tây đòi trả tự do cho 2 nhạc sĩ, nhất là vào những ngày gần diễn ra phiên xử.
Tổ chức Ân Xá Quốc Tế cũng lên tiếng kêu gọi tự do cho 2 nhạc sĩ và cho rằng, hành động giam giữ họ chỉ vì những nhạc phẩm là ‘lố bịch’.

S.F biểu tình phản đối CSVN kết tội 2 nhạc sĩ yêu nước

Thư Mời tham dự chiến dịch Ký Thỉnh Nguyện Thư và Biểu tình phản đối CSVN xử hai nhạc sĩ yêu nước


Nhạc sĩ Việt Khang, tác giả 2 bản nhạc "Việt Nam Tôi Đâu?" và "Anh Là Ai" sắp bị CSVN đưa ra toà ngày 30 tháng 10, 2012

THƯ MỜI

Tham Dự Chiến Dịch Ký Thỉnh Nguyện Thư Đòi Nhân Quyền Cho Việt Nam, Và Đêm Thắp Nến & Biểu Tình Phản Đối Vụ CSVN Xử Hai Nhạc Sĩ Việt Khang Và Trần Vũ Anh Bình
-
Tại Nam California

Kính gửi:
- Quý vị lãnh đạo tinh thần các Tôn giáo,
- Quý vị đại diện các đoàn thể đấu tranh, tổ chức cộng đồng, phong trào,
- Quý cơ quan truyền thông báo chí,
- Quý đồng hương tỵ nạn Cộng Sản,
tại miền Nam California, Hoa Kỳ và hải ngoại.

Kính thưa quý vị,
Thưa quý đồng hương,

Sau khi nghe tin CSVN sẽ đem ra xử hai nhạc sĩ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình tại tòa án Sàigòn ngày 30 tháng 10 sắp tới, các hội đoàn, tổ chức và các nhân sĩ tại miền Nam California đã triệu tập một buổi họp khẩn tại phòng họp đài truyền hình SBTN hôm thứ sáu 20 tháng 10 vừa qua và đi đến quyết định như sau:


Tiến hành hai chương trình vào ngày Chủ Nhật 28 tháng 10 và Thứ Hai 29 tháng 10 sắp tới với các kế hoạch chi tiết sau đây:



CHƯƠNG TRÌNH NGÀY CHỦ NHẬT 28 THÁNG 10

Chiến dịch xuống đường thu thập chữ ký của đồng bào ký tên vào thỉnh nguyện thư do đài truyền hình SBTN phát động, để gởi cho Liên Hiệp Quốc, Liên Hiệp Âu Châu và các quốc gia tự do trên thế giới, phản đối việc nhà cầm quyền CSVN gia nhập Hội đồng Nhân quyền LHQ, và tố cáo việc CSVN đàn áp nhân quyền trong nước, đặc biệt qua bản án xử 3 bloggers Điếu Cầy, Tạ Phong Tần, Anh Ba Saigon, cũng như việc đưa hai nhạc sĩ yêu nước Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình ra xử trong phiên tòa ngày 30 tháng 10 sắp tới.

Việc vận động đồng bào ký tên vào thỉnh nguyện thư TRIỆU CON TIM, MỘT TIẾNG NÓI sẽ diễn ra từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều tại khu Phước Lộc Thọ, do Tổng Hội Sinh Viên Nam Cali và các đoàn thể trẻ sẽ phối hợp tiến hành.

CHƯƠNG TRÌNH ĐÊM THỨ HAI 29 THÁNG 10


Đêm thắp nến và biểu tình chống CSVN xử hai nhạc sĩ yêu nuớc Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình, sẽ diễn ra tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ tức Freedom Park trên đường All American Way thành phố Westminster, tiểu bang California bắt đầu từ 5 giờ chiều đến 9 giờ tối.
Sau phần nghi lễ và cầu an của các Tôn giáo, đồng bào sẽ theo dõi trực tiếp phiên xử sẽ diễn ra cùng lúc tại Saigon qua hê thống Internet cũng như do chính những người trong nước tường trình trực tiếp về bản án của hai nhạc sĩ yêu nước này, xen kẽ với những ca khúc đấu tranh do các ca sĩ của Trung tâm Asia đóng góp, hợp cùng Ban Tù Ca Xuân Điềm, Phong Trào Hưng Ca Việt Nam, và nhiều tổ chức khác.

Kính mong Quý vị lãnh đạo tinh thần các Tôn giáo, Quý vị đại diện các đoàn thể đấu tranh, tổ chức cộng đồng, phong trào khuyến khích các thành viên hoặc tín đồ của mình tham dự chương trình. Quý cơ quan truyền thông báo chí xin đến thu thập tin tức và phổ biến, cùng quý đồng hương tỵ nạn Cộng Sản dành thời giờ tham dự.


Trân trọng kính mời,

TM Ban Tổ chức

Việt Dzũng, Trưởng ban.

Với sự tham dự của:

- Cộng đồng người Việt Quốc Gia Nam Cali
- Ủy ban Đấu tranh chống Cộng sản
- Liên Hội Cựu Chiến sĩ VNCH
- Tổng hội Sinh Viên Nam Cali
- Nhóm Vietnamese Young Marines
- Gia đình Phật Tử miền Quảng Đức
- Cộng Đồng Công Giáo Nam Cali
- Nguyệt san Diễn Đàn Giáo Dân
- Ban Tù Ca Xuân Điềm
- Phong Trào Hưng Ca Việt Nam
- Trung tâm Asia
- Các cơ quan truyền thông Việt ngữ tại Nam Cali
- Và một số nhân sĩ trong cộng đồng.

Nhạc sĩ Việt Khang bị tuyên án 4 năm tù giam


Hai nhạc sĩ Việt Khang (phải) và Trần Vũ Anh Bình (trái)
Bốn năm tù giam hai năm quản chế đối với Việt Khang, sáu năm tù giam hai năm quản chế đối với Trần Vũ Anh Bình, là phán quyết từ phiên xử hôm nay tại Tòa Án Nhân Dân TPHCM.

Bản án quá nặng

Phiên tòa hôm nay, xét xử hai nhạc sĩ Việt Khang - Ngô Văn Trí và sĩ Trần Vũ Anh Bình - Hoàng Nhật Thông, kết thúc vào lúc 12 giờ 30 phút trưa. Luật sư Trần Vũ Hải, biện hộ cho nhạc sĩ Việt Khang, tác giả hai bài hát Anh Là Ai và Việt Nam Tôi Đâu, dẫn tới việc bị bắt giữ và bị cáo buộc tội tuyên truyền chống phá nhà nước, vi phạm điều 88 Bộ Luật Hình Sự có thể khiến anh bị 20 năm tù giam, báo cho biết:

“Về chỗ thân nhân của Trần Vũ Anh Bình thì tôi không biết nhưng thân nhân của Võ Minh Trí thì tôi đã yêu cầu và được chấp nhận cho mẹ và vợ của Việt Khang - Ngô Minh Trí được vào trong tòa , tuy nhiên cũng chỉ được dự ở đằng sau tức là chỉ được xem truyền hình trực tiếp thôi.

Ngoài ra tôi cũng thấy một số người nước ngoài, không rõ là tổ chức ngoại giao hay tổ chức quốc tế nào hay nhà báo nào cũng tham dự vào việc xem truyền hình đó.”


Về bản án được phán quyết hôm nay dành cho thân chủ của ông là nhạc sĩ Việt Khang cũng như với nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình do một luật sư khác biện hộ, luật sư Trần Vũ Hải phân tích:

“Trước đây, khi đưa ra truy tố thì Viện Kiểm Sát yêu cầu là truy tố khoản 2 Điều 88 là khoản nặng như anh Điếu Cày và chị Tạ Phong Tần.

Chúng tôi cũng cố gắng chứng minh rằng nhạc sĩ Việt Khang chỉ liên quan đến hai bài hát thôi, ngoài ra không có hoạt động tích cực nào liên quan đến tổ chức Tuổi Trẻ Yêu Nước.

Còn anh Trần Vũ Anh Bình thì bị cáo buộc tội tham gia hoạt động tổ chức Tuổi Trẻ Yêu Nước, một tổ chức trên mạng nhằm tuyên truyền chống nhà nước, phụ trách một blog của Tuổi Trẻ Yêu Nước trên đó anh có đăng tải nhiều bản nhạc và một số thông tin trên cái trang đấy.

Tại phiên tòa thì Viện Kiểm Sát đưa ra cáo buộc là phải truy tố Khoản 2 Điều 88 tức có thể là mỗi người hai mươi năm. Họ cho rằng đây là tội tuyên truyền chống nhà nước đặc biệt nghiêm trọng. Thế nhưng chúng tôi nói rằng áp dụng Khoản 2 là không phù hợp, chúng tôi chứng mình rằng tòa án không đưa ra được tài liệu nào hoặc là chứng cứ gì để nói là đặc biệt nghiêm trọng. Chúng tôi cho rằng các luật sư đã hoàn thành nhiệm vụ, các bị cáo cũng có suy nghĩ nhất định . Tôi nghĩ riêng Việt Khang sẽ kháng cáo bởi vì ông ấy nói rằng ông không phải nhà hoạt động chính trị ông chỉ viết một bài hát theo cảm nghĩ của ông và ông sẽ tìm mọi cách để trở về đoàn tụ với gia đình.”


Từ hôm qua, một số bloggers và nhà hoạt động dân chủ báo tin tư gia của họ bị công an canh gác mà lý do không ngoài việc ngăn cản không cho họ họ gần phiên tòa sáng nay.

Một người rất quan tâm đến hai nhạc sĩ chị gọi là hai người yêu nước, chị Hương, đã đến gần tòa án trên đường Nguyễn Thị Minh Khai sáng nay để quan sát:

“Công an đông lắm, đủ thành phần, tới nỗi có cả kiểm soát quân sự luôn,  coi như án ngữ không chỉ bốn phía của tòa án mà còn dài dài ra tới những ngã tư khác. Đi vòng vòng thì thấy cứ ngã tư là có mười mấy hai mươi mấy công an đứng ngồi…Nhiếu lắm.”

Trong khi đó linh mục Đinh Hữu Thoại, từ Giòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn, báo cho biết sáng nay ông bị áp tải về đồn công an Bến Thành khi trên đường từ tòa đi về vì không cách nào vào bên trong để tham dự phiên xử nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình vốn là một giáo dân của ông:

“Mục đích họ muốn tôi xóa những hình ảnh mà tôi có chụp ở tòa và họ kiểm tra luôn điện thoại di động. Trong lúc noí chuyện với anh Lợi phó đồn công an thì anh ta nói linh mục là người tu hành chỉ nên ở trong nhà thờ thôi. Tôi nói hôm nay là phiên tòa xử một giáo dân của tôi là anh Bình thì đương nhiên tôi phải có mặt. Sau đó tôi đi về . Sự việc sáng nay là như thế.”

Vi phạm nhân quyền

Một ngày trước phiên xử hôm nay đối với hai nhạc sĩ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình, chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam trong Ân Xá Quốc Tế, ông Rupert Abbott, kêu gọi Việt Nam trả tự do tức khắc và vô điều kiện cho hai tù nhân lương tâm đã bị bắt một cách tùy tiện chỉ vì bày tỏ chính kiến ôn hoà qua những nhạc phẩm do họ sáng tác.

Bà Janice Beanland, phụ trách vận động nhân quyền cho Việt Nam trong Ân Xá Quốc Tế, phát biểu rằng Việt Nam nên hành xử theo hiến pháp và nên tuân thủ những nguyên tắc quốc tế về quyền được tự do phát biểu cũng như bày tỏ suy nghĩ qua âm nhạc hay những phương tiện truyền thông khác:

“Áp dụng những điều khoản mơ hồ trong Điều 88 Bộ Luật Hình Sự để trừng phạt những tiếng nói ôn hoà không giống với tiếng nói của chính quyền thì có nghĩa là Việt Nam đang vi phạm nhân quyền một cách nghiêm trọng không chỉ đối với Việt Khang hay Trần Vũ Anh Bình mà còn đối với các bloggers khác từng bị xử phạt nặng nề bằng nhiều năm tù giam cách đây không lâu.”

Giám đốc phần vụ Đông Nam Á trong Human Rights Watch Giám Sát Nhân Quyền, ông Phil Robertson, phát biểu:

“Đầu tiên bị bắt là những người dám phê bình nhà nước, kế đến các bloggers, các nhà thơ, nhà văn và bây giờ là các nhạc sĩ.

Việt Nam gia tăng mức độ đàn áp quyền tự do ngôn luận mà bây giờ đối tượng là các nhạc sĩ , cho thấy những ai dùng tiếng hát để bày tỏ tư tưởng khác với chính quyền cũng là trọng tội. Bắt và tống giam nhạc sĩ vào tù là một bước mới của sự chà đạp nhân quyền ở Việt Nam.”

Đã tới lúc quốc tế không thể bình thản hay làm ngơ trước những hành động vi phạm nhân quyền có hệ thống ở Việt Nam. Chính phủ Việt Nam sử dụng bộ máy công an mà họ đào tạo để đe dọa và đàn áp chính người dân của mình, ông Phil Robertson kết luận.

Lê Đình Quản tội gì?


Ngày 3/10, công an đã đến lục soát 4 địa điểm làm việc của công ty VietnamCredit. Lê Quốc Quyết (là anh trai Lê Đình Quản) cho biết là họ nói công ty này liên quan đến trang Quan Làm Báo. Họ còn nói thẳng với nhân viên là “chúng mày biết rõ rồi chứ, thuế má gì! Mười đầu thằng Mỹ bọn tao còn đánh cho bay chứ nói gì mấy đứa trẻ con mày”.
Ấy vậy mà sáng 30/10/2012, công an đến bắt Lê Đình Quản với lệnh khởi tố vụ án trốn thuế. Thế nhưng, Lê Quốc Quyết cho biết: gần một năm nay thanh tra thuế công ty, họ không tìm ra được gì, chỉ một kết luận có sai phạm về một số thủ tục khai báo thuế và thủ tục mua bán căn hộ. Điều kỳ lạ là tuy cáo buộc tội trốn thuế nhưng mọi khâu từ điều tra, ký giấy triệu tập toàn là người An Ninh Bộ và An Ninh TP.HN thực hiện.
Như vậy, có vẻ như nói công ty VietnamCredit trốn thuế mà không phải trốn thuế. Vậy tội thật của Lê Đình Quản là gì?
Không lý giải được, bèn gọi điện hỏi Luật sư Lê Quốc Quân rằng chú Quản có đi biểu tình hay làm gì trái ý chính quyền không. Quân bảo không, nó chỉ chăm chú làm ăn thôi, nó không thích tham gia các hoạt động như em. Lại hỏi thế chú ấy có viết lách, sáng tác cái gì không, như viết bài hát chống Tàu chẳng hạn? Cũng không.
Lại liên hệ đến Điếu Cày phải đi tù về tội trốn thuế, Trần Khải Thanh Thủy đi tù về tội cố ý gây thương tích, Bùi Thị Minh Hằng đi biểu tình chống Trung Quốc nhưng lại bị đưa đi cải tạo vì tội gây rối trật tự công cộng …
Hay là tội của Lê Đình Quản là tội “em luật sư Lê Quốc Quân”?
31/10/2012
Nguyễn Tường Thuỵ

Búa Liềm mà cũng học đòi Văn Minh

                                                                                         Lẽ thường, danh phải đi đôi với thực, nội dung thì phải đáp ứng được hình thức. Trái với đó thì có nghĩa là trí trá và bịp bợm, điều mà tiền nhân vẫn gọi là “Hữu danh vô thực” vậy. Ví như một con người không có tài cán gì cả, nhưng lúc nào cũng khoe khoang với mọi người là mình giỏi giang xuất chúng. Hoặc có kẻ ngoài miệng thì lúc nào cũng nói mình làm việc thiện, nhưng bên trong lại làm toàn những chuyện tàn ác xấu xa. Quý vị hãy cùng nhau xem, đảng Cộng Sản ở nước ta có thuộc hạng đó không nhé.
Việt Nam ta dưới thời Cộng Sản, người dân toàn được chứng kiến những sự giả dối và bịp bợm. Đến nổi dân ta đã nhiễm cái thói xấu đó tự lúc nào mà không hay, dẫn đến rối loạn hành vi ứng xử và suy thoái giống nòi. Nói về thực trạng đó, các nhà cách mạng Dân chủ hiện nay tuyên bố: “Khắc phục nạn suy thoái kinh tế do chế độ Cộng Sản để lại không khó, mà khó nhất là thay đổi nhận thức và hành vi của người dân đã bị băng hoại”. Mà mấu chốt của cái bệnh rối loạn hành vi này là sự gian dối và chủ nghĩa hình thức.
Điều đó có nguyên nhân sâu xa từ cách thức hành xử của người Cộng Sản.
Chúng ta ai cũng hiểu rằng, người Cộng Sản lời nói không bao giờ đi đôi với việc làm. Họ chỉ cần hình thức để lừa bịp mà không bao giờ quan tâm tới nội dung. Có thể nói, họ là những chuyên gia lừa dối và bịp bợm, những kẻ khoác lác vô tiền khoáng hậu. Nguyên nhân khiến người Cộng Sản trở nên dối trá thì có nhiều, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất là để biện minh cho sự tồn tại phi lý của chế độ Cộng sản. Chính vì vậy mà họ buộc phải nói dối, lâu dần sự giả dối lan rộng và tồn tại dưới đủ mọi hình thức. Và để hợp thức hoá sự lừa dối, người Cộng Sản chỉ còn cách tuyên truyền bằng hình thức.
Ở các nước phát triển, sự văn minh và dân chủ dẫn đến một hệ quả tất yếu: Người dân được hưởng thụ đầy đủ về vật chất và tinh thần, từ đó họ có nhu cầu học tập suốt đời. Nhà nước bảo đảm và khuyến khích điều này. Người dân có quyền dành mọi thời gian cần thiết trong đời để dành cho học tập, kể cả những người già. Họ có thể đến thư viện hay các lớp học miễn phí để tìm hiểu thêm về tri thức. Mới đây, ở ViệtNam chúng ta – một đất nước độc tài, kẻ thù của tự do thông tin – cũng tuyên bố xây dựng một mô hình xã hội học tập suốt đời. Là người yếu bóng vía, tôi suýt ngất xỉu khi nghe Ti-vi nhà nước đưa thông tin này. Rồi tôi tự vấn rằng: Nếu như ViệtNamlà một xã hội học tập suốt đời thì người dân vốn đã nghèo thì nay lại càng kiệt quệ. Vì rằng người đi học phải mất tiền cho nạn chạy bằng chạy cấp, và họ sẽ không có tiền để theo học, vì ở ViệtNamhọc cái gì cũng phải mất nhiều tiền. Ai đó mà chẳng may phải theo học một ngành gì đó, thì chỉ mong học xong để được thoát nạn. Cả gia tài đổ vào việc học, nếu như phải học thêm một vài năm thì đã không chịu nổi, huống chi học tập suốt đời? Và nữa, chế độ độc tài Cộng sản tồn tại được là nhờ ngu dân và lừa dối, nay nếu người dân vì học tập suốt đời mà trở nên thông minh thì làm sao họ còn lừa dối được nữa? Người dân học tập nhiều, thấy được các quyền của mình mà đấu tranh, thấy được sự phi lý của học thuyết Cộng Sản thì chế độ này sụp đổ là cái chắc. Vì vậy mà ở đâu thì được, chứ ViệtNamthì nhất định không thể có một xã hội học tập suốt đời. Chừng nào chế độ Cộng Sản còn tồn tại thì tôi còn dám khẳng định chắc chắn như vậy.
Như vậy thì có khác gì Trưởng Giả học làm sang, phải không quý vị?
Các tổ chức xã hội được hình thành là do nhu cầu tự thân của người dân. Họ lập nên các tổ chức và tự điều hành hoạt động. Tổ chức tồn tại là để bảo vệ – phát triển các quyền và lợi ích của thành viên, để các thành viên sinh hoạt và giao lưu với nhau. Ngoài điều đó ra thì các tổ chức không có mục đích chính đáng nào khác. Nay nhà nước ViệtNam- một kẻ chuyên tôn thờ chủ nghĩa hình thức – lại cũng bắt chước điều này. Đảng Cộng Sản tự thành lập nên các tổ chức xã hội và tự mình lãnh đạo. Như vậy mới ngộ chứ, thành ra tự nhiên người dân bị cướp đi cái quyền chính đáng của mình. Sau khi tự mình thành lập các tổ chức, đảng Cộng Sản cho những kẻ lâu la của mình đóng giả người dân để sinh hoạt trong đó. Vậy là trước cộng đồng thế giới, ViệtNamnào có kém ai, cũng có các tổ chức xã hội đầy đủ cả. Như thế thì ViệtNamlà một quốc gia tiến bộ – văn minh rồi còn gì? Ai còn nói gì được nữa nào? Ai dám lên án chế độ Cộng Sản đàn áp dân chủ, vi phạm nhân quyền nào? Nếu người nào lên tiếng phản đối điều đó, thì bị những kẻ nhân danh các tổ chức xã hội bao vây và hành hung tập thể ngay, có ba đầu sáu tay cũng khó mà chống đỡ. Thế là một căn bệnh hình thức nữa đã được thiết lập, mà nội dung thì không có gì cả. Để các tổ chức này hoạt động thì người dân phải đóng góp tiền bạc. Vậy người dân phải nuôi những tổ chức không hề đại diện cho mình, mà ngược lại còn để trói buộc bản thân, ở đâu có chuyện tương tự như thế nhỉ?
Biểu tượng của Đảng Cộng Sản là lá cờ búa liềm, có nghĩa là họ đại diện cho giai cấp Công Nhân và Nông dân. Ấy vậy mà từ khi cầm quyền, chưa thấy đảng Cộng Sản đại diện hay bảo vệ gì cho hai giai cấp này cả, mà ngược lại ngày càng thấy họ bị bóc lột nặng nề. Ngay cái biểu tượng này cũng đã mâu thuẫn giữa nội dung và hình thức rồi. Mà cái biểu tượng này lại đi lãnh đạo xã hội, thì thử hỏi làm sao mà không mâu thuẫn cho được cơ chứ?
Khi mình không có khả năng làm một việc gì đó mà cũng bắt chước thì gọi là học đòi. Thấy đất nước người ta có các tổ chức Từ Thiện thì nhà nước Việt Nam cũng tổ chức làm từ thiện. Về hình thức thì giống nhau, thậm chí ở Việt Nam còn hoành tráng và đẹp đẽ hơn nhiều, nhưng bản chất thì hoàn toàn khác xa. Quý vị có biết vì sao không? Vì kiểu làm từ thiện ở Việt Nam người ta vẫn gọi là “Lấy xôi làng đãi ăn mày”. Nhà nước lấy tiền của người dân rồi lại bố thí cho dân. Không những vậy, nhân dịp này họ còn tham ô – tham nhũng, chứ tiền đến được tay người nghèo chỉ có vài đồng bạc cắc. Cũng thật thú vị cho cái chế độ Cộng Sản này.
Như vậy thì đâu còn là danh đi đôi với thực,  nội dung gắn liền với hình thức nữa. Thực là:
Búa Liềm mà cũng học đòi Văn Minh.
                                                                                          30.10.2012 
  Minh Văn

Kinh Tế Chìa Khóa Vào Bạch Ốc!

Tác giả :Vi Anh
Từ đầu mùa tranh cử, vấn đề kinh tế trước sau như một là vấn đề dân chúng và cử tri Mỹ thiết tha nhứt.

Thăm dò mới đây của ABC News/Washington Post công bố ngày 26 tháng 10, sau nhiều ngày ngang ngửa 47% với Ô. Obama, sau cuộc tranh luận lần thứ ba thua về ngoại giao, nhưng nhờ lợi thế kinh tế, Ô. Romney đã vọt lên 50%,  trên phạm vi toàn quốc. Tin còn cho biết, Ô. Romney sẽ đọc  một bài diễn văn quan  trọng về kinh tế, tại tiểu bang Iowa là tiểu bang cử tri đang cầm chìa khóa của Toà Bạch Ốc trong kỳ bầu cử này. Phát ngôn viên của Ông Romney nói qua bài diễn văn, Ô. Romney  sẽ “lập luận đúc kết,” nói rõ những khác biệt giữa ông với Ô Obama trong các vấn đề kinh tế.
Như đã biết từ ngay khi cuộc tranh cử tổng thống bắt đầu, vấn đề kinh tế là vấn đề chánh trong cuộc  tranh cãi trong các cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Cộng Hoà và trong cuộc tranh cử của hai ứng cử viên tổng thống của hai đảng Cộng Hoà và Dân Chủ, Romney và Obama.
Sau một loạt bốn cuộc tranh luận, ba của hai ứng cử viên tổng thống, một của hai ứng cử viên phó tổng thống, vấn đề kinh tế vẫn là vấn đề nổi bật nhứt, luôn được nhắc đi nhắc lại, ngay trong  vấn đề đối nội, đối ngoại, an sinh xã hội hay văn hoá giáo dục.
Còn ngoài xã hội, kinh tế là yếu tố chánh dân chúng đánh giá tài thao lược, tính hữu hiệu, kinh nghiệm kinh tế tài chánh của hai ứng cử viên.
Lấy một thí dụ nhỏ về xăng dầu lên giá. Khi xăng dầu lên giá thì uy tín tổng thống xuống. Như kỳ rồi khi xăng lên giá, dân chúng Mỹ  hướng về Toà Bạch Ốc và nhìn TT Obama để đánh giá khả năng điều hành việc nước, chuyện dân.
Dù thực tế bên trên thị trường xăng dầu, TT Obama là tổng thống nhưng hầu như không có  bao nhiêu ảnh hưởng đối với các đại công ty xăng dầu trong việc lên giá. Nhưng trên công luận mỗi lần xăng lên giá, là trăm dâu đổ đầu tằm, người bình dân thường đổ cho tổng thống, xăng dầu giá lên thì uy tín tổng thống xuống.
Nên xăng lên giá trong mùa bầu cử thì TT Obama đổ mồ hôi trán, rán mồ hôi lưng giải thích với dân chúng. Và những nhân vật Cộng Hòa đối lập được một cơ hội bằng vàng để phê bình chỉ trích tổng thống tơi bời. Truyền thông đại chúng tiếp tay, mở cuộc thăm dò, cho thấy xăng giá lên uy tín tổng thống xuống, như là tương quan nhân quả vậy.
Theo một cuộc thăm dò do hệ thống truyền hình ABC News và báo Washington Post thực hiện, kết quả công bố trên công luận vào ngày Chủ Nhựt 11 tháng Ba năm nay, mức được lòng dân của TT Obama xuống dưới 50% sau khi giá xăng lên. Việc này  làm những ứng cử viên Cộng Hòa đối thủ  với tổng thống Obama thêm hy vọng. Cộng Hòa đối lập chỉ trích TT Obama, cho rằng chính sách của Ông làm cho xăng dầu lên giá.
Nhận định của thăm dò, giá xăng lên bất lợi cho người nghèo hơn người giàu. Những người lương  dưới $50,000 một năm, những người không phải da trắng hay những người da trắng không có bằng đại học lãnh đủ hậu quả tai hại của xăng lên giá.
Những người thực hiện thăm dò nhận định nếu ngay ngày công bố thăm dò là Chủ Nhựt 11 tháng Ba, cuộc bầu cử xảy ra thì 49%  cử tri sẽ bầu cho Cựu Thống Đốc Mitt Romney, lúc bấy giờ là ứng cử viên Cộng Hòa đang dẫn dầu so với ba ứng cử viên khác trong các cuộc bầu sơ bộ và hội chọn (caucuss) của Đảng Cộng Hòa. Trong khi đó TT Obama chỉ được 47%.
Hiện tượng chấn động xăng lên giá trở thành đề tài chánh của các ứng cử viên Cộng Hòa tập trung tấn công TT Obama. Hầu như suốt 1 tháng ngày nào giá xăng cũng tăng nhích lên một chút. Và cuộc tấn công của những ưng cử viên Cộng Hòa cũng theo nhịp độ và cường độ đó tại các cuộc tranh luận của chuẩn ứng cử viên Cộng Hòa.
Đề tài xăng lên giá trở thành đề tài tranh cử gai góc và gay go cho TT Obama.  Xăng tăng từ từ  trên giá trung bình tòan quốc 3,67 dollars, đến Cali đông dân nhứt nước Mỹ lên cao nhứt trên 4 Đô la.
Nên gần đây người ta thấy Ô Romney chỉ thắng Ô. Obama một hiệp, hiệp đầu về đối nội và thua Ô. Obama hai hiệp chót về đối ngoại, an ninh, nhưng Ô. Romney vẫn được lòng dân, tỷ lệ tăng ngoài xã hội trong hai tuần lễ chót vô cùng quan trọng trong cuộc vận động tranh cử. Vì trong bầu cử tổng thống Mỹ,chính sách đối ngoại không có vai trò gì đáng kể nhứt là trong thời kỳ kinh tế suy thoái như bây giờ. Kinh tế xuống tạo ra những thiệt hại sát nách người dân như bị thất nghiệp, bị ngân hàng kéo nhà trừ nợ, vật giá gia tăng. Vấn đề cơm ăn, áo mặc, gạo tiền, nhà cửa, việc làm, nói gọn là vấn đề kinh tế là những vấn đề người dân và cử tri thấm thía, thiết tha nhứt.
Nên sau cuộc tranh luận cuối cùng về ngoại giao và an ninh, Ô. Obama thắng Ô Romney trên truyền hình nhưng ngoài xã hội, trên đường phố, trong cơ xưởng, văn phòng, nhà ở của cuộc sống thực tiễn, hàng ngày, Ô. Romney vẫn còn là mối đe dọa của Ô. Obama. Ô Romney vẫn còn được coi là người nổi bật, một nhà kinh doanh có đủ kinh nghiệm, đủ tài thao lược, quyền biến để  vực dậy nền kinh tế Mỹ.
Nên sau trận tranh luận thư ba về ngoại giao, Ô. Romney thua về ngoại giao trong tranh luận trên truyền hình mà thắng Ô, Obama, vọt lên ngoài dân chúng trong xã hội Mỹ như thăm dò của ABC News/Washington Post cho thấy ngày 26 tháng 10, Ô Romney hơn Ô. Obama 5% trên toàn quốc.
Vào lúc cử tri Mỹ càng ngày càng nghĩ kinh tế là điều thiết tha nhứt, nhưng gần bốn năm chấp chánh của Obama kinh tế Mỹ không lên mà còn xuống. Ô. Obama không có một chương trình nào hữu hiệu để vực dậy. Việc đổ tội cho chính phủ cuả Bush nghe không thông vì Ông Obama có cả gần bốn năm mà không làm cho tình hình kinh tế khá hơn. Thất nghiệp cứ triền miên trên dưới 8%. Mỹ cứ thiệt thòi, thiệt hại khi giao thương và tương quan kinh tế với TC, TC cứ cứơp công ăn việc làm của người Mỹ, thao túng tiền tệ Mỹ khiến người Mỹ mất việc làm, bị ăn cấp bản quyền, không cạnh tranh nổi, khiến cán cân thương mại nghiêng về phía TC.
Powered By Blogger