Thursday, January 19, 2012

Vụ kiện internet ở Ấn Độ nêu bật vấn đề tự do diễn đạt

Ấn Độ là nước có số người sử dụng internet nhiều hàng thứ ba thế giới, sau Trung Quốc và Hoa Kỳ

Tại Ấn Độ, các đại công ty internet như Google và Facebook đang ra sức chống lại một vụ kiện sau khi chính phủ ở đây cho phép truy tố các công ty này về nội dung trên các website của họ mà nhà chức trách xem là phạm pháp. Vụ án này nêu bật vấn đề tự do ngôn luận ở quốc gia dân chủ lớn nhất thế giới này. Từ New Dehli, nơi vụ kiện đang được tòa án xem xét, thông tín viên Anjana Parischa của đài VOA gởi về bài tường trình sau đây.

Đơn kiện hình sự - do viên chủ biên của tuần báo Akbari ở New Dehli đệ nạp, tố cáo 21 công ty internet vi phạm luật lệ Ấn Độ. Ông Vinay Rai cho rằng những tài liệu trên mạng của các trang web đó có thể khích động những vụ xung đột vì lý do tôn giáo.

Theo lời ông Rai, các đồng sự của ông nói cho ông biết là những hình ảnh của Tiên tri Muhammad có thể xúc phạm người Hồi giáo. Ông nêu lên những hình ảnh và các bài viết có thể gây tổn thương cho tình cảm của người Ấn Độ giáo và người Cơ đốc giáo. Ông muốn các công ty internet kiểm tra nội dung trước khi cho đăng tải những tài liệu như vậy.

Hai công ty Google và Facebook đã yêu cầu Tòa Thượng thẩm New Dehli bác bỏ đơn kiện chống lại họ. Trong đơn chống án, hai công ty này nói rằng không thể nào lọc hết những nội dung hoặc ngăn không cho người sử dụng đăng tải tài liệu của họ trên mạng.

Ông Vinay Rai đã nộp đơn kiện sau khi chính phủ cho biết họ chấp thuận việc truy tố. Sự chấp thuận chính thức này được loan báo nhiều tuần sau khi chính phủ đưa ra một đòi hỏi tương tự.

Bộ trưởng Viễn thông Kapil Sibal đã yêu cầu các đại diện của các công ty internet xây dựng một cơ chế tự nguyện để loại bỏ những tài liệu gây xúc phạm ra khỏi internet. Ông Sibal yêu cầu như vậy sau khi đưa cho các đại diện này xem những bức hình và tài liệu xúc phạm Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh và lãnh tụ đảng Quốc Đại Sonia Gandhi. Ông Sibal cho biết các công ty này không chịu hợp tác.

Vụ kiện trước tòa và những đòi hỏi của chính phủ đã tạo ra sự lo ngại về nạn kiểm duyệt internet tại quốc gia dân chủ lớn nhất thế giới này.

Các tổ chức tranh đấu nói rằng vụ tranh chấp giữa nhà chức trách và các websites đã bắt đầu âm ỉ từ âm ngoái, khi Ấn Độ siết chặt những luật lệ để ngăn chận những nội dung bị cho là không tốt. Dân chúng và giới chức chính phủ có thể yêu cầu các websites ngăn chận những tài liệu bị xem là phạm pháp và trang web nào không tuân hành trong vòng 36 giờ đồng hồ có thể bị phạt hoặc bị cầm tù tới 7 năm.

Ông Sunil Abraham, thuộc Trung tâm Internet và Xã hội, nói rằng những luật lệ này có thể phương hại tới những hoạt động tự do tranh luận và thảo luận trên mạng.

Ông Abraham nói: "Những hạn chế này rất mơ hồ. Nó cho phép phía tư nhân được đòi thực hiện những cuộc trắc nghiệm có tính cách chủ quan và chúng tôi dự đoán là nó sẽ có ảnh hưởng rất xấu đối với quyền tự do diễn đạt trên mạng. Chính sách ở Ấn Độ đang đi theo một chiều hướng rất đáng lo ngại."

Ông Abraham nêu ra rằng một cuộc nghiên cứu mới đây của tổ chức ông cho thấy hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ, khi đối mặt với mối rủi ro bị phạt nặng, đã loại bỏ những nội dung mà họ được yêu cầu ngay cả trong trường hợp những nội dung đó không phạm pháp hoặc không gây tranh cãi.

Chính phủ Ấn Độ nhất mực cho rằng mục tiêu của họ là không xâm phạm quyền tự do ngôn luận, một quyền cơ bản được qui định trong hiến pháp dân chủ của nước họ. Sau cuộc họp với các công ty internet hồi tháng trước, Bộ trưởng Viễn thông Kapil Sibal đã phát biểu như sau.

Ông Sibal nhận xét: "Chính phủ này không chủ trương kiểm duyệt. Chính phủ này không chủ trương can thiệp trực tiếp hay gián tiếp tới quyền tự do báo chí, và chúng tôi đã luôn luôn chứng tỏ như vậy."

Ấn Độ có một nền báo chí sinh động và hoạt động truy cập internet phần lớn là tự do, không như ở Trung Quốc. Tuy nhiên, vì đã nhiều lần xảy ra những vụ bạo động tôn giáo, giới hữu trách Ấn Độ lâu nay đã chật vật tìm cách cân bằng giữa quyền tự do ngôn luận với nhu cầu không gây hiềm khích giữa các nhóm tôn giáo khác nhau. Ấn Độ là một trong những nước đầu tiên ra lệnh cấm cuốn “Những vần thơ của quỉ Sa tăng” của nhà văn Salman Rushdie.

Những cuốn sách và những bài viết khác cũng đã bị cấm. Nhiều lệnh cấm bị kiện ra tòa và một số đã bị đảo ngược.

Giờ đây trọng tâm của vấn đề được đặt vào internet và câu hỏi được nêu lên là có nên và có thể kiểm duyệt trang mạng toàn cầu hay không.

Báo chí Ấn Độ trích dẫn phát biểu của vị thẩm phán thụ lý vụ án này cảnh báo các websites rằng Ấn Độ, cũng giống như Trung Quốc, có thể bị buộc phải ngăn cấm một số websites nếu những địa điểm này không áp dụng những phương cách để sàng lọc và loại bỏ những tài liệu phạm pháp.

Tuy nhiên, ông Abraham của Trung tâm Internet và Xã hội hy vọng rằng tựï do internet rốt cuộc sẽ giành được thắng lợi.

Ông Abraham cho biết: "Tôi nghĩ rằng ngành hành pháp của Ấn Độ luôn luôn có lập trường bảo thủ trong vấn đề tự do diễn đạt. Thông thường các tòa án Ấn Độ là nơi bảo vệ quyền tự do diễn đạt, dựa váo các án lệ. Vì vậy chúng tôi nghĩ rằng vụ án hiện nay đang nằm ở một nơi thích đáng, và chúng tôi tin là, cũng như trong quá khứ, ngành tư pháp của Ấn Độ sẽ đứng về phía của tự do diễn đạt."

Với số người sử dụng trượt mạng lên tới 100 triệu, Ấn Độ là nước có số người sử dụng internet nhiều hàng thứ ba thế giới, sau Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Ấn Độ và Trung Quốc đã đồng ý hợp tác để tránh xung đột biên giới

Ấn Độ và Trung Quốc đã đồng ý hợp tác để tránh gây ra xung đột và bảo đảm hòa bình dọc theo vùng biên giới Himalaya có tranh chấp.

Ông S. Jaishankar, đại sứ Ấn Độ tại Trung Quốc, và ông Lưu Kiến Dân, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đã ký thỏa thuận tại New Delhi lập một ủy ban điều hành vùng biên giới.

Thỏa thuận kêu gọi cả hai nước cố gắng duy trì “hòa bình và tình trạng yên tĩnh” dọc theo vùng biên giới, và thực hiện “thông tin kịp thời” về những sự cố tại vùng này. Ủy ban mới sẽ gặp nhau một hoặc hai lần mỗi năm.

Thỏa thuận được ký hôm thứ Ba sau nhiều ngày hội họp giữa các giới chức Ấn và Trung Quốc.

Ấn Độ và Trung Quốc, hai nền kinh tế mới trỗi dậy lớn nhất, đã từng có nhiều bất đồng, kể cả những cuộc tranh chấp biên giới chưa giải quyết. Vào năm 1962, một trận chiến ngắn ngủi nhưng đẫm máu đã xảy ra giữa hai nước.

0 comments:

Powered By Blogger