Sunday, June 12, 2011

Hacker Việt tấn công các trang mạng Trung Quốc

China’s Turn to Be Hacked
Nguồn: http://www.cnsnews.com/news/article/china-s-turn-be-hacked
Tác giả: Patrick Goodenough
06-06-2011
Bản dịch tiếng Việt của ddcnd.org

(CNSNews.com) Trung Quốc, một quốc gia thường xuyên bị cáo buộc là đã tấn công các trang mạng của chính phủ và công ty Tây Phương, có thể đang nếm vị thuốc đắng của chính mình.

Trong những ngày gần đây, các hacker Việt đã xâm nhập vào các trang web chính thức của Trung Quốc để tải các thông điệp nhấn mạnh chủ quyền của Việt Nam trên các hòn đảo giàu dầu mỏ ở biển Đông.

Họ đăng hình một chiến sĩ Hải quân Việt Nam bồng súng đứng trước một tượng đài đã được dựng lên trên một hòn đảo ở Trường Sa do Việt Nam kiểm soát, trên nền của bản đồ của Biển Đông. Một khẩu hiệu, tiếng Anh và Việt Nam, nói rằng các "Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Việt Nam."

Thông điệp cũng nói rằng người dân Việt Nam "sẵn sàng hy sinh để bảo vệ biển, bầu trời và đất nước."


Một trong các tấm hình được các hacker Việt đưa lên mạng Trung Quốc

Các trang mạng bị tấn công trong vài ngày qua, theo các nhà tranh đấu người Việt và các diễn đàn thảo luận trực tuyến Á Châu, là của các chính quyền địa phương như một cơ quan đặc trách phát triển kinh tế ở tỉnh Chiết Giang, một văn phòng nông nghiệp tỉnh Giang Tô và một cơ quan đầu tư ở tỉnh Quảng Châu .

Trung Quốc luôn chối bỏ các cáo buộc là họ tham gia hoặc dung túng các cuộc tấn công trên mạng. Tuần trước, công ty Google báo cáo rằng các tin tặc ở Trung Quốc đã đột nhập vào hàng trăm tài khoản Gmail của các nhà đối kháng Trung Quốc cũng như của chính phủ Mỹ và các quan chức quân sự.

Không rõ các cuộc tấn công các trang mạng Trung Quốc có bắt nguồn từ Việt Nam, một đất nước mà Internet thường được kiểm soát chặt chẽ bởi chính phủ cộng sản, và nơi hàng chục người bất đồng chính kiến trên mạng và các blogger đang bị cầm tù vì gửi trực tuyến các thông tin được coi là chống chế độ.

Đoàn Việt Trung, một nhà lãnh đạo cộng đồng người Việt tại Úc, không tin là chính phủ Việt Nam đã tham gia hoặc khuyến khích các hacker.

"Điều này sẽ gieo vào tâm trí hàng ngàn người Việt có trình độ về Internet ý tưởng rằng họ có thể xâm nhập vào trang mạng và tài sản trực tuyến của chính nhà cầm quyền Việt Nam, và ý tưởng đó rất nguy hiểm cho sự sống còn của chế độ", ông nói với CNSNews.com thứ hai.

"Chế độ này tồn tại nhờ sự kiểm soát tuyệt đối của chính quyền và áp đặt sự sợ hãi lên dân chúng, làm suy yếu bất kỳ điều nào tức là làm suy yếu sự tồn tại của chính họ", Trung nói thêm. "Nỗi lo sợ này được đặt lên trên tất cả các quyền lợi khác".

Trong một dấu hiệu cho thấy sự bất mãn dâng cao của dân chúng Việt Nam với vấn đề tranh chấp lãnh thổ, các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc đã diễn ra tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh (Sài Gòn) vào cuối tuần qua, đã được tổ chức thông qua Facebook và các trang mạng khác.

Mặc dù các cuộc biểu tình hiếm hoi đã diễn ra, Trung nói rằng chế độ rõ ràng tỏ ra không hài lòng. Một số nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng đã bị ngăn không được tham dự, trong khi tại cuộc biểu tình tại Hà Nội, một tướng hải quân đã ra lệnh cho đám đông về nhà - nhưng không thành công.

Trung cho biết ông này đã nói với những người biểu tình, “Mọi người phải tin tưởng vào nhà nước trong đối sách với Trung Quốc trong khi vẫn giữ vững mối quan hệ song phương”

Học sinh tại một trường đại học Sài Gòn đã được lệnh không được tham dự cuộc biểu tình, với lời đe dọa đuổi học. Những lệnh cấm tương tự đã có thể được công bố tại nhiều "cơ quan dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng sản," Trung nói.

Trung nói rằng bất kỳ lợi ích nào mà chính phủ có thể nhìn thấy được từ các cuộc biểu tình đã bị lấn áp bởi nhu cần phải "bảo vệ chế độ".

"Một khi người dân cảm nhận được quyền-lực-nhân-dân, họ sẽ trở nên tự tin hơn và những kẻ bảo vệ chế độ sẽ trở nên thiếu tự tin," ông nói. "Các cuộc biểu tình tiếp theo sẽ có nhiều người tham gia, và mọi chuyện có thể sẽ vuột khỏi sự kiểm soát của chính quyền, nhất là khi người dân cảm thấy rằng chế độ đã hèn nhát đối với Trung Quốc trong khi lại hà khắc đối với người dân [Việt Nam]."

Những tranh chấp nguy hiểm

Các cuộc tấn công của hacker Việt xảy ra tại một thời điểm leo thang căng thẳng ở Biển Đông, nơi mà Bắc Kinh đang vướng vào tranh chấp với đồng chí Cộng Sản Việt Nam, cũng như với Philippines, Malaysia, Đài Loan và Brunei, chủ yếu về vấn đề tài nguyên thiên nhiên trong khu vực mà các đặc khu kinh tế EEZ của các quốc gia chồng chéo lên nhau.

Ngày 26 Tháng 5, ba chiếc tàu Trung Quốc tiến vào vùng biển tranh chấp với Việt Nam và cắt đứt dây cáp nối với các dụng cụ thăm dò dầu khí của một tàu Việt Nam.

Bộ ngoại giao Việt Nam cũng thông báo rằng các tàu hải quân Trung Quốc tuần trước đã bắn cảnh cáo ngư dân Việt Nam ở quần đảo Trường Sa.

Đồng thời Philippines cũng cáo buộc tàu Trung Quốc đã đi vào vùng biển quần đảo Trường Sa thuộc đặc khu kinh tế EEZ Philippines, và lên tiếng báo động về các kế hoạch của Trung Quốc trong việc cài đặt một giàn khoan dầu tiên tiến trong khu vực vào tháng Bảy. Tổng thống Benigno Aquino hôm Thứ Năm cho biết Manila sẽ khiếu nại chính thức với Liên Hiệp Quốc.

(EEZ là khu vực chủ quyền mở rộng 200 hải lý từ bờ biển của một quốc gia, được công nhận theo Công Ước Năm 1982 Của Liên Hợp Quốc Về Luật Biển.)

Sự bành trướng của Bắc Kinh đã được nêu ra trong hội nghị thượng đỉnh an ninh ở Singapore cuối tuần trước, với sự tham dự các của Bộ trưởng quốc phòng trong khu vực, bao gồm cả Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Robert Gates và Bộ Truởng Quốc Phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt.

Bắc Kinh năm ngoái làm tăng thêm căng thẳng bằng một thông báo gởi cho Hoa Kỳ nói rằng họ xem xét Biển Đông là một "lợi ích cốt lõi," một thuật ngữ trước đây chỉ được dành cho vấn đề Tây Tạng và Đài Loan.

Hoa Kỳ đáp lại rằng họ xem vấn đề tự do hàng hải và tôn trọng luật pháp quốc tế ở biển Đông là "lợi ích quốc gia" của chính Hoa Kỳ. Trung Quốc rất tức giận trước việc Hoa Kỳ triển khai tàu chiến trong khu vực, và tuyên bố rằng các quốc gia trong khu vực có thể giải quyết vấn đề mà không cần "sự can thiệp từ bên ngoài."

Trung Quốc chống lại những nỗ lực liên kết của các nước trong khu vực Đông Nam Á trong việc giải quyết tranh chấp. Họ muốn đối mặt với từng quốc gia riêng lẽ, một tư thế mà họ rõ ràng có lợi với sức mạnh và tầm cỡ của mình.

Trong chuyến công du trước hội nghị Singapore, Lương Quang Liệt đã nhắc lại rằng lập trường đó. Trong chuyến thăm viếng Việt Nam và Indonesia, Lương nói rằng "vấn đề biển Nam Trung Quốc không cần quốc tế hóa mà cần được xử lý dựa trên cơ chế song phương," theo Tân Hoa Xã.

Tại Singapore, Gates nhẹ nhàng phản ứng lại, kêu gọi các nước trong khu vực hãy đồng ý với "một cơ chế đa phương" để giải quyết tranh chấp Biển Đông.

Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh An ninh châu Á hàng năm tổ chức bởi Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, ông cảnh báo rằng "nếu không có quy tắc chung," xung đột vũ trang sẽ không thể tránh khỏi, và đều đó "không ích lợi cho ai cả".

Mặc dù quan hệ Mỹ-Trung đã được cải thiện kể từ năm ngoái, Gates đã nói rõ tại Singapore rằng quan hệ tốt không có nghĩa là Hoa Kỳ sẽ hy sinh quyền lợi của mình trong khu vực.

Ngược lại, ông nói, việc hiện đại hóa "hệ thống quân sự của chúng tôi ở Á Châu sẽ được ưu tiên hàng đầu, hay gần trên đầu, trong ngân sách quốc phòng tương lai".

Gates, người sẽ mãn nhiệm cuối tháng này, cũng thông báo rằng Mỹ sẽ triển khai tàu chiến Littoral–loại tàu chiến cơ động nhanh của Hải quân Mỹ được thiết kế cho các hoạt động gần bờ–đến Singapore.

0 comments:

Powered By Blogger