Thursday, January 19, 2012

Bia đá, bia miệng





Tác Giả: Đinh Từ Thức

Trăm năm bia đá thì mòn, Nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ


Tượng đài Martin Luther King, Jr. (Washington, D.C.)

Bia đá mòn, bia miệng còn, tưởng chỉ là truyện trong ca dao Việt Nam, nhưng là chuyện đã xẩy ra tại thủ đô Washington, dịp sinh nhật Martin Luther King Jr. ngày 15 tháng 1, 2012.

Trong lịch sử Hoa Kỳ, chỉ có một tổng thống mà ngày sinh nhật được coi là quốc lễ, ngày nghỉ của toàn dân, là Tổng Thống đầu tiên George Washington. Một người thường dân duy nhất, từng lãnh đạo phong trào tranh đấu đòi dân quyền cũng được vinh dự này, là Mục sư Marin Luther King Jr. Nước Mỹ vinh danh người dân tranh đấu ngang hàng với cha già dân tộc.

Tại Thủ đô Liên bang, Đài Tưởng niệm George Washington là ngọn tháp bằng đá cao 555 feet (gần 170 mét), thường được gọi là “Cây bút chì”, mất gần 40 năm để hoàn thành và mở cửa cho dân chúng vào thăm năm 1888. Đài Tưởng niệm Martin Luther King Jr. nằm tại bờ Tidal Basin, khoảng giữa các Đài Tưởng niệm Lincoln và Thomas Jefferson, là pho tượng ông đứng khoanh tay, được tạc vào tảng đá cao 30 feet (gần 10 mét), tách ra phóng tới phía trước từ một khối gọi là “Đá Hy vọng” (Stone of Hope).

Công trình này diễn ra trong hai thập niên, hoàn thành vào tháng Mười 2011, tốn kém 120 triệu đô la, do tư nhân đài thọ.

Giống như tại các đài tưởng niệm tổng thống Jefferson, Lincoln và Roosevelt gần đó, đều có khắc những lời tuyên bố đáng ghi nhớ của các ông trên tường hay bia đá. Trên vách đá bên hông tay trái tượng Mục Sư King có khắc lời tuyên bố của ông:
“I WAS A DRUM MAJOR FOR JUSTICE, PEACE AND RIGHTEOUSNESS” (“Tôi đã là một người dẫn đường cho công lý, hòa bình và lẽ phải”). Ngay trước lễ khánh thành dự trù vào tháng Mười năm ngoái (phải hoãn vì bão tuyết), khi đài tưởng niệm được mở cho công chúng coi lần đầu tiên, đã có những lời dị nghị về câu trích dẫn trên đây.

Trước hết, nữ văn thi sĩ nổi tiếng Maya Angelou, người đã từng sát cánh với Mục Sư King trong công cuộc tranh đấu dân quyền, tuyên bố rằng câu trích lời nói của Mục Sư có vẻ kêu ngạo, tự phụ. Martin Luther King III, con trai của cố Mục Sư cũng lên tiếng “Bố tôi không nói như vậy”. Báo chí và dư luận, phản ảnh bia miệng Thủ Đô, cũng không hài lòng về lời trích dẫn đã được khắc sâu vào bia đá, lên tiếng yêu cầu sửa lại.

Nói rằng lời trích trên đây là của Mục Sư King, cũng đúng. Nói rằng Mục Sư King không nói như vậy, cũng không sai.

Vào năm 1968, hai tháng trước khi bị ám sát, qua một bài giảng tại Ebenezer Baptist Church ở Atlanta, như một lời tiên tri, Mục Sư King nói đến cái chết của mình. Ông nói sau khi ông chết, nếu ai có nói về ông, hãy nói ông từng là “người dẫn đường cho công lý. Hãy nói rằng tôi là một người dẫn đường cho hòa bình. Hãy nói rằng tôi là một người dẫn đường cho lẽ phải. Còn tất cả những chuyện hời hợt khác sẽ không đáng kể.” ("If you want to say that I was a drum major, say that I was a drum major for justice. Say that I was a drum major for peace. I was a drum major for righteousness. And all of the other shallow things will not matter.")

Kiến trúc sư và nhà điêu khắc đồng ý với nhau rằng lời trích dẫn khắc vào đá càng ngắn càng tốt. Lời giảng của Mục Sư gồm 46 chữ, chỉ còn lại 10 chữ: “I was a drum major for justice, peace and righteousness.” Bỏ chữ “Nếu”, câu nói từ điều kiện cách biến sang thể xác định, biến nhà lãnh đạo dân quyền khiêm nhường, yêu công lý và hòa bình thành một người tự cao tự đại. Điều thuận tiện cho bia đá, gặp chống đối trong bia miệng.

Nhân dịp kỷ niệm sinh nhật thứ 83 của Mục Sư King, Bộ Trưởng Nội Vụ Hoa Kỳ Ken Salazar đã chỉ thị cho Sở Công Viên Quốc Gia (National Park Service) phải liên lạc với Cơ sở xây dựng Đài Tưởng niệm và thành viên gia đình Mục Sư King và những người khác, đề quyết định về một lời trích dẫn chính xác hơn, trong thời hạn 30 ngày.
Phần còn lại, có lẽ bia miệng và bia đá phải sống chung với nhau, không biết tới bao giờ.

Người ta thường nói dân chủ với độc tài, tư bản với cộng sản kỵ nhau như nước với lửa. Nhưng có một điểm chung, là cùng tham lợi; có thể cộng tác với nhau khi đôi bên cùng có lợi.

Mục Sư King là biểu tượng của dân quyền, hòa bình, công lý và lẽ phải; ông từng được tặng giải Nobel Hòa Bình. Trung Quốc tượng trưng cho độc tài, bất công, bạo lực, bỏ tù người được giải Nobel Hòa Bình là ông Lưu Hiểu Ba. Nhưng Trung Quốc nhận lời làm Đài Tưởng niệm và nhà điêu khắc Trung Quốc Lei Yixin đảm nhiệm việc tạc tượng Mục Sư King. Người dân Trung Quốc không được truy cập những chữ “nhân quyền”, “tự do, dân chủ”… trên Internet, nhưng cơ xưởng Trung Quốc được tạc pho tượng khổng lồ của Mục Sư King để kiếm tiền.

Hoa Kỳ không ngớt than phiền, công kích Trung Quốc chà đạp nhân quyền và các giá trị tự do dân chủ, nhưng vì tham rẻ, đã quyết định để biểu tượng tranh đấu dân quyền, tinh túy trong nền dân chủ đáng hãnh diện của mình, phô bầy bằng một Đài Tưởng niệm Đá Hy Vọng tới từ Trung Quốc, Martin Luther King Jr. Made in China!
Bia đá Made in China,
Bia miệng Made in USA.

————
Tham khảo:
CNN:
http://www.cnn.com/2012/01/13/us/mlk-memorial-inscription/index.html
Washington Post:
http://www.washingtonpost.com/local/kings-words-all-of-them-to-be-restored/2012/01/13/gIQAvKaRxP_print.html

0 comments:

Powered By Blogger