Friday, January 20, 2012

Hoa Kỳ Gặp Hội Phong Vân?

Đây Là Vận Hội của Hoa Kỳ Nếu Washington Không Để Vuột Mất

Joel Kotkin – PBD dịch

Image by AFP/Getty Images via @daylife

Đại đa số người Mỹ tin rằng đất nước này đang đi lầm đường, và, theo kết quả Thăm Dò Pew 2011, gần như đa số người Mỹ cảm thấy là Trung Cộng đã vượt qua Hoa Kỳ về sức mạnh kinh tế.

Các quan điểm này phản ảnh quan điểm của giới bình luận, cả hữu lẫn tả, nhận xét là Hoa Kỳ đang trên đường suy thoái không thể tránh được. Nhưng thực tế lại khác hẳn. Các khuynh hướng về kinh tế, nhân khẩu và chính trị mà ít người để ý đã đồng loạt hội tụ để đưa Hoa Kỳ vào một vị thế thuận lợi hơn nhiều so với những nước đối thủ. Thay vì chấm dứt tư thế vượt trội, Hoa Kỳ rất có thể đang bước vào thời kỳ phục hưng.

Chỉ cần xem xét qua tình hình thế giới. Cuộc khủng hoảng kéo dài của Liên Minh Âu Châu có thể sẽ khiến cho vùng này còn suy thoái thêm nữa. Nhật Bản già nua thì đã hết thời từ lâu, tỷ lệ chiếm hữu thị trường của họ sụt giảm trong mọi lãnh vực từ xe hơi cho đến kỹ thuật cao. Nền kinh tế tăng trưởng vượt bực đáng nể của Trung Cộng đã chậm lại, và Trung Quốc(1) đang bị bất ổn xã hội, môi trường bị thoái hóa và một chế độ độc tài độc đảng thì run rẩy kẽo cà kẽo kẹt.

Tuy Hoa Kỳ có các khó khăn riêng của mình, nhưng đất nước này ở vào một vị thế có thể tiến xa vững chắc và dài hạn hơn các đối thủ ở Âu Châu và Á Châu. Tuy nhiên, Hoa Kỳ thiếu giới lãnh đạo chính trị vững mạnh có khả năng bắt lấy cơ hội này.

Các Nguồn Tài Nguyên

Năng lượng là ưu thế ngầm lớn nhất của Hoa Kỳ. Trong gần nửa thế kỷ nay, phí tổn khổng lồ về nhiên liệu hóa thạch mà giờ vẫn còn chiếm 40% mức thâm thủng mậu dịch của đất nước này đã gây trở ngại cho việc tăng trưởng kinh tế. Nay thì tình thế đó đang thay đổi nhanh chóng.

Nhờ tìm ra các trữ lượng mới to lớn và kỹ thuật khai thác đã cải tiến, Hoa Kỳ nay là nước sản xuất khí đốt thiên nhiên lớn nhất thế giới và đến năm 2017 có thể trở thành nước sản xuất dầu hỏa hàng đầu. Trữ lượng khí đốt thiên nhiên — nhiên liệu cháy sạch sẽ — được ước tính đủ cung cấp cho 100 năm và có thể tạo ra hơn 1,5 triệu việc làm mới trong hai thập niên tới đây.

Lãnh vực nông nghiệp của Hoa Kỳ cũng phát triển mạnh, với lượng xuất cảng lên tới mức kỷ lục là 135,5 tỷ $ trong năm 2011. Trước nhu cầu của thế giới đang tăng, tất cả những vùng nông nghiệp màu mỡ của Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tăng trưởng lâu dài .

Chế Tạo

Lãnh vực thay đổi lớn khác là chế tạo. Như Tổng Thống Barack Obama đã nhìn nhận, đây là “vận hội” của Hoa Kỳ để đưa ra đề xướng kỹ nghệ. Các hãng chế tạo của Hoa Kỳ đã tuyển dụng thêm công nhân trong hai năm liên tiếp, và họ đã gia tăng sản lượng trong khi Nhật Bản, Đức, Trung Cộng và Ba Tây đã giảm bớt.

Một cuộc thăm dò ý kiến các CEOs(2) của các hãng chế tạo mới đây cho thấy là 85% tin rằng các cơ sở sản xuất sắp chuyển từ ngoại quốc về đây. Các hãng chế tạo quốc ngoại lẫn quốc nội đều lo lắng về mức lương gia tăng và tình trạng bất ổn lao động tại Trung Cộng. Một số công ty quan trọng của Nhật, Đức và Triều Tiên cũng đã tỏ ra lo ngại về các chính sách của Trung Cộng thiên vị các hãng địa phương và tước đoạt kỹ thuật của công ty đầu tư.

Đầu Tư của Ngoại Quốc

Mức gia tăng đầu tư của ngoại quốc phản ảnh khả năng cạnh tranh mới của Hoa Kỳ. Kể từ năm 2008, mức đầu tư của ngoại quốc trực tiếp vào Đức, Pháp, Nhật và Triều Tiên đã đình trệ; trong năm 2009 tổng số đầu tư vào E.U.(3) đã giảm 36%.

Ngược lại trong năm 2010, mức đầu tư của ngoại quốc vào Hoa Kỳ đã tăng 49%, phần lớn là từ Canada, Âu Châu, và Nhật Bản. Mức đầu tư kỹ nghệ đã tăng 30 tỷ $ chỉ trong thời gian từ 2009 đến 2010, trong khi đầu tư vào lãnh vực năng lượng tăng hơn gấp ba lên đến 20 tỷ $.

Lãnh Vực Thông Tin

Trong lãnh vực thông tin, vị thế lấn áp của Hoa Kỳ vẫn tiếp tục gia tăng, ngược với những lời tiên đoán sẽ suy thoái trong hai thập niên qua. Tuy hoạt động chế tạo kỹ thuật cao đã chuyển phần lớn sang Á Châu, Hoa Kỳ vẫn đứng đầu trong lãnh vực nhu liệu sách lược ngày càng gia tăng. Các công ty tại Hoa Kỳ, chiếm hơn hai phần ba số 500 công ty nhu liệu lớn nhất của thế giới, gồm chín trong mười công ty hàng đầu.

Bên ngoài Hoa Kỳ, không có công ty nào có thể được gọi là tương đương với Apple, Google, Microsoft, Amazon và Facebook. Về phần Hollywood thì đã thống trị thế giới giải trí, sản xuất 40% lượng xuất cảng của thế giới về các sản phẩm thính thị, một lãnh địa khiến Chủ Tịch Hồ Cẩm Đào của Trung Cộng phải băn khoăn và mới đây có ta thán là “các lãnh vực văn hóa” là “lãnh vực tập trung” của làn sóng “xâm nhập” của Tây Phương.

Nhân Khẩu

Tình trạng Đại Suy Thoái đã làm giảm mức gia tăng dân số khắp nơi, nhưng Hoa Kỳ vẫn có được yếu tố nhân khẩu trẻ nhất và sinh động nhất so với bất cứ quốc gia tiên tiến nào. Từ năm 1980 đến 2010, dân số Hoa Kỳ đã tăng thêm 75 triệu để lên hơn 300 triệu. Ngược lại, nhiều quốc gia Âu Châu, kể cả Đức, đã đình trệ mức gia tăng dân số, trong khi dân số tại Nga và Nhật đã bắt đầu sụt giảm.

Hệ lụy tai hại về tài khóa từ tình trạng chậm gia tăng dân số hoặc sụt giảm dân số đã biểu lộ rõ rệt tại Hy Lạp, Tây Ban Nha và Ý, tất cả những nước này đều thuộc số những nước có tỷ lệ sinh sản thấp nhất thế giới. Dân số Đức cũng sắp sửa già đi nhanh chóng. Tính đến năm 2030, Đức sẽ có 48 người hồi hưu cho mỗi 100 công nhân — tức là gần hai công nhân cho mỗi người hồi hưu. Các con số này còn tệ hơn ở Nhật: 53 người hồi hưu cho mỗi 100 công nhân tính đến năm 2030.

Các Yếu Tố Chính Trị

Vì hai chính phủ vừa qua tại Hoa Kỳ kém khả năng nên khó có ai cảm thấy sốt sắng nồng nhiệt về hệ thống chính trị của Hoa Kỳ. Nhưng các hệ thống luật pháp và kiểm soát quyền hành trung ương theo hiến định của chúng ta vẫn là một lợi thế quan trọng. Mức di trú đã giảm đi trong thời kỳ suy thoái nhưng Hoa Kỳ có thể sẽ đón nhận số dân lưu vong vì tôn giáo và chính trị — chẳng hạn như những người Công Giáo ở Trung Đông bị ly tán vì “Mùa Xuân Ả Rập” — cũng như dân Hy Lạp và Ái Nhĩ Lan muốn di cư vì tình trạng suy thoái kinh tế của Âu Châu.

Nhiều dân ở Nga và Trung Cộng đang xin di trú sang Hoa Kỳ, Canada hoặc Úc để bảo vệ tài sản của họ hoặc chỉ để sống một cuộc sống tự do hơn. Thật ra, trong số 20.000 người Hoa có lợi tức hơn 100 triệu đồng Nguyên (15 triệu đô la), thì 27% đã di cư và thêm 47% nữa nói rằng họ đang nghĩ đến chuyện này, theo một phúc trình của Ngân Hàng Thương Gia Trung Quốc và hãng tham vấn Bain & Co. của Hoa Kỳ ấn hành hồi Tháng Tư.

Washington Cần Có: Một Sách Lược Mới của Hoa Kỳ

Tiếc thay, không có chính khách hay chính đảng hàng đầu nào có vẻ sẵn sàng tận dụng các lợi thế mới về sách lược. Nhiều người thiên tả có thể xem chính những chuyện này là đáng khinh, sau khi đã bú sữa mẹ của giới văn hóa học thuật của họ mà nuốt hết thuyết suy thoái(4). Chính tổng thống đã không thích ý niệm “phi thường” của Hoa Kỳ. Nhiều người ủng hộ cho Obama như cựu chủ tịch công đoàn SEIU(5) Andy Stern và cựu cố vấn trưởng ngành xe hơi thuộc Bộ Ngân Khố Hoa Kỳ là Steven Rattner, lại cho là hệ thống chuyên chế độc tài của Trung Cộng vượt trội hơn. Những người khác lại chuộng áp dụng mô hình Âu Châu và ngay cả Nhật Bản cho một siêu cường về già.

Tệ hơn nữa: Một số chính sách của Obama lại tác hại đến các nguồn sinh lực phục hưng quốc gia. Mối đe dọa tăng thuế lợi tức đối với các gia đình có lợi tức hơn 250.000$ đe dọa trực tiếp đến giới doanh thương đang muốn vươn lên hơn là giới thực sự “giàu có” mà của cải họ đã được bảo vệ nhờ mức thuế thấp trên lợi nhuận thu được từ mức vốn tăng thêm và các tín quỹ gia đình do họ lập ra. Yếu tố quan trọng nhất: thái độ chống đối nhiên liệu hóa thạch của chính phủ này là mối đe dọa trực tiếp đến nguồn lợi thế mới lớn nhất của đất nước này và đe dọa bóp nghẹt khả năng phục hồi đang chớm nở của Hoa Kỳ.

Đảng Cộng Hòa cũng không biết gì hơn. Nhiều người bác bỏ công cuộc xây dựng hạ tầng cơ sở cần thiết cho một nền kinh tế đang tăng trưởng — cảng, đường, cầu cũng như huấn luyện công nhân và yểm trợ công cuộc nghiên cứu cơ bản — mà cho đó chỉ là những chuyện “xôi thịt” bè phái. Dĩ nhiên là cần phải kiểm soát ngân sách và có kỷ luật về tài khóa, nhưng muốn chuẩn bị cho đất nước này tăng trưởng kinh tế nhanh hơn thì cần phải có một chính phủ tích cực yểm trợ.

Đảng Cộng Hòa cũng thường xem vấn đề di trú như là một loại xâm lăng thù nghịch. Nhưng nhiều kỹ nghệ then chốt — nhất là kỹ nghệ chế tạo và kỹ thuật cao — lại trông cậy rất nhiều vào khả năng xoay sở, trí thông minh và các giá trị lao động của di dân. Chống lại di trú chính là công kích yếu tố nhân khẩu ngày càng đa dạng của đất nước này.

Do đó, tình hình hiện nay của chúng ta là như thế. Đã có sẵn các yếu tố thiết yếu để hồi phục mạnh mẽ, lâu bền, và câu hỏi chính ở đây là liệu chúng ta có tìm được các lãnh tụ chính trị có khả năng khai thác tiềm năng phi thường của đất nước này hay không mà thôi.

Source: http://www.forbes.com/sites/joelkotkin/2012/01/19/this-is-americas-moment-if-washington-doesnt-blow-it/

______________________________

Chú thích của người dịch:

(1) Middle Kingdom, tức Trung Cộng

(2) Chief Executive Officers (Tổng Giám Đốc Điều Hành)

(3) European Union (Liên Minh Âu Châu)

(4) Những chuyện “sữa mẹ văn hóa học thuật” với “nuốt ừng ực” ở đây là có ý nói rằng những người này cứ nhắm mắt theo đuôi giới học giả mà chấp nhận quan điểm kết luận là Hoa Kỳ đang trên đường suy thoái.

(5) Service Employees International Union (Công Đoàn Quốc Tế của Nhân Viên Dịch Vụ)

0 comments:

Powered By Blogger